Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga: Nhìn nhận khách quan từ lịch sử

FB Chu Mộng Long

5-11-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: ĐCSVN

Tham luận ngắn kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Bài viết nhìn nhận khách quan trên quan điểm lịch sử. Quan điểm lịch sử hiển nhiên phải dựa vào thành bại của lịch sử, kiểm chứng lý luận bằng thực tiễn.

Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng một lý thuyết đồ sộ là chủ nghĩa Marx chứ không là cuộc cách mạng tự phát, mặc dù giai cấp nông dân, kể cả công nhân, đi theo cách mạng không thể hiểu lý thuyết ấy là gì.

Không thể phủ nhận Cách mạng Tháng Mười Nga là cơn địa chấn lịch sử làm thay đổi cuộc sống và nhận thức của cả nhân loại. Tôi nói gọn hai tác động sâu sắc của nó như sau:

1) Khi người cộng sản giành thắng lợi bằng bạo lực và tuyên bố sự giãy chết tất yếu của chủ nghĩa tư bản, chính những cuộc cách mạng đó đã buộc chủ nghĩa tư bản phải nhìn ra sự man rợ của nó, từ đó nhận thức và điều chỉnh vì sự sống còn của nó. Kết quả, chủ nghĩa tư bản khôn ngoan hơn người cộng sản nhầm tưởng. Nó không giãy chết trong thứ dục vọng vơ vét tài nguyên và bóc lột người một cách man rợ nữa. Nó nhanh chóng “tự chuyển hóa” từ chủ nghĩa tư bản hoang dã thành chủ nghĩa tư bản văn minh. Nó biết mang lợi ích tư bản chia sẻ cho phúc lợi xã hội, biến người lao động từ vô sản thành một phần máu thịt tư bản. Người lao động có nhà cửa, ruộng đất và có cổ phần trong các nhà máy, xí nghiệp tư bản; và như vậy, chủ nghĩa tư bản tự tạo ra cơ chế nếu người lao động chống tư bản là tự tước đoạt miếng cơm manh áo của chính mình.

Đó là lý do nhà nước tư bản từ độc tài chuyển sang nhà nước dân chủ đa nguyên để kiểm soát dục vọng tư bản. Chủ nghĩa tư bản không bao giờ tin có chủ nghĩa cộng sản mà chỉ có TƯ HỮU CÔNG BẰNG thông qua sự cạnh tranh lành mạnh nhờ sự trọng tài của nhà nước đa nguyên.

2) Cũng bắt đầu từ khi giành thắng lợi bằng bạo lực, người cộng sản rơi vào “kiêu ngạo cộng sản” (Lenin), tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, “vô địch muôn năm” nên kiên quyết chống lại “chủ nghĩa xét lại” và dùng bạo lực trấn áp mọi tiếng nói khác, dù trải qua rất nhiều sai lầm bằng máu. Kết quả, lý thuyết làm chỗ dựa cho chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là các tín điều tôn giáo kiểu mới: tôn thờ thần tượng dẫn đến tôn thờ quyền lực, xem người lao động chỉ là những con chiên ngoan đạo phục tùng tuyệt đối quyền lực. Khi trở thành con chiên ngoan đạo phục tùng tuyệt đối quyền lực, người vô sản mãi mãi vô sản vì cái lý tưởng công hữu viển vông; ngược lại, kẻ có quyền lực trở thành những ông chủ tư bản sở hữu toàn diện từ vật chất đến tinh thần, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng. Phép phủ định biện chứng của Hegel về một nhà nước pháp quyền mà Marx phê phán triệt để lại là cái bẫy cho người cộng sản chui vào và tận dụng triệt để hòng đảm bảo tư cách Thượng Đế cho những ông vua độc tài kiểu mới. Giai cấp vô sản được giải phóng khỏi ách nô lệ cũ để thay bằng ách nô lệ mới với lý tưởng hiến máu của mình vỗ béo cho Thượng Đế mà nó suy tôn. Nhà nước công hữu là cách tước đoạt triệt để nhất mọi quyền lợi lao động đã từng bị tước đoạt. Trong khi hô hào chống chủ nghĩa đế quốc thì chính nhà nước xô viết tự biến mình thành đế quốc với danh nghĩa quốc tế vô sản làm cho các quốc gia dân tộc nhỏ bé không thể cất đầu lên được.

Nói một cách dễ hiểu, khi “tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình”, giai cấp vô sản thêm một lần nữa trắng tay vì nó phải cúc cung tận tụy phục vụ các Thượng Đế đang thống trị trên trần thế cho đến khi nó không còn sức để phục vụ nữa.

Sự sụp đổ của nhà nước xô viết là tất yếu khách quan, bởi cái bẫy phủ định biện chứng đó không chỉ siết cổ người lao động trong tình cảnh túng quẫn: thiếu lương thực, thiếu sự khai phóng tinh thần, mà nó còn siết cổ chính những ông chủ đang điều hành cái nhà nước độc tài nhân danh CÔNG HỮU HÓA kia. Khi người lao động không còn cái ăn và sáng tạo thì các Thượng Đế của họ cũng phải rời khỏi trần thế để về đúng chỗ là Thiên đường Công hữu hoang tưởng ở trên trời.

Xu thế tất yếu của loài người là vươn đến kiến tạo một thế giới văn minh ngay tại cuộc sống trần thế, ở đó người lao động có mọi quyền được hưởng: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bất cứ nhà nước nào tước đoạt những quyền tối thiểu đó ắt sụp đổ. Nhưng nghiệt ngã thay, trong lúc đam mê quyền lực và đam mê làm giàu, kẻ có quyền không bao giờ nghĩ đến bài học xương máu đó, ngoài hô to khẩu hiệu tự sướng: muôn năm!

______

P/S: Nội dung này tôi từng phát biểu công khai tại buổi thảo luận khi học lớp Trung cấp chính trị. Hiệu trưởng Trường Đảng xin ghi âm để tham khảo và khuyến khích viết thành bài đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Khó có bài nào viết thuyết phục hơn bài này. Học thuyết của Mác đồ sộ tới mức bao viện nghiên cứu, trường đại học khắp thế giới chuyên nghiên cứu giảng dạy, từ thế kỷ trước tới nay vẫn không hết, nhưng vai trò ý nghĩa của nó đã được tác giả khái quát lại chỉ vỏn vẹn trên dưới 1000 từ. Tôi đề xuất phát động một phong trào vận động đưa bài này vào lời nói đầu cho các sách giáo khoa và chuyên khảo chủ nghiã Mác. Trước hết xin các “còm sỹ” lên tiếng ủng hộ trong mục bình luận này. Sau đó đề nghị tác giả Chu Mộng Long biên tập lại. Cuối cùng mong Tiếng Dân mở hòm thư lấy phiếu thăm dò độc giả đồng ý hay không!

    • Tớ đồng ý & ủng hộ . Việt Nam có thêm 1 anh “Chỉ biết Mác thôi, cóc (cần) biết gì” không làm biển mặn thêm .

  2. “Cũng bắt đầu từ khi giành thắng lợi bằng bạo lực, người cộng sản rơi vào “kiêu ngạo cộng sản” (Lenin), tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, “vô địch muôn năm” nên kiên quyết chống lại “chủ nghĩa xét lại” và dùng bạo lực trấn áp mọi tiếng nói khác”

    Tất cả những cái trên không phải là “kiêu ngạo Cộng Sản”, họ chỉ đơn giản bảo vệ đường lối họ theo đuổi là chủ nghĩa Mác thui .

    “chính những cuộc cách mạng đó đã buộc chủ nghĩa tư bản phải nhìn ra sự man rợ của nó, từ đó nhận thức và điều chỉnh vì sự sống còn của nó”

    Nói bậy . Cuộc cách mạng ảnh hưởng tới nhận thức tư bẩn là công xã Paris. Ở Tây bi giờ, họ vẫn còn rút ra (rất) nhiều bài học từ Công xã Paris hơn là Cách mạng tháng 10. Tư bẩn ở châu Âu đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ vua chúa (độc tài) qua tư bẩn . Phổ-Đức-Áo (Prussia) phải chờ tới Hitler, Pháp xong, các đế chế như Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan … chuyển từ phong kiến độc tài trở thành 1 loại phong kiến khác, vẫn giữ dynasties nhưng điều hành chính phủ theo dân chủ đại nghị . Những quá trình chuyển đổi này xảy ra trước CMT10. Mỹ là thể chế dân chủ đầu tiên, cũng xảy ra trước CMT10. Pháp chuyển hóa sau Napoleon, tức là cũng trước CMT10.

    Từ đó tới nay, nó không thay đổi bản chất . Môi trường này nọ là do tác động trực tiếp từ chính môi trường . Và cũng nên phân biệt, tư bẩn không phải là dân chủ, và con đường này 1 chiều . Dân chủ sẽ sinh ra tư bẩn nhưng không có nghĩa ngược lại . Mỹ đang experience thế nào là tư bẩn nắm quyền .

    “kẻ có quyền không bao giờ nghĩ đến bài học xương máu đó, ngoài hô to khẩu hiệu tự sướng: muôn năm!”

    Kẻ không có quyền cũng chả bao giờ nghĩ tới bài học xương máu đó, chỉ 1 mực tin vào những kẻ có quyền & hy vọng những mẩu dư thừa văng ra từ bàn tiệc của họ . “khuyến khích viết thành bài đăng trên Tạp chí Cộng sản”. Need I say more?

Comments are closed.