Giáo dục như thế là … lạc loài

Thái Hạo

5-11-2024

Tại sao một đứa trẻ sinh ra phải bỏ tới khoảng một phần ba cuộc đời vô giá để học hầu hết những thứ mà nó sẽ không bao giờ dùng đến trong hai phần ba cuộc đời còn lại? Giáo dục như thế, không phải lạc hậu, cũng không phải chỉ lạc hướng, mà là lạc loài.

Những thứ thiết yếu nhất đến sự sinh tồn của một con người là ăn, mặc, ở, và chữa bệnh, chúng hoàn toàn mù tịt và ngơ ngác. Sau 12 năm, thậm chí là 20 năm, khi ra trường, chúng hầu hết vẫn là những con gà công nghiệp, không biết phải tồn tại bằng cách nào nếu không được một ai đó thuê hoặc tiếp tục nuôi ăn. Đến học để sinh tồn như bao loài động vật khác mà chúng ta coi là “bậc thấp”, một nền giáo dục đã tiêu phí hơn 20 năm cuộc đời của một người cũng không làm nổi, đó là lạc loài, lạc khỏi loài.

Tuổi thọ trung bình của mèo là khoảng 15 năm, và một con mèo từ lúc sinh ra đến khi tự lập (tự kiếm ăn và sinh tồn) chỉ mất khoảng 3 tháng, nghĩa là chúng bỏ ra chưa đến 2% (1/50) thời gian của đời mèo để học cơ bản xong. Một đứa trẻ như trẻ Việt Nam mất bao nhiêu? Khoảng 30% cuộc đời! Đó là đang nói đến việc có bằng tốt nghiệp thôi, còn trên thực tế, có khi đến chết nó vẫn chưa học được những “kỹ năng sinh tồn” cơ bản.

Về mặt bản năng, khoảng 13 – 14 tuổi là con người dậy thì, tức là bước vào giai đoạn sinh sản, cũng tức là nó phải “trưởng thành xong”. Tự nhiên không ngu xuẩn đến mức cho phép loài người sinh con và nuôi con trong khi nó còn phải được cha mẹ xúc cơm cho ăn!

Học rất nhiều, nhưng học để tồn tại (kiếm ăn, làm nhà, chữa bệnh…) và chung sống (trong bầy đàn/ xã hội) thì hầu như không, không học gì cả và không biết gì cả. Sự học như thế là quái đản và đang chống lại chính con người, chứ không có giá trị gì.

Bạn biết về tính chất và các phản ứng hóa học của muối ăn (NaCl) để làm gì nếu không biết nêm chúng vào đồ ăn? Khoa học là công việc của một thiểu số, và họ sẽ tạo ra sản phẩm cho bạn, bạn chỉ cần biết cách dùng. Chiếc điện thoại trên tay mình, bạn biết gì về cấu tạo và các phần mềm bên trong? Bạn chẳng thể hiểu và cũng chẳng cần biết, “việc của bạn là bấm nút”.

Khoa học chưa bao giờ là xấu, nhưng nhồi khoa học vào đầu tất cả mà quên dạy họ cách sống, đó là một sự điên rồ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Học gì, mức độ như thế nào…, vấn đề nổi cộm của giáo dục Vn ,để làm được yêu cầu phải hiểu,hiểu sâu sắc về kiến thức cũng như sự vận hành của nó ra thực tế. Rất khó khi người ta dùng bản năng chăm chỉ và những kỹ năng từ trồng trọt chăn nuôi, hàng mã…để hiểu khoa học kĩ thuật, trong khi thực tế sản xuất công nghiệp phần lớn chỉ là bàn giao từ nước ngoài. Sự hiểu biết không có gốc dễ nên cứ phải mò mẫm đoán già đoán non, làm liều rồi lại chỉnh sửa….

  2. Cho tớ được phép đồng ý với Thái Hạo, chỉ mong đóng góp 2 hào

    – Văn phải là môn bắt buộc . Văn học là nhân học, học văn để trở thành người . Học Văn để nói, viết hiểu tiếng Việt, bảo vệ sự trong sạch Tiết Hạnh Khả Phong của tiếng Việt . Văn cũng là mỹ học, tạo ra thẩm mỹ, thị hiếu cho học sinh & đi theo họ đến suốt đời . Văn cũng giáo dục truyền thống yêu nước cũng là yêu Đảng qua văn thơ Cách Mạng, Lê Anh Xuân, Nguyên Ngọc … mà Tiến Sĩ Tưởng Năng Tiến đang (cố) truyền bá cho hải ngoại, đồng thời văn cũng giáo dục lòng căm thù sâu sắc với những kẻ thù của cái thứ Việt Nam mà mọi người chúng khẩu đồng tình cùng công nhận

    Những người sợ -> chán học Văn như tớ, lớn lên rõ ràng trở thành 1 thứ quái thai, khó có thể được chấp nhận trong 1 xã hội như Việt Nam . Chúng chỉ còn cách bỏ xứ ra đi, và nên im mồm nơi xứ người . Nếu không sẽ bị xem là mất dạy, vô học . Sự thật thì học đ vô

    – Một môn bắt buộc nữa là sử, nhất là sử Cách Mạng . Dân TA phải biết sử TA, không những phải biết còn phải biết tôn trọng nữa . Sử TA giáo dục tình tự dân tộc TA, giáo dục lòng tôn trọng sử TA, đồng thời cũng khinh khi sử Nó -không phải sử TA . Sử Nó thì TA đưa bài vị của những thần tượng của TA lên yểm, đưa xương cốt của TA hòa vào khí thiêng sông núi để biến chúng thành của TA, 1 kiểu terra-forma, cải tạo đất . Sử TA cũng do các nhân sĩ-trí thức của TA lập ra . Lân-Lê-Tuấn-Vượng & những học trò của họ đã tạo ra ngành Sử học ngày nay, và các nhân sĩ-trí thức khác cũng đã có (rất) nhiều đóng góp . Bản Hịch Tướng Sĩ thời chống Mỹ của Nguyên Ngọc, rồi hồi ký chống Mỹ của ông, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Văn Phạm Xuân Nguyên đã nhận định tinh thần chống Mỹ đã trở thành tính dân tộc, và vì vậy, bất tử . Đó, Sử TA đáng tự hào như thế đó

    “Khoa học là công việc của một thiểu số, và họ sẽ tạo ra sản phẩm cho bạn, bạn chỉ cần biết cách dùng”

    Rất chính xác . Nhà báo Cách Mạng Lưu Trọng Văn nói dân tộc TA xứng đáng được hưởng hạnh phúc . Giáo dục nên dạy cho học sinh những kỹ năng thiên về hưởng hạnh phúc, những kỹ năng chỉ cần bấm, nhấn, đút, nhoáy … thay vì khoa học này nọ . Thái Hạo đúng, khoa học là công việc của thiểu số, của thành phần tinh hoa như nhân sĩ-trí thức . Họ nói thế nào là khoa học thì thế đó là khoa học, cấm cãi . Tiến Sĩ Mạc Văn Trang đã có 1 phát kiến vĩ đại, luật Nhân-Quả là quy luật chi phối toàn vũ trụ, cấm cãi, vì đó là khoa học .

    Cũng rất mừng, báo chính thống đăng lại bài này của Thái Hạo . Mong muốn sẽ trở thành 1 phần của triết lý giáo dục trong tương lai

    Trí thức Việt Nam, quả là rất đáng kính trọng!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây