Điện Biên Phủ: ‘Nâng lên nặng’ và ‘Đặt xuống nhẹ’

Lê Đức Dục

7-5-2024

Tác giả Lê Đức Dục (thứ hai từ phải sang), cạnh bên là nhà báo Huy Đức. Nguồn: Lê Đức Dục

Ở Điện Biên Phủ có một điểm đến ít người biết, nhưng với mình lại rất ấn tượng, đó là một khu tưởng niệm nhỏ dành cho những lính Pháp tử trận.

Đài được xây ở khu vực phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên, có diện tích 1.000m2, cách hầm tướng De Castries khoảng 200m về phía Tây Nam.

Năm 1994, ông Rolf Roder, một cựu chiến binh Pháp năm 1954 đã từng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ, trung sĩ chỉ huy đội biệt kích commando thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Bộ binh Lê dương tại Hồng Cúm, Điện Biên Phủ và nhiều cựu chiến binh khác, đặc biệt là ông Rolf Roder có ý nguyện được xây dựng một tượng đài tưởng niệm trên cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên Phủ với tâm niệm, người thân những người lính Pháp khi đến Điện Biên Phủ có chỗ tưởng niệm đặt vòng hoa cho những người lính Pháp đã tử trận vì cuộc chiến của nước Pháp.

Nhiều người tỏ ý hoài nghi vì sợ rằng chính phủ Việt Nam sẽ không đồng ý, nhưng sau khi Rolf Roder đặt vấn đề qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Ngoại giao ta nhờ giúp đỡ, ông đã được Nhà nước Việt Nam cho phép.

Ngày 26/6/1994 đài tưởng niệm được khánh thành. Đứng trước đài tưởng niệm lính Pháp chết trận ở Điện Biên, mình nhớ một câu của Dalai Lạt Ma 14: “Khỏe không phải là nhấc lên nặng mà là đặt xuống nhẹ”.

Khi vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh, cũng cho gom góp thịt xương quân địch lại để chôn trong những cái gò gọi là “Kình nghê kinh quán”, nay là khu Gò Đống Đa.

Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn thời Vua Gia Long từng đào mả nhau nhưng một ông quan của triều Nguyễn khi làm Tuần phủ Hà Nội năm 1872 đã gom mộ quân Tây Sơn hy sinh thời đánh quân Thanh đang chôn cất quanh Hà Nội đưa về quê mình (làng Thạch Hãn, Quảng Trị) để chôn cất khói nhang, nay là Nghĩa Trủng Đàn.

Cái đài tưởng niệm lính Pháp tuy be bé nhưng lại nói lên rất nhiều điều!

Đánh tan đội quân hùng mạnh, đó là “nhấc lên nặng”. Cho đối phương xây nơi thờ phụng ngay chiến trường mà xưa kia họ là kẻ thù, chính là “đặt xuống nhẹ”.

Đất nước mình lẽ ra phải làm thêm nhiều việc “đặt xuống nhẹ” nữa, sau mỗi cuộc chiến tranh, tiếc thay điều đó chỉ mới có ở Điện Biên Phủ!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngay việc làm từ thiện thuần túy của Dòng Chúa Cứu Thé cho các thương phế binh
    VNCH. mà nhà nước CS. còn cực lực tạo sức ép lên Dòng này khiến phải chấm dứt
    hoạt động thì mơ tưởng gì chuyện “hoà hợp hoà giải dân tộc” mà họ rêu rao !

  2. Nghĩa trang Biên Hòa còn đó.
    Cài “lòng quân tử” của cộng sản nó nặng hay nhẹ, cứ từ đó mà suy.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây