7-12-2024
Trong chương trình Vua Tiếng Việt ngày 18/10/2024, khi nói đến thành ngữ “Nếm mật nằm gai”, cố vấn chương trình là nhà thơ Lữ Mai đã giảng cho người chơi và khán giả hiểu như sau:
“Cái câu nếm mật nằm gai lại theo một nghĩa khác. Tức là nói đến cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc trong cuộc đời. Có thể nói những người nông dân cực khổ nếm mật nằm gai trong một hoàn cảnh nào đó”.
Lời giảng trên đây không đúng, kể cả về nghĩa từ vựng và cách dùng.
“Nếm mật nằm gai”, hay “Nằm gai nếm mật” đúng là có nói về những “cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc”. Tuy nhiên, đây là một câu thành ngữ gốc Hán, xuất phát từ điển cố, điển tích cụ thể, bởi vậy, muốn hiểu và dùng cho chính xác thì phải biết được nguồn gốc của điển cố, điển tích.
Điển tích thành ngữ “Nằm gai nếm mật” (gốc Hán Ngoạ tân thường đảm; ngoạ 臥 = nằm; tân 薪 = củi khô, cỏ gai dùng để đun nấu; thường 嘗 = nếm; đảm 膽 = mật đắng của động vật), có nhiều dị bản nhưng đại để như sau:
Thời Xuân Thu, nước Việt bị nước Ngô đánh bại ở Cối Kê. Vua tôi nước Việt là Câu Tiễn tuy được tha mạng, nhưng bị bắt đem về và thường ngày phải phục dịch hầu hạ vua Ngô, chịu mọi khổ sở nhục nhằn.
Khi vua Ngô bị ốm nặng, để tỏ lòng trung, Câu Tiễn thường tự nếm phân vua để đoán biết bệnh tình. Khi được vua Ngô tin tưởng và thả về, Câu Tiễn không sống trong an nhàn mà tự đày ải thân mình, thường nằm trên củi khô lởm chởm, cỏ gai sắc nhọn, lại hằng ngày nếm mật đắng để tự nhắc nhở không quên chuyện cũ, nung chí phục thù. Sau mười năm trời khổ công chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn nhiều lần xuất binh, và cuối cùng đánh bại quân Ngô, vua Ngô Phù Sai dù được tha mạng sống nhưng cuối cùng đã tự sát trong hổ thẹn.
Về sau “Ngoạ tân thường đảm – 臥薪嘗膽 – Nằm gai nếm mật” được dùng với nghĩa: Tự đày ải thân mình để nuôi chí phục thù; Chịu đựng mọi gian khổ, quyết mưu đồ việc lớn.
Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã dùng điển tích này để nói về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn “Thường đảm ngoạ tân giả cái phi nhất nhật” (Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối), nhiều năm sống trong rừng sâu núi thẳm “Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần/ Lúc Khôi Huyện quân không một đội”, chịu đựng bao gian khổ, quyết tâm đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn.
Hoặc như “Nằm gai nếm mật” còn được gắn với những năm tháng Nguyễn Ánh cùng tướng sĩ “Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu/ Mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ.” (Nguyễn Văn Thành – Văn tế nghĩa sĩ trận vong) v.v…
Toàn là gương mặt các nhân vật lịch sử mưu đồ việc lớn cả!
Như vậy, “Nằm gai nếm mật” không có nghĩa là “việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc trong cuộc đời”, NÓI CHUNG, mà chỉ sự NUÔI CHÍ PHỤC THÙ, hoặc CHỊU ĐỰNG GIAN KHỔ ĐỂ MƯU TÍNH VIỆC LỚN. Theo đây, dù cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương, gian khổ cực nhọc chăn nuôi lợn gà, khó khăn thiếu thốn đến đâu, nhưng dùng thành ngữ “Nếm mật nằm gai”, hay “Nằm gai nếm mật” trong câu “những người nông dân cực khổ nếm mật nằm gai trong một hoàn cảnh nào đó”, là hoàn toàn không phù hợp.
Thật khó hiểu. Cả một ê kíp hùng hậu của Vua Tiếng Việt, “tiền kỳ”, “hậu kỳ” đủ cả mà không ai nhận ra cái lỗi sai thô thiển đó.
Chuyên có thật , người viết trực tiếp nghe giảng buổi học của học viên SQ Hậu Cần , giảng viên diễn giải câu ” nếm mật nằm gai” trong bài Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi như sau : Nghĩa quân dưới quyền Lê Lợi , bị quân Ngô bao vây, thiếu ăn, thiếu mặc nên đã lấy MẬT ong rừng để ăn , lấy vỏ cây Gai dệt thành vải để mặc ..!!??
Đài truyền hình ( Trung Tâm Nghe Nhìn ở thời việt cộng) VTV thì được người ta ví như Vua Tin Vịt
Vua Tiếng Việt thì bây giờ đã lộ nguyên hình là Vua Tiếng Vẹt, em Đoàn Hương nên mời ông thầy là ráo xư Bùi Hiền làm cố vấn cho thêm mùi mắm ruốc. Ôi chữ và nghĩa, bằng cấp đầy mình nhưng trình độ thì lơ tơ mơ.
Bản thân dân chơi đây vốn thất học nhưng câu ” nằm gai nếm mật ” cũng biết ý nghĩa là gì dù ngày ấy chỉ mới 16 tuổi đầu.
Cái ông tên là AQ định viết bằng chữ Campuchia hay là Thái Lan nhỉ, để người ta xem cho vui . Tiếng Việt chưa bao giờ có hình thức như thế ?!
( BBT có đọc được không ? )
Trong sách Đông chu liệt quốc cũng như trong Chiến quốc sách đều có ghi điển tích này đúng như Hoàng Tuấn Công đã viết.
Vấn đề của Vua Tiếng Việt là sự dốt nát tiếng việt của cả một ê kíp làm chương trình, từ Đạo diễn và bộ phận cố vấn… rồi có sự ngoan cố không nhận lỗi và bao che của lãnh đạo bộ phận thực hiện chương trình này ( TBL ) . Đáng hỗ thẹn nhất là ban cố vấn, học vị có đủ cả nhưng kiến thức thì có vấn đề nếu không muốn nói là tệ hại có cần cho đi học lại tiếng việt từ vỡ lòng không?. ( Thành thật xin lỗi. Tôi không muốn nhưng buộc phải viết những câu nặng nề này có thể vì vậy mà các dòng chữ này sẽ không được đăng nhưng không thể viết khác đi được vì có quá nhiều sai sót căn bản làm phá tiếng việt )