Chín khuyến nghị đối với chương trình tái thiết tại tỉnh Yên Bái

Trần Đại Lâm

19-9-2024

Kính gửi: Ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Trước tiên, tôi xin gửi đến Quý ông lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng.

Thưa quý Ông! Tôi là Luật sư Trần Đại Lâm, thường trú tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, hiện tại đang đăng ký hành nghề Luật sư tại Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Là một người con của địa phương, tôi vô cùng đau xót trước những thiệt hại nặng nề mà bão Yagi gây ra về người và tài sản đối với bà con nhân dân tỉnh Yên Bái.

Để nhanh chóng ổn định đời sống người dân và khôi phục kinh tế.

Tôi kính đề nghị chính quyền tỉnh Yên Bái triển khai chiến lược phục hồi toàn diện sau ảnh hưởng của bão Yagi thông qua các khuyến nghị như sau:

KHUYẾN NGHỊ THỨ NHẤT: KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT VÀ QUY HOẠCH TÁI ĐỊNH CƯ AN TOÀN

Khảo sát địa chất: UBND tỉnh Yên Bái cần chủ động thực hiện và/hoặc đề xuất với Chính phủ cử chuyên gia để thực hiện khảo sát địa chất quy mô lớn nhằm xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, từ đó đảm bảo an toàn cho việc quy hoạch tái định cư.

Kết hợp với đó là mở rộng hợp tác với các chuyên gia địa chất, kỹ thuật từ các viện nghiên cứu hoặc các tổ chức quốc tế để đánh giá chi tiết các khu vực sạt lở, từ đó đề xuất giải pháp phòng chống dài hạn.

Lập bản đồ rủi ro thiên tai: để dự báo và giảm thiểu các nguy cơ trong tương lai nhằm giúp chính quyền và người dân có thể xác định các khu vực an toàn cho phát triển và định cư lâu dài.

Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm hiện đại: giúp người dân nhận được thông tin kịp thời khi có thiên tai, đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

KHUYẾN NGHỊ THỨ HAI: XÂY DỰNG CƠ CHẾ TÀI CHÍNH HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ

Lập kế hoạch, cân đối tài chính: từ ngân sách địa phương và/hoặc xin hỗ trợ từ ngân sách TW trong trường hợp cần thiết nhằm thiết lập chương trình hỗ trợ tái định cư đối với người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Thông báo: rộng rãi, không khai về cơ chế tài chính, các chương trình tái cấp đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.

Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính trực tiếp: cho người dân bị mất nhà cửa, bao gồm trợ cấp, cho vay lãi suất thấp, và hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Tham khảo chương trình Road Home của Mỹ: Sau bão Katrina, Mỹ đã triển khai chương trình tài chính quy mô lớn giúp người dân tái định cư hoặc sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ khoảng 120.000 hộ gia đình.

KHUYẾN NGHỊ THỨ BA: TÁI THIẾT CƠ SỞ HẠ TẦNG, CẢI THIỆN NĂNG LỰC ỨNG PHÓ THIÊN TAI

Xây dựng các công trình hạ tầng bền vững: như hệ thống đê điều, tường chắn lũ, và các tuyến đường chống sạt lở, nhằm bảo vệ các khu vực dân cư và sản xuất.

Xây dựng và cải tạo hạ tầng chưa bị hư hỏng: như đường sá, cầu cống với khả năng chống chịu thiên tai.

Các công trình này cần tính đến yếu tố bền vững và chống lũ.

Sử dụng công nghệ hiện đại: để quản lý và giám sát quá trình phục hồi, cũng như cảnh báo thiên tai sớm cho người dân.

Cải thiện chất lượng cán bộ: thông qua công tác tổng kết kinh nghiệm một cách bài bản, khoa học trong việc ứng phó thiên tai hậu bão Yagi.

Cụ thể hoá trách nhiệm cá nhân: trong công tác dự báo, chỉ đạo, và điều phối nguồn nhân lực khi đối phó với với các thảm hoạ thiên tai.

Thay đổi công tác truyền thông: theo hướng thực chất, hiệu quả, giúp nhận diện những vấn đề đúng còn nhiều vướng mắc.

Kinh nghiệm từ Chile, Nhật Bản: Tái thiết hạ tầng theo tiêu chuẩn mới, đảm bảo chống chịu thiên tai và phát triển hệ thống cảnh báo tiên tiến.

KHUYẾN NGHỊ THỨ TƯ: HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG VÀ PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Phân tích tác động kinh tế của thiên tai: mời gọi các chuyên gia kinh tế từ các trung tâm nghiên cứu và trường đại học nhằm đánh giá khách quan toàn diện thiệt hại để đưa ra các chính sách hỗ trợ khôi phục nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ khác.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn sau thiên tai: với các gói hỗ trợ tài chính và chương trình đào tạo nghề, nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Cung cấp các gói hỗ trợ: giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác bền vững, nhằm giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Kinh nghiệm từ Chile: Chile đã khôi phục nông nghiệp với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giúp tăng cường khả năng chống chịu thiên tai và nâng cao năng suất.

KHUYẾN NGHỊ THỨ NĂM: TẠO QUỸ HỖ TRỢ THIÊN TAI VÀ PHỤC HỒI CỘNG ĐỒNG

Thiết lập quỹ hỗ trợ thiên tai: từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn sau thiên tai.

Bài học từ Mỹ: Chính quyền Mỹ đã thiết lập quỹ cứu trợ thiên tai sau bão Katrina, phân bổ hàng tỷ đô la để hỗ trợ tái thiết cơ sở hạ tầng và giúp đỡ người dân.

KHUYẾN NGHỊ THỨ SÁU: TẬP TRUNG VÀO SỨC KHỎE TINH THẦN VÀ PHÚC LỢI XÃ HỘI

Cung cấp dịch vụ tư vấn: tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là những người mất người thân, nhà cửa, trẻ em và người cao tuổi.

Thúc đẩy các hoạt động: văn hóa, thể thao nhằm xây dựng lại tinh thần cộng đồng.

Học hỏi từ New Orleans: Sau bão Katrina, các dịch vụ hỗ trợ tâm lý đã được triển khai để giúp người dân vượt qua các khủng hoảng về tinh thần và nhanh chóng hòa nhập lại cuộc sống.

KHUYẾN NGHỊ THỨ BẢY: XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG TỰ LỰC VÀ NÂNG CAO Ý THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tạo dựng các nhóm cộng đồng tự lực: giúp người dân tham gia vào quá trình tái thiết và bảo vệ môi trường, thông qua các dự án trồng rừng, cải tạo đất đai và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Kinh nghiệm từ Indonesia: Sau sóng thần, các cộng đồng địa phương đã được khuyến khích tham gia tích cực vào quá trình tái thiết và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự bền vững cho tương lai.

KHUYẾN NGHỊ THỨ TÁM: PHÁT TRIỂN HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ

Tăng cường hợp tác quốc tế: với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, và các tổ chức phi chính phủ để nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho quá trình tái thiết.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Indonesia: Sau thảm họa sóng thần, Nhật Bản, Indonesia đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, góp phần tái thiết nhanh chóng và bền vững.

KHUYẾN NGHỊ CHÍN: RÀ SOÁT VÀ KIỂM TRA LẠI CÁC MỎ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN CÓ NGUY CƠ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN AN TOÀN DÂN CƯ

Rà soát các mỏ khai thác khoáng sản: không đạt yêu cầu về môi trường và an toàn để đảm bảo không gây nguy cơ sạt lở, ô nhiễm nguồn nước sau thiên tai hoặc ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh.

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn; yêu cầu các công ty khai thác thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu đóng cửa một số công ty hoặc tạm ngưng hoạt động khai thác có thời hạn nhằm khắc phục vi phạm.

Bài học từ Brazil: Sau các thảm họa sập đập tại các mỏ khai thác, Brazil đã siết chặt quy định về quản lý mỏ khoáng sản, yêu cầu đánh giá môi trường nghiêm ngặt và áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân sống gần các khu vực khai thác.

Tôi cho rằng việc ban hành một chính sách khắc phục toàn diện vào thời điểm này là rất cần thiết để đảm bảo nhanh chóng triển khai các biện pháp phục hồi, xoa dịu nỗi đau của người dân, đồng thời đưa Yên Bái trở lại quỹ đạo phát triển đã được đề ra trước đó.

Trên đây là toàn bộ nội dung kiến nghị của tôi.

Xin cảm ơn quý Ông đã lắng nghe.

Trân trọng,

Ls Trần Đại Lâm.

_____

Link bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia khi ứng phó với thảm hoạ thiên tai.

– Kinh nghiệm từ Nhật Bản:https://www.britannica.com/…/Japan-earthquake-and…https://storymaps.arcgis.com/…/1e0930ac12e8488b90172111…

Kinh nghiệm từ Mỹ:Chương trình “Road Home” của Mỹ sau bão Katrina:https://www.icf.com/…/louisiana-road-home-grant-katrina

Kinh nghiệm từ Chile:https://reliefweb.int/…/chile-earthquake-and-tsunami…https://www.britannica.com/event/Chile-earthquake-of-2010

Kinh nghiệm của Indonesia:https://reliefweb.int/…/indonesia-tsunamisearthquake…

Kinh nghiệm từ New Orleans:https://www.csrsinc.com/…/5-lessons-we-ve-learned-from…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây