Ai sẽ khóc cho Tổ Quốc?

FB Mai Quốc Ấn

24-10-2017

Nhiệt điện Vĩnh Tân- Nơi từng ô nhiễm đến mức dân địa phương chặn Quốc lộ để phản đối. Ảnh Lan Anh/VTC

4.300 người chết vì ảnh hưởng nhiệt điện than tại Việt Nam mỗi năm (số liệu 2011) là một con số đáng suy nghĩ. Nó tương đương 50% số người chết vì tai nạn giao thông năm 2016. Và khi tất cả nhiệt điện cùng hoạt động thì số người chết vì chúng có thể lên đến 25.000 người/năm- cao hơn gấp 8 lần quân số một trung đoàn bộ binh đầy đủ (3.000 quân/trung đoàn).

Đó là những con số mà người có lương tâm phải suy nghĩ!

Số liệu của ông Trần Đình Sính, phó giám đốc tổ chức ChangeVNcung cấp cho thấy về BOT trong nhiệt điện than, trong Quy hoạch Điện VII sửa đổi, Việt Nam dự kiến sẽ có 18 dự án BOT với tổng công suất khoảng 23.000MW. Hiện nay mới có 1 nhà máy BOT đang chạy là nhiệt điện Mông Dương II công suất 1.240MW.

Trung bình 1 nhà máy BOT là 2 tỷ đô, thì tương ứng 18 nhà máy là 36 tỷ đô. (Phần đánh giá này tôi cho rằng ông Sinh tính hơi cơ học. Nhưng theo tìm hiểu chưa đầy đủ của tôi thì tổng 18 dự án ấy cũng phải hơn 27 tỉ đô.)

Vấn đề lớn nhất của BOT nhiệt điện là Nhà Đầu tư trước khi xây dựng phải thỏa thuận được giá điện và sản lượng điện hàng năm bán cho EVN mà người dùng điện không biết nội dung. Chính xác hơn, những nội dung này không có trên mặt báo hay các báo cáo công khai của ngành điện nói riêng và Bộ Công thương nói chung.

Giá điện và sản lượng đã cố định nên các nhà máy BOT sẽ đứng ngoài thị trường điện cạnh tranh. Ai chịu trách nhiệm? Điều này có đúng luật không? Có hậu quả gì với nền kinh tế không?

Nói cho dễ hiểu: tổng vốn 18 BOT nhiệt điện lớn hơn tổng vốn 90 BOT giao thông trước nay. Thời gian thu phí giá điện BOT cũng cao hơn thời gian thu phí BOT giao thông.

Ừ thì trả phí điện BOT cao thì người dân chịu khó tằn tiện mớ rau, con cá hay giảm xài điện cũng được. Ừ thì trả phí cao thì doanh nghiệp trong nước chịu khó tăng năng lực cạnh tranh bù vô cũng được. Im lặng chịu khổ có thể coi là một đặc tính tốt của người Việt…

Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng mới phát biểu: “Chủ trương đầu tư theo hình thức BOT là đúng nhưng cần phải công khai, minh bạch để ngăn chặn tình trạng ‘tay không bắt giặc'”. Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ đạo rà soát vị trí đặt trạm và mức phí BOT giao thông.

Tôi tự hỏi Đảng và Chính phủ sẽ có động thái gì với BOT nhiệt điện để tránh “vết xe đổ” như BOT giao thông?

Vì bất kỳ ai, chết rồi thì sẽ không khóc cho Tổ Quốc nữa…

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.