Chuyện 14 năm trước ở trạm CSGT Dầu Giây

FB Nguyễn Đức Hiển

21-10-2017

Ảnh minh họa: internet

Câu chuyện Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng PC67 Công an Đồng Nai mời các tài xế lên làm việc đã gây xôn xao mấy ngày qua. Dư luận lần lại những bài báo Vnexpress đăng lại từ Pháp Luật TP.HCM về án kỷ luật 14 năm trước và sôi lên bởi sự bất thường. Bạn đọc đặt vấn đề:

– Sao thấy ông Thường đã từng bị kỷ luật đuổi khỏi ngành nay lại lên thượng tá Phó phòng?

– Phải chăng ông Võ Đình Thường có thế kim thiền thoát xác?

– Phải chăng có hai Võ Đình Thường?

Không, Thượng tá Võ Đình Thường phó phòng PC67 hôm nay chính là Đại uý Thường trưởng trạm Dầu Giây 14 năm trước.

Mình kể lại câu chuyện này, với tư cách người trong cuộc.

Tối ngày nhà báo, 21-6-2002, ông Nam Đồng tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM không đi tiệc tùng, ông ấy về “Nhà Nội”. Nhà nội là nhà ba mẹ của nhà báo Nam Đồng. Căn nhà đơn sơ ở quận ven thời ấy còn vắng vẻ, cất bằng vật liệu rẻ tiền nhưng tiện dụng và bền chắc. Căn nhà được xây với kinh phí tiết kiệm nhất có thể, do con trai ông Nam Đồng là kiến trúc sư Nguyễn Tập (khi đó mới ra trường một năm, nay là phóng viên báo Thanh Niên) thiết kế và tác phẩm “Nhà Nội” được giải thiết kế năm đó của tạp chí Nhà Đẹp. Cái tên bao gồm hai ý nghĩa: Nhà của (ông bà) Nội, và được thi công từ vật liệu trong nước.

Dĩ nhiên dù về thăm cha mẹ, buổi chiều vẫn phải có lai rai mới được. Ông Nam Đồng bắc cái bàn nhậu trước sân và nhắn một đám PV trẻ lên nhà.

Xong chừng ba lon, ổng nói:

– Giờ tao hỏi tụi mày chuyện này!

Khi đó, nhiều tờ báo viết về tệ trạng mãi lộ của CSGT, đặc biệt CSGT Đồng Nai thì thôi rồi. Tuy nhiên dù viết về tất cả các đơn vị: CSGT Biên Hoà, Thống Nhất, các trạm Ngã ba Thái Lan, Phú Túc và đội tuần tra của ông Ba Chia (đội trưởng thời bấy giờ), quật cả ông trưởng phòng Huỳnh Bảo Hùng và phó phòng Nguyễn Thành Long. Thế nhưng Trạm Dầu Giây thì chưa bao giờ bị đụng đến nơi đến chốn.

Ông Nam Đồng hỏi:

– CSGT Đồng Nai, trạm nào ăn dữ nhất?

Các PV trả lời là Trạm Dầu Giây. Đó là nơi Tây Nguyên xuống, Bắc Nam ra vô, ngoài QL1A, Trạm này còn quản luôn QL56 từ ngã ba Tân Phong về Châu Đức. Suất ra trạm này đều có giá. Về được Dầu Giây là ấm no.

Ông Nam Đồng nói:

– Bạn đọc phản ứng dữ. Họ nói nhà báo ăn uống gì của trạm Dầu Giây mà né trạm này? Giờ tao hỏi tụi bây có ăn uống gì của họ không? Tại sao phanh phui các nơi mà Dầu Giây thì né?

Lý do được các phóng viên giải thích: Tất cả các trạm khác thì sai trái nó nằm ở CSGT nhận mãi lộ ngoài đường, tiền mãi lộ có thể biếu xén cấp trên. Riêng trạm này sai từ đầu não. Cấp trên, cụ thể là Trạm trưởng lấy hết tất cả nguồn thu và bắt mỗi tổ tuần tra cứ sau ca trực là phải nộp 2 triệu đồng lý do là chi đối ngoại. Do đó nếu viết điều tra Trạm này, phải điều tra từ Trạm trưởng. Khổ nỗi Trạm trưởng đâu có ra đường, toàn ngồi nhà đếm tiền, chứng cứ đâu mà uýnh?

Ông Nam Đồng hỏi:

– Bình thường, để phản ánh tiêu cực của một trạm CSGT, anh em làm mất bao lâu?

PV trả lời nhanh thì vài ngày, chậm thì một tuần, chậm lắm một tháng. Bởi nguồn tin từ chủ xe, chủ bãi, tài xế … toà soạn nắm rất chắc. Để bố trí cho một PV nhập vai lơ xe tải Bắc Nam, Tổng TKTS Hoàng Chương chỉ thiết kế một buổi chiều.

Ông Nam Đồng hỏi:

– Để phanh phui trạm Dầu Giây, tụi bây cần bao lâu.

Anh em trả lời: cần một năm.

Ông Nam Đồng nói lâu quá. Anh em nói không nhanh hơn được. Ông giao kèo: Hôm nay là 21-6-2002, đúng ngày này năm sau mà loạt bài điều tra tiêu cực của Dầu Giây không nằm trên bàn tao thì tụi mày đừng phân bua gì cả.

Trong một năm đó, có điều ông Nam Đồng không nhớ, là nhân hai lần ông ấy đi Mỹ thăm anh trai, các PV nhờ ông mua giúp một cụm thiết bị thu phát sóng ngắn. Và với sự giúp sức của một giảng viên ĐH BK, từ những linh kiện bán dẫn bán đầy chợ trời, cái thiết bị thu phát ấy được đấu nối với điện thoại.

Cuộc giao ban đột xuất lúc 14h00 chiều 16/6/2003 của Trạm Dầu Giây do Đại uý Võ Đình Thường chủ trì với nội dung thoả hiệp mãi lộ, bày cho lính đối phó với Thanh tra cảnh sát và báo chí, thể hiện rõ sự bảo kê ăn chia được thu bởi một micro nhỏ trong phòng họp và được kết nối với máy phát. Bên ngoài Trạm, trên taxi, máy thu được kết nối với một cái điện thoại và cái điện thoại thì gọi về số máy phòng Tư liệu- Thư viện của báo. Và máy bàn của thư viện được kết nối trực tiếp với máy tính.

13 giờ 50 phút, thử tín hiệu thấy tốt, nhóm PV ở toà soạn kéo lên Thư viện. Trong đó có mình và Nguyễn Văn Tiến Hùng. Em Thuỷ nhân viên phòng tư liệu (nay là cán bộ Toà án Nhân dân TP.HCM) được yêu cầu: cho tụi anh mượn phòng thư viện suốt buổi chiều và đừng cho ai vào. Mười phút sau, cuộc họp ở Dầu Giây bắt đầu. Ngồi tại thư viện báo Pháp Luật, các PV nghe rõ mồn một từng tiếng.

14:50 phút, cuộc họp giao ban của Trạm Dầu Giây kết thúc. Cả nhóm nghe lại lần nữa và chép sang dĩa CD và một dĩa mềm 1,44 Mb.

Các phóng viên bước vào phòng Nam Đồng:

– Một năm trước chú chưởi bới tụi này ăn nhậu gì của Dầu Giây mà không phanh phui. Sếp cho hạn một năm để hoàn thành bài viết. Nay, mới chiều nay họ có một cuộc giao ban mà nội dung toàn bảo kê và chia chác.

Ông Nam Đồng:

– Lập ngay một tổ đi Đồng Nai chiều nay, tìm nhân mối ngay trong CSGT Dầu Giây nghe họ kể. Mình viết phiếm chỉ cũng được. “Trải đệm” mần đi.

“Trải đệm” là từ trong cuốn Bố Già, chỉ những trận dàn quân đánh nhau khô máu giữa các băng giang hồ Mỹ gốc Ý. Trước những loạt điều tra lớn trực diện và có thể phải trả giá, ông Nam Đồng thích dùng từ này.

Các PV báo cáo ông là họ đã âm thầm trải đệm một năm nay. Rằng chuyến đi Đồng Nai chiều nay không cần thiết nữa. Và để trên bàn ông một đĩa 1,44 Mb:

– Trong này có một file tên VoDinhThuong-DauGiay và một file chương trình ghi âm của samsung. Nó là toàn bộ nội dung ghi âm cuộc giao ban chiều nay của Trạm Dầu Giây vừa kết thúc mấy phút trước!

Ông Nam Đồng hỏi Trạm cách toà soạn gần trăm cây số, nó mới kết thúc sao tụi bây có băng ghi âm? Kỹ thuật làm sao? Kỹ thuật làm sao?

Mình với Tiến Hùng cười phá lên nói dốt tin học như sếp không hiểu nổi đâu. Cái này nó là kinh tế tri thức á! (hồi đó cụm từ kinh tế tri thức rất được chuộng).

Chiều đó, ông Nam Đồng đãi bia cả bọn. Dĩ nhiên là bia Sài Gòn với món mít trộn thần thánh rẻ tiền.

Hai ngày sau đó là những ngày làm ảnh cho cụm bài. Ổng nói loạt bài phải bí mật, bảo vệ phóng viên, nhưng các phóng viên thì dẫn theo CTVTap Nguyen, con trai ổng. Và nó là đứa duy nhất buộc phải cố tình lộ mặt, đăng báo lun, kkk.

Bản thảo nộp cho ông Nam Đồng chiều 19-6-2003, vượt kế hoạch 2 ngày so với mốc thời gian ổng giao năm trước.

Bài báo: “Những tiêu cực ở Trạm CSGT Dầu Giây” gửi bản thảo trực tiếp cho ông Nam Đồng. Ổng bặm môi sửa lại: “Trạm Dầu Giây- “Ăn” sao cho khỏi lộ?”.

Báo đăng ngày 24-6-2003. BBC đăng lại trong buổi sáng hôm ấy với cái tít: “Trạm cảnh sát Dầu Giây bị thâu băng”.

Thiếu tướng Tâm, sau này là thư ký Bộ trưởng, rồi Chánh văn phòng Bộ Công an (đã nghỉ hưu), khi ấy là Trung tá Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí Bộ CA (20 Phan Bội Châu, HN) cho biết:

– Sáng sớm Bộ trưởng đã được báo tin, chính Bộ trưởng gọi cho lãnh đạo Tổng Cục xây dựng lực lượng yêu cầu xử lý ngay. Và Lãnh đạo Tổng cục truyền đạt ngay ý kiến này cho đồng chí Tư Hoàng, Giám đốc công an Đồng Nai.

7 giờ sáng ngày báo đăng, đại uý Trạm trưởng Dầu Giây Vũ Đình Thường và hai cấp phó là thiếu tá Khanh, thiếu tá Thuận (Thuận Râu) được lệnh về trạm và triệu tập 100% quân số.

8:00 sáng, PV26 và PX13 (Thanh Tra và Phòng tổ chức) có mặt tại Trạm Dầu Giây công bố cùng lúc hai quyết định:

1- Đình chỉ công tác toàn bộ 39 cán bộ chiến sĩ trạm Dầu Giây

1- Điều lực lượng của Đội tuần tra và đội điều hoà về thực hiện nhiệm vụ tại Dầu Giây.

Đó là cuộc “thay quân” lớn nhất trong lịch sử công an Đồng Nai, thay toàn bộ quân số một đơn vị.

(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook