‘Rất khó để dẫn giải ông Trần Bắc Hà’

BBC

9-1-2018

Ông Trần Bắc Hà (trái) trong sự kiện ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm BIDV dịp Tết năm 2015. Ảnh: VGP

Một luật sư bình luận rằng nếu bệnh tình của ông Trần Bắc Hà “nặng đến mức không thể tham gia phiên tòa” thì “dù có dẫn giải cũng không có ý nghĩa gì.”

Chiều 9/1, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông báo đã nhận đơn của ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) “xin vắng mặt tại tòa và giữ nguyên lời khai báo trước đó tại cơ quan điều tra.”

Trước đó, ông Bắc Hà được chờ đợi xuất hiện tại phiên tòa xét xử ông Phạm Công Danh và ông Trầm Bê và 44 “đồng phạm” trong vụ án gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

‘Bệnh ung thư

Đơn của ông Bắc Hà đưa lý do “đang điều trị bệnh ung thư nên không đủ sức khỏe tham dự tòa.”

Cùng thời điểm, báo Người Lao Động cho biết một luật sư ẩn danh “đã đến tòa làm thủ tục để tham gia tố tụng thay ông Trần Bắc Hà”.

Trả lời BBC ngày 9/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty luật Thế Giới Luật Pháp, nói: “Tin trên báo Việt Nam nói tòa án triệu tập ông Trần Bắc Hà tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải là nhân chứng.”

“Theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc có mặt theo giấy triệu tập của người tiến hành tố tụng là một trong các nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Khoản này không cho phép người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đại diện để thực hiện các nghĩa vụ luật định như trong trường hợp thực hiện các quyền quy định tại Khoản 2.”

“Do đó, việc ông Trần Bắc Hà vắng mặt và cử luật sư mình đại diện tham gia tố tụng là không đúng luật.”

“Trước đây, cũng như hiện nay, biện pháp dẫn giải không được áp dụng đối người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chính vì vậy, khi thấy việc tham gia tố tụng không đem đến lợi ích gì cho mình, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường đưa ra rất nhiều lý do để vắng mặt.”

Luật sư Thanh Sơn nhận định: “Hiện tượng này là khá phổ biến chứ không riêng gì đối với ông Hà. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Khoản 11 Điều 466), ông Trần Bắc Hà chỉ có thể bị dẫn giải nếu thỏa mãn ba điều kiện sau:

  • đã triệu tập hợp lệ
  • vắng mặt mà không có lý do chính đáng
  • việc vắng mặt của ông Hà ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án.

“Do đó, với tình hình như hiện nay thì rất khó để dẫn giải ông Hà, trừ khi tòa án thay đổi hoặc bổ sung địa vị tố tụng của ông Hà từ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sang nhân chứng.”

“Nếu ông Bắc Hà bị triệu tập với tư cách là nhân chứng, tòa sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế là dẫn giải đối với ông Bắc Hà.”

“Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để làm việc này là căn cứ vào văn bản của tòa xác định địa vị tố tụng của ông Bắc Hà là gì.”

“Nếu bệnh tình của ông ấy nặng đến mức không thể tham gia phiên tòa được thì đây là lý do bất khả kháng, nên dù có dẫn giải cũng không có ý nghĩa gì.”

“Quan trọng là chỉ định của bác sĩ như thế nào.”

“Việc một người nằm viện điều trị không phải lúc nào cũng dẫn đến việc người ấy không thể tham gia phiên tòa.”

“Nếu việc ông Trần Bắc Hà vắng mặt phiên tòa là xuất phát từ chỉ định của bác sĩ thì đấy là việc bất khả kháng và tòa án cần phải tôn trọng chỉ định ấy.”

“Nếu xét thấy việc vắng mặt của ông Hà sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, tòa có quyền hoãn phiên tòa để chờ ông Hà bình phục.”

Báo Tuổi Trẻ hôm 9/1 cho hay, “liên quan đến đại án Phạm Công Danh, ngày 26/10/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với ba lãnh đạo BIDV gồm ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang và ông Đoàn Ánh Sáng.”

“Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay. Kết quả điều tra thể hiện đến nay chưa đủ căn cứ xác định 3 ông Bắc Hà, Lục Lang và Ánh Sáng và đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh,” báo này viết.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Mấy năm trước thiếu tướng công an Trần Văn Thanh (Đà Nẵng) bị đột quỵ, tê liệt…nằm trên băng ca y tế cũng phải hầu tòa.

    Thằng Trần Bắc Hà vẫn còn đi đứng được, mạnh ù…cớ sao không thể hầu tòa???

    Nếu cho mấy em chân dài “hầu hạ” thì thằng này có từ chối hay không????

Comments are closed.