Trân Văn
13-10-2023
Không cần kể thêm thì ai cũng biết “số nhà” tại Việt Nam được cấp phát tùy tiện và hỗn loạn thế nào?
Nghị quyết sau phiên họp theo định kỳ giữa chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam với lãnh đạo chính quyền các địa phương hồi cuối tuần trước (Nghị quyết 164/NQ-CP) là ví dụ mới nhất về nỗ lực “nâng” hoài nhưng “năng lực quản lý” của hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa biết đến khi nào mới… “cao”.
Trong Nghị quyết 164/NQ-CP, chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) và Bộ Công an phối hợp với Bộ Xây dựng… “thống nhất cách ghi số nhà”. Ngoài việc “chủ trì nghiên cứu thống nhất giải pháp quản lý cách đánh số nhà và gắn biển số để hướng dẫn địa phương” cùng ba bộ vừa kể, Bộ Xây dựng còn được chính phủ yêu cầu phải… “rà soát quy chuẩn nhà ở riêng lẻ, chung cư, trong đó có vấn đề phòng cháy – chữa cháy để khắc phục bất cập hiện nay, bảo đảm an toàn cho người dân” (1).
Qua Nghị quyết 164/NQ-CP, có rất nhiều điều đáng bàn về “năng lực quản lý nhà nước” – vấn đề vốn đã làm hệ thống chính trị, hệ thống công quyền… trăn trở vài chục năm nay và đã thề hứa “nâng cao” vài trăm lần. Thứ nhất, tại sao “cách ghi số nhà” lại trở thành “đại sự quốc gia”? Thứ hai, tại sao cần đến bốn bộ để giải quyết “cách ghi số nhà”? Thứ ba, tại sao “số nhà” lại liên quan đến cả… “văn hóa” lẫn… “thể thao, du lịch”? Thứ tư, tại sao vấn đề thuần túy về quy hoạch đô thị như “số nhà” lại cần… công an tham dự?
Chưa hết, những thắc mắc vừa kể chỉ ra vấn đề lớn hơn – “năng lực quản lý nhà nước” của các bộ và cao hơn, của… chính phủ. Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam tổ chức – vận hành bộ máy công quyền theo kiểu nào mà ở giai đoạn tiền bán thế kỷ 21, “cách ghi số nhà” vẫn cần… “nghị quyết”, thậm chí còn là chuyện phải điều động tới bốn bộ nhập cuộc thì chính phủ mới dám tin là có thể… “thống nhất giải pháp quản lý cách đánh số nhà và gắn biển số”?
Khi tường thuật về nội dung Nghị quyết 164/NQ-CP, rất nhiều cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức nhắc lại rằng, hồi tháng 3/2006, Bộ Xây dựng từng ban hành “Quy chế đánh số và gắn biển số nhà”. Khoan bàn đến nội dung quy chế ban hành kèm Quyết định 05/2006/QĐ-BXD này (2) thì việc nhắc lại ấy cũng cho thấy một điều rất đáng bận tâm, “năng lực quản lý nhà nước” tại Việt Nam ở mức nào mà 17 năm qua, bất kể đã có văn bản pháp quy vẫn không thể… “thống nhất cách ghi số nhà”?
Không cần kể thêm thì ai cũng biết “số nhà” tại Việt Nam được cấp phát tùy tiện và hỗn loạn thế nào? Chẳng lẽ đó không phải là lỗi của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền? Các hệ thống này đã tuyển chọn, sắp đặt nhân sự ra sao mà cơ quan nào, cấp nào cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, tổ chức đảng ở tất cả các ngành, các cấp luôn “trong sạch, vững mạnh” nhưng điều đơn giản nhất là “cách ghi số nhà” vẫn không thống nhất, giờ phải có thêm… “nghị quyết” và yêu cầu phối hợp cùng… “nghiên cứu”?
***
Ba tuần trước khi chính phủ ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP, chính quyền quận 5 – TP.HCM loan báo sẽ tháo cỏ nhựa quấn quanh cột điện, cột đèn ở quận này. Chuyện quấn cỏ nhựa quanh cột điện, cột đèn vốn là một… “công trình” được… “triển khai” cách nay bốn năm để chống tệ nạn dán quảng cáo tràn lan (quảng cáo rác). Sau khi chi 280 triệu để bọc cỏ nhựa cho 495 cột điện, 1.286 cột đèn, Ủy ban Mặt trận tổ quốc của quận 5 thừa nhận đây không phải là giải pháp căn cơ vì không chống được “quảng cáo rác” (3).
“Số nhà” và “quảng cáo rác” chỉ là hai ví dụ mới nhất, dễ hình dung nhất trong vô số ví dụ cho thấy hệ thống chính trị vốn luôn tự vỗ ngực khẳng định là “tài tình, sáng suốt”, không thể chỉ đạo, lãnh đạo hệ thống công quyền vốn thường xuyên khẳng định đã và đang không ngừng nỗ lực “nâng cao năng lực quản lý nhà nước” nhưng vẫn chưa thể “thống nhất giải pháp quản lý cách đánh số nhà và gắn biển số”, hay chống “quảng cáo rác” có hiệu quả.
Cứ dùng Google để search sẽ thấy, vài chục năm nay, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, giai đoạn nào, ở đâu cũng dõng dạc tuyên bố “nâng cao năng lực quản lý nhà nước” cho đủ thứ chuyện nhưng kết quả là “cách ghi số nhà” vẫn cần… “nghị quyết” và muốn chống “quảng cáo rác” có hiệu quả thì vẫn phải chờ… “giải pháp cuối cùng”. Vì sao? Dường như đó là đặc điểm tất yếu của xây dựng CNXH, toàn dân phải nhẫn nại chờ “năng lực quản lý nhà nước” được “nâng cao”…
Đừng thắc mắc tại sao phải chờ rất lâu và chờ tới khi nào mới “cao” vì không được phép!
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/chinh-phu-yeu-cau-thong-nhat-cach-ghi-so-nha-4661658.html
(2) https://tuoitre.vn/quan-5-tp-hcm-thao-co-nhua-quan-cot-dien-20230922200845488.htm
(3) https://tuoitre.vn/quan-5-tp-hcm-thao-co-nhua-quan-cot-dien-20230922200845488.htm