Tử hình ở VN ‘không làm quan tham run sợ’

BBC

4-10-2017

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoang Dinh Nam/Getty images

Một bài trên tờ The Nation (03/10/2017) của Thái Lan nói chính quyền Việt Nam dùng án tử hình như vũ khí chính trị nhưng có vẻ “không làm run sợ” những quan chức tham nhũng.

Bài báo nhắc lại bản án tử hình dành cho ông Nguyễn Xuân Sơn và chung thân cho ông Hà Văn Thắm trong phiên xử “đại án” OceanBank mới đây.

Theo The Nation, chính phủ Việt Nam thường chứng tỏ nghiêm khắc trong việc trừng phạt các quan chức cấp cao bị kết tội tham nhũng.

Tuy nhiên, lập trường cứng rắn này cũng không giúp Việt Nam cải thiện điểm số trong bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Báo cáo năm 2016 của tổ chức giám sát này công bố hồi đầu năm nay xếp Việt Nam hạng 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được 33/100 điểm năm 2016 và 31 điểm trong giai đoạn 2012-2015.

Bài trên báo Thái Lan tường thuật, “hầu hết người Việt Nam” cho rằng chiến dịch chống tham nhũng công khai thực ra là cuộc tranh giành quyền lực của quan chức cấp cao.

“Hồi tháng Năm, Bí thư TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị mất chức do bị cáo buộc những sai phạm liên quan đến PetroVietnam. Các nhà quan sát tin rằng ông này có thể có sai phạm, nhưng lý do chính khiến ông bị “ngã ngựa” là do ông thân cận với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,” tờ The Nation viết.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần cho cộng đồng quốc tế thấy quyết tâm chống tham ô của ông không phải vì mong muốn loại bỏ đối thủ chính trị.”

“Là người rất thông minh, ông Trọng hẳn hiểu rằng nếu chỉ áp dụng các bản án khắc nghiệt thì sẽ không ngăn được nạn tham nhũng.”

“Thực tế, thông thường một chế độ độc đoán lại là nguyên nhân của tham ô và lạm dụng quyền lực. Tham nhũng nảy nở tại những nơi có sự khuất tất. Tham nhũng chỉ có thể được nhổ tận gốc bằng cách đảm bảo rằng việc vận hành của chính phủ là minh bạch với tất cả mọi người, và rằng luật pháp thật sự nghiêm minh.”

“Nếu tham nhũng thật sự là mối quan ngại của lãnh đạo của bất kỳ chính phủ nào, họ phải xác định nơi nào trong hệ thống của họ cần cải cách triệt để. Điều đó cũng áp dụng cho các ban ngành và doanh nghiệp nhà nước. Vấn nạn sẽ không thể diệt trừ nếu thiếu vắng sự chân thành, minh bạch và trách nhiệm giải trình,” tờ báo viết.

Mới hôm 2/10, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu than phiền nhiều ban bệ ‘rườm rà, không nên tồn tại’, và kêu gọi ‘cách mạng bộ máy’.

Hội nghị Trung ương 6 khai mạc ngày 4/10, sẽ bàn đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.

“Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo (chức năng nhiệm vụ).”

Ông lại than phiền bộ máy đảng, nhà nước phình to.

“Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là “cách mạng”, tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

“Tôi nói thế, các anh ấy đồng ý, nhưng làm được hay không là chuyện khác,” ông Phiêu bình luận.

Bình Luận từ Facebook