Luật an ninh mạng: Đừng tự mình trói mình vào lạc hậu, lạc lõng

Bình Luận Án

LS Trần Hồng Phong

4-11-2017

Google, với các dịch vụ miễn phí như Gmail, rõ ràng đang là phương tiện kỹ thuật tốt nhất và thông dụng nhất để liên lạc, gửi thông tin mà hầu hết mọi doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam đang sử dụng. Ảnh minh hoạ

Lời tác giả: Bài viết dưới đây tôi viết theo đặt hàng từ một tờ báo. Bài đã đăng (ngày 4/11/2017), nhưng bị cắt bỏ phần lớn, chỉ còn lại một đoạn ngắn ở phần giữa bài viết. Tôi đăng lại bài viết “nguyên thuỷ” của mình tại đây.

Pháp luật nào cũng cần bảo đảm tính khả thi, vì lợi ích lâu dài của quốc gia, vì sự phát triển kinh tế xã hội và hoà nhập với thế giới. Trong đó bao gồm tăng cường và bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà Hiến pháp đã quy định và Việt Nam cũng đã tham gia trong các công ước quốc tế. Dự thảo Luật an ninh mạng hiện tại cho thấy phải chăng chúng ta đang đi theo một hướng khác, tự trói mình vào lạc hậu, lạc lõng và cũng không thực sự có lợi cho đất nước, người dân.

Quyền biểu đạt, tự do ngôn luận cần được bảo đảm

Có thể thấy nội dung xuyên suốt của dự luật bộc lộ và thể hiện mối quan ngại của cơ quan soạn thảo về các vấn đề mang tính chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, cùng các biện pháp ngăn chặn cả về hành chính và kỹ thuật theo hướng cấm đoán, ngăn chặn hoặc gây khó khăn, nặng nề cho người dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Một số điều khoản thậm chí là sự vô lý, bất khả thi và không phù hợp với tính năng và xu thế công nghệ liên quan đến mạng internet trên thế giới hiện nay.

Trong dự luật đã đưa ra nhiều khái niệm, quy định mà theo tôi đã được quy định hay điều chỉnh trong nhiều luật khác, nhưng lại theo hướng khó khăn, cấm đoán nặng nề hơn. Chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp, các quyền dân sự trong Bộ luật dân sự, Luật báo chí …vv.

Đơn cử như tại Điều 22 quy định về việc xử lý thông tin trên không gian mạng “có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Tuy nhiên đây rõ ràng là những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật khác, như Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính hay Bộ luật hình sự … Theo đó, trước khi xử lý phải tiến hành thẩm định, giám định làm rõ một bài viết hay ý kiến của ai đó có phải là “vu khống”, hay “chống phá Nhà nước” không – thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chứ không thể chỉ từ đánh giá cảm tính là cơ quan an ninh có quyền “chặn”, “xoá” … vv.

Chúng ta cần nhớ rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền công dân được Hiến pháp bảo đảm. Và chính nhờ thông tin của người dân trên mạng xã hội, mà đã khám phá, phanh phui ra nhiều vụ tham ô, tham nhũng, phát hiện rất nhiều trường hợp cán bộ sa đoạ, giàu bất chính … và bị cơ quan chức năng xử lý.

Yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam không khả thi

Một trong những nội dung gây tranh luận nhiều nhất, là tại Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ VN”.

Quy định như trên trực diện đích danh đến những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay và dịch vụ của họ. Đó là Facebook, Google, Microsoft, Apple … – với hàng tỷ người đang sử dụng trên toàn thế giới, và hàng trăm ngàn doanh nghiệp, nhiều chục triệu người tại Việt Nam đang sử dụng miễn phí, với rất nhiều tiện ích, hữu dụng.

Rõ ràng hàng chục triệu người VN đang sử dụng miễn phí các dịch vụ như gmail, tin nhắn, không gian lưu trữ và các ứng dụng văn phòng của Google, hay Microsoft, Apple … Đây đã và đang là những các “phương tiện kỹ thuật” không thể thiếu trong kinh doanh của hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu cá nhân tại Việt Nam. Hãy thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu gmail hay internet bị cấm đoán hay không còn nữa? Đó chính là sự tê liệt về thông tin liên lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế đất nước…

Theo tôi, việc trong dự luật An ninh mạng đặt vấn đề các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google hay Microsoft phải đặt “máy chủ” tại Việt Nam là một ý tưởng bất khả thi, trên cơ sở nhận thức có phần lạc hậu, chưa hiểu rõ về tính năng cũng như xu hướng công nghệ, không gian lưu trữ dữ liệu số trên thế giới hiện nay. Vì hiện nay hầu như tất cả các dịch vụ, ứng dụng đều lưu trữ theo mô hình “đám mây” (cloud), tức là phải bảo đảm luôn thông suốt trên mạng internet, với không gian lưu trữ khổng lồ là các Trung tâm dữ liệu (Cloud Campus), kinh phí đầu tư lên tới hàng tỷ USD, dùng chung và kết nối toàn thế giới. Việc mở một Cloud Campus hoàn toàn không đơn giản, phục thuộc vào rất nhiều yếu tố, chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư. Việc “bắt” các tập đoàn khổng lồ như Google hay Apple phải đầu tư Cloud Campus vào VN trong bối cảnh hiện nay rõ ràng là không thể và cũng không theo nguyên tắc nào.

Với quy định như vậy, không gì khác hơn là chúng ta đẩy hoạt động của Google, Facebook … vào thế “bất hợp pháp” mà không thể xử lý. Hoặc tệ hơn, dẫn đến việc Google, Facebook … phải rút khỏi Việt Nam, cùng đó là những thiệt hại khổng lồ và không thể lường hết về hậu quả.

Hãy thử hình dùng trường hợp một doanh nghiệp VN mua bán háng hoá quốc tế, trao đổi tài liệu, ký kết hợp đồng qua Email, Messenger. Nếu không có Google thì làm sao liên lạc được, trong khi cũng không có lựa chọn nào khác! Và các doanh nghiệp VN thì có lẽ vài chục năm nữa cũng không thể có được những dịch vụ tương tự như vậy.

Đó là chưa kể quy định trên cũng không phù hợp với nội dung Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chương Thương mại điện tử, khoản 2 Điều 14.13 có quy định: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của Chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”. Mà Việt Nam đang là một bên tham gia đàm phán gia nhập. Cũng như các nguyên tắc về tự do thương mại của WTO mà VN là một thành viên.

Không nên tự trói mình vào lạc hậu, lạc lõng

Bất kỳ quốc gia nào cũng cần có hệ thống pháp luật chặt chẽ và đủ mạnh, bảo đảm an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đó là điều không có gì phải bàn cãi. Điều quan trọng hơn, là pháp luật ấy phải khả thi, áp dụng được trong đời sống hiện thực.

Mặt khác, an ninh chủ quyền dân tộc không đơn thuần và không chỉ là vấn đề “an ninh mạng”, mà liên đới, có quan hệ mật thiết với nhiều vấn đề khác. Trong đó có việc phải bảo đảm vì lợi ích lâu dài của quốc gia lâu, vì sự phát triển kinh tế xã hội và hoà nhập với thế giới. Bao gồm tăng cường và bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp đã quy định và Việt Nam đã tham gia trong các công ước quốc tế. Đó cũng chính là mục tiêu và mục đích mà pháp luật hướng tới.

Với Dự thảo Luật an ninh mạng như hiện tại, phải chăng chúng ta đang đi theo một hướng khác biệt so với xu hướng chung trên toàn thế giới, so với xu hướng của nền khoa học, công nghệ ngày càng phát triển? Phải chăng chúng ta đang tự trói mình vào lạc hậu, lạc lõng với thế giới? Điều này cũng hoàn toàn không có lợi cho lợi ích quốc gia, cho người dân. Nếu không muốn nói là ngược lại.

Google, Facebook… lưu trữ dữ liệu ở đâu?

Để cung cấp các dịch vụ và không gian lưu trữ, các công ty công nghệ lớn thường xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình (Cloud Campus), nơi tập trung sức mạnh lưu trữ và xử lý khổng lồ. Cloud Campus được coi là biểu hiện vật chất của Internet, thường được xây dựng ở khu vực xa trung tâm, giá điện rẻ, thoáng mát. Dưới đây là Cloud Campus của một số công ty công nghệ hàng đầu hiện nay.

Facebook: Gồm hai trung tâm dữ liệu khổng lồ, diện tích mỗi điểm gần 28 nghìn mét vuông, phục vụ cho khoảng 2 tỷ người dùng. Facebook đã đầu tư hơn 780 triệu USD vào đây và thu hút các công ty công nghệ khác cùng đặt hệ thống máy chủ.

Apple: Apple đã đầu tư 1 tỷ USD để tạo nên một Cloud Campus rộng hơn 46 nghìn mét vuông ở Maiden, Carolina (Mỹ). Ngoài ra, Apple hiện nay còn có trung tâm dữ liệu ở Oregon, Nevada, Ireland và Đan Mạch để cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ như iTunes và iCloud.

Google: Công ty hiện chi hơn 2 tỷ USD mỗi quý để phát triển cơ sở hạ tầng Cloud Campus đặt tại Council Bluffs (Mỹ).

Microsoft: Microsoft có nhiều cụm máy chủ tập trung chủ yếu ở Virginia (Mỹ). Được triển khai từ năm 2011 với tổng mức đầu tư vào khoảng 1,7 tỷ USD.

Bình Luận từ Facebook