7-7-2024
Tháng 5.1996, sau kỳ nghỉ lễ trọng 30.4 — 1.5, tôi khăn gói quả mướp gia nhập báo Thanh Niên. Lúc này báo vừa hơn 10 tuổi, còn trẻ, không khí hăng lắm, ai ai cũng rất khí thế. Lúc chân ướt chân ráo, tôi còn nghe phóng viên Hà Đình Nguyên rủ rỉ, trong buổi kỷ niệm 5 năm (1991) thành lập báo, có cậu khách mời người Liên Xô tới dự, tếu táo “chúc báo Thanh Niên có thêm nhiều kẻ thù”, cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Ai cũng hỉ hả, tinh thần như hội nghị Diên Hồng, quyết chiến, quyết chiến. Trẻ có khác, chứ không như hai chục năm sau này.
Là lính mới, lại từ môi trường cực lành (giáo dục) sang cuộc sống báo chí đầy phức tạp, nguy hiểm và hấp dẫn, tôi nhìn tất cả mọi người, kể từ sếp tổng, tới các sĩ quan mem mém tổng như Đặng Thanh Tịnh, Quốc Phong, Quang Thông, Nguyễn Khắc Nhượng, rồi thấp tí nữa như Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Công Thắng, Phan Bá Chức, thấp tí nữa là Thế Vũ, Nguyễn Viện, Phạm Chu Sa, Trịnh Đình Sĩ, Danh Đức, Lê Đình Bì, Lê Nhược Thủy… đối với tôi đều thuộc hàng đấng bậc, kính nhi viễn chi. Thậm chí cả chị Huỳnh Ngọc Hiền lễ tân, mấy chị lao công như chị Hồng, chị Nhụy tôi cũng rất lễ phép, một điều thưa hai điều dạ. Mình lính mới tò te, không kính trên nhường dưới, nhỡ người ta đuổi thì xôi hỏng bỏng không (những năm ấy kiếm việc cực kỳ khó khăn). Chỉ có điều, sau này, qua hơn 20 năm tòng sự, măng non thành tre già, vẫn cứ ngoan ngoãn vậy. Thói quen sống giữa những người tốt.
Người cầm tay chỉ việc, dẫn tôi vào nghề, thầy dạy nghề đầu tiên của tôi là “thầy” Phan Bá Chức. Tôi kém cụ 5 tuổi nhưng tự thấy mình chỉ hàng em út. “Cụ” Chức là sếp trực tiếp, bởi trong hành trình mấy chục năm của tôi, bến đỗ thứ nhất là Ban Văn nghệ, cụ “hàm” trưởng ban, anh Lê Nhược Thủy nhà thơ phó ban.
Chả là hồi tháng 3 năm xa ấy, vô tình đọc được cái box thông báo to bằng bàn tay, ghi tuyển phóng viên mảng văn nghệ báo Thanh Niên, tôi đang ngán nghề dạy, liền liều ứng thí. Chó ngáp phải ruồi, trúng. Người thẩm định cuối cùng cả thí sinh bằng xương bằng thịt lẫn bài dự thi là Trưởng ban Văn nghệ Phan Bá Chức. Sau khi “quyển thi” được các bạn trẻ “ma cũ” của ban như Hoài Hương, Quốc Định, Song Chi, Nguyên Hưng, Cao Minh Hiển đọc và OK, thầy Chức coi lại lần cuối, thế là tôi trúng tuyển. Còn nhớ, buổi làm việc đầu tiên, bác thân mật vỗ vai tôi “kể từ hôm nay, Thông chính thức là người của ban, làm việc với tụi mình nhé”. Ôi giời, sao lại có vị sếp gần gũi chân tình thế không biết.
Lần mò dần, tôi được khai hóa, bác Chức không chỉ là nhà báo mà từng là thầy giáo như tôi và nhất là một nhạc sĩ rất được kính trọng. Con người hiền lành, nhã nhặn, không nói to, nặng lời với ai bao giờ, dịu dàng như con gái, nụ cười tủm tỉm đặc trưng khiến đứa nào trong ban cũng mến mộ, kính trọng. Song Chi có lần “mách” tôi, anh ạ, làm lính của anh Chức là diễm phúc mà phóng viên các ban khác trong báo ta khó có được.
Sau này Chi chuyển nơi khác, chuyên điện ảnh, nổi tiếng với bộ phim “Phố Hoài” về Hội An, do Chi đạo diễn, tôi cứ tiêng tiếc, giá như Chi cũng như Hoài Hương, đừng rời Thanh Niên thì ban văn nghệ vui và đẹp biết bao. Người tài, sắc sảo, thẳng thắn và xinh đẹp như các bạn ấy là thứ của hiếm.
Được hơn nửa năm, một hôm Phan tiên sinh ngoắc tôi ra “quán” của chị Phương, vợ anh Xuân phát hành, uống cà phê, nói anh có việc muốn trao đổi với em. Thầy Chức bảo, em học văn, chữ nghĩa giỏi, kiến thức nhiều, anh thấy em làm ban văn nghệ kể hơi phí. Nếu em đồng ý, anh sẽ nói với anh Nguyễn Khắc Nhượng, anh Thế Vũ, nhận em về Ban Thư ký. Nơi đó em có nhiều đất dụng võ hơn, sẽ mau thạo nghề hơn.
Tôi hơi ngại, bởi từng nghe bác Nhượng, bác Vũ nóng lắm, nghiêm lắm. Ai từng tòng sự báo Thanh Niên những năm cuối thập niên 90 và thập niên sau đó, chả lạ gì nhà văn Thế Vũ. Đứa nào sai và lì là ăn đòn mắng ngay. Nhưng trong cái lò lửa đượm hừng hực ấy chứa tấm lòng chân thật, bao dung cực kỳ, đối tượng ăn đòn rất mau chuyên nghiệp. Nói thật lòng, tôi mau dày dạn, thạo nghề được là nhờ các thầy Phan Bá Chức, Thế Vũ, Nguyễn Khắc Nhượng. Tôi luôn biết ơn thầy Chức và hai thầy trên con đường vất vả, gập ghềnh mưu sinh của mình.
Mới hôm nào, ngày 21.6 vừa rồi chứ bao xa, thầy trò tôi gặp nhau trên… phây búc. Chả là các anh Nguyễn Ngọc Toàn, Lâm Hiếu Dũng, Vương Khải… quản báo, năm nào cũng vậy, cứ tới ngày lễ trọng lại nhớ đến, dù chúng tôi đã hưu hiếc khá lâu. Tôi khoe “hàng” quà trên phây, thầy Chức cũng khoe, nhiều anh chị già như Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Khắc Nhượng, Hoàng Kim… cũng khoe, vui lắm.
Cũng hơi lâu rồi, tôi biết thầy chịu bệnh nan y, chạy chữa hết nơi này nơi khác nhưng ít hy vọng, vậy mà cứ xuất hiện trên làng phây chỉ thấy “chàng nhạc sĩ kiêm nhà báo” lạc quan, vui vẻ, tươi cười, dường như mấy thứ nan y K kiếc chả là gì. Trong một cái còm, Phan tiên sinh đang nằm trên giường bệnh vẫn gõ cho tôi, rằng “mấy chục năm anh em mình cùng báo Thanh Niên, anh rất quý em, dù em luôn tự nhận chỉ là tên lính quèn”.
Giờ thì thầy nghề của tôi, tiên sinh Phan Bá Chức đã đi rồi, như người ta nói, sang thế giới bên kia. Ngày mai, 8 tháng 7, thầy cưỡi xe đầu rồng ghé trạm Bình Hưng Hòa, sau đó chuyển hộ khẩu thường trú và căn cước công dân về hẳn cõi tiên. Tôi ở xa, không tới thắp hương cho thầy tôi được, biên mấy dòng này như nén hương thơm tiễn thầy về chốn cực lạc vô cùng.
(Có mấy tấm ảnh hai anh em chụp chung với nhau, tôi cất ở máy nhà, xin đưa sau vậy ạ).
“Nhân chi sơ tính bản thiện” và “nhân chi sơ tính bản ác” đều đúng ít
hay nhiều tùy theo cách nhìn nhận. Do đó, người CS.cũng có loại thứ
nhất nhưng ít (cực kỳ) bởi vì guồng máy CS. rất tàn bạo, bị giữ chặt
trong vòng tròn bạo lực nên sức kéo rất mạnh để vận hành mà không
cho phép thành phần nào đứng yên được cả ! Liệu người “hiền lành”
(giả thiết) như PVM. có khả năng nào chống lại nổi guồng máy như
robot vô nhân tính đó không ?
Ngoài ra, câu cách ngôn “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” nói đến
ảnh hưởng tất yếu của hoàn cảnh hay môi trường sống !
Hôm nay đọc bài của Võ Xuân Sơn, Nguyễn Thông, tin rằng người tử tế là có thật.
Nhưng ít hơn những người như Tô Lâm.
Tô Lâm mà toi thì phải củng phi thuyền đẩy quan tài ra vũ trụ bao la chứ chôn ở giải đất hình chữ S thì người ta đái mục mả giống như Lê Đức Thọ ấy.