Bùi Tín
4-10-2017
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc gây nên quan hệ căng thẳng trong quan hệ Việt Nam với CHLB Đức và Liên Âu đang có khả năng hòa dịu chút ít.
Tuy phía Đức tỏ ra rất kiên quyết, nhấn mạnh rằng phía Việt Nam cần công nhận sai lầm, xin lỗi và cam kết không tái phạm trên lãnh thổ Đức, nếu không phía Đức giành quyền có thêm những bước trừng phạt mới, sau khi tạm đình chỉ mối quan hệ chiến lược đã đạt được và hoãn việc xem xét thông qua hiệp định tự do buôn bán Liên Âu – Việt Nam.
Phía Việt Nam đã tận dụng các cuộc gặp của phó thủ tướng Vương Đình Huệ với bà Lucia Bergfield, bí thư thứ nhất Sứ quán Đức, của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại sứ Christian Berger tại Cần Thơ để chúc mừng thắng lợi của bà thủ tướng A. Merkel qua cuộc bầu cử vừa qua, nhân đó cố xoa dịu mối quan hệ, đi để trở lại bình thường hóa.
Theo tin mới nhất, phía CHLB Đức tỏ ra mềm dẻo, không yêu cầu đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức nữa, mà đưa ra yêu cầu mới là phía Viêt Nam đưa Trịnh Xuân Thanh ra xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý tại Tòa án trong nước, phía CHLB Đức sẽ có đại diện cùng các nhà báo Đức tham dự các phiên tòa một cách chính thức.
Vậy là quả bóng lại được phía Đức đá sang sân Việt Nam với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là thủ quân kiêm thủ thành.
Yêu cầu của phía Đức rất rõ ràng, đúng vào lúc Quốc hội đã có những nghị quyết về chấn chỉnh ngành tư pháp theo chế độ pháp quyền chặt chẽ, các tòa án xét xử chỉ chiếu theo luật, không có vùng cấm, không một ai đứng ngoài luật pháp, xử công khai, đúng người, đúng tội. Việt Nam lại đang hợp tác với CHLB Đức trong lĩnh vực cải thiện ngành tư pháp.
Đây chính là điều các chiến sĩ dân chủ, nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự lề trái đòi hỏi lâu nay, bị Bộ Chính trị liên tục vi phạm qua những phiên tòa bỏ túi, tuyên án theo lệnh của đảng, xử rất nặng các chiến sĩ kiên cường chống Tàu xâm lược.
Một chế độ độc đoán độc đảng chuyên ngồi trên pháp luật rất khó chấp nhận yêu cầu rất hợp lý, chính đáng của phía CHLB Đức.
Họ sợ. Vì đây chính là yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh từ khi còn ở trên đất Đức.
Khi ra trước tòa, Thanh sẽ có dịp khai báo ra hết mọi thủ đoạn ăn cắp tài sản chung, ăn chia giữa các phe nhóm lợi ích riêng tư, tung hê ra tất cả các bộ mặt nhọ nhem của các vị quyền cao chức trọng, không trừ một ai, vì Thanh không phải là kẻ tham nhũng duy nhất làm thất thoát 3.300 tỷ đồng.
Vụ xử tội lỗi tại ngân hàng Đại dương – Ocean bank vừa qua – với 1 án tử hình, 1 án chung thân và hơn 20 án từ 3 đến 27 năm tù, cho thấy nó có quan hệ gốc gác với Tổng công ty VN Petro do Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cầm đầu, mà vụ án được coi là lớn nhất này vẫn bị trì hoãn.
Ông Tổng Trọng đang lo sợ đến mất ngủ vì đứng trước một vấn đề rất mong manh, ông không cầm chắc trong tay. Lẽ ra khi quyết tâm cho nhóm mật vụ đi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về là ông cho Thanh ra xét xử ngay để trị cái tội dám tuyên bố công khai «từ bỏ đảng cộng sản do không còn tin ở tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa.» Nhưng nay ông lại sợ. Vì chính Thanh biết quá nhiều và có thể tiết lộ rất nhiều.
Mà giữ mãi Trịnh Xuân Thanh cô lập trong nhà giam khi chưa bị tuyên án, không cho Thanh gặp cha, con, bạn bè, luật sư là phạm pháp, làm cho dư luận phẫn nộ khi thấy bức ảnh duy nhất Thanh gầy còm, ngơ ngác, thất thần, với một trang thư nghệch ngoặc vội vã áp đặt.
Vị trí Tổng bí thư của ông Cả Trọng không có gì vững chắc khi cuộc họp trung ương VI sắp tới gần. Ông có thể bị chất vấn về lời cam kết kiên quyết diệt nạn nội xâm này đến cùng, nhưng 12 đại án dự định thanh toán trong năm, vì sao lại kéo dài vô hạn! Vậy là thất bại, thất hứa. Ông là người có trách nhiệm chính. Ông coi chống tham nhũng là con ngựa chiến của ông, nay ông đã ngã ngựa, còn bị ngựa đá cho lăn đùng.
Ông còn tự đưa ra tiêu chuẩn người lãnh đạo cao nhất phải là người không bị bệnh tham lam quyền lực cám dỗ; vậy khi đã 73 tuổi mà không chịu về nghỉ như đã hẹn, thì nghĩa là gì?
Nay ông lại mắc thêm cái tội rất nặng phạm tiêu chuẩn người lãnh đạo cao nhất là phải tạo nên uy tín cao trong quan hệ quốc tế có lợi cho quyền lợi quốc gia, thì chính ông chứ không phải ai khác đã tạo nên cuộc khủng hoảng đối ngoại nghiêm trọng nhất, khi cho nhóm mật vụ ra nước ngoài bắt cóc, bị bắt quả tang còn cãi bừa, nay bị trừng phạt, thiệt hại về uy tín, niềm tin, viện trợ, quan hệ kinh tế, tài chính, ngoại giao đình đốn, rồi còn bị đe dọa sẽ nhừ đòn nữa chưa biết bao giờ hết.
Cuối đời chính trị của mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã tự dấn thân vào vòng hiểm nguy. Trong cơn nguy khốn, ông đã mạnh tay loại ra những đối thủ dự bị Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang… nhưng trong hiểm nguy ông chỉ còn vài ba cận thần mờ nhạt Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, ông thủ tướng đầu nhọn ma-ze in vietnam… Nhiều kẻ tay chân thức thời sẽ bỏ rơi Cụ khi thế Cụ suy yếu, cô đơn, họ phù thịnh chứ không dại phù suy, như lẽ thường phải thế.