Bài thơ cho ngày 30 tháng 4

Lê Nguyễn

30-4-2024

“Sa trường ai tiếc đời trai trẻ

Lính chiến ra đi bất phản hồi”

Cảm ơn Vũ Hồ Như, bạn tìm đâu ra một bài thơ và bức ảnh quá đỗi tuyệt vời như vậy? Mình nghĩ rằng những ai từng trải qua những ngày tháng 4.1975, đọc xong bài thơ này, nhìn vào bức ảnh này, hẳn không cầm được nước mắt!

Bức ảnh tác giả nói tới trong bài

Với những câu chữ dung dị nhưng chất đầy cảm xúc, tác giả bài thơ đã vẽ nên một trong những bức tranh bi thương của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tương tàn mà kẻ thất trận là cả một dân tộc đã đánh mất hàng triệu sinh mạng để đổi lấy một tương lai đầy bất trắc.

Hình ảnh hai người lính trận gánh thi thể người đồng đội của mình vừa ngã gục, không nỡ để bạn ở lại một mình nơi núi thẳm rừng sâu, vừa nói lên cái nghiệt ngã của chiến tranh, vừa thể hiện sự bát ngát của tình người. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm cho trái tim chúng ta chùng xuống, nước mắt ta ứa ra, để khóc cho một thế hệ vàng son đã bị thiêu đốt trong lò lửa chiến tranh, và sau chiến tranh, phải mất mát quá nhiều.

Người Mẹ trong bài thơ này không phải là người mẹ ra sức đào hầm và “canh từng bước chân thù” như ai đó đã cố nói lên những lời xu nịnh và phản trắc, mà là người Mẹ tiêu biểu cho nỗi đau của những bà Mẹ Việt Nam ở cả hai miền, đã rứt ruột sinh con ra và ôm con nức nở trong cảnh chia lìa:

“… Ngày xưa mầy khóc, Mẹ ru hời

Bây giờ, Mẹ khóc đưa con trẻ

Ôm xác con mà nước mắt rơi…”

Ngày 30 tháng 4 hàng năm, mỗi người hãy nhìn lại những đau thương mà dân tộc này đã trải qua, yêu thương và đồng cảm với nhau hơn, cùng nhau xóa tan những kỳ thị và hận thù, để con cháu chúng ta không phải đi vào vết xe đổ mà cha ông họ đã tạo ra.

***

TỤI TAO GÁNH MẦY VỀ

(Đinh Tường)

Mầy bỏ cuộc chơi sao sớm quá,

Khi mà mái tóc vẫn còn xanh,

Chiến trường khốc liệt đầy bom pháo,

Để lại mầy đây, dạ chẳng đành!

Rừng sâu đạn giặc cày tơi tả,

Kiếm tạm làm đòn một khúc cây,

Cột chặt chân tay treo lủng lẳng,

Gánh đi lúc lắc, tội thân mầy!

Sống chết, lính Dù không bỏ bạn,

Bông băng chẳng đủ, biết làm sao?

Từng dòng máu đỏ còn ri rỉ,

Thấm ướt nhung y, đẫm chiến bào.

Nếu có thằng Tây nào chụp được,

Hình này đăng báo, cũng đành thôi!

Sa trường ai tiếc đời trai trẻ,

Lính chiến ra đi bất phản hồi .

Đất nước còn mịt mù khói lửa,

Mầy đi rồi sẽ tới phiên tao,

Bây giờ đạn dược không đầy đủ,

Chỉ đánh cầm rai chớ cách nào.

Tao gánh mầy đi, đầu chúc xuống,

Băng ca chẳng có để mầy yên,

Cho mầy an giấc về thiên cổ,

Bỏ hết âu lo, hết lụy phiền.

Ráng chút nữa thôi, về với Mẹ!

Ngày xưa mầy khóc, Mẹ ru hời,

Bây giờ, Mẹ khóc đưa con trẻ,

Ôm xác con mà nước mắt rơi.

Những ai đã chết vì sông núi,

Sẽ sống muôn đời với núi sông

Bốn bốn năm rồi chưa ráo lệ,

Khóc bao tử sĩ chết oai hùng.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Một kẻ đã từng dùng chục trứng gà để trốn lính giờ đứng ra rao giảng về nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình…
    Hàng triệu mái đầu xanh đã ra đi mãi mãi
    Các anh ngã xuống, chỉ quặn đau lòng mẹ.
    Vì sao? Vì đâu? Vì ai?
    Cái chủ nghĩa mác lê mao hồ đi chết đi.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây