Chuyện sơ tán (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Trẻ con học sinh các trường ngoài phố chia nhau sơ tán về thôn quê thì các thầy cô cũng về theo. Tôi nhớ hồi học cấp 1, trường làng tôi có vợ chồng thầy Sơn cô Quý ở khu Sở Dầu, Thượng Lý chuyển về. Thầy Sơn trán hói, kính cận, còn cô Quý tóc phi dê đúng kiểu phụ nữ nội thành. Thầy cô có hai đứa con trai tên Hà, Giang, chúng sạch sẽ, dễ thương, quần áo lúc nào cũng lành lặn.

Cuối năm 1968, Mỹ ngưng ném bom, thầy cô lại chuyển về phố. Trong trận bom tối 16.4.1972 máy bay B52 rải thảm khu Sở Dầu, Thượng Lý, nhà thầy trúng bom, cả thầy cô và một trong hai con đều chết. Tôi không nhớ người thoát chết là Giang hay Hà. Mỹ đánh trở lại đột ngột quá, thầy cô và mọi người không kịp sơ tán như lần trước. Đêm ấy, làng Phúc Lộc xã Hưng Đạo cạnh trận địa pháo sát chân cầu Niệm bị chết hơn 6 chục người. Thương lắm.

Năm 1966, đám chúng tôi lên lớp 5, trường cấp 2. Trường cũng có mấy thầy cô sơ tán. Cô Oanh hiệu trưởng, tóc ngắn, xinh đẹp. Cô Cúc người miền Nam tập kết, dạy địa, về trường đem theo cả hai đứa con sinh đôi. Cô hiền hậu, nói giọng Nam nghe rất lạ bởi hồi ấy bọn nông thôn ít khi được tiếp xúc với người miền Nam.

Nhân chuyện này, tôi kể thêm ngoài lề: Năm 1988, tôi cho thằng cu con về quê chơi với ông bà nội và gia đình. Thằng bé 4 tuổi cứ thích ra chỗ bà nội ở quầy bán tạp hóa đầu hồi sát đường, ngó nghiêng chỗ này chỗ khác, rồi bi bô đủ thứ chuyện. Một đám học trò cấp 1 người làng Quế ngang qua, ghé vào mua kẹo bột, một hào một cái. Nghe thằng con tôi bi bô, chúng nó nháy nhau thì thào, tôi ngồi phía trong nghe được. Chúng bảo, đ. mẹ, nó bé tí thế kia mà đã nói được tiếng miền Nam, chúng mày ạ. Bọn hắn ngó thằng bé như người trên giời rơi xuống.

Mẹ con cô Cúc và cô Oanh ở trong căn nhà tường đất mái rạ gần gốc nhãn cổ thụ mấy trăm năm, phía sau trường học (vốn là hậu cung của đình làng). Chia làm đôi, cô Oanh hiệu trưởng nên được một nửa, ba mẹ con cô Cúc một nửa, gọi là phòng ở nhưng chỉ gần chục mét vuông. Thế cũng tươm lắm rồi. Chúng tôi thỉnh thoảng ghé chơi, đùa nghịch, bế hai đứa sinh đôi cho cô rảnh lo cơm nước giặt giũ.

Khi bộ đội tên lửa về lập trận địa ở thôn Trà Phương, trường cấp 2 phải sơ tán sang thôn Phương Đôi cùng xã, lớp 5 của tôi cũng kéo qua đó, còn lớp 6 và 7 được ưu tiên sơ tán về khu thành phủ cũ, gần chùa Mục Đồng. Xã làm một lớp học sâu dưới đất, chỉ nhô mái phía trên, còn ra vào lớp bằng hào giao thông. Cô Cúc, cô Oanh, các thầy cô ai có xe đạp thì đi xe đạp, phần lớn đều đi bộ hơn cây số. Học trò thì trăm phần trăm “xe căng hải” (xe hai cẳng).

Có hôm đang giờ môn địa lý của cô Cúc, báo động. Thầy trò theo lối hào tỏa ra các hầm chữ A và hố cá nhân (có thụt/nùn rơm đậy lại). Pháo cao xạ nổ đì đùng, mảnh đạn phạt bờ tre nhà chị Hiền phó chủ tịch xã rào rào. Báo yên, kéo nhau về lớp. Thằng Hồ Văn Sử dân sơ tán kêu toáng lên giơ bàn tay đầy máu. Hóa ra nó quệt phải một mảnh đạn cao xạ sắc như dao cắm phập vào thụt rơm của nó. Ai cũng nói suýt chết, thằng này cao số. Giờ già rồi, không biết bạn Sử còn hay mất.

Tôi có kỷ niệm với cô giáo miền Nam. Hôm ấy mải đánh dậm tuốt tận đầm thôn Tú Đôi xã bên, tôi về muộn, chưa kịp ăn cơm đã tới giờ đi học. Đường sang lớp sơ tán khá xa. Nhưng kẹt nhất là 2 chiếc quần dài cũ vải xanh chéo Nam Định thường bộ nghiêm bộ nghỉ thì hôm ấy cả hai đều đang phơi, còn ướt sũng. Giá anh trai tôi ở nhà thì có thể mượn được quần, nhưng anh ấy đang học lớp 8 trường huyện (cả huyện chỉ có một trường cấp 3), sơ tán tuốt xã Tân Phong gần biển. Quần của thày tôi loại quần nâu lá tọa nên không mặc được.

Khi cô Lưu hội phụ nữ đi quyên góp quần áo cũ và giẻ rách để cho bộ đội trận địa làm giẻ lau đạn, nhà tôi chả đóng góp được gì. Quần áo cũ, rách cả, nhưng góp thì lấy gì mà mặc. Bu tôi một mảnh vải bằng bàn tay cũng cất đi để phòng khi cần vá chỗ rách. Lại nhớ mấy bà chè chai đồng nát hằng ngày quẩy đôi quang gánh lần mò từng đường làng ngõ xóm rao “Ai lông ngan lông vịt, đồng nát, tóc rối, dép nhựa rách, giẻ rách bán không”. Đúng cái câu mà sau này đám tôi được học “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” suốt mấy chục năm trời.

Tiếc buổi học, tôi đánh liều “diện” quần đùi tới lớp. Đã thế, lại đi muộn, thằng bé cứ thập thò ngách hào giao thông, không dám vào. Cô Cúc nhìn thấy, ra kéo vào. Tan buổi học, đương sự ba chân bốn cẳng ôm vội cặp sách vọt biến. “Vụ án quần đùi” khiến tôi ngượng suốt mấy tuần. Sau 1972 hòa bình, tôi nghe cô Oanh, cô Cúc đã về lại phố, rồi 1975 cô Cúc về Nam, chả bao giờ được gặp lại cô và hai thằng sinh đôi nữa.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây