Luật về “an ninh mạng” của Việt Nam quá khắt khe!

Trương Nhân Tuấn

20-10-2023

Luật về “an ninh mạng” của Việt Nam tôi thấy là quá khắt khe, đặc biệt các điều liên quan đến vấn đề “an ninh và trật tự công cộng”.

Nguyên nhân việc “khắt khe” này, theo tôi, có thể đến từ sự ngộ nhận về “chủ quyền không gian mạng”.

“Không gian mạng” không thể so sánh với “không gian” vật lý, kiểu Việt Nam có (quyền) chủ quyền đối với vùng trời, vùng biển đúng theo qui định của các bộ luật (công ước) liên quan (mà Việt Nam đã ký nhận). Việt Nam không hề có một thẩm quyền nào đối với “không gian mạng”, đơn giản vì Việt Nam chưa có “lập” ra một “không gian mạng” riêng cho người dân của mình. Việt Nam cũng chưa có đóng góp nào đáng kể để mở mang “không gian mạng” quốc tế hiện hữu. Ngay cả những bó “cáp quang” nối Việt Nam vào mạng thế giới cũng thuộc sở hữu của các tập đoàn nước ngoài. Vì vậy, nói Việt Nam có “chủ quyền không gian mạng” là khiên cưỡng.

Riêng trong vấn đề “an ninh mạng”, Việt Nam có “thẩm quyền” kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi gây “tội phạm không gian mạng” làm thiệt hại cho công dân mình, cho an ninh xứ sở của mình.

Những điều mà luật An ninh mạng của Việt Nam qui định về “nói xấu lãnh đạo”, “xuyên tạc lịch sử” hay về “gây rối trật tự công cộng”… theo tôi là khắt khe. Vì luật Dân sự và luật Hình sự của Việt Nam đã ghi rõ thế nào là các tội phạm liên quan và hình phạt tương ứng. Ngoài ra luật An ninh mạng còn có điều luật cho phép tuyên giáo “phản biện” những ý kiến “không đúng” tiêu chuẩn.

Trường hợp các “mạng xã hội” như Facebook, Twitter, Amazon, Google, Microsoft v.v… là các tập đoàn tài phiệt thuộc sở hữu nước ngoài. Họ “làm chủ kỹ thuật”, tức họ có “chủ quyền về công nghệ kỹ thuật số”. Người xử dụng các trang mạng xã hội của họ (YouTube, Facebook, Twitter…) đến từ năm châu bốn biển. Họ viết đủ thứ ngôn ngữ khác nhau. Người Việt Nam ở Pháp gặp người Việt Nam ở Hà nội, ở Sài gòn, họ hát cho nhau nghe, họ viết cho nhau đọc, họ “like”, họ phản biện, họ “haha”… này kia. Chỉ có những “moderators” của các mạng xã hội này có “thẩm quyền” trừng phạt những “người chơi” đã phạm luật chơi do “nhà mạng” đặt ra. Nhớ có lần TT Trump bị cả Facebook và Twitter cấm chỉ, không cho chơi nữa. Bởi vì ông Trump “phạm luật” do nhà mạng đặt ra. Luật đó gọi là “tiêu chuẩn cộng đồng”. Nội dung đại khái, nếu so sánh, tiêu chuẩn này phản ảnh luật lệ ở ngoài đời.

Theo tôi một bài viết nếu thấy có nội dung không lành mạnh, chỉ cần moderators xóa bỏ là đủ. Không cần tới luật An ninh mạng. Một người nhiều lần vi phạm, người này có thể bị thẻ đỏ (như ông Trump).

Cái gì Việt Nam cũng giới hạn. Công nghệ về “số” Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển? Bây giờ người ta đã bước qua IA mà Việt Nam còn lẹt đẹt ở 1.2. Phát triển hay không là đầu óc người dân có “khai phóng” hay không?

Nhiều người Anh, Mỹ, Pháp… làm giàu nhờ làm YouTube, làm mạng xã hội nọ kia… Đó là một hình thức kinh doanh mới. Nếu họ đóng thuế đầy đủ thì làm sao cấm họ được?

Tôi thấy nhiều người Việt Nam làm mạng xã hội xuất sắc, vì có hàng triệu đợt người theo dõi. Họ bỏ xa những YouTubers nổi tiếng Tây phương. Uổng cái họ bị bắt vì luật An ninh mạng. Nếu không, họ cũng có thể kiếm bộn tiền và nhà nước cũng có thêm chút đỉnh thuế.

Bình Luận từ Facebook