31-3-2024
Tiếp theo Kỳ 1
Mỗi khi có một vụ bắt người, báo chí sẽ đưa tin. Cấu trúc của tiêu đề thường là “Bắt ông A vì tội B”. Ví dụ gần nhất, hàng loạt báo chạy tít: “Bắt Shark Thủy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”/ “Shark Thủy bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Vậy cách viết/ nói này đúng hay sai, và nếu sai thì sai như thế nào?
Như chúng ta đã biết, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Nhưng, với thói quen của mình, mỗi khi một người bị bắt, báo chí thường vô tư viết “bắt vì TỘI”, đó là cách dùng từ không chính xác. Người bị bắt chưa phải là người có tội, chỉ đến khi có một bản án đã có hiệu lực pháp luật do tòa án tuyên, khi đó họ mới bị coi là có tội. Với việc “vô tư” dùng chữ “tội”, báo chí đã vô tình hay cố ý thay mặt tòa kết án một người. Mặc nhiên coi họ là những người đã có tội.
Xét một cách sâu hơn, đây không chỉ đơn thuần là việc dùng từ thiếu chính xác; mà nghiêm trọng, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi công khai kết luận người khác có tội, trong khi điều đó không thuộc thẩm quyền của mình và chưa có một phán quyết của tòa án, như Điều 13 đã quy định.
Khi gõ từ khóa “bắt vì bị cáo buộc” vào thanh tìm kiếm, trong 0,31 giây Google cho ra 34.500 kết quả; nhưng gõ “bắt vì tội” thì con số là 421.000 kết quả chỉ trong 0,25 giây, lớn hơn gấp hơn 12 lần! Đây là những con số nói lên thực trạng sử dụng sai từ ngữ đã trở nên chiếm thế thượng phong như thế nào trên báo chí và truyền thông nói chung.
Với thói quen dùng chữ “tội” theo cách này, lâu dần có thể khiến báo chí vượt quá quyền hạn và đánh mất tính vô tư, khách quan trong việc đưa tin, và tự biến mình thành một tòa án trên không gian mạng. Tai hại hơn, với cách nói này của mình, báo chí sẽ gieo vào người đọc một tâm lý và nhận thức sai lầm, dẫn đến hành xử sai lầm: Cứ thấy bất cứ ai bị bắt là nghiễm nhiên coi rằng họ đã có tội, mặc sức kết án và buông lời bình phẩm, thóa mạ hoặc tuyệt vọng. Điều đó cũng sẽ dần triệt tiêu đi tinh thần “suy đoán vô tội” vốn là một nguyên tắc tiến bộ của luật pháp văn minh.
Vì thế, để dùng đúng chữ “tội” trong trường hợp này, cần viết “Bắt ông A vì bị CÁO BUỘC tội B”… “Cáo buộc” tức là chưa có tội nhưng đủ cơ sở pháp lý bắt người. Còn có tội hay không phải đợi tòa án kết luận bằng một bản án.
Khi viết có ai đó bị bắt vì một “cáo buộc” thì nó được hiểu rằng đây mới chỉ là phần buộc tội từ một phía; và việc của bị cáo còn đó, chẳng hạn là sẽ bào chữa để chứng minh rằng cáo buộc ấy không đúng. Điều này rất quan trọng, vì trước hết nó giúp bảo đảm những quyền con người và quyền công dân của bị can, bị cáo; thứ hai nó tạo nên tâm thế “bình đẳng trước pháp luật” của mọi công dân.
Một chữ thôi nhưng hệ trọng ghê gớm đối với tương lai xã hội. Muốn tiến bộ, trước tiên cần bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như thế, đó là dùng từ ngữ cho chính xác.
_____
* Cảm ơn luật sư Ngô Anh Tuấn (Tuan Ngo) đã nhiệt tình chia sẻ trước các câu hỏi của tôi về góc độ pháp lý của việc sử dụng từ ngữ được đề cập trong bài này.
Cảm ơn bạn Thái Hạo vì tinh tinh thần “Khai dân trí” kiên nhẫn, miệt mài, không mệt mỏi của bạn .
Nhưng bạn còn tin rằng báo chí xứ này còn khách quan, vô tư, trung thực thì chỉ có hoài công thôi ( ngoại trừ trong lòng bạn luôn kì vọng vào chuyện đó ) .
Bạn còn nhớ, hồi bạn viết bài chống lạm thu của những trường học cửa quyền bắt ép người còng lưng đóng học phí ?
Một nhóm PV ( dường như còn trẻ ) , cũng viết bài về đề tài này . Họ chụp hình cái trường to đùng, hoành tráng . Nhưng tên trường thì không thấy, nội dung bài cũng chỉ dám viết xa xa, gần gần , chẳng dám đề cập đến tên của bất kì ông, bà hiệu trưởng nào của cái trường ấy . Thậm chí, có một nữ GV còn thách thức phụ huynh và sư luận về việc lạm thu .
Rồi, mọi việc đâu lại vào đấy .