Ban Dân vận thì làm gì?

Nguyễn Huy Cường

2-10-2024

Ở cấp trung ương có một cơ cấu gọi là “Ban Dân vận”, Ban này có lịch sử dài lâu, khoảng một đời người. Từ năm 1930, đã có những tổ chức tiền thân của Ban Dân vận.

Từ tháng 5-1948, Hội nghị Trung ương Đảng đã thành lập 7 Ban chính, trong đó có Bộ Dân vận, từ huyện trở lên thành lập Ban Dân vận. Trong Ban Dân vận có các tiểu ban: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Dân tộc, Tôn giáo; ngoài ra còn có Ban Dịch vận, Hoa vận để giúp Đảng phụ trách giới vận.

Bảy tám mươi lăm năm nay theo diễn tiến của lịch sử và những vận động khẩn trương, sinh động của cuộc sống, nhiều ban đã “bốc hơi” theo tự nhiên, như bây giờ không ai còn thấy Ban Hoa vận, Ban Địch vận nữa.

Còn các loại “vận” thì đã nhường chỗ cho các lực lượng khác như Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ chẳng hạn, ai làm việc nấy.

“Dân” ngày nay cũng khác “Dân” hồi những năm 1948 – 1960, đốt đèn dầu đi học bình dân học vụ nữa.

Ngay loại “Dân” mười tuổi đã biết đấu tranh với cha mẹ bằng công cụ … quyền con người khi bị quất mấy roi vào đít khi phạm lỗi.

“Dân” còn biết phản biện, góp ý cho Nhà nước điều chỉnh những chính sách bất cập, cho cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn.

Một bằng chứng là hai chục ngày nay, không ai phải “vận” ai, dân cả nước nhất tề dồn tình cảm, tài lực vào việc cứu giúp vùng thiên tai phía bắc.

Đây là minh chứng về sự cần thiết hay không cần thiết phải cố kiết tồn tại BAN DÂN VẬN nữa.

Nói vậy thôi nhưng từ một bài viết nhỏ nhoi nàyđến  những thay đổi thực tế thì còn lâu. Vậy thì tôi thay mặt cho… tôi “đặt hàng” Ban Dân vận một việc, giá trị vài trăm ngàn tỷ đồng (phần tôi, người đặt hàng xin nhận năm trăm ngàn đồng kéo mấy ông bạn ra quán làm một chầu bia hơi thôi)

Hiện nay có hiện tượng này, xin đi vào nét thật cụ thể như sau. Một con đường hiện hữu rộng năm mét, xuyên qua một khu dân cư dăm km, có nhiều nhà dân bám mặt đường.

Nhà ông N rộng 5 mét sâu vào trong 25 mét, với tình hình hiện hữu, với con đường hẹp, khó khăn, hai cái ô tô vào là tắc tịt, đường thì ẩm thấp lồi lõm, khó lưu thông, ngôi nhà này trị giá dưới một tỷ bạc.

Sau khi nhà nước mở đường rộng ra thành 14 mét, bốn làn xe hơi, trải nhựa, điện chiếu sáng đàng hoàng, ngôi nhà này có thể có giá giá gấp ba lần là chuyện dễ thấy. Như vậy ngôi nhà này sẽ bị xén mất 4,5 mét phía ngoài đường nhưng giá trị sử dụng và giá trị thương mại đều tăng lên.

Nhưng thường là người dân dù được thụ hưởng cái mới tính ra tiền được nhưng nếu đền bù không đúng “phom” quy định là không chịu, vì lúc này, xóm nhỏ ách tắc của họ đang thành tấc đất tấc vàng.

Số tiền “đền bù” sẽ không nhỏ, nhiều khi nó thành GÁNH NẶNG cho ngân sách địa phương và nhiều khi sức đầu tư yếu, dự án “Ngâm tôm” hàng chục năm trời trong tình trạng như vậy.

Nếu lúc này Ban Dân vận (đúng nghĩa) biết “vận” một cách hài hoà giữa lợi ích nhà nước và lợi ích người dân, để họ nhiệt tình chia sẻ khó khăn với nhà nước, họ sẽ hiến 50% diện tích đất trong số gọi là “mất” chẳng hạn, nhưng đang làm lợi cho họ, thì tuyệt vời!

Bởi không có hoạt động này ở giai đoạn tiền khởi, cứ “thích là nhích”, phát cho họ cái “thông báo” giải tỏa, xong chờ qua ngày N. là “ầm ầm binh mã” xuống cưỡng chế, nếu họ không “nộp” đất thì biến họ thành kẻ chống đối, gây nên bao nhiêu vụ lộn xộn, khiếu kiện kéo dài.

Làm đi! “vận” đi Ban dân vận. Làm xong tôi giao việc khác nhé! Còn nhiều việc lắm, ra tiền ra bạc, an dân lắm, nếu muốn làm. Ban Dân vận Quận ủy Kiến An; Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng

Chứ cứ “Toạ hưởng kỳ thành” an yên, ỉu ỉu như bấy lâu nay, đến mức nhiều người dân cũng chả biết ông là ai, thì buồn lắm.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây