Tin trong nước
Tin Biển Đông
Trang Trí thức VN có bài: Tại sao ExxonMobil tuyên bố hoãn dự án khoan dầu tại biển Đông ngay trong Hội nghị APEC? GS Alexander Vuving, Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng, “có thể phía Việt Nam đã chủ động yêu cầu ExxonMobil tạm dừng dự án hợp tác“. Ông Vuving nhận định, “Hà Nội đã lựa chọn ‘chiến lược thoái lui’ trên mặt trận kinh tế biển Đông vì lo ngại những bất ổn xã hội trong nước nếu phát sinh mâu thuẫn với Bắc Kinh“.
Trang Nghiên cứu QT có bài: Việt Nam: ‘Nước chiến trường’ trên bàn cờ Biển Đông. Dựa vào câu nói của nhà địa chính trị nổi tiếng, Halford MacKinder, rằng: “Ai kiểm soát được Vùng đất trung tâm, sẽ chỉ huy được đảo-thế giới; ai kiểm soát được đảo-thế giới, sẽ chi phối được cả thế giới”. Tác giả nhận định: “Ai kiểm soát được Việt Nam, sẽ chỉ huy được Biển Đông; ai kiểm soát được Biển Đông sẽ chi phối được khu vực Châu Á”. Và cho rằng, “chừng nào Mỹ-Trung còn cạnh tranh quyền lực ở Biển Đông thì cả hai còn phải coi trọng mối quan hệ của mình với Việt Nam. Đây chính là con át chủ bài của Việt Nam vào lúc này“.
Quan hệ Việt – Trung
Trả lời phỏng vấn đài CRI, ông Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học-xã hội Việt Nam, nói rằng, Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam cũng như thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, “là sự thể hiện quan trọng về ngoại giao nước lớn, xung quanh và đa phương trong bối cảnh thời đại mới, đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Việt – Trung, đã thu được thành quả quan trọng“.
Trang Modern Diplomacy có bài: Vượt trên quan hệ ngoại giao bình thường giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết của GS Wang Li, thuộc trường Đại học Cát Lâm, Trung Quốc với Đỗ Quỳnh Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trường này. Nếu không thấy tên tác giả là người Việt Nam, có thể nói, nội dung bài này không khác gì những bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu Thời báo hoặc Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc.
Facebooker Michael Lê bình luận: “Tôi nhớ rằng cách đây cả 10 năm, trên các forum tiếng Việt, như x-cafe chẳng hạn, đã thấy thỉnh thoảng những comments, thậm chí những bài viết, bóng gió tuyên truyền cho việc kết thân với Trung Hoa để chống lại hoặc ít là cạnh tranh với phương Tây.
Những bài cổ võ cho thuyết ‘Đại Đông Á’ kiểu mới đó, đều viết bằng tiếng Việt khá chuẩn, thành ra chẳng hiểu tác giả là những người Việt thân TQ hoặc tay sai cho TQ, hay chính là những ‘tuyên truyền viên’ người TQ rất giỏi tiếng Việt. Mà dù họ là ai đi nữa, dấu hiệu của một mưu đồ kéo VN lệ thuộc, thậm chí sát nhập vào TQ được tính toán công phu từ rất lâu, đã ngày càng hiện ra rõ“.
South China Morning Post có bài: Vì sao CSVN có thể thân thiện với Mỹ hơn Trung Quốc? Dẫn nguồn từ các cuộc thăm dò, cho thấy, đa số người Việt thích Mỹ và rất ít người Việt thích TQ. Người Việt thích chủ nghĩa tư bản hơn cả người Mỹ. Bài báo viết: “Các cuộc thăm dò của Pew cũng cho thấy, hầu hết người dân Việt Nam – 95% – ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Chưa có nước nào được hỏi ý kiến, mà họ trả lời có con số vượt quá 90%, kể cả Mỹ”.
Vì sao dân Việt thích Mỹ và ghét TQ? Bài báo có đoạn trả lời câu hỏi này như sau: “Nhiều người Việt Nam chỉ ra cuộc xâm lược của Hoa Kỳ kéo dài chỉ có hai thập kỷ, trong khi những căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc thì dai dẳng hàng ngàn năm, từ một ngàn năm cai trị của Trung Quốc đến những cuộc đối đầu trong thế kỷ qua“.
Về chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng chê trà VN “không ngon bằng trà TQ”, VOA có bài: Bình luận của ông Nguyễn Phú Trọng gây tranh cãi. Facebooker Đình Bảo bình luận trên trang Con đường VN: “Bao nhiêu năm vận động người Việt Nam dùng hàng Việt nam đến giờ này ngài tổng phán câu coi như xong…”
Nhân quyền ở Việt Nam
Các tổ chức XHDS vừa ra một tuyên bố lên án nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt cóc và câu lưu các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A và Bùi Thị Minh Hằng. Những nhà hoạt động này bị bắt cóc và câu lưu sau khi gặp gỡ phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), được EU tổ chức với mục đích tham vấn các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, ở Hà Nội.
Bản tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi cực lực phản đối và lên án các hành động nêu trên của an ninh Việt Nam và các cơ quan khác. Những hành động này hoàn toàn trái pháp luật hiện hành của Việt Nam, trái với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn, và trái với các cam kết quốc tế khác về nhân quyền của Việt Nam“.
Tuyên bố viết tiếp: “Chúng tôi coi đây là một mối đe doạ trực tiếp và đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển bình thường của không chỉ các tổ chức xã hội dân sự, mà còn của toàn xã hội… Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam ngay lập tức chấm dứt mọi hành vi tấn công và sách nhiễu các nhà hoạt động, nhanh chóng mở các cuộc điều tra về những vụ đã nêu trong tuyên bố này và sớm công bố kết quả tới toàn dân“.
Quan chức và mạng xã hội
LS Trần Vũ Hải có bài: Ông Vũ Đức Đam cần xin lỗi Quốc hội và dân Việt lẫn nước Đức. LS Hải nói Phó Thủ tướng Đam đã “đã thông tin sai về mạng xã hội Đức!” khi ông Đam cho rằng “chỉ 37% người Đức dùng mạng xã hội, bởi họ biết rằng dùng là bị lấy mất thông tin cá nhân“. Dẫn số liệu từ nhiều nguồn, LS Hải cho biết: “Năm 2016, có 79% người Đức sử dụng Internet, và 80% số người sử dụng Internet dùng mạng xã hội. (Trong số người sử dụng mạng xã hội, 88% sử dụng Youtube, 87% sử dụng Facebook). Như vậy, trong năm 2016 trên 63% người Đức sử dụng mạng xã hội, năm 2017, tỷ lệ này còn gia tăng”.
Mời nghe lại phát biểu của PTT Vũ Đức Đam về mạng xã hội. Ông Đam nói “i-hu và gờ meo“:
LS Hải nhận định: “Có lẽ ông VĐĐ do không biết tiếng Đức, nên không thẩm tra lại con số ‘chỉ 37% người Đức sử dụng mạng xã hội’, đúng ra là ‘chỉ 37% người Đức không sử dụng mạng xã hội’ và “có đến 63% người Đức sử dụng mạng xã hội“. và rằng “Ông Vũ Đức Đam cần xin lỗi quốc hội và dân Việt lẫn nước Đức vì đã thông tin sai về mạng xã hội Đức!”
LS Trần Vũ Hải cũng đặt câu hỏi: Ai bóp chết mạng xã hội thuần Việt? Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn than phiền rằng Facebook và Google mỗi năm thu tới 350 triệu đô la tiền quảng cáo mà không đóng thuế cho Việt nam và hai ông này muốn tìm cách để lập mạng xã hội “thuần Việt”. LS Hải viết, “tuy hai ông lớn Google và Facebook không trực tiếp đóng thuế ở Việt nam, nhưng những công ty chi tiền quảng cáo (chiếm phần chính yếu trong tổng thu quảng cáo của hai ông lớn này) phải đóng hộ thuế nhà thầu nước ngoài khá cao mới được tính chi phí hợp lý“.
Còn về mạng xã hội “thuần Việt” có được xã hội Việt Nam “tin vào sự thông minh lẫn thiện chí của mấy ông chịu trách nhiệm tình trạng yếu kém của mạng xã hội thuần Việt như tiến sỹ tư tưởng Tuấn và tiến sỹ kinh tế Đam để giúp mạng xã hội thuần Việt đột phá phát triển cạnh tranh và thay thế các mạng xã hội của Google và Facebook trong 5-7 năm nữa như mấy ông này chém gió trước Quốc hội? Chắc mỗi cư dân mạng đã có câu trả lời!” Họ đã có câu trả lời từ 7 năm trước rồi, khi ông cựu Bộ trưởng Bộ 4T Lê Doãn Hợp từng hùng hồn tuyên bố: “Tôi tin Go.vn sẽ là mạng xã hội số 1 Việt Nam“.
Về phát biểu của ông Vũ Đức Đam, rằng “chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Trung Quốc rất quyết liệt, làm toàn bộ mạng trong nước“. Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Trung Quốc làm rất quyết liệt, dùng toàn bộ mạng xã hội trong nước. Điều này đáng xấu hổ hơn là đáng khen, đáng lên án hơn là học hỏi. Internet phải được hiểu là không biên giới, nhưng ở Trung Quốc thì khác với phần còn lại của thế giới. Họ ngăn chặn, bưng bít thông tin, độc tài cấm đoán“.
Cũng về số liệu mà ông Vũ Đức Đam đưa ra, nhà báo Đoàn Bảo Châu viết: “So sánh là khập khiễng, ý nghĩa của mạng xã hội ở Đức và ở Việt Nam là khác nhau. Sao ông không học tập về tinh thần tự do dân chủ, quyền được tranh luận công khai trên các diễn đàn về mọi vấn đề mà không có cùng cấm của Đức?”
LM Lê Ngọc Thanh đặt câu hỏi: “Tại sao mạng xã hội ở Việt Nam trở nên nghiệm trọng? Câu trả lời đơn giản nhất là vì ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, trong khi đó tự do ngôn luận, báo chí, tư tưởng và biểu đạt là quyền công dân được Hiến định đã bị các tổ chức nhà nước, chính phủ hoặc nhân danh nó cướp mất. Do vậy, người dân đã dùng mạng xã hội để giành lại phần nào quyền công dân của mình. Nên bản chất của sự kiện là người dân và nhà cầm quyền đang giành nhau quyền thông tin, mà phần sai nằm ở phía nhà cầm quyền“.
Báo Nhân Dân có bài: Xử lý thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội. Báo này lo lắng, “những mặt trái của MXH đang có chiều hướng gia tăng, được các thế lực thù địch sử dụng để tuyên truyền, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lôi kéo các phần tử chống phá Nhà nước ta. Trên MXH xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, thông tin xấu, độc hại, gây bất bình và mất lòng tin trong nhân dân...”.
Mặc dù sở hữu gần 1.000 tờ báo, tạp chí và các cơ quan phát thanh và truyền hình, nhưng báo Nhân Dân vẫn sợ dân nghe theo “các thế lực thù địch”! Qua đó có thể thấy người dân “tin yêu đảng”, “một lòng với đảng” như thế nào.
Mời đọc thêm: Không dễ gì Facebook và Google ‘nhả’ thị trường Việt Nam (TN). – Sửa luật để thu thuế Google, Facebook? (TC GTVT). – An ninh mạng: Biên giới và phi biên giới (TTCT). – Hiệp hội thương mại Mỹ: Dự thảo Luật An ninh mạng tăng chi phí của doanh nghiệp (DT).
Ngân sách trống rỗng, định quơ của dân
Về việc rất nhiều ĐBQH dòm ngó túi tiền của dân và họ muốn tìm mọi cách để thu hút 500 tấn vàng, 10 tỉ USD trong dân gửi vào ngân hàng. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, cách đặt vấn đề sai ở hai lớp tư duy. Thứ nhất, “việc dân giữ vàng hay USD hay giữ quần đùi hoa, ấy là việc của người ta. Không liên quan gì đến ai cả. Nếu họ không giữ những thứ ấy nữa, là bởi vì họ thấy không còn có lợi bằng giữ một thứ gì đó khác. Cho nên, Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chính xác rằng đồng tiền Việt giữ được giá trị, mà đem gửi ngân hàng có lãi suất tốt, ổn định, an toàn, thì dân sẽ chọn giữ tiền thay vì USD, vàng hay quần đùi hoa”.
Thứ hai, “là khi người dân không giữ vàng, USD hay quần đùi hoa nữa, thì nghĩa là họ đem chúng gửi vào ngân hàng lấy lãi. Đây là cách tư duy hoàn toàn sai. Chỉ có một thứ được đem gửi vào ngân hàng lấy lãi thôi, đó là TIỀN VIỆT NAM. Nếu dân không muốn giữ vàng, USD, và quần đùi hoa nữa, thì họ đem BÁN để giữ tiền Việt hoặc một cái gì khác họ thích, như bất động sản hay bitcoin”.
RFA có bài: Hỏi ông Lê Minh Hưng – Thống đốc ngân hàng Việt Nam? Bài viết cho rằng, “trong tình trạng ngân sách thâm thủng vì tham nhũng, chi tiêu không kiểm soát, nợ công chất ngất như vậy, tại sao quí vị lại dám đi gom cái ‘không an toàn’ trong nhân dân về thành một ‘khối không an toàn’? Và hơn nữa, lịch sử đã chứng minh, bất kì chế độ nào có ý định gom vàng tích trữ của nhân dân đều cho thấy dấu hiệu suy tàn của nó“.
Tác giả đặt câu hỏi: “Hỏi ông Lê Minh Hưng, liệu ông dám khẳng định là ông giữ chức được tới năm 2020 hay không? Ngay cả cái chức của ông cũng bất ổn, thì ông đừng lên những kế hoạch bất ổn nữa! Bởi nó vô nghĩa!”
Họp liên miên, đốt tiền, phủi trách nhiệm
Báo Dân Trí có bài: Họp liên miên, họp trường kỳ, họp vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế! Những con số được đưa ra không khỏi gây choáng váng cho người dân nghèo: “Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM trong 7 tháng đầu năm 2017 phải dự hơn… 2.000 cuộc ‘họp’. Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP, từ đầu năm đến tháng 8/2017 ít hơn một chút, có hơn… 1.500 cuộc họp. Đến cấp chính quyền ‘bé bằng cái móng tay’ như cấp phường xã cũng có đến 2 cuộc/ngày“.
Bài viết đặt câu hỏi: “phải thừa nhận không hiểu sao họ lại có thể ‘sáng tác’ ra được nhiều nội dung cho các cuộc họp thế nhỉ? Cũng chả hiểu họp hành thế, các bác có ‘phong bì, phong bao’ hay ‘bổng lộc’ gì không mà liên miên thế? Chịu!” Mơ thôi, chứ đến bao giờ mới “có một hội nghị toàn quốc tìm cách xóa bớt đi những cuộc họp vô bổ, những cuộc họp ‘bình phong’ bởi họp nhiều thế lấy thời gian đâu mà làm việc, rồi còn ‘dân nuôi sao nổi’…“.
Vấn đề cốt lõi được bài viết chỉ ra, rằng “không ít các cuộc họp thành cái ‘bình phong che chắn’. Mỗi khi có một quyết định sai lầm thì xin báo cáo, đây là ý kiến tập thể, đã được thống nhất tại cuộc họp ngày X, tháng Y, năm Z. Tập thể quyết thì tập thể chịu trách nhiệm, mà một khi ‘tập thể chịu”’tức là không ai chịu cả“.
Nguyễn Khắc Thủy, học tập và làm theo …
Nhà báo độc lập J.B Nguyễn Hữu Vinh có bài phiếm luận: Bất công! Tao bị lừa. Việc Nguyễn Khắc Thủy sau khi bị tòa tuyên 3 năm tù về tội ấu dâm, đã dọa tự thiêu và đòi đốt thẻ đảng vì cho rằng ông ta bị oan:
“Mày có biết tao đã 51 tuổi đảng, có dư mấy ngày mà chúng nó còn tuyên án tù tao 3 năm. Trong khi có thằng nói ngay giữa Quốc hội là: ‘Tôi còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm theo đảng. Đảng phân công thì tôi còn làm chứ không xin xỏ’. Thế rồi người ta đòi nó từ chức, nó cứ lỳ cái mặt ra mà đảng trưởng ngồi dưới mặt tím lại cũng không làm được gì nó. Thế mà tao đã hơn 51 năm tuổi đảng, còn hơn cả nó, lại đang giữ thẻ đảng hẳn hoi, vậy mà nó dám tuyên án tao là bất công“.
“Này nhé, còn có thằng khác hôn trẻ con gái ngay giữa thanh thiên bạch nhật, báo chí đưa ầm ầm. Ra nước ngoài, nước Hồi giáo hẳn hoi mà còn cứ bám mấy đứa bé gái hôn… đến mức chủ nhà phải ngăn cản. Báo chí nước ngoài đưa ồn ào và chửi rủa, sao không đưa ra mà xử đi.
– À, thì ra con hiểu rồi.
– Mày hiểu cái gì?
– Bố vừa học tập xuất sắc và nay thì thực hành “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức…” Đúng không?
– Chứ sao. Tổ sư cái bọn nói một đằng, làm một nẻo làm bố mày mắc lừa“.
Cũng về việc Nguyễn Khắc Thủy dọa đốt thẻ đảng, Facebooker Trương Quang Thi viết: “Đại bộ phận đảng viên Cộng Sản hiện nay họ chẳng có lý tưởng mẹ gì. Họ chỉ coi nó như một thứ kim bài để tha hồ lộng hành, kiếm chác. Vì thế mà khi nó không còn có tác dụng như ý nữa thì bọn họ sẵn sàng phẹt lên chính cái đảng mà thường ngày bọn họ vẫn làm ra vẻ như là rất tôn sùng”.
Bê bối ở Sơn La
Báo VnExpess có bài: Hai phó giám đốc sở cùng 15 người ở Sơn La bị khởi tố. Ngày 19/11, Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố 17 bị can liên quan đến công tác đền bù di dân, tái định cư thủy điện Sơn La. Trong số này có ông Trương Tuấn Dũng – Phó giám đốc Sở Tài chính, ông Phan Tiến Diện – Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh, cùng một số cán bộ thuộc các sở ngành khác và cán bộ huyện Mường La.
Được biết, thủy điện Sơn La được khởi công năm 2005, hoàn thành năm 2012, được coi là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 17.000 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ di dân tái định cư, giao cho các địa phương thực hiện. Còn lại hơn 43.000 tỷ là vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ yếu để xây dựng nhà máy và giải phóng mặt bằng.
Báo Dân Trí đưa tin: Sơn La họp báo thông tin vụ khởi tố hình sự 17 cán bộ. Đảng ngồi xổm lên luật pháp nên mới có chuyện: “Các trường hợp là Đảng viên bị khởi tố, bắt tạm giam được thực hiện đúng theo quy định của Điều lệ Đảng“.
Báo GTVT có bài: Vụ bắt 15 cán bộ: Trưởng Ban Tuyên giáo Sơn La đề nghị gì? Bà Mai Thu Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Sơn La, đề nghị, “các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng về dự án thủy điện Sơn La và hiệu quả kinh tế – xã hội mà dự án này mang lại trong suốt thời gian qua“, đồng thời “đề nghị cơ báo báo chí tập trung phản ánh những nỗ lực mà cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong thời gian từ năm 2002 đến nay đã góp phần vào kết quả thực hiện dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn”, chứ đừng chỉ nói đến những tiêu cực của tỉnh này.
Mời đọc thêm: Vì sao 2 phó giám đốc sở ở Sơn La bị bắt? (Zing). – Vì sao Giám đốc Sở TN&MT cùng hàng loạt cán bộ ở Sơn La ‘nhúng chàm’? (TP). – Hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị khởi tố gồm những ai? (DT). – Vì sao 17 cán bộ tỉnh Sơn La bị khởi tố? (PLVN) – Vụ sai phạm đền bù dự án thủy điện Sơn La: Bắt 17 cán bộ liên quan (VOV). – Công an Sơn La thông tin chi tiết việc bắt tạm giam 2 PGĐ Sở cùng 15 cán bộ (Soha). – Sơn La khởi tố thêm giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TT). – 15/17 cán bộ bị khởi tố, bắt giam ở Sơn La là đảng viên (GT).
Quan thanh tra Cà Mau bị bắt
Báo NLĐ có bài: Lừa dân, trưởng phòng thanh tra phòng chống tham nhũng bị bắt. Ông Ngô Trường Sơn, Trưởng Phòng Thanh tra phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa bị Công an tỉnh này bắt tạm giam ba tháng vì có hành vi “làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước”, theo điều 267 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, do thấy người dân không đồng tình với kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Sơn đã làm giả công văn gửi Tổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, khi đưa công văn ra để lòe dân, đã bị người dân chụp ảnh được rồi bị xác định là công văn giả.
Mời đọc thêm: Bắt Trưởng phòng thanh tra Phòng chống tham nhũng Cà Mau (VNN). – Trưởng phòng thanh tra PCTN Cà Mau bị bắt (PLTP). – Trưởng phòng thanh tra Phòng chống tham nhũng bị bắt (TP). – Cà Mau bắt tạm giam Trưởng phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng (LĐ). – Nguyên trưởng phòng Phòng chống tham nhũng Thanh tra tỉnh Cà Mau bị bắt (TN).
Vụ rơi máy bay tại Anh
Báo Người Tiêu dùng có bài: Lo lắng về phi công người Việt gặp đại nạn trong vụ máy bay rơi tại Anh. Bài báo dẫn nguồn tin từ Anh, cho biết, một trong bốn nạn nhân tử vong trong vụ trực thăng đâm máy bay trưa 17/11 (giờ London) tại Anh “có thể là phi công Nguyễn Thành Trung – Phó phòng Huấn luyện bay của một công ty dịch vụ bay trực thăng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu“.
Được biết, vụ tai nạn làm ba phi công người Anh và một phi công người Việt tử nạn. Trong chuyến huấn luyện này có ít nhất 2 phi công người Việt Nam tham gia bay tại Anh quốc. Vụ việc càng gây thêm quan ngại khi nơi 2 máy bay cất cánh được xác định là địa điểm dành để huấn luyện bay cho các tân phi công. Hiện Cảnh sát Hoàng gia Anh, cũng như các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin nào về sự cố này.
Như vậy là phép màu đã không xảy ra. Báo NLĐ dẫn nguồn từ Tổng công ty Trực thăng Việt Nam cho biết, Đại uý phi công Nguyễn Thành Trung tử nạn tại Anh do tai nạn máy bay. Được biết, đại uý Nguyễn Thành Trung được đơn này vị cử sang Anh để thực hiện khoá đào tạo trở thành giáo viên bay quân sự. Theo kế hoạch, phi công Nguyễn Thành Trung sẽ kết thúc khoá đào tạo và trở về Việt Nam ngày 20/12/2017.
Mời đọc thêm: Máy bay rơi tại Anh, có thể phi công người Việt đã tử nạn (NTD). – Đại úy phi công Việt Nam tử nạn trong vụ máy bay rơi ở Anh (VNN). – Đại úy phi công Việt Nam hy sinh trong tai nạn máy bay ở Anh (TP). – Phi công Việt Nam tử nạn trong vụ tai nạn máy bay ở Anh (DT). – Phi công Việt Nam tử nạn trong vụ va chạm máy bay ở Anh (TN). – Một phi công Việt Nam hi sinh trong tai nạn máy bay ở Anh (TT). – Bộ Quốc phòng cho biết nguyên nhân phi công tử nạn ở Anh (GT).
***
Thêm một số tin: ‘Đấng tối cao’ của Lê Công Thành (TP). – Hội thẩm đưa dân vào tù! (FB Trương Danh Hữu Châu). – Những vụ trọng án giết người đầy ẩn số! (FB Lê Bảo Nhi). – Sài Gòn: Xóa sổ từng bước nghĩa trang Bình Hưng Hòa (NV).
Tin quốc tế
Châu Á
VOA có bài: Quân đội Trung Quốc lập website ‘tố cáo’ quân nhân. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết: “Quân đội Trung Quốc hôm 19/11 đã ra mắt một trang web cho công chúng sử dụng để tố cáo các vụ rò rỉ thông tin, tin giả hay các hoạt động trái phép trên mạng của các quân nhân”.
RFI đưa tin: Trung Quốc cho chiến đấu cơ bay gần Đài Loan. Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 19/11/2017 ra thông cáo, xác nhận một máy bay trinh thám Trung Quốc, chiếc T-154MD, “đã bay qua phía bắc eo biển Miyako, ở phía đông Đài Loan”.
BBC có bài: Tàu khu trục Mỹ bị tàu kéo Nhật va chạm. Dẫn nguồn từ Hải quân Hoa Kỳ, cho biết: “Một chiếc tàu kéo thương mại bị mất động lực và trôi vào tàu khu trục USS Benfold, trong lúc diễn ra việc lai dắt ở vịnh Sagami”. Và rằng “không ai bị thương trên cả hai tàu và một cuộc điều tra đang được tiến hành”.
VOA đưa tin: Nhật: Lính Mỹ gây tai nạn chết người ở Okinawa. Cảnh sát ở Okinawa cho biết, “nạn nhân 61 tuổi đã thiệt mạng khi chiếc xe của ông đâm nhau với chiếc xe tải của binh sĩ Mỹ”. Cảnh sát còn cho biết thêm, cuộc kiểm tra nồng độ cồn trong máu người lính thủy quân lục chiến Mỹ cho thấy, gấp ba lần so với mức quy định.
RFI có bài: Đa số dân Nhật Bản ủng hộ gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng. Theo bản tin của báo Japan Times ngày 18/11/2017, “gần 54% số người được hỏi ủng hộ Nhật Bản và Hoa Kỳ có những biện pháp cứng rắn với Bắc Triều Tiên, so với tỷ lệ 39,4% chọn đàm phán là giải pháp tốt nhất”.
VOA đưa tin: Ông Hun Sen ‘thách’ Mỹ cắt mọi viện trợ cho Campuchia. Dẫn nguồn từ trang Fresh News, trang tin thân chính phủ, ông Hun Sen nói trước các công nhân ngành may, rằng, “việc cắt viện trợ của Mỹ không giết chết chính phủ mà chỉ giết một nhóm người phục vụ cho các chính sách của Mỹ”.
Mời đọc thêm: Tàu khu trục Mỹ va chạm với tàu kéo Nhật (RFI). – Hai nhà báo Cambodia bị kết tội gián điệp vì làm việc cho RFA (NV). – Quân đội Trung Quốc lập website chống tin giả, rò rỉ thông tin (RFI).
Chính trường Zimbabwe
VOA có bài: Tổng thống 93 tuổi bị khai trừ khỏi đảng ở Zimbabwe. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết: “Tổng thống Robert Mugabe hôm 19/11 đã bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền ZANU-PF của Zimbabwe, trong một động thái ôn hòa nhằm kết thúc 37 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này sau một cuộc đảo chính quân sự”. Bà Grace Mugabe, vợ ông cũng bị khai trừ khỏi đảng này.
Báo Người Việt đặt câu hỏi: Trung Quốc đứng sau vụ ‘chỉnh lý’ ở Zimbabwe? Bản tin của hãng thông tấn UPI cho hay, đang có sự nghi ngờ rằng Thượng Tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), hiện là Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là người gặp Tướng Chiwenga trước khi ông tiến hành cuộc chiếm quyền ở Harare và bắt giữ TT Mugabe, đã khuyến khích hành động này.
Mời đọc thêm: Zimbabwe giải nhiệm nhà độc tài Robert Mugabe (NV). – Zimbabwe: Mugabe bị đảng cầm quyền khai trừ (BBC). – Zimbabwe: Mugabe gặp tư lệnh quân đội (BBC).
Tin nước Mỹ
VOA có bài: Tướng Mỹ nói sẽ kháng lệnh tấn công hạt nhân ‘bất hợp pháp’ của Trump. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM), phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Nova Scotia, Canada, rằng “ông sẽ kháng cự Tổng thống Donald Trump nếu ông ra lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân bất hợp pháp”.
Ông Hyten nói: “Và nếu lệnh đó bất hợp pháp, hãy đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói, ‘Ngài Tổng thống, như vậy là bất hợp pháp.’ Và đoán xem ông ấy sẽ làm gì? Ông ấy sẽ nói, ‘Như thế nào mới hợp pháp?’ Và chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn, với tập hợp những năng lực để ứng phó bất cứ tình huống nào, và cách làm việc là như vậy. Nó không phức tạp“.
Tướng Mỹ sẽ bất tuân lệnh tấn công hạt nhân ‘bất hợp pháp’ (BBC).
Nam Mỹ
RFI đưa tin: Achentina: Tàu ngầm mất tích phát tín hiệu cấp cứu. Bộ Quốc Phòng Argentina ra thông cáo, cho biết, “nhiều căn cứ hải quân của nước này đã bắt được tổng cộng 7 tín hiệu cấp cứu được phát đi từ con tàu gặp nạn. Tuy nhiên, các tín hiệu quá ngắn, chỉ từ 4 đến 36 giây, không cho phép thiết lập liên lạc với con tàu”.
VOA có bài: Mỹ giúp Argentina tìm tàu ngầm mất tích. Hôm 19/11, Mỹ cho biết “sẽ triển khai thêm một máy bay với phi hành đoàn gồm 21 người từ Florida tới khu vực phía nam Đại Tây Dương để giúp Argentina tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích ARA San Juan do Đức sản xuất”.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Argentina, ông Enrique Balbi, nói rằng “việc tìm kiếm 80% khu vực đặt ra ban đầu không phát hiện ra dấu vết của tàu ngầm trên mặt biển, nhưng thủy thủ đoàn có vẫn còn nhiều lương thực và ôxy”.
Trung Đông
RFI có bài: Căng thẳng Ả Rập Xê Út – Liban: Liên Đoàn Ả Rập họp bất thường vì Ả Rập Xê Út cho rằng Iran đang có những hành động tấn công quốc vương này và các nước Ả Rập khác.
RFI có bài: Liban trong trạng thái chờ xem sau khi có thông báo Hariri hồi hương. Tác giả nhận định: “Tất cả mọi người chờ xem ông Saad Hariri, khi hồi hương ngày 22/11, có thay đổi gì hay không so với thời điểm trước ngày 04/11 khi ông bất ngờ tuyên bố từ chức. Liệu ông có tiếp tục chủ trương hòa giải và ôn hòa hay ngược lại, ông sẽ lựa chọn sự đối đầu với lực lượng Hezbollah, theo như đòi hỏi của Ả Rập Xê Út”.
Vatican
RFI đưa tin: Tòa thánh mở điều tra nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong Vatican. Dẫn nguồn AFP, cho biết, “Vatican ngày 18/11/2017 thông báo mở một cuộc điều tra liên quan đến các vụ xâm hại tình dục bị nghi ngờ xảy ra ngay trong lòng tòa thánh”.