Sư Minh Đạo, hay bi kịch của người cô thế

Lê Nguyễn

10-9-2024

Tin về chuyện giải thể nơi từng nhiều năm nuôi dưỡng những trẻ em bất hạnh ở Tu viện Minh Đạo như gáo nước lạnh dội vào trái tim nhiệt huyết của mọi người. Nó ghi thêm một điều trái khoáy nữa trong cái xã hội vốn đầy rẫy những nghịch lý này.

Ai từng nghe qua lời tâm sự ngắn ngủi, nhưng thật buồn của thầy Minh Đạo khi loan tin đóng cửa tu viện và từ giã những đứa con mà ông thương yêu và đùm bọc trong nhiều năm trời sẽ khó mà kềm được cảm xúc (1). Nhất là khi ông chân thành nói rằng, ông tìm thấy hình ảnh của chính mình khi xưa trong từng phận đời bất hạnh mà ông nuôi dưỡng! Sẽ có bao nhiêu người không cầm được nước mắt vì những lời chân tình đó?

Tuy nhiên, với những ai thường quan tâm đến diễn biến của xã hội trong thời gian qua và có một chút suy nghĩ, thì chuyện này cũng không nằm ngoài dự kiến. Nó xuất phát từ ít nhất hai yếu tố chính:

– Cú sốc đối với những kẻ có quyền lực trước việc thầy Thích Minh Đạo tuyên bố từ bỏ danh nghĩa một tu sĩ trực thuộc Giáo hội Phật giáo (quốc doanh) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

– Cảnh công chúng và bà con Phật tử nườm nượp kéo về tu viện Minh Đạo, hỗ trợ tiền tài, vật phẩm, nhiều khi không đủ chỗ chứa, cho “tu sĩ tự do” Minh Đạo và các đứa con của ông, là cái gai mỗi ngày chọc vào mắt bọn ganh ăn tức ở. Họ lồng lộn lên, đến nỗi thiếu cả bình tĩnh khi sử dụng đến từ “giải cứu” dành cho những đứa trẻ đang vui sống trong vòng tay yêu thương của mọi người, thậm chí còn vu khống là tu viện Minh Đạo đã “lợi dụng” trẻ con!

Mạng xã hội là công cụ mang tính cảnh báo đã không đủ sức mạnh để bảo vệ người cô thế. Bao nhiêu lời nói phải xuất phát từ những tấm lòng yêu sự thật và lẽ công bằng đã bị cuốn phăng bởi cơn cuồng phong của cường quyền và gian trá. Mà đó là cường quyền xuất phát từ những kẻ mang tiếng tu hành!Chúng ta đau lòng nhìn những đứa trẻ bất hạnh từ nay rời bỏ mái ấm của tuổi thơ, đánh cược với may rủi cuộc đời. Phần lớn công chúng sẽ quay lưng lại với trung tâm nhân đạo quốc doanh, cuộc đời bất hạnh của các cháu rồi sẽ nhiều cam go hơn nữa.

Chúng ta ngưỡng phục một sư Minh Đạo, dù hiền hòa, nhỏ nhẹ, song vẫn hiên ngang, bất khuất trước những thế lực sẵn sàng đè bẹp mình. Ông và sư Minh Tuệ luôn là hai ngôi sao sáng trên bầu trời hành đạo, đưa đường dẫn lối cho những tu sĩ còn băn khoăn giữa ngả ba đời.

Trường hợp sư Minh Đạo cho chúng ta bài học lớn về lẽ đạo, lẽ đời, là sự cảnh tỉnh cho những Phật tử u mê, đi tôn thờ ảo ảnh của một lũ xàm tu, lấy sự dối lừa, gạt gẫm làm phương châm hành động, biến những đồng tiền cúng dường mê muội thành lý tưởng tu hành của chúng. Với sự yểm trợ của nhiều thế lực khác, chúng đang giương giương tự đắc, nhìn sự bất lực của một cộng đồng những người có lương tri, có đủ sáng suốt để tố giác chúng, nhưng không có điều kiện tốt nhất để thực hiện mong muốn của mình.

Chúng ta buồn cho một xã hội mà ngay cả chốn thiền môn cũng có loài ngạ quỷ, song chúng ta không tuyệt vọng, luật nhân quả của nhà Phật và luật pháp của con người sẽ có lúc trừ tiệt chúng.

_____

(1) Sư Minh Đạo phát biểu trực tiếp từ phút thứ 5:

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. “Chúng ta buồn cho một xã hội mà …”

    Hổng nên bùn bác ạ . Vì đây là cái xã hội mà những người như bác đã đóng góp phần mình để tạo thành . Và vì thía, tụi trẻ phải mang ơn .

    “Chúng ta ngưỡng phục một sư Minh Đạo, dù hiền hòa, nhỏ nhẹ, song vẫn hiên ngang, bất khuất trước những thế lực sẵn sàng đè bẹp mình”

    Ừ, như Trí Quang ta đó chính là Chân Quang . Trí Quang hiên ngang vì đàng sau ông là nhân dân & Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh & chủ nghĩa Mác-Lê . Tại sao Minh Đạo hổng có theo chân Trí Quang ta đó chính là Chân Quang thì cũng lạ thiệt

    “Ông và sư Minh Tuệ luôn là hai ngôi sao sáng trên bầu trời hành đạo, đưa đường dẫn lối cho những tu sĩ còn băn khoăn giữa ngả ba đời”

    Bầu trời hành đạo đó có cả những vì sao như sư Thích Trí Quang ta đó chính là Chân Quang . Rất mong trai tráng Việt chọn tu hành nơi Phật, vì chỉ ở nơi đó, tâm hồn họ mới được thanh tịnh . Níu hổng ăn chay được thì theo kiểu Nam Tông, hổng nhịn được gái gú thì à la xì tai Thích Nhất Hạnh, hay Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cũng thoải mái lém lém lun

    “lũ xàm tu, lấy sự dối lừa, gạt gẫm làm phương châm hành động, biến những đồng tiền cúng dường mê muội thành lý tưởng tu hành của chúng”

    Hổng nên gọi đây là “xàm tăng”. Thời chống Mỹ, Phật giáo đã được bổ xung, phát chiển & hoàn thiện để “nhập thế”, đi tu là để chống Mỹ … Nếu có 1 sự ngăn cách nào đó giữa đạo & đời, việc đem bàn thờ Phật xuống được đã đột phá that one & call it a day . Và từ đó, theres not much of a difference between đạo & đời . Đời thía lào đạo thía đấy, đời có những trí thức như tác giả, why the Phúc not trong chùa ? Its the mirror nobody wanna look at . Và để giữ cho mình lúc nào cũng trong sạch, lets call yo mirror image(s) xàm hoặc đủ thứ tính từ khủng khiếp từng hiện diện trong tiếng Việt

    Now, that alone makes tác giả thuộc hạng nhân sĩ trí thức rùi hén

  2. Sư Minh Đạo, Sư Minh Tuệ là phép thử đối với Hội PG VN. Phế truất sư Minh Đạo ra khỏi GHPG VN đã thể hiện bản ngã sân si của bạo quyền của GH PG VN . Nhưng tác dụng ngược lại, người daanh, tín độ càng kính trọng các sư đó và quay lưng lại với Phật giáo VN . Buổn thay !

  3. Về chuyện ngạ quỷ ở chốn thiền môn và đám xàm sư của ngày hôm nay thì phải nên “biết ơn” phái Ấn Quang và phong trào Thanh Niên Phật Tử dưới trướng hổ mang Thích Trí Quang, sư sãi gì mà cặp mắt sắc như dao, mắt láo liên như bọn đạo tặc.

  4. Bia chùa Khai Nghiêm do Trương Hán Siêu soạn năm Mậu Dần 1338 thời Trần, có đoạn:
    -Tượng giáo bày ra, ấy là phương tiện độ người của nhà Bụt; là muốn cho người ngu không hiểu biết, người mê không giác ngộ, theo đó để làm nghiệp thiện, hướng về với Bụt. Những kẻ đồ đệ xảo quyệt của Bụt, còn cố tình làm mất đi cái nghĩa gốc của Khổ và Không, chuyên chiếm lấy vườn tốt, cảnh đẹp, ở nơi hoa lệ, tăng chúng mạnh như rồng như voi, ở ngay giữa đời mà lưu hành thói phàm tục, bọn giàu có lại theo mà hưởng ứng. Cho nên trong thiên hạ, phàm những nơi thanh vắng, đất có tiếng tăm, chùa chiền ở mất một nửa. Bọn áo nâu áo vàng quy y, không cày mà ăn, không dệt mà mặc, đám đàn ông đàn bà tầm thường lìa bỏ gia đình, làng xóm a dua theo. Ôi! Cách Thánh nhân càng xa, đạo không sáng tỏ, kẻ giữ trách nhiệm làm thày, làm quan đã không như Chu Công, Thiệu Công, để đi đầu phong hóa; châu, xã, làng, thôn lại không có trường học để giãi bày cái nghĩa của hiếu đễ. Như thế, người ta làm sao không hoang mang ngoảnh mặt mà đi nơi khác. Âu cũng do cái thế nó khiến ra như vậy.

    Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Mạc, có bài Giới Sùng Phật Vô Ích:
    -Suy lý cho cùng Phật ấy ta,
    Lọ là chung bóng đạo Di Đà?
    Hiền lành, hãy giữ bề tu kỷ,
    Dối trá, đừng nghe đứa xuất gia.
    Dỗ chúng đúc chuông nhân đã lạ,
    Đặt điều phá ngục thực ru mà.
    Chẳng tin Lương Vũ còn bia cũ,
    Tra mà lại biết thực chẳng ngoa.

    Tương truyền là đắc đạo như Huyền Quang còn không làm trò trống gì, cũng phải bỏ Yên Tử chuồn về Côn Sơn, huống là Minh Đạo, Minh Tuệ.
    Bảo rằng thời xa xưa dân chúng “mông muội”, dễ bị xỏ mũi, vậy nay thời “văn minh” thì sao. Có vẻ cũng hao hao mà thôi.
    Đời vưỡn vậy.

  5. Một xã hội mà cái thiện lành, việc nhân đạo, điều tốt đẹp bị chèn ép, bị chối bỏ để cho kẻ ác lộng quyền, thì đó là xã hội gì ? Nghĩa là cái ác vẫn còn nhiều, quá nhiều. Bọn đầu trâu mặt ngựa lợi dụng chiêu bài tôn giáo để áp bức người mà lại được chính quyền che chở, đồng tình, thì , người ta có tin tưởng, hi vọng gì vào sự công bằng, nhân đạo không ”
    Hàng trăm các cháu rồi sẽ đi đâu, về đâu ? Đội ngũ bán vé số sẽ tăng lên, trẻ đầu đường xó chợ sẽ nhiều lên, đông ruộng không còn, lấy chỗ nào để mò cua, bắt ốc .
    Liệu những kẻ ra sức đóng cửa cho được tu viện MĐ có còn chút lương tâm nào ?
    Chúng sẽ hả hê, sung sướng khi làm xong việc ác và thấy quyền lực của mình vẫn còn .
    Thật đúng với câu người đời đã mỉa mai :
    Bề ngoài, miệng niệm nam mô
    Bên trong bụng chứa một bồ dao găm !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây