Trung cấp chính trị

Nguyễn Lân Hiếu

24-9-2024

Ảnh: Tác giả, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu.

Tôi mới được thông tin Viện Toán cao cấp không tái bổ nhiệm Viện trưởng vì không có bằng… chính trị. Vấn đề bổ nhiệm cán bộ và bằng cấp chính trị, tôi đã từng nhắc đến trước đây nhưng chưa có gì thay đổi, thậm chí còn vướng mắc hơn.

Việc học lý luận chính trị hiện nay được tổ chức lại, quy củ hơn, đặc biệt là các lớp trung cấp. Không như trước đây, rất nhiều cơ sở tự tổ chức học và cấp chứng chỉ, hiện nay chỉ các trường Chính trị mới được phép “chiêu sinh”. Lớp học tổ chức theo kế hoạch không phải ai và lúc nào cũng có thể nộp đơn. Học viên phải học liên tục các ngày trong tuần, không còn hệ vừa học vừa làm nữa.

Điều đặc biệt khác trước là, tiêu chuẩn bắt buộc phải là Đảng viên mới được đi học, cảm tình Đảng cũng không luôn. Chiếu theo quy định của Bộ Nội vụ trong công tác bổ nhiệm, quy hoạch, nếu không có phần “cứng” là bằng chính trị, sẽ không được bổ nhiệm và cả tái bổ nhiệm. Chính vì vậy, tựu chung phải là Đảng viên mới được làm lãnh đạo dù là cấp nhỏ nhất như phó phòng!

Chúng ta kêu gọi mọi nguồn lực để phát triển xã hội, nhưng rào cản này thực sự rất lớn cho những trí thức, những người tài năng muốn đóng góp cho đất nước. Không dễ thuyết phục một bác sĩ giỏi bỏ ba tháng chuyên môn để đi học chính trị; hơn nữa lúc các ông ấy đi học, ai mổ cho bệnh nhân bây giờ.

Vậy nên, tôi xin đề xuất hai việc:

Thứ nhất, đối với đơn vị sự nghiệp công lập y tế và giáo dục nên bỏ tiêu chuẩn cứng trung cấp chính trị để được bổ nhiệm lãnh đạo khoa, phòng. Nếu duy trì tiêu chuẩn này sẽ còn nhiều người giỏi bỏ ra hệ thống tư nhân để làm lãnh đạo, trưởng kíp, thậm chí hiệu trưởng, giám đốc trong lĩnh vực chuyên môn sâu của mình. Càng không thể mời các Giáo sư Tiến sĩ người nước ngoài hay Việt kiều về nước làm việc lâu dài.

Có người nói làm chuyên môn không cần lãnh đạo, đấy là nói để mà nói. Không một nơi nào trên thế giới mà những người giỏi không phấn đấu lên vị trí leader. Không trưởng khoa sao phát triển khoa học, kỹ thuật theo hướng mình mong muốn. Không lãnh đạo sao kéo được những người tài năng về team của mình…

Thứ hai, việc học không tập trung kéo dài mà nên theo hướng hiệu quả. Đều là người lớn rồi, điểm danh như con nít không phải cách làm để thay đổi nhận thức chính trị của những người có ăn học. Quan trọng nhất là kết quả cuối cùng. “Đầu ra” sẽ là cuộc thi trắc nghiệm nghiêm túc đánh giá chính xác các kiến thức mà nhà trường muốn cung cấp cho học viên. Tự đọc là phương pháp tốt để thấm các tư tưởng triết học hơn rất nhiều sự nhồi nhét vào đầu.

Rất mong sự lắng nghe và đợi chờ sự thay đổi.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Học và bằng chính trị chỉ là làm đẹp hồ sơ để bổ nhiệm, lên chức ..Vì đảng CSVN cầm quyền nên phải bố trí đảng viên có trình độ lý luận chính trị tương ứng ( trung cấp, cao chấp, cử nhân..” làm lãnh đạo . Thực tế có người có bằng cử nhân, cap cấp chính trị hẳn hoi, chưa chắc trả lời đúng , đủ câu hỏi : Chính trị là gì ?

  2. Nhà cháu xin chia buồn với sự “phàn nàn, than thở, kêu ca…” của bác NLH.
    Và sau đây, xin lạm bàn vài ý nhỏ :
    Việc “được” học chính trị trung cấp tất nhiên là phải có điều kiện. Lấy ví dụ ( hoàn toàn đúng sự thật đã và đang diễn ra ) . Một giáo viên cấp 3, cùng phe đảng với hiệu trưởng thì được vào “cảm tình đảng” . Và hiệu trưởng ( HT ) muốn nâng đỡ anh ta, HT sẽ giới thiệu anh ta đi học lớp chính trị trung cấp . Chẳng đi đâu xa, cứ về huyện mà học tại chức ( nhấn mạnh học tại chức, một tuần hai buổi ) .
    Sau ba mùa, học viên góp tiền biếu xén cho giảng viên
    ( cũng là cán bộ tuyên giáo huyện) , anh nào làm bài cũng đậu tất tần tật .
    Học để làm gì, có quyền lợi to đùng đấy ! Từ một anh GV quèn được chuyển sang cái gọi là “GV phổ thông CAO CẤP”, chuyển sang thang lương mới ( như tác giả có bằng thì được làm viện trưởng vậy ).
    Cùng phe với đảng bao giờ cũng được ưu tiên . Đó là chân lý ( hiểu cách khác là cái lý có chân ).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây