Chia buồn sâu sắc nhất

Nguyễn Thông

17-10-2024

Hồi xưa ở miền Bắc, báo Văn nghệ có mục “Dọn vườn”, ví nơi chữ nghĩa như mảnh vườn, lúc này lúc khác bị cỏ dại, lá khô, rác rưởi… thì dọn dẹp cho nó sạch sẽ. Nhưng cũng chỉ chủ yếu dọn vườn văn nghệ văn gừng, chứ không mấy khi dám thò liềm ra vườn ngoài (báo Nhân Dân chả hạn). Giang sơn nào, anh hùng ấy, đất đai có chủ, dọn vườn người ta, được khen chả nói làm gì, có khi lại mất lòng, nát đám cỏ gà với nhau. Âu cũng cái thói “văn mình vợ người” chỉ thích được khen, đó là chưa kể “miệng nhà quan có gang có thép”, càng làm to càng khó nhận mình đã sai.

Tuy nhiên phải thừa nhận, ngày trước báo chí khá chỉn chu, ít lỗi, ít sai lắm. Nhà văn cũng vậy, chữ nghĩa rất thận trọng, dùng một từ một chữ cũng cân nhắc, nâng lên đặt xuống. Nghề dọn vườn hồi ấy khá nhàn, mục Dọn vườn của báo Văn nghệ nhiều khi phải vài ba số mới ra một lần.

Thôi, chả kể lể ăn mày quá khứ nữa. Giờ nói chuyện nay.

Mỗi khi xảy ra những vụ việc tai nạn, thiên tai địch họa gây hậu quả nghiêm trọng, ta thường thấy những vị lãnh đạo cấp cao mau mắn quan tâm đến thực trạng. Từ ông tổng bí thư, ông chủ tịch nước, ông thủ tướng… người thì chuyển lời hỏi thăm, người về tận nơi chỉ đạo. Cứ như báo chí đăng, tivi tường thuật, cả từ miệng các vị ấy nói, thì đều “gửi lời chia buồn sâu sắc nhất”.

Cụm từ này ta nghe rất nhiều lần, hoặc đọc từ lâu rồi, chả mấy ai để ý cái sai của nó. Bản thân những người “gửi lời” đều có trình độ giáo sư tiến sĩ cũng không nghĩ họ đang nói một điều hết sức vô lý.

Trước nỗi đau của người khác, gửi lời chia buồn là chuyện đạo lý bình thường. Nếu để đối tượng nhận cảm được sự quan tâm chia sẻ đặc biệt của người gửi thì “chia buồn sâu sắc”. Thế là quá đủ.

Tại sao lại phải chia buồn sâu sắc nhất? Chia buồn mà cũng phân ra thứ hạng, phân biệt đối xử, đòi lên hàng đầu. Có nhất thì đương nhiên phải có nhì, có ba, tư… Vậy lúc nào, với ai thì gửi lời “chia buồn sâu sắc nhì, ba, tư…”.

Đừng có bảo đó chỉ là cách nói nhằm diễn tả hết mức. Thế “sâu sắc” mà chưa hết mức à, vậy trường hợp nào thì sẽ chia buồn chưa hết mức. Đừng tự làm khó mình nhưng vậy. Càng làm to, càng phải ăn nói cẩn trọng. Tiếc rằng nhiều ông to bà nhớn bây giờ cứ nói văng thiên địa, chả kỹ lưỡng như các cụ hồi xưa. Chính vì thế, cũng dễ hiểu vì sao các ông bà ấy đi “chỉ đạo đại hội” các nơi cứ cắm mặt đọc như con robot, bởi chỉ cần ngẩng lên nói vo vài câu là sai tè le ngay.

Còn báo chí thì, thôi, chán chẳng bàn nữa, dọn vườn nó có mà dọn cả ngày.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây