Một từ bị dùng sai: Ủng hộ

Nguyễn Thông

17-9-2024

Những ngày qua, sau khi bão số 3/ Yagi và lũ lụt hoành hoành ở nhiều tỉnh miền Bắc, đã dậy lên phong trào đùm bọc, giúp đỡ người dân bị thiệt hại, vùng bị thiệt hại, mà cha ông xưa đúc kết “thương người như thể thương thân”, “là lành đùm lá rách”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương”…, thật đáng quý.

Tinh thần ấy, lối sống tốt đẹp ấy đã lôi cuốn, thu hút các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả đều sốt sắng, đồng lòng, trong sáng, bởi “người trong một nước phải thương nhau cùng”, với những điển hình như ca sĩ Hà Anh Tuấn (gần như là người tiên phong đóng góp) góp 1 tỉ đồng, Tập đoàn Vingroup góp 250 tỉ đồng, em bé bán vé số ở Sài Gòn góp 20 nghìn đồng…, dù trăm tỉ hay chỉ vài chục nghìn đều quý vô cùng, tạo sự xúc động và kính trọng.

Trong “cơn bão từ thiện” ấy, phải nói tổ chức mặt trận tổ quốc đã có công rất lớn, tạo nên hiệu quả tích cực, nhanh chóng, sâu rộng, kể cả việc mau mắn công bố danh sách nhà hảo tâm, những sao kê cụ thể chi tiết, gây lòng tin trong cộng đồng. Phải ghi nhận, bởi lần này mặt trận khác hẳn mọi lần xưa nay khi xảy ra sự việc tương tự, bớt đi những lề mề, chậm chạp, nghi ngờ.

Chỉ có điều, vâng, chỉ có điều cứ lộm cộm. Kể từ đảng, chính phủ, mặt trận tầng trung ương cho tới các cấp bên dưới, rồi báo chí truyền thông (tất tần tật), rồi những cá nhân kể cả trong giới lãnh đạo tới người của công chúng, hầu hết đều dùng sai từ “ủng hộ”. Ông hàng xóm nhà tôi nhận xét trường hợp này là “người Việt ngọng tiếng Việt”. Đám đông cứ vô tư “ngọng”, ngay cả các nhà ngôn ngữ (chuyên gia về tiếng Việt) cũng không hề lên tiếng.

Cái sai phổ biến nhất nằm trong câu, trong tập hợp từ “Ủng hộ đồng bào bị bão lũ”, “Ủng hộ người dân bị thiên tai”, thậm chí còn “Ủng hộ lũ lụt”. Lũ lụt mà cũng ủng hộ, có mà điên. Dù nói tắt cũng không thể chấp nhận, do làm hỏng sự trong sáng của tiếng Việt một cách trắng trợn.

Rất nhiều băng rôn, biểu trưng, thùng quyên góp đều ghi như vậy. Chữ chạy trên tivi cũng vậy. Miệng lãnh đạo cũng vậy, v.v… Từ “ủng hộ” được họ hiểu thành giúp đỡ, giúp, trợ giúp, mà không phân biệt đối tượng được giúp là ai, là gì, thế nào.

Ảnh: Thành Đoàn TPHCM. Tiếng Dân edit

Vậy nghĩa của từ “ủng hộ” là gì?

Đây là từ có gốc Hán Việt nên trước hết ta mở Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh. Cụ giải nghĩa: Ủng hộ nghĩa là suy tôn (ủng) và hộ vệ (hộ). Theo sự giải nghĩa này, ủng hộ là sự đề cao, bảo vệ, giúp đỡ điều gì đó, ai đó, cái gì đó.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do nhóm Hoàng Phê biên soạn giải nghĩa rõ hơn: Ủng hộ là tỏ thái độ đồng tình, bênh vực người hoặc phong trào. Ví dụ: Ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, ủng hộ công cuộc đổi mới, ủng hộ hòa bình…

Như vậy, đối tượng của hành động ủng hộ phải là “người tốt, việc tốt”, là con người, sự việc được trân trọng, ca ngợi. Chẳng người tử tế nào lại đi ủng hộ chiến tranh, ủng hộ bọn xâm lược, ủng hộ người bị thiên tai bao giờ. Thiên tai đã làm người ta khổ bỏ xừ, chả lôi người ta ra khỏi đó, lại ủng hộ thì có mà toi.

Trong những trường hợp “ủng hộ” nói trên, từ đúng phải là: Giúp, giúp đỡ, chia sẻ, quyên góp giúp người dân bị thiên tai. Tôi rất ấn tượng về hình ảnh cuộc quyên góp của Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội) khi trên tấm băng rôn ghi rất chính xác và tình nghĩa “Chia sẻ cùng đồng bào bị thiệt hại bởi thiên tai”. Họ đã dùng tiếng Việt rất chuẩn.

Vậy có dùng từ “ủng hộ” không? Có chứ, rất nên dùng, chỉ có điều phải xác định đúng đối tượng của nó. Tức là không phải ủng hộ đồng bào/ người dân bị bão lũ/ thiên tai, mà là ủng hộ việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ủng hộ chương trình do các đoàn thể/ cá nhân, MTTQ phát động để giúp nạn nhân. Chương trình, mục đích như vậy rất nhân văn, đầy ý nghĩa thì ủng hộ là đúng rồi.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Theo định nghĩa của tác giả dẫn chứng,ủng hộ là tỏ thái độ đồng tình, bênh vực người hoặc phong trào(Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do nhóm Hoàng Phê biên soạn).Tôi không biêt ông Nguyễn
    Thông căn cứ voà đâu đểbcho rằng đối tượng được ủng phải là người tốt,không được là kẻ xấu.Tôi U90,đã tiếp xúc với rất nhiều thành phần của xã hội từ người miền cao đến miền quê hay phố thị,giàu có nghèo có,bình dân có,học thức hoặc trên các bài viết có đều thường nói/viết ủng hộ bằng vật chất hay tinh thần cho đối tượng mà mình thích.Người lương thiện ủng hộ thiện,tốt,văn minh,tiến bộ.Kẻ thiếu trí tuệ ủng hộ cả cái xấu vì không thể phân biệt trắng đen hoặc do tình cảm yêu,ghét lấn lươt lướt.Thực tế tôi cho là gần như tuyệt đại dân chúng đã và đang dùng các từ với ý nghĩa như tôi trình bày.Dù cho có nhà ngôn ngữ học nào định nghĩa khác đi thì xã hội cũng không dùng.Mày ủng hộ cái xấu,tôi ủng hộ cái tốt là câu thường gặp.Thậm chí trong tư pháp,các thẩm phán cũng thường phán xét,bị can có tội vì đã ủng hộ những kẻ phản động,kẻ bán nước…

  2. Hề… hề… Nguyễn Thông này, ông vừa là nhà văn, vừa là nhà báo mà sao vẫn không hiểu cách NÓI TẮT của tiếng Việt: Ví dụ câu ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO BỊ LŨ LỤT, chẳng hạn, thì nó chính là cách nói tắt của câu CHÚNG TA NÊN ĐỒNG LÒNG DỐC SỨC ỦNG HỘ cho ĐỒNG BÀO đang BỊ LŨ LỤT. Vậy thôi, có gì mà lớn lối đến NGỌNG vậy!!!?

    • Tiếng Việt mà nói tắt thì chỉ có người Tàu và VC hiễu mà thôi . Thí dụ quyết (quyết định) viện (bệnh viện) phí (lệ phí) , dự (dự định, đoán), điện (điện thoại) và hằng trăm , hàng ngàn chữ viết tắt . Tác giả rất đúng khi giải nghĩa chữ ủng hộ

      • Hề… hề…, Lamson72 này
        1. Câu ấy đã được hàng vạn người dùng mỗi khi có thiên tai từ lâu rồi, và vì thế, cụm từ ấy đã trở thành quán ngữ. Mà khi đã trở thành quán ngữ thì mọi phân tích về ngữ pháp hoặc cách dùng từ sẽ hoàn toàn vô nghĩa!
        2. Cách nói tắt của người Việt không có chuyện nói tắt từ ghép như Lamson72 đã nêu mà nó có nguyên tắc cả đấy. Vậy thôi!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây