Trân Văn
1-9-2023
“Ngày xưa má tôi cũng thường hay đi chợ mua chim, cò,… về để “phóng sinh” vào tháng bảy. Tôi nhớ như in những lúc má tôi tay tháo dây buộc chân chim, miệng lâm râm cầu khẩn…”
Tuần này, “phóng sinh” tiếp tục là chủ đề nóng trên mạng xã hội. Phản ứng của công chúng đối với “phóng sinh” không chỉ mạnh mẽ mà còn lan rộng hơn nhiều năm trước. Số người bất bình trước việc bắt cá, bẫy chim để “phóng sinh” càng lúc càng đông vì hoạt động này chẳng khác gì “sát sinh” trái với tinh thần, giáo lý đạo Phật. Không ít người nhận định như Nguyễn Hồng Lam: Đây chỉ là một thực hành của chủ nghĩa nhân đạo man rợ. Nó không phải là sự giải thoát mà là một tội ác, một hành vi tận diệt. Nó thể hiện sư vô tri, mông muội của cả chúng sinh lẫn kẻ khoác áo tu hành nhưng lòng còn đầy ngã mạn. Được đem ra thực hành công khai, nó trở thành phương tiện lừa bịp đức tin. Chỉ có con người mới cần được phóng sinh tâm hồn ra khỏi đầm lầy dốt nát, tăm tối và tàn ác. Chim trời không cần uống nước đóng chai. Cá, ốc không quen hương khói. Muôn loài không cần thứ tự do sau khi đã bị đánh bẫy, bị bắt trói. Đừng mang tín ngưỡng ra đọa chúng sinh trong u mê và tàn sát sinh linh thêm nữa (1)!
Đó có lẽ là lý do khiến cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn chính quyền phải nhập cuộc. Một số tờ báo giới thiệu cảnh báo của các chuyên gia về hoạt động “phóng sinh” theo kiểu Việt Nam trong thời gian vừa qua nguy hại cho hệ sinh thái (2). Đáng lưu ý là đã có chính quyền địa phương như Thừa Thiên – Huế gửi công văn cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở tỉnh này đề nghị không cho phép người khác vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh vì việc săn bắt chim hoang dã phục vụ “phóng sinh” sẽ tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên và vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong công văn vừa kể, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị những người lãnh đạo Tăng đoàn ở Thừa Thiên – Huế trực tiếp tuyên truyền tại các buổi lễ Phật, hoặc giải thích cho Phật tử bằng các tờ rơi, băng rôn để Phật tử thay đổi nhận thức về phóng sinh, không mua chim để phóng sinh, không tiếp tay cho việc săn bẫy chim hoang dã (3)…
***
“Phóng sinh” vốn có từ lâu nhưng vì sao “phóng sinh” lại trở thành vấn nạn? Ông Trương Nhân Tuấn kể: Ngày xưa má tôi cũng thường hay đi chợ mua chim, cò,… về để “phóng sinh” vào tháng bảy. Tôi nhớ như in những lúc má tôi tay tháo dây buộc chân chim, miệng lâm râm cầu khẩn. Tôi còn nhớ những dịp tết nhứt làm đồ cúng, khi cắt cổ con gà, con vịt… má tôi cũng lâm râm nguyện cho con gà, con vịt sớm “đầu thai kiếp khác”… “Phóng sinh” vốn là một truyền thống tốt đẹp của dân quê Việt Nam. Ngày nay, thời tu sĩ tu với phương châm “dân tộc – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa”, chuyện “phóng sinh” bị lợi dụng và “chính trị hóa”. Tu sĩ, chùa chiền quốc doanh sử dụng việc “phóng sinh” như một cách “câu khách”, làm cho những người dân thiệt thà (như má tôi) trở thành những tín đồ trung thành. Tín đồ càng mù quáng trung thành, tín đồ càng rộng lượng cúng dường, chuyện “phóng sinh” càng rùm beng, có trợ lực từ báo chí, truyền hình của tuyên giáo… Ông Tuấn than: Trước đạo pháp, hành vi “phóng sinh” của các chùa quốc doanh trở thành một “tội ác”. Trước thiên nhiên, chuyện “phóng sinh” (kiểu chùa Việt Nam) là hành vi tàn phá môi sinh, làm đảo lộn tuần hoàn của hệ sinh thái địa cầu. Suy nghĩ sâu xa, chuyện tệ hại nào chưa xảy ra trên đất nước này (4)?
Có một điểm đáng lưu ý là trong số những người phản đối “phóng sinh” có rất nhiều người am tường tinh thần, giáo lý đạo Phật và cũng vì vậy mà họ chỉ trích kịch liệt hoạt động “phóng sinh” càng ngày càng kỳ quái như đã biết và đang thấy. Thái Hạo lưu ý: Trong ba thứ bố thí có vô úy thí, chính là liên quan tới phóng sanh. Làm sao để đồng loại và muôn loài được an ủi, được cứu mạng, được sống trong sự thanh bình không não hại. Người ta đang tự do, đi bắt nhốt lại, đốt hương khói nghi ngút, khiến cho thân tàn ma dại, rồi mang thả ra, đó là làm cho khốc hại, là hiện thân của cái ác, chứ không có chút từ bi nào cả. Thái Hạo nêu ra một nghịch lý khác rất đáng ngẫm nghĩ: Phóng sinh tôm cua cá ốc chim cò làm gì khi thấy đồng loại bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù oan hàng chục năm trời mà không hé răng nói lấy một lời? Phóng sanh cái gì khi thấy cái ác và sự bất công tràn ngập mà không hó hé nửa câu? Đó là sự vô cảm độc ác và là hiện thân của thói đạo đức giả mà thôi (5).
Tương tự, Trịnh Khả Nguyên tâm tình: Phần đông người ta lo giải oan, theo nghi thức “tâm linh” (cúng kính, lập đàn tràng) cho cõi âm, cho người chết để những vong hồn, âm hồn ấy thoát khỏi những hình phạt rất rùng rợn “dưới” âm phủ và được “siêu”. Ít người nghĩ đến giải oan cho cõi dương, cho người đang sống. Thiết nghĩ, giải oan cho cõi dương cũng quan trọng và cần thiết, bởi cõi này dù là cõi tạm, như người ta hay nói thì cũng tạm… một đời và ai cũng cố bám càng lâu càng tốt. Giải oan tốt cho cõi dương, cho người sống có lẽ không cần cúng, lập đàn tràng, tụng niệm nhưng tốt nhất là tránh gây ra oan trái. Phòng bênh hơn chữa bệnh. Muốn thế, điều gần như cơ bản, ai cũng biết là phải có pháp trị, công lý cho mọi người. Luật phải rõ ràng để tránh bị suy diễn tùy tiện. Người thực thi, xét xử phải có lương tâm, không chịu áp lực, không áp đặt, phán xét dựa trên bằng chứng rõ ràng. Rằm tháng bảy, mùa giải oan cho những người chết là một lẽ. Còn mùa nào là mùa giải oan cho người đang sống (6)?
***
Cùng tham gia thảo luận về “phóng sinh” Thục Quyên đề nghị: Phóng sanh là hành động mang lại sự sống cho chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng, có nghĩa là giải thoát những sinh vật đang bị giam hãm trong lồng chậu, nhà giam, đang bị tra tấn, đánh đập hoặc sắp bị giết. Hiểu như vậy, đương nhiên không thể tổ chức “Lễ Phóng sanh” theo kiểu hiện hành. Phóng sanh phát khởi từ tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh. Phóng sinh là một phần của việc giữ giới không sát sinh, một trong ngũ giới mà người Phật tử khi quy y Tam Bảo phát lên lời nguyện giữ gìn, không vi phạm. “Lễ Phóng sanh” hoành tráng phải là một lễ được tổ chức thông minh, có ý nghĩa thuyết phục và rộng lớn để mọi người dù là Phật tử hay không, đều nhìn thấy ý nghĩa và cùng tham dự. Thí dụ các vị tôn đức, các đoàn thể phật tử, có thể lập ra những chương trình học hỏi về dinh dưỡng để khuyến khích cả nước giảm tiêu thụ thịt và thay thế bằng rau củ quả bổ dưỡng. Xây dựng những phong trào bảo vệ môi sinh là hành động tích cực để giúp chúng sinh thoát khỏi tù ngục của những nhà máy đang phun khói độc, gây bệnh phổi, hoặc hàng ngày thải chất hoá học vào những con sông, mang đến cái chết lần mòn cho mọi loài sinh vật trong đó, cho đến ngày chính nước của dòng sông, nguồn sống của con người, cũng thành nước chết.
Cũng từ góc độ của một Phật tử, Thục Quyên đề nghị: “Lễ Phóng sanh” phải là buổi lễ mà gần trăm triệu người Việt nghĩ tới những tử tù, đồng loạt ký thỉnh nguyện thư, yêu cầu chính phủ cần theo đà tiến hoá của nhân loại, bãi bỏ án tử hình. Phật giáo Việt Nam sẽ là ngọn đuốc sáng cho thế giới nếu Phật tử Việt Nam “nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động” (7). Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tôn giáo xiển dương “dân tộc – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa” khó mà tiêu hóa được những đề nghị như vậy!
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/phong-sinh-co-the-gay-hai-cho-he-sinh-thai-thuy-sinh-20230829180801056.htm
(7) https://baotiengdan.com/2023/09/01/nen-to-chuc-le-phong-sanh-that-hoanh-trang/
Tu mà tham sân si, tham từ tiền tới tình. Bọn này là bọn tu đểu, ông nào ông nấy cứ là béo trắng, béo núc ních rửng mỡ. Tu hành như thầy Thích Tuệ Sỹ mới đúng là chân tu.
Thời buổi này ác tăng, phú tăng mọc lên như nấm âu cũng là quả báo của bọn Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu…