23-12-2024
Trên Facebook của giáo sư Hoàng Dũng mới đăng tải một file ghi âm được cho là ghi lời phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 sáng 12.12.2024 về vụ bổ nhiệm Lương Ngọc An.
Dạ Thảo Phương, một người đã quen biết ông Nguyễn Quang Thiều từ năm cô 17 tuổi và sau này “làm lính” của ông, ngay lập tức xác nhận trên Facebook rằng, “Vâng, đó là giọng Nguyễn Quang Thiều”.
Nếu đúng đây là lời ông Chủ tịch, thì tôi phải lấy làm kinh ngạc, vì những lẽ sau.
1.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói “Ngay như một cái việc mà chúng tôi đang bị tấn công là vì chúng tôi điều động anh An làm Phó Tổng biên tập của một tạp chí của Hội Nhà văn. Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được. Chúng ta mới chỉ nghe một phía cách đây hai mươi… hai mươi ba năm”.
Tôi băn khoăn, không hiểu căn cứ vào đâu mà ông nói rằng “bị tấn công”? Có thể có một số người nhân chuyện này mà tấn công Hội Nhà văn, nhưng dứt khoát đó không phải là dòng chính. Như tôi quan sát thì hầu hết những tiếng nói (trong đó có tôi) cất lên trên cộng đồng đều chỉ dừng lại ở việc yêu cầu minh bạch và giải trình, rằng tại sao các vị lại bổ nhiệm một người đang bị tố cáo hiếp dâm vào vị trí Phó tổng Biên tập một tạp chí. Người dân đòi hỏi một sự minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với một tổ chức thuộc nhà nước mà bị quy kết là “tấn công”, chữ nghĩa của nhà văn sao mà lắt léo và nguy hiểm quá.
2.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói “Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được”. Hoan hô ông, ông đã nói rất khách quan, đúng là “chúng ta chưa biết được”. Tuy nhiên, điều khẳng định này của ông Chủ tịch cũng gián tiếp cho thấy ông đã khẳng định một điều rằng, hoàn toàn chưa có kết luận nào về tính đúng sai của lời tố cáo, việc Lương Ngọc An có hiếp dâm Dạ Thảo Phương hay không còn nằm trong bóng tối, và chính ông cùng “chúng ta” đều không biết thực hư. Nhưng với lời khẳng định này của một người đứng đầu Hội Nhà văn, là sếp trực tiếp của Lương Ngọc An và là người đã ký quyết định bổ nhiệm Lương Ngọc An mà ông còn công khai thừa nhận là “chưa biết được”, thì những người đang ra sức bao biện cho Lương Ngọc An bằng những câu chuyện và đồn thổi của họ như thể chính họ đã chứng kiến và biết sự thật, nên bớt thêu dệt đi.
Ông Thiều nói “Chúng ta mới chỉ nghe một phía cách đây hai mư… hai mươi ba năm”, vậy tại sao không hỏi ông An để nghe nốt phía còn lại? Tôi còn tò mà, là trong Hội nghị này không biết có ông Lương Ngọc An ngồi đó hay không, nếu có, sao ông Chủ tịch không hỏi luôn một câu, rằng “có hay không hả anh An?”. Và nếu ông An trả lời rằng “không” thì ít nhất cũng khỏe cho ông Chủ tịch biết bao; nhưng tại sao ông lại không hỏi cái câu cần hỏi và rất đơn giản ấy? Ông Thiều không thể hỏi, hay vì ông An không thể trả lời, hay vì ông An đã nói điều gì mà ông Chủ tịch không thể công bố?
3. Ông Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định rằng “Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được” và ông lý giải cho việc bổ nhiệm là “Vậy thì chúng ta nhìn anh An hay nhìn bất cứ một con người nào là bằng của họ của hai mươi, ba mươi năm trước, hay chúng ta nhìn những ngày họ đang sống đây”. Logic của ông Chủ tịch ở đây là: không quan tâm, bất cần biết ông An có phạm tội trong quá khứ hay không, miễn là trong hiện tại ông An tốt là được! Lập luận này gián tiếp cho thấy ông Nguyễn Quang Thiều hoàn toàn không có nhu cầu đi tìm sự thật, không quan tâm đến sự thật trong quá khứ là thế nào, vì nó vô nghĩa [với ông].
Ồ, thì ra con người không cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình! Vì nếu cứ theo cái lý luận ấy của ông Chủ tịch, thì nếu ngày hôm qua tôi phạm tội và trốn được, thì sang ngày hôm nay tôi thành người trong sạch, miễn là hôm nay tôi tốt! Vậy thì trên đời này, ngoài những vụ quả tang ra, chẳng ai phải chịu trách nhiệm gì cả. Thưa ông, công tội ngàn năm còn phải rạch ròi phân minh, ngay cả một người đã chết cách đây năm bảy trăm năm còn bị hậu thế phán xét và “kết tội” kia mà, vì sao một việc mới hơn 20 năm và họ còn sống sờ sờ ra đó, mà lại không cần biết, không cần chịu trách nhiệm? Chẳng lẽ không còn cách lý luận nào tốt hơn để phủi sạch tội lỗi cho một người đến mức phải dùng đến cái lập luận rất… cùn này?
Thêm nữa, ông nói “Vậy anh An có quyền trở thành một người tốt. Cũng như tôi cũng có quyền trở thành một người tốt. Ngày hôm qua, tôi có thể là không tốt, nhưng hôm nay tôi có quyền trở thành người tốt”. Đúng thế, ai cũng có quyền trở thành người tốt, nhưng không chỉ tốt với “đối với trong Ban Chấp hành, đối với đảng đoàn, đối với công việc” là đủ. Người mà ông ta cần phải “tốt” đầu tiên chính là với nạn nhân chứ, vì ông ta đã gây ra đau khổ và bi kịch cho cuộc đời nạn nhân, chứ có hại gì đối với “Ban Chấp hành, đối với đảng đoàn” đâu?
Trong một lời biện minh hùng hồn mà không hề đếm xỉa gì đến nạn nhân, đó là một sự tàn nhẫn, và còn tàn nhẫn hơn nữa khi nó được phát ra từ miệng một nhà văn đứng đầu một tổ chức văn học của cả nước.
Tôi lại băn khoăn, làm sao một người lại có thể là “tốt” được khi không thừa nhận tội lỗi trong quá khứ của mình? Người ta chỉ có thể bắt đầu hành trình trở thành một người tốt khi biết nhận ra và thừa nhận lỗi lầm/ tội lỗi của mình. Không nhận lỗi, không xin lỗi, không sám hối, thì đồng nghĩa với việc anh ta vẫn coi hành động trong quá khứ của mình là đúng. Tại sao một người vẫn coi tội ác là điều đúng lại có thể là một người tốt được?
Bất cần biết ngày hôm qua người đó đã gây ra những gì, đã thừa nhận chưa, đã xin lỗi chưa và lấy cái hiện tại để xóa sạch quá khứ như chúng chưa hề tồn tại, đó chẳng phải là thái độ công khai dung dưỡng cho cái ác ư? Đây là một sự ngụy biện nguy hiểm, phủi sạch trách nhiệm, cho phép con người trở nên trơ tráo, vô sỉ đồng thời mở đường và dung túng cho cái ác ngự trị trong xã hội.
Trên phương diện pháp luật, một tội ác mà còn có thời hiệu chịu truy cứu đến khoảng vài chục năm hoặc vĩnh viễn, huống gì là về văn hóa và đạo đức làm người?
Không ai đòi một nhà văn luôn phải luôn “trong veo” cả, con người có xấu có tốt, có lúc sai lầm có khi độc ác. Nhưng phẩm chất tối thiểu của người trí thức hay văn nghệ sĩ là lòng trung thực, anh chỉ được tha thứ khi trung thực và chân thành sám hối.
Tôi tin rằng, từ trong sâu xa, con người có lương tâm. Có những chuyện đã vùi sâu chôn chặt, trừ đương sự ra, tuyệt nhiên không ai biết đến; nhưng trước lúc nhắm mắt, lương tâm họ phải trỗi dậy và tự thú. Việc sám hối không những giúp nạn nhân được xoa dịu, xã hội trở nên tốt hơn mỗi ngày, mà chính đương sự cũng được giải thoát khỏi những cắn rứt của tội lỗi. Nếu cái ác bị vùi lấp, ung nhọt sẽ sinh ra trong cơ thể, cả cơ thể người lẫn cơ thể xã hội. Là một nhà văn nhà thơ, đáng ra ông Chủ tịch phải nhận thấy điều ấy, và nếu không vì trách nhiệm ở vai trò lãnh đạo mà chất vấn và giải trình, thì ít ra ông cũng nên khuyên đương sự thành thật để tự cứu chuộc linh hồn hắn ta, sao lại dùng những lý lẽ đầy ngụy biện như thế để đồng hành cùng cái ác?
4. Việc ông Nguyễn Quang Thiều phủ nhận tội ác trong quá khứ (nếu có) của một người nhân danh cái “tốt” trong hiện tại, đồng thời ông hùng hồn phát biểu “Chết hay sống không phải là vị trí Chủ tịch hay Ban chấp hành. Tất cả những cái đó phù phiếm,” dường như là một cách rất diệu để ông khước từ trách nhiệm giải trình của mình. Sự “cao cả” và “hoành tráng” ấy, người khác nói thì được, riêng ông Chủ tịch thì không. Ông đang khoác lên và che đậy sự vô trách nhiệm của một người giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn và đã bổ nhiệm một người đang bị tố cáo hiếp dâm bằng những ngôn từ hoa mỹ và một thái độ đầy tính quân tử. Như thế, qua những phát biểu này, ông Nguyễn Quang Thiều không những chạy tội cho kẻ đang bị tố cáo, mà [hình như] quan trọng và chính yếu hơn, là đang bao biện cho chính mình – một sự bao biện không bao giờ có thể được những người tử tế chấp nhận.
Hề… hề…, Thái Hạo này: Có một tình huống mà Thái Hạo chưa tính đến, đó là khi cô Dạ Thảo Phương tố cáo rằng thì là bản thân mình bị Lương Ngọc An cưỡng bức thì Lương Ngọc An đã dẻo mồm THÚ TỘI trước ông Nguyễn Quang Thiều và trước TỔ CHỨC ĐẢNG của ông ấy. Vì thế, ông Thiều đã cho Lương Ngọc An một vận trình TRỞ THÀNH NGƯỜI TỐT mới từ lúc ấy chăng!!?. Và nếu vậy, thì Nguyễn Quang Thiều và tổ chức Đảng của ông ta tự coi mình được quyền thay thế cho cách hành xử của PHÁP LUẬT à!!!?
Cái gã An này, học Hồ mãi mà không thuộc bài.
Chỉ cân mua một chiếc khăn tay, ra trước hội nghị hội nhà văn nhận lỗi, rồi sụt sịt khóc, rồi dùng khăn chùi chùi mắt cho thiên hạ quay phim chụp ảnh, thế là lại trong veo, lại thành phó tổng dân tộc, kể cả tội lỗi vừa mắc hôm qua còn được xóa sạch, huống chi chuyện đã xảy ra lâu lẩu lầu lâu rồi.
Thế nhé, nhận lỗi đi, khóc đi. Mọi chuyện sẽ ổn thôi
Cuối cùng thì cái hội của Nguyễn Quang Thiều chỉ còn độc những kẻ trâng tráo, vô sỉ. Loại “nhà” dưới thời xã nghĩa, ah, ai nói ra nói vào mặc kệ, mẹ nó sợ gì, đảng vẫn nuôi anh em chúng ta và thế là đủ.