14-12-2024
1. CHÍNH SÁCH VÀ NHÂN SỰ
Vào thời phong kiến, mỗi vị vua mới lên ngôi đều bắt đầu bằng thay đổi niên hiệu, xác định triều đại mới của mình khác với triều đại trước, dù triều đại trước là của cha anh. Nhưng thay đổi niên hiệu chỉ là dấu nhận biết về triều đại theo biên niên sử. Cùng với thay đổi niên hiệu, vị vua mới sẽ ban hành các quốc sách quản trị mới. Các quốc sách mới thường bao gồm:
– Thay đổi các chức vụ và quan lại của bộ máy quản lý.
– Thay đổi chính sách trị quốc, bao gồm sửa đổi bãi bỏ các chính sách của triều đại trước.
– Củng cố quân đội và an ninh.
– Xây dựng các công trình lớn.
– Phong tước, ban ơn, ân xá.
Cho nên, khi lên ngôi, các vị vua thường thay đổi các chức vụ, bổ nhiệm các quan lại mới. Thay đổi chính sách trị quốc, ví như sắp xếp lại bộ máy, sắp xếp lại tỉnh huyện – là vì mục tiêu quản trị hiệu quả hơn.
Vào thời hiện đại, ví như trường hợp tổng thống Mỹ, điều quan trọng để được cử tri bầu chọn tổng thống là các chính sách đối nội và đối ngoại, cùng khả năng biến các chính sách đó thành hiện thực. Khi bước vào nhận chức, thì việc đầu tiên là bổ nhiệm nhân sự để thực thi chính sách.
Soi từ cổ chí kim, qua mọi triều đại, hai điều quan trọng nhất của người mới nhận chức đứng đầu quốc gia là: Chính sách mới và nhân sự mới để thi hành chính sách mới.
2. NHỮNG ĐIỀU CỐT LÕI CỦA SÁP NHẬP
Hiện nay nước ta đang tiến hành sáp nhập lớn trên hai phương diện: một mặt là các bộ ban nghành, hội đoàn thuộc trung ương; và mặt khác là bộ máy quản trị địa phương từ tỉnh thành đến quận huyện, phường xã.
Cần làm rõ các mục tiêu cốt lõi của việc sáp nhập để có biện pháp thích nghi tương ứng. Làm cho việc sáp nhập thực sự hiệu quả. Chứ không phải chỉ là sự thể hiện thay đổi bề ngoài. Nếu không, lại theo vết xe trước đây. Vì từ năm 1954 đến nay, nước ta đã trải qua nhiều đợt nhập rồi tách, tách rồi nhập. Chỉ riêng TP.HCM, kể từ năm 1975 đã trải qua 7 lần chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong đó năm 1997 tách huyện Thủ Đức thành ba quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) nhưng năm 2021 lại nhập ba quận trở về Thành phố Thủ Đức. Trong các năm 1975 – 1976 nước ta có cuộc sáp nhập lớn, cả nước có 38 tỉnh thành. Sau đó là quá trình tách tỉnh (1989: 44; 1992: 53; 1997: 61; 2004: 64; 2008:63) [1].
Trong sự phát triển, việc tách – nhập là không tránh khỏi. Nhưng mỗi lần tách – nhập sâu rộng trên toàn quốc luôn phải gắn liền với một chủ thuyết quản trị quốc gia mới, được nghiên cứu kỹ lưỡng, chứ không đơn thuần chỉ phục vụ cho một mục tiêu đơn lẻ, ngắn hạn.
Ví như trước đây, các Ban của Đảng được lập ra trong một thời gian dài, sau đó bị nhập hay giải thể vì bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả. Nhưng gần đây lại phục hồi. Giờ lại nghiên cứu sáp nhập lại. Có trường hợp, dường như, ban lập ra chỉ vì giải quyết vấn đề chỗ ngồi cho nhân sự, hoặc cho một mục tiêu đơn lẻ ngắn hạn. Trong quá khứ, việc tách và nhập các bộ, các tỉnh đã có dư thừa chứng cứ thất bại và tổn thất.
Việc sáp nhập hiện nay là bước đi trong cải cách bộ máy quản trị quốc gia. Xuất phát điểm của chính sách sáp nhập hiện nay, có thể thấy, lấy mục tiêu giảm biên chế làm đầu. Việc sáp nhập đang mang tính cơ học gộp vào. Tất nhiên, như thế sẽ giảm được một bộ phận biên chế. Dù số lượng dôi thừa chưa rõ hướng giải quyết.
Trong quản trị quốc gia, cơ cấu của bộ máy quản trị và cơ chế vận hành bộ máy quản trị quốc gia có vai trò rất quan trọng. Việc sáp nhập các bộ ngành, tỉnh huyện xã không đơn thuần chỉ có mục tiêu giảm biên chế, mà mục tiêu quan trọng nhất là làm cho việc quản trị quốc gia hiệu quả hơn. Hiệu quả hơn theo hai mục tiêu sau đây.
a- Mục tiêu thứ nhất là bộ máy quản lý tinh gọn, chi phí vận hành thấp.
b- Mục tiêu thứ hai là năng suất làm việc cao, lợi ích nhiều.
Vấn đề giảm biên chế chỉ là một phần, nằm trong mục tiêu thứ nhất. Việc sáp nhập như hiện nay, ngoài gộp cơ học, chưa thấy các biện pháp để đạt được hai mục tiêu (a) và (b) nêu trên.
Cùng với việc sử dụng tối thiểu nhân sự, thì điều rất quan trọng là nhân sự phải xuất sắc. Trong công cuộc sáp nhập đang tiến hành thì cách lựa chọn nhân sự vẫn theo lề lối cũ. Vẫn các bộ mặt nhân sự đã biết, thì rõ ràng không thể đợi chờ có các thành tựu xuất sắc. Bởi thế cần phải:
c- Đề xuất thể thức chọn lựa nhân sự mới để chọn được người tài.
Chừng nào còn chưa có một thể thức khoa học lựa chọn cán bộ để chọn được người tài đứng vào bộ máy quản trị quốc gia thì chừng đó việc sáp nhập còn không đưa lại hiệu quả cần có.
Nhưng có người giỏi mà vẫn theo luật vận hành hiện tại, luật vận hành tạo ra điểm nghẽn khắp mọi nơi, thì công cuộc sáp nhập không mang lại lợi ích. Cho nên, cần thiết phải:
d- Thay đổi cơ chế vận hành.
Chỉ có một cơ chế vận hành khoa học, cùng với bộ máy quản lý toàn người tài giỏi, mới có cơ hội đạt được những thành tựu xuất sắc mới. Còn nếu sau sáp nhập, vẫn cơ chế vận hành khuyết tật cũ, tạo nên các điểm nghẽn [2] thì việc sáp nhập sẽ không đạt được hai mục tiêu quan trọng (a) và (b) nêu trên.
Việc sáp nhập bộ ban ngành và các địa phương gây ra nhiều tốn kém và phiền phức cho toàn dân. Sự trả giá đắt đỏ như vậy mà chỉ giảm được một số biên chế là chưa xứng đáng và chưa thể hiện đúng mục tiêu cơ bản của việc sáp nhập. Bộ máy tinh gọn nhưng phải làm việc hiệu quả. Muốn hiệu quả thì phải chọn được nhân sự giỏi. Có nhân sự giỏi thì phải có cơ chế vận hành khoa học. Cơ chế vận hành không khoa học sẽ trói buộc hiệu quả hoạt động của bộ máy và toàn thể xã hội. Cho nên, cùng với việc sáp nhập là thể thức lựa chọn người tài (c) và cơ chế vận hành khoa học (d) phải được triển khai đồng bộ.
3. “KỶ NGUYÊN MỚI” LÀ GÌ?
Việc tạo ra sự thay đổi của mỗi giai đoạn với người đứng đầu mới là điều dễ hiểu. Gần đây chúng ta nghe nhiều đến các cụm từ “Kỷ nguyên mới”, “Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam”. Đã có cả hội thảo về đề tài này [3].
Vậy “Kỷ nguyên mới” là gì?
Nếu hiểu “Kỷ nguyên mới” là kỷ nguyên của số hoá, của trí tuệ nhân tạo, của tiến bộ công nghệ thì đó là “Kỷ nguyên mới” chung của nhân loại. Nó không phải “Kỷ nguyên mới” riêng của Việt Nam. Bước vào “Kỷ nguyên mới” của Việt Nam phải là điều gì khác. Nó phải thể hiện được sự khác biệt mang tính bước ngoặt nhảy vọt vào một khung trời hoàn toàn mới so với các giai đoạn trước đó ở Việt Nam.
Nếu hiểu “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” “là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đích cuối cùng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc” [3] thì có gì khác biệt với mục tiêu đặt ra ở các giai đoạn trước?
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ngày 21/10/2024, Tổng bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” [2].
Một cách đơn giản, từ góc nhìn của người dân, từ mong muốn đợi chờ thay đổi thì “Kỷ nguyên mới” là phải thông được điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chừng nào chưa thông được điểm nghẽn thể chế thì chừng đó chưa có thay đổi bước ngoặt, chưa có bước phát triển đột phá để bước vào “Kỷ nguyên mới”.
Thông được điểm nghẽn thể chế, mới có nhân sự giỏi. Thông được điểm nghẽn thể chế mới có cơ chế vận hành khoa học. Thông được điểm nghẽn thể chế mới giải phóng sức sáng tạo. Lúc đó bộ máy quản trị vừa tinh gọn, vừa hiệu quả, mới có bước phát triển đột phá để tạo ra “Kỷ nguyên mới”.
Toàn dân đang đợi chờ công cuộc thông điểm nghẽn thể chế.
Thông được điểm nghẽn thể chế là bước ngoặt lịch sử.
Thông được điểm nghẽn thể chế là bước vào “Kỷ nguyên mới”.
TÀI LIỆU DẪN:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Phân-cấp-hành-chính-Việt-Nam
[2] https://kinhtevadubao.vn/the-che-la-diem-nghen-cua-diem-nghen-30107.html