27-8-2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm, học thêm, nay tự nhiên ban hành Dự thảo thông tư cho phép dạy thêm và học thêm. Vì vậy, tôi đặt ra mấy vấn đề sau đây:
1) Có phải do nhà trường dạy trên lớp không hiệu quả mới đặt ra vấn đề dạy thêm, học thêm? Nếu đúng thì trách nhiệm này thuộc về nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục nên học sinh, phụ huynh không có nghĩa vụ hay phải gánh chịu tổn thất vật chất, công sức xuất phát từ lỗi của nhà trường và của cơ quan quản lý giáo dục.
2) Nếu việc dạy trên trường bảo đảm đầy đủ kiến thức thì tại sao phải dạy thêm, học thêm?
3) Việc dạy thêm và học thêm có giúp học sinh tốt hơn về kiến thức và nhân cách không? Nếu cho rằng là có, thì tiêu chí nào để đánh giá?
4) Học sinh đi học thêm phải đóng tiền, trường hợp không học thì học sinh đó có bị đối xử bất công, thiếu thiện cảm từ giáo viên không? Nếu cho rằng đều được đối xử công bằng thì lấy gì chứng minh và bảo đảm cho điều này?
5) Có hay không trường hợp tâm lý phụ huynh vì lo sợ nên dù không muốn con đi học thêm vẫn phải đóng tiền cho con học?
6) Nếu do hoàn cảnh khó khăn, nghèo không có tiền cho con đi học thêm. Vậy, làm sao để bảo đảm sự công bằng kiến thức và các vấn đề khác giữa học sinh học thêm và không học thêm? Giáo dục mà không đạt được hoặc không thể tiệm cận sự công bằng thì đó là sự thất bại.
7) Khối lượng kiến thức giảng dạy trên trường như vậy chưa đủ nhiều, chưa đủ áp lực [nhất là khối học sinh cấp 1, 2 học cả sáng lẫn chiều từ thứ 2 đến thứ 6] cho học sinh hay sao mà đặt ra vấn đề dạy thêm, học thêm? Thời gian còn đâu để các em vui chơi, tham gia các hoạt động khác? Tuổi thơ của các em sẽ thế nào đây?
8) Thực tế từ trước đến nay những học sinh đi học thêm thì hiển nhiên tương lai sẽ phát triển tốt hơn không? Tác hại của việc dạy thêm và học thêm là gì?
9) Có bao nhiêu quốc gia trên thế giới đặt ra vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài việc học ở trường hay chỉ Việt Nam mới có?
P/S: Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần xem xét, giải quyết các vấn đề trên đây trước khi đặt ra vấn đề cho phép dạy thêm, học thêm.