Chuyện ở Lũng Làn

FB Mai Thanh Hải

31-10-2017

Bia ghi tên 16 bộ đội của đồn Lũng Làn hy sinh trong những năm bảo vệ biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược. Ảnh: FB Mai Thanh Hải

3 năm trước, nguyên tháng trời đi dọc biên giới Lai Châu – Lào Cai – Cao Bằng – Hà Giang viết loạt bài “Tháng 2 giữ đất cha ông”, dựng lại ký ức bảo vệ biên giới phía Bắc, đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979.

Dọc hành trình đó, dừng lại ở Đồn BP Lũng Làn.

Đồn nằm ngay trung tâm xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) hiền lành giữa rừng hoa đào đá đỏ chót, mỏng mảnh và thơm nức mùi nhựa trắng lá xanh. Từ đồn nhìn lên triền núi, thấy mốc 504 cứng cáp đứng trấn ải lối mở sang bên kia biên giới.

Rừng núi yên bình, hoang sơ và hồn nhiên hoa rừng gió núi.

Nhưng gần đồn, có 1 nhà bia tưởng niệm ghi tên 16 người lính Biên phòng Lũng Làn đã ngã xuống, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngay từ những ngày trước tháng 2/1979:

+ Trong 3 năm (1975-1978), phía Trung Quốc đã 11 lần tổ chức lấn chiếm phần lãnh thổ giữa cột mốc 23, 24 thuộc bản Lũng Ly (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc), do Đồn Công an Vũ trang Lũng Làn phụ trách, nhưng đều bị Đồn Lũng Làn và nhân dân các bản đấu tranh ngăn chặn, đẩy đuổi người.

Ngày 10/8/1978, phía Trung Quốc cho 40 “xã viên” công xã Tà Sáy (chủ yếu là lính Biên phòng cải trang) xâm nhập khu vực giữa mốc 23 và 24 phát cây cuốc đất làm nương và bị tổ tuần tra của Đồn Lũng Làn đang trên đường làm nhiệm vụ phát hiện. Cả tổ dàn hàng ngang tuyên truyền, ngăn cản hành động lấn chiếm của “xã viên” Trung Quốc. Thấy lực lượng ta ít, các “xã viên” Trung Quốc dùng dao, cuốc bao vây tấn công hòng bắt sống. Cả tổ dùng báng súng kiên quyết chống trả nhưng sau 2 tiếng, lính Trung Quốc dùng dây giật ngã, trói chặt từng người. Lợi dụng địch sơ hở, chiến sĩ Hoàng Văn Nở dùng cạnh đá cứa đứt dây và giải thoát cho đồng đội. Cùng lúc này, lực lượng chi viện của đồn và nhân dân các bản gần đó ào lên đấu tranh khiến địch phải rút chạy.

+ Sáng sớm 17/2/1979, sau khi dồn dập nã pháo, 2 tiểu đoàn bộ binh Trung Quốc theo đường mòn mốc 138 và 140 đồng loạt tấn công vào Đồn Biên phòng Lũng Làn. Thượng úy – đồn trưởng Lộc Viễn Tài (vốn là sĩ quan được đào tạo tại Trường Sĩ quan Biên phòng, lại có nhiều năm làm trợ lý huấn luyện) đã chỉ huy đơn vị vừa rút vừa cố thủ vừa phản công giữ đồn.

+ Ngày 5/3/1979, quân xâm lược huy động quân số đông, quyết chiếm đồn Lũng Làn, thượng úy Lộc Viễn Tài chỉ huy bộ đội tử thủ suốt 2 ngày đêm. Khi bộ đội thương vong nhiều và đạn dược gần cạn, đồn trưởng Lộc Viễn Tài lệnh cho những người khỏe đưa thương binh – tử sĩ và vũ khí, tài liệu rút về tuyến sau, để ông và chiến sĩ liên lạc ở lại chặn địch. Khi đội hình rút đã ra vòng ngoài an toàn, thượng úy Tài lệnh cho liên lạc rút tiếp, mình ông ở lại chặn địch với cơ số đạn trung liên RPD cuối cùng. Hết đạn, lính địch lao vào hòng bắt sống, ông giật nụ xòe nổ 2 quả lựu đạn cuối cùng diệt thêm hàng chục tên và hy sinh khi vừa tròn 39 tuổi.

Lực lượng chi viện từ phía sau leo núi đá, hành quân ngày đêm lên tới nơi, chiến đấu giành lại trận địa, thi hài thương binh tử sĩ. “Hồi ấy, không có quan tài, toàn lấy tôn lợp nhà, bó thi hài liệt sĩ và chôn tạm xuống chiến hào” – Những cựu chiến binh tham gia trận Lũng Làn 5/3/1979 kể lại vậy.

Đến giờ, gần Đồn Biên phòng Lũng Làn vẫn còn nguyên bia ghi tên 16 cán bộ chiến sĩ của đồn hy sinh trong những năm bảo vệ biên giới, từ 1979, với người đứng số 1 là thượng úy – đồn trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Lộc Viễn Tài (quê Vĩ Thượng, Quang Bình, Hà Giang).

_____

* Giờ thì những chuyện thế này chẳng đăng báo được rồi, nên ghi lại trên FB để lưu vào ký ức, mong con cháu sau này nhớ.

* Cuối tuần ra Hà Nội, lên Lũng Làn thắp hương cho chú Lộc Viễn Tài cùng các anh chú của đồn 155 và tặng áo ấm – ủng cao su chống rét cho 1.300 đứa học sinh mầm non – tiểu học của toàn xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc).

Quay lại Lũng Làn, Sơn Vĩ mùa lạnh, hoa cỏ rừng rực nở cùng hanh hao khô gầy ký ức năm tháng. Sắp đến Tết và lại tháng 2 nước mắt, rồi!..

Bình Luận từ Facebook