30-8-2024
Tiếp theo kỳ 1
Ở cuối bài trước, tôi có nhắc đến cái sân gạch Bát Tràng mà tôi thường xem bóng nắng để biết giờ giấc, nhân tiện kể tí ti về cải cách ruộng đất (bởi gạch lát sân là gạch được cạy lên từ sân nhà địa chủ, thày tôi mua lại từ người được chia).
Có bạn đọc xong bảo, sao bác không kể thêm về cuộc cách mạng long trời lở đất ấy đi. Thực thà mà rằng khi xảy ra đấu tố, đánh địa chủ phú nông, tôi mới 1-2 tuổi, nào đã biết gì, chỉ nghe thày bu và anh chị kể lại thôi. Nhưng nghe cũng khiếp.
Làng tôi nghèo lắm, thế mà đội cải cách vẫn tìm ra được đủ 5% địa chủ, có người chỉ sở hữu vài mẫu ruộng, lôi họ ra đấu tố tơi bời, sau đó còn bịt mắt điệu một ông lên pháp trường ở đầu núi Trà Phương bắn. Chị tôi kể, theo người nhớn đi xem xử bắn về mấy đêm không ngủ được vì sợ. Mà nào ông ấy có địa chủ địa chiếc ghê gớm gì cho cam, chỉ nhà ngói sân gạch, có mấy mẫu ruộng nhà tự canh tác chứ chả dám thuê tá điền.
Nhưng cách mạng bắt chết thì phải chết, không có tội cũng thành có tội. Ông ấy chết rồi, ruộng đất bị tịch thu hết, gia đình ly tán, con cái tha hương, cơ nghiệp nhà cửa tan hoang bị chia cho mấy hộ bần cố nông, khi còn trẻ con tôi hay vào khu nhà đó chơi, trông thật tang thương tiêu điều.
Sau này có dịp đọc một số tài liệu nói về cuộc cải cách điền địa ở miền Nam thời ông Ngô Đình Diệm và sau nữa là chế độ ông Nguyễn Văn Thiệu, cụ thể chính quyền Sài Gòn chủ trương hạn điền, thu hẹp ruộng đất của địa chủ, nhưng bằng biện pháp trưng mua, thỏa thuận trả tiền cho điền chủ, nếu nhiều ruộng bị mua quá thì phần còn lại trả bằng trái phiếu, không có địa chủ nào bị thiệt thòi, bị xâm phạm thân thể, mới thấy hai cuộc cải cách ruộng đất khác nhau một trời một vực.
Hồi năm 1977 tôi vào Sài Gòn nhận việc, nghe các đồng nghiệp là người tại chỗ (bị gọi là lưu dung) cho biết rằng suốt thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kể từ thời cụ Ngô Đình Diệm tới Nguyễn Văn Thiệu, mọi tài sản, nhà cửa, nhà máy xí nghiệp, vốn liếng, tài khoản của đại gia, tư sản, điền chủ có từ lao động, kinh doanh hợp pháp đều được tôn trọng. Những công trình, dinh thự lớn như nhà chú Hỏa, nhà 4 mặt tiền của ông Nguyễn Văn Hảo, nhà công tử Bạc Liêu, ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, nhà máy xí nghiệp của Hoàng Kim Quy, Lý Long Thân, Trương Dĩ Nhiên…, dù có từ thời Pháp hay về sau, không hề bị nhà nước chiếm đoạt, con cháu nối đời sở hữu, sử dụng.
Nhưng sau 30.4.1975, tất cả bị chính quyền cách mạng tịch thu hết, thực ra là cướp trắng. Nếu chủ nhân không làm đơn “tự nguyện” hiến cho nhà nước thì chính quyền tịch thu, hoặc lấy lý do này nọ (nhà cầm quyền thiếu gì lý do) để chiếm. Tôi nhiều lần tới tòa nhà chú Hỏa ở đường Phó Đức Chính quận 1, từng có lần tới cơ ngơi của dòng họ công tử Bạc Liêu dưới tỉnh Bạc Liêu, càng hiểu rõ hơn sự chiếm đoạt trắng trợn ấy. Còn nghe người dân kể, cháu của công tử Bạc Liêu khi đang cai quản dinh cơ của ông cha đã bị đuổi ra khỏi nhà, phải đi làm thuê làm mướn, sống vất vơ vất vưởng. Thương xót, nhưng tặc lưỡi, họ không bắn như hồi cải cách ruộng đất còn là may.
Đó là cách cư xử khác nhau giữa hai chính quyền, hai chế độ. Nhưng thôi, điều ấy tôi sẽ biên lại sau, còn bây giờ quay lại chuyện đồng hồ.
Năm 1975 đất nước thống nhất. Suốt 21 năm trời, những đoàn quân hết đợt này đến đợt khác xuôi vào “giải phóng miền Nam”, giờ đây chiến tranh chấm dứt, lại ngược trở ra Bắc. Những người lính về quê hương bản quán, cùng lắm chỉ theo mang vài thứ “chiến lợi phẩm” mà họ dành dụm tiền mua được như chiếc khung xe đạp, con búp bê biết nhắm mắt mở mắt (điều kỳ diệu đối với người miền Bắc khi ấy), cuốn album ảnh có bìa hình kiểu 3D bây giờ, tức là nghiêng từng chiều sẽ ra hình ảnh khác nhau, hộp kem đánh răng Perlon, cục xà phòng thơm… Bao năm chinh chiến, có chút quà cho vợ con mừng.
Nhưng cuộc “giải phóng kinh tế” tiếp sau đó thì quả thật ghê gớm. Từng sư đoàn dân chúng miền Bắc lũ lượt kéo nhau vào Nam sắm sửa. Mấy chục năm trời chịu thiếu thốn nghèo khó, nay có dịp đổi đời. Ngay những nhà giàu, khá giả ở Hà Nội, Hải Phòng từng dùng tivi Neptun, tủ lạnh Saratov, quạt máy tai voi, đồng hồ Poljot, Slava, đài Orionton… tưởng như thế đời đã lên hương lắm nhưng giờ đây so với “sản vật” miền Nam thấy chúng chửa là gì.
Xe lửa, ô tô, tàu thủy tấp nập kìn kìn đưa hàng ra Bắc. Có lẽ lần đầu tiên người dân miền Bắc biết hình dáng chiếc xe Honda dame 50 phân khối, tủ lạnh Hitachi, Sanyo, tivi Denon cửa lùa, radio cassette Sony hoặc Sharp, dàn nghe nhạc Akai, vải ka tê trắng mịn mềm như lụa. Và nhất là đồng hồ, thật ấn tượng, đủ loại cao cấp của Nhật Bản, Thụy Sĩ như Orient, Seiko, Omega, Titoni, Odo… Những chiếc đồng hồ, nếu không có sự thống nhất Nam Bắc, có lẽ có sống hết đời tôi cũng chả nhìn thấy bao giờ.
Mỗi lần nghỉ phép, tôi thường đi tàu khách biển Thống Nhất. Con tàu trọng tải gần ba vạn tấn với khoang hàng rộng như cái sân bóng đá chuyến ra nào cũng chật ních hàng hóa. Mỗi chuyến ngược bắc nó cõng cả nghìn chiếc xe máy, còn tivi, cát xét, đồng hồ đủ loại, vải vóc… thì nhiều vô kể. Cuộc sống “phồn vinh giả tạo” đang cung cấp cho miền Bắc những thứ hàng rất thực có thể sờ nắm được. Có lần trên boong tàu còn đậu bến nhà Rồng chờ hú còi đi, tôi còn nghe một ông ngâm “Có ai về bắc tôi đi với/ thăm lại non sông giống lạc hồng”, hai cánh tay đeo cả chục chiếc đồng hồ rất oách, chỉ cần xuống bến Chùa Vẽ là có người thu mua ngay.
Hàng từ đâu mà lắm thế? Hàng do cách mạng tịch thu của bọn tư sản, nhưng phần lớn là từ nguồn dân chúng miền Nam chưa quen với chế độ mới, đời sống lại ngày càng khó khăn nên họ đành phải lần hồi bán bớt tài sản để có tiền sống qua ngày. Cũng có một phần hàng từ người nhà sau hơn 20 năm xa cách, giờ đoàn tụ, mừng quá, thương quá nên biếu nhau đem ra mà dùng cho biết mùi phú quý, thỏa nỗi khát khao. Xe cộ, tivi, đồng hồ, xe đạp cứ đội nón ra khỏi nhà, năm này qua năm khác, theo dân buôn hướng ra bắc. Bắc tiến. Một cuộc giải phóng ngược.
***
Có lần tôi nhờ anh Tường, một thủy thủ tàu khách Thống Nhất mua giúp cái vé tàu bởi đã suốt mấy hôm xếp hàng ở bến Chùa Vẽ vẫn không sao đến lượt. Bọn phe vé gom hết rồi, vé hạng bét 60 đồng nó bán thành trăm rưỡi, tiền đâu mà mua.
Tới nhà bác Tường, tôi tròn xoe mắt, bác vừa đem từ Sài Gòn về chiếc đồng hồ treo tường hiệu Odo cực đẹp. Sao lại có thứ đồng hồ đẹp, tinh xảo đến thế. Chiếc quả lắc đung đưa thong thả, thỉnh thoảng lại bính boong bính boong âm thanh trong vắt, nghe âm thanh dịu dàng trong trẻo ấy có cảm giác mình đang lạc vào động tiên. Lẩn thẩn nghĩ, từ chiếc đồng hồ để bàn Con gà mổ thóc của Tàu, tiến lên đồng hồ Odo quả lắc của Pháp, quả là bước tiến vĩ đại của cuộc cách mạng vô sản xứ này.
(Còn tiếp)
Những người gốc miền Nam, sinh ra lớn lên ở miền Bắc XHCN lại càng ” thấm thía” hơn . Sự thật hàng hóa tốt, rẻ, đa dạng , đời sống sung túc của người dân miền Nam trước 1975 đã làm nhiều người con ẹm gốc miền Nam ” ngộ” ra nhiều điều. Càng hiểu sâu sắc hơn lời của Hồ Chủ Tịch ” Đất nước được độc lập nhưng dân không được tự do, không được ấm no, hạnh phúc thì độc lập làm gì “
Hầy, trong khi mB làm CCRĐ long trời lỡ, đất thì ở mN, những người được “vinh dự” gọi là địa chủ có tới 40, 50 mẩu ruộng
( mẫu = hecta = 10.000m2/ chớ không giống mẩu mB ) .
Mỗi mùa , người ta ( công cấy) tới cấy lúa cho ruộng địa chủ thường là 30, 40 mươi người và cấy khoảng 3, 4 ngày mới xong một vụ . Và chỉ làm một vụ thôi, thu hoạch hàng ngàn giạ lúa, rồi để cho đất nghỉ tới mùa sau .
Người nông dân bình thường làm 5, 7, 10 mẩu ruộng là chuyện nhỏ như con thỏ . Chẳng có ai bị đói và chẳng có ai bị bắn cả .
Nghe đâu, P.TT Nguyễn Ngọc Thơ ( làm phó cho TT Ngô Đình Diệm ), người miền Tây, có đến hàng ngàn mẫu ruộng . Kinh !
Có lẽ, ruộng đất ở mN cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi nên đã làm hấp dẫn tận cùng trí não của ngài cố TBT LD nên ngài quyết tâm chiếm cho được mN ( gọi một cách mỹ miều là GPMN ) để ngài thỏa sức làm một cuộc “đại CCRĐ ) , nhưng lực bất tòng tâm ?!
( Bác nào có thời giờ thi xem cái video trên youtube có tên là “Câu chuyện bi thảm về gia đình của TBT LD” . Không phải do bọn thù địch, phản động dựng lên mà chính tác giả nghe TS LKT, con trai của ngài Duẩn kể lại . Câu chuyện kể khá đúng với nội dung trong một số hồi kí của những người có tên tuổi . Bên cạnh chuyện kể, còn có hình ảnh khá sinh động ) .
Cám ơn một người miền Bắc thực thà dám nói ra sự thật cuả một thời dau thương.