23-12-2024
Hôm qua, Faerbook của giáo sư Hoàng Dũng có đưa một đoạn ghi âm, “được cho là ghi lời phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 sáng 12.12.2024 về vụ bổ nhiệm Lương Ngọc An”.
Ngay lập tức, một số người trong giới gọi, hỏi tôi: “Có phải giọng Nguyễn Quang Thiều không? Không thể tin được Chủ tịch Hội nhà văn lại công khai phát biểu kiểu thao túng tâm lý, chạy tội cho một kẻ đang bị cáo buộc hiếp dâm như vậy!”. “Sao Thiều vốn đa mưu túc trí tự dưng lại “hở” như vậy được nhỉ?! Giọng Thiều thật không?”.
Vâng, đó là giọng Nguyễn Quang Thiều.
Nguyễn Quang Thiều từng quen biết tôi từ năm tôi 17 tuổi, và sau này trở thành người sếp trực tiếp đầu tiên trong cuộc đời tôi, làm việc cạnh tôi gần như hàng ngày. Tôi tin: Giọng nói trong đoạn ghi âm này là của Nguyễn Quang Thiều. Giọng nói ấy quá quen thuộc với tôi. Và nội dung lời phát biểu ấy cũng quá quen thuộc với tôi, dù người nói trước đây mang những cái tên khác. Bản ghi âm này phập vào tôi như một mũi tên, găm tôi lại vào thời gian đầu năm 2002.
Năm 2002, tôi còn làm ở Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam – nơi Tổng biên tập của báo dù có tên khác nhưng cũng là một nhà thơ nổi tiếng được lòng đông đảo văn giới, cũng là người phụ trách công tác Đảng, và cũng là lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 2002, hai năm sau khi Lương Ngọc An bị bắt quả tang cưỡng dâm tôi không thành tại ngay toà soạn. Cũng như bây giờ:
– Hắn vẫn chưa từng nhận tội.
– Tôi đã từng nhiều lần gửi đơn tố cáo, nhưng cơ quan chưa từng có một văn bản chính thức nào thể hiện trách nhiệm của họ.
– Sau một thời gian lặn lủi, Lương Ngọc An tiếp tục được lãnh đạo o bế về báo để “nhận nhiệm vụ mới”.
Vì vậy, tôi đã tiếp tục vượt qua các ngăn cản, trù dập của lãnh đạo, một lần nữa gửi đơn tố cáo Lương Ngọc An lên cơ quan, đề nghị cơ quan có thái độ rõ ràng bằng văn bản.
Trong nhiều cuộc họp chung ở cơ quan, tôi đã bị lãnh đạo cơ quan sỉ nhục bằng luận điệu nghe qua có vẻ như “lý lẽ của lòng nhân ái” nhưng thực ra… không có lý lẽ gì: “Chuyện đã xảy ra một thời gian rồi, sao chị Dạ Thảo Phương vẫn nhất quyết đòi lôi lại, làm rối tình hình cơ quan, làm phiền lãnh đạo và tập thể?!”. “Chị Dạ Thảo Phương là một phụ nữ mà sao chị có thái độ đuổi cùng giết tận anh An như vậy?! Lòng nhân hậu của chị ở đâu?!”. “Chị Dạ Thảo Phương là một nhà thơ mà sao chị hành động độc ác vậy?”. “Chị Phương nên buông bỏ quá khứ, sống với hiện tại, để anh An được cống hiến, và để chúng tôi nữa, tập trung vào làm báo, lo cho nồi cơm của tất cả các anh các chị ngồi đây!”. Rất nhiều, rất nhiều câu tương tự.
Ôi, thứ “nhân ái” có-chọn-lọc-đối-tượng, trơn tru trên môi, loại dầu mỡ chỉ dành cho những ốc vít trong guồng máy quyền lực của họ, không dành cho những cá nhân không chịu để phẩm giá bị nghiền be bét trước guồng máy ấy mà không bật lên một âm thanh phản kháng nào!
Những cuộc hành hình sự thật, tra tấn phẩm giá cá nhân giữa tập thể như vậy từng đẩy tôi đến nỗi khốn cùng niềm tin, hoảng loạn lao đầu một mực tìm cái chết để mong được ngừng đau. Hơn hai mươi năm sau, chúng vẫn còn để lại những vết nung tấy đỏ trong tâm trí của tôi!
Hơn hai mươi năm trước, internet chưa phổ cập, thông tin, tri thức còn bị bưng bít, bàn tay nắm quyền lực có thể dễ dàng tuỳ thích che cả bầu trời, bịt mọi nẻo cất lời, thoả sức độc quyền ban phát “lý lẽ”, “chân lý”.
Cộng đồng của tôi thời ấy – những nhà văn nhà thơ nghệ sĩ trí thức trong toà soạn, những người tôi đã mến trọng, tin tưởng và giờ đây vẫn còn mến trọng, tin tưởng – trong cơn đau đớn sững sờ không thốt nên lời của tôi, họ ngước mắt nhìn lên trần nhà, hoặc ngó mông lung vào khoảng không trước mặt, hoặc chăm chú nhìn vào vệt nước trà trên bàn họp, hoặc cúi đầu cố gắng cậy một vết bẩn, một vảy da bong trên đầu ngón tay mình. Và họ im lặng.
Người duy nhất lên tiếng công khai bảo vệ tôi là nhân chứng, hoạ sĩ Nguyễn Lê Tâm.
Không ai lên tiếng công khai hùa theo lãnh đạo, đó là điều dũng cảm và từ bi nhất mà lương tri của cộng đồng ở thời điểm đó có thể trao cho tôi, như vậy đã đủ tôi thật sự biết ơn họ mãi mãi.
Hôm nay, luận điệu và phương thức tráo đổi bản chất sự thật của những người nắm quyền lực không đổi khác, nhưng tôi tin là thời đại đã đổi khác rồi, nhận thức của tôi đã đổi khác rồi, cộng đồng đã đổi khác rồi. Phải vậy không?
Phải vậy không?
PHẢI VẬY KHÔNG?
Về những điều ông chủ tịch kiêm bí thư Đảng Đoàn Nguyễn Quang Thiều vừa nói trong đoạn ghi âm này, tôi đã cung cấp lời giải đáp cách đây hơn hai năm rưỡi, khi trả lời phỏng vấn của Vietnamnet. Xin trích lại một đoạn ở đây:
“Mọi tội lỗi đều có thể tha thứ. Tôi cũng rất muốn được buông bỏ quá khứ thống khổ, kết thúc hành trình tìm công lý cho mình ở đây. Nhưng chừng nào kẻ phạm lỗi chưa nhận chính xác tội lỗi của mình, sự tha thứ sẽ đồng nghĩa với dung túng cho cái ác, để nó lẩn lủi, tiếp tục gây hại cho xã hội”.
Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều nói đúng – Lương Ngọc An có quyền trở thành người tốt, ông cũng có quyền trở thành người tốt, bất cứ lúc nào.
Trước hết, hãy bắt đầu trở thành người tốt bằng một hành động lương thiện – thừa nhận Sự Thật chứ không phải đánh tráo tên nó, đẩy nó xuống hố, hòng lấp đất chôn sống nó ngay trước con mắt chưa mù hẳn của cộng đồng.
***
Hoàng Dũng: Phát biểu được cho là của Chủ tịch Hội Nhà văn về vụ bổ nhiệm Lương Ngọc An
Tôi nhận được file ghi âm sau đây từ một bạn đọc, được cho là ghi lời phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn trong Hội nghị tổng kết công tác văn học 2024 sáng 12.12.2024 về vụ bổ nhiệm Lương Ngọc An.
Người nói rất hùng hồn. Nếu đó chính là ông Chủ tịch Hội Nhà văn và nếu thế, tại sao ông sợ gì mà chỉ hùng hồn trước mặt vài người trong bốn bức tường phòng họp, chứ không công khai giải trình cho cả nước biết lý lẽ vững chắc, chính nghĩa ngời ngời của người bổ nhiệm Lương Ngọc An, thưa ông? Chọn cách ứng xử không minh bạch chỉ làm cho uy tín của Hội Nhà văn rơi xuống hố thẳm!
Trong bài báo tường thuật Hội nghị nói trên, đăng trên trang web của Hội Nhà văn, tuyệt không có một dòng nào nhắc đến vụ Lương Ngọc An (https://vanvn.vn/hoi-nha-van-viet-nam-tong-ket-cong-tac…/).
Xin gỡ băng để bạn đọc dễ theo dõi:
“Ngay như một cái việc mà chúng tôi đang bị tấn công là vì chúng tôi điều động anh An làm Phó Tổng biên tập của một tạp chí của Hội Nhà văn. Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được. Chúng ta mới chỉ nghe một phía cách đây hai mươi… hai mươi ba năm. Vậy anh An có quyền trở thành một người tốt. Cũng như tôi cũng có quyền trở thành một người tốt. Ngày hôm qua, tôi có thể là là không tốt, nhưng hôm nay tôi có quyền trở thành người tốt. Và những thái độ của anh An đối với trong Ban Chấp hành, đối với đảng đoàn, đối với công việc là một người tốt, là một người [không nghe rõ]… Và việc điều động anh An chưa bao giờ bị bãi nhiệm chức Phó tổng Biên tập Báo Văn nghệ. Và trước đó chúng tôi đã báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên – Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, và được sự cho phép của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông, mới bổ nhiệm anh An làm Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Nhưng bây giờ, vì những vấn đề đầy nhạy cảm, thì chúng tôi điều động anh An về Văn phòng Hội, và bây giờ chúng tôi điều động tiếp.
Vậy thì chúng ta nhìn anh An hay nhìn bất cứ một con người nào là bằng của họ của hai mươi, ba mươi năm trước, hay chúng ta nhìn những ngày họ đang sống đây. Tôi cũng được chia sẻ của rất nhiều hội viên, và tất nhiên hội viên cũng lo, bảo “Chuẩn bị đại hội mà các ông làm thế này thì chắc ông chết!”. Chết, hay sống đâu chỉ là trên trang sách của chúng ta, trong hành động sống của chúng ta hàng ngày. Chết hay sống không phải là vị trí Chủ tịch hay Ban chấp hành. Tất cả những cái đó phù phiếm. Đấy là hội viên yêu cầu các ông đứng ra để lo cái việc hoạt động. Và biết là mình sai là chính [chỉnh?], khiếm khuyết là chính [chỉnh?], ưu điểm có…”.
_____
* Toàn bài phỏng vấn tôi:
https://infonet.vietnamnet.vn/da-thao-phuong-toi-con-quoc…
* Bản ghi âm phát biểu của ông Nguyễn Quang Thiều:
https://drive.google.com/…/1jVwcDaGMBsEF…/view…