14-10-2017
Tôi tự cho mình vốn không phải là người quá bảo thủ và khắt khe khi đón nhận những cái mới, nhất là lại đang có điều kiện làm việc trong môi trường giáo dục quốc tế. Nhưng vừa rồi tình cờ xem tuoitre.vn, thấy có bài viết về phiên chợ bán các kỷ vật của người yêu cũ mới diễn ra ở Hà Nội hồi đầu tháng 10 vừa rồi, tôi thật sự bị sốc!
Xem thêm tin, bài trên một số báo khác về cái chợ này, càng ngạc nhiên hơn khi thấy hầu hết đều thể hiện sự tán thưởng với “sáng kiến” kinh doanh kỷ niệm tình cũ. Có báo còn khen đây là một nét văn hóa độc đáo của thủ đô, góp phần thu hút thêm du khách (?!).
Theo lời giải thích của người sáng lập phiên chợ này thì đây là cách “nhất cử lưỡng tiện” để giải quyết chuyện “hậu chia tay” cho các cuộc tình vỡ: Vừa giúp chủ nhân thoát khỏi nỗi khó chịu trước những hiện vật nhắc nhớ đến người cũ một cách bất đắc dĩ, vừa góp phần bảo vệ môi trường vì không phải mang những thứ đó đi tiêu huỷ (?!). Được biết chợ đã họp được 6 phiên và sẽ còn tiếp tục được tổ chức thường xuyên hơn bởi số lượng người đăng ký bán càng ngày càng đông.
Nhìn những bức ảnh kèm bài viết, không thể tin rằng ngay cả những lá thư tình cũng được trưng ra bày bán tại đây! Và những kỷ vật tình yêu thì được “sale” với tấm bảng rao: “Rẻ như người yêu cũ của bạn”! Lẽ nào Tình Yêu – chỉ dấu văn hóa thiêng liêng, cao cả nhất thể hiện tính người – lại có thể được đưa ra để bán như một món hàng hết giá trị sử dụng? Lẽ nào chia tay nhau xong lại có thể rẻ rúng nhau đến thế? Và quá khứ – dù là nỗi buồn hay niềm đau – lẽ nào lại có thể tẩy xoá theo cách tàn nhẫn như vậy?
Tôi không nghĩ những người tham gia phiên chợ này mong bán chác các kỷ vật để kiếm lời lãi gì ở đây. Nhưng cũng không thể hiểu nổi vì sao họ lại hăm hở mang kỷ niệm đi vứt bỏ kiểu ấy! Và trong tôi cứ ngậm ngùi một nỗi buồn “dâu bể” về đời sống văn hoá ngày nay! Đâu rồi cái thời bao cô gái trẻ vẫn tin và mong gặp được cánh buồm đỏ thắm của mình? Đâu rồi một thuở mà các cậu con trai có thể thức thâu đêm với những trang sách của Turgenev để tiếc cho chàng thanh niên đã làm vuột mất nàng Axya vì sự nông nổi và khờ dại của mình? Thuở ấy, những dòng văn tuy “sến súa” thế này nhưng cũng đã dạy cho chúng tôi biết trân trọng Tình Yêu một cách giản dị mà không kém phần sâu sắc: “… Tôi đang sống nốt những năm dài chán ngắt nhưng tôi vẫn giữ những bức thư và nhành hoa phong lữ đã khô héo của nàng, đó chính là nhành hoa mà nàng đã ném từ cửa sổ xuống vào cái thuở xa xưa ấy… Và mãi mãi tôi vẫn nâng niu nó như một kỷ niệm thiêng liêng…” (Axya – Truyện dài của Nhà văn Nga Ivan Turgenev).
Cái thuở mà tình yêu và kỷ niệm là thứ không thể mua hay bán ấy, chẳng lẽ giờ chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện kể về ngày xưa?
Buồn thay, một hoạt động méo mó nhân tính như thế lại diễn ra ở đất kinh kỳ ngàn năm văn vật và còn được cổ vũ như là một ý tưởng khởi nghiệp “không đụng hàng”! Chợ tình có thể là một nét đẹp văn hóa hồn nhiên của đồng bào vùng cao phía Bắc, nhưng chợ bán kỷ vật tình yêu thì lại là một trò đùa lệch chuẩn văn hóa quá lố rồi, các bạn trẻ ạ!
Cùng với vụ biểu diễn trong trang phục báng bổ tôn giáo ở Fame Club vừa diễn ra, cái phiên chợ không giống ai như này có lẽ sẽ làm cho không ít người thêm một lần nữa phải choáng váng trước khả năng tiên phong của thủ đô ta trong việc sáng tạo ra các “đặc sản văn hoá” dị hợm nhất.
Đất thượng kinh xưa vốn là đất của tao nhân mặc khách. Và người thượng kinh xưa cũng vốn nổi tiếng tinh tế, thanh lịch. Nền văn hóa ấy và những con người ấy, “hồn ở đâu bây giờ”?
_____
Mời đọc thêm: Rao bán kỷ vật tình cũ: tống đi quá khứ buồn có gì sai? (TT). – Độc đáo chợ bán kỷ vật người yêu cũ (TP). – Ra chợ bán kỷ vật người yêu cũ: Bán cho vơi bớt nỗi lòng (VNE).
Ở cái xã hội mà người ta khuyến khích thanh niên “sống thử”, phá thai tự do, thì làm gì có tình yêu mà giữ gìn kỷ vật. Đem bán “xeo” là khá rồi, chứ không thì chúng vứt thùng rác những thứ ấy đi cũng được, đâu có gì quan trọng mà cất lại.
Ôi, tình cảm, tình người, tình yêu, chỉ toàn là chuyện đâu đâu. Dẹp đi cho người ta xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tôi xin giơ tay có thắc mắc này tí: Nếu khát tiền và làm bằng mọi giá để có tiền (một thành tích xuất sắc của công tác “trồng người” tại VN của đảng và nhà nước) kể cả việc rao bán kỷ vật tình yêu thì tại sao lại không săn lùng những kỷ vật thuộc thể loại của một nhân vật vốn có một tình sử bí mật mà còn lẫy lừng hơpn bất cứ người đàn ông bình thường (có người yêu, có vợ) nào khác ở VN là bác Hồ?
Bảo đảm kỷ vật tình yêu của người này sẽ bán chạy như tôm tươi, tiền vào túi như nước lũ sông Đà!
Bác khỏi phải thắc mắc. Ý của bác chính là “chủ trương lớn” mà Đảng và NN đã ấp ủ từ lâu!
Trước tiên, phải cố gắng đưa được nguời vào làm Tổng Giám đốc của UNESCO, để được quyền tôn vinh lãnh tụ VN thành “danh nhân văn hóa thế giới”… sau đó mới là kinh doanh những kỷ vật tình yêu của “danh nhân văn hóa” ấy. Tiền ở đấy chứ đâu. Nhưng bị tuột mất rồi. Tiếc!