Vụ trợ lý ông Vương Đình Huệ: Tin đồn đi trước, tin thật đi sau (Phần 2)

Blog VOA

Trân Văn

24-4-2024

Tiếp theo phần 1. Phần 2: Mọi vấn đề đều là vì cái đuôi ‘định hướng XHCN’

Thuận An và Phúc Sơn chỉ là hai trong những doanh nghiệp “lớn như… thổi” tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, sau khi một số trong số những doanh nghiệp “lớn như… thổi” này (Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế – AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á,…) trở thành bọt xà phòng, thiên hạ có cơ hội hiểu tại sao những doanh nghiệp tự dán vào thương hiệu hai chữ “tập đoàn” lại… “bạo phát, bạo tàn”.

Cứ ngẫm ắt sẽ thấy, nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không được tổ chức, vận hành nhằm hỗ trợ đảng CSVN nắm giữ, duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam bằng mọi giá thì sẽ không có những đại án như đã biết (Vạn Thịnh Phát – SCB, FLC, AIC, Việt Á,… ) và đang thấy (Thuận An, Phúc Sơn,…).

Sau khi đẩy xứ sở rơi xuống đáy của lạc hậu, khiến cả dân tộc càng ngày càng lầm than, giới lãnh đạo đảng CSVN quyết định tự cứu chính họ bằng cách từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” kiểu cộng sản để thực thi kinh tế thị trường. Từ bỏ thứ từng được xiển dương và quay lại đi theo con đường từng bị lên án được tung hô là… “đổi mới”. Tuy nhiên toàn trị không thể song hành với kinh tế thị trường nên họ lai ghép “định hướng XHCN” với… “kinh tế thị trường”, tạo ra… “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”.

Lúc đầu, “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vừa là bà đỡ cho các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước, vừa rút toàn bộ nội lực quốc gia trút vào những doanh nghiệp chỉ phá chứ không xây này. Không thể tính chính xác các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước đã biến bao nhiêu ngàn tỉ thành rác, tạo ra thêm bao nhiêu nợ nần và đã khiến quốc gia để lỡ bao nhiêu cơ hội mà chỉ có thể khẳng định là rất lớn. Khi những đại án liên quan đến các tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước khiến diện mạo của “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” trở thành nhem nhuốc tới mức vô phương tẩy rửa, những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chuyển sang hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mà những đại án vừa qua và gần đây cho thấy, “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” chỉ có khả năng tạo ra những hệ quả không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới!

***

Bởi “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” vừa cho các viên chức hữu trách quyền lực vô hạn, vừa vô hiệu hóa thiết chế kiểm tra, giám sát, điều chỉnh những lệch lạc, bất cập nên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trở thành công sai, phục vụ những cá nhân lãnh đạo các hệ thống này. Đó cũng là lý do những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương mặc sức sử dụng công quyền trợ giúp một số doanh nghiệp để được chia chác.

Thuận An và Phúc Sơn không phải cá biệt. Việt Á cũng thế. Tuy đại án “Việt Á” đã được xét xử sơ thẩm nhưng hệ thống tư pháp vẫn gạt bỏ, không thèm làm rõ tại sao Việt Á liên tục được chọn làm nhà thầu cho các gói thầu lớn của nhiều cơ sở y tế qui mô cực lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quân y viện 175 (TP.HCM) và chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm đã có tới 3.000 khách hàng, trở thành nhà thầu được chọn thực hiện 1.500 dự án? Đến giờ thiên hạ vẫn không biết những ai đã góp 800 tỉ vào Việt Á…

Mới đây, khi loan báo về kết quả điều tra sơ bộ vụ án xảy ra tại Phúc Sơn, viên tướng phụ trách bộ phận điều tra khoe – đại ý: Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Kẻ phạm tội dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, ’gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở” và “làm xấu hình ảnh của đảng cũng như chính quyền nhân dân[1]. Khoe như thế không chi trâng tráo mà còn gián tiếp xác nhận, công an Việt Nam cũng chỉ là một loại công sai, thay vì bảo vệ và thực thi pháp luật theo đúng tiêu chí “sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật” thì chỉ nhắm mắt làm theo thượng cấp theo kiểu “chỉ đâu đánh đó”, do vậy có đụng tới “kẻ phạm tội” thì cũng là vì đã được cho phép!

Xin nhắc lại một tình tiết trong vụ án liên quan tới việc AIC được chính quyền tỉnh Đồng Nai chọn làm doanh nghiệp cung cấp 16 gói thầu cho Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ mà Tòa án thành phố Hà Nội đưa ra xét xử hồi đầu năm ngoái [2] để minh họa…

Dù xin tiền xây dựng bệnh viện cho dân chúng Đồng Nai nhưng ngay cả Bí thư Đồng Nai cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”. Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ làm “vỏ” bệnh viện. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương mới cấp thêm 754 tỉ để nhồi “ruột” (mua sắm các thiết bị y tế). Cũng vì vậy, các viên chức lãnh đạo Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền… “tạ ơn” từ bà Nhàn. Ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai trước tòa, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để nhờ bà “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”, bởi “Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương[3].

Dẫu hệ thống tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) ghi nhận – đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị – nhưng hệ thống tư pháp chỉ ghi nhận như thế rồi thôi chứ… không làm gì thêm! Điều này cho thấy… “dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở và làm xấu hình ảnh của đảng cũng như chính quyền nhân dân… không những không… “mới” mà còn là… “đương nhiên” khi xây dựng… “kinh tế thị trường theo dịnh hướng XHCN”. Nếu ai đó “có quyền lực” bị truy cứu trách nhiệm thì vì cần phải triệt hạ, có thể triệt hạ, dứt khoát không phải do… nghiêm minh!

***

Đem “sự nghiệp” của những Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế – AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á,… ra so với thực trạng kinh tế – xã hội Việt Nam. Lấy các số liệu liên quan đến “thành tựu” của những “tập đoàn” này đặt bên cạnh các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, ví dụ, “trong năm 2023 có 172.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022, trung bình, một tháng có khoảng 14.4000 doanh nghiệp rút rút khỏi thị trường[4], hoặc “trong hai tháng đầu năm 2024 có 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước[5], ắt sẽ thấy tội của những kẻ lai ghép “kinh tế thị trường” với “định hướng XHCN” để duy trì việc “ăn trên ngồi trốc” lớn thế nào!

Chú thích

[1] https://hanoionline.vn/hau-phao-va-loat-can-bo-bi-khoi-to-230875.htm

[2] https://thanhnien.vn/nhan-hoi-lo-cuu-bi-thu-tinh-uy-dong-nai-tran-dinh-thanh-lanh-11-nam-tu-1851538705.htm

[3] https://cand.com.vn/phap-luat/lanh-dao-tinh-dong-nai-moc-noi-voi-ai-de-xin-duoc-von-tu-trung-uong–i678668/

[4] https://vov.vn/kinh-te/172000-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-trong-nam-2023-post1068531.vov

[5] https://www.tuyengiao.vn/hon-60-nghin-doanh-nghiep-rut-lui-khoi-thi-truong-trong-2-thang-dau-nam-153103

 

 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây