9-8-2023
Sau 6 tháng đi Úc thăm mẹ và các em về Việt Nam, chị Quách Kim Liên nhắn tin, rủ tôi đến nhà chị ở Tân Bình chơi, và chị chiên giò cháo quẫy đãi tôi.
Chị Liên 71 tuổi, là chị của cố thiếu úy phi công Quách Dũng Tiến (1954-1974), chị kết bạn Facebook với tôi đã lâu và giới thiệu em chị là phi công tử sĩ. Hôm nay, lần đầu tôi đến nhà thăm chị và thắp nhang cho chiến hữu Tiến.
Chị Liên bùi ngùi kể, Quách Dũng Tiến đi khóa 72A, học Khóa 2 Trực thăng Quốc nội tại Căn cứ Không quân Bình Thủy (Sư đoàn 4 KQ). Tốt nghiệp phi công giữa năm 1974, Quách Dũng Tiến phục vụ ở Phi đoàn 225, Không đoàn 84 Chiến thuật.
Gia đình Tiến ở Gò Vấp, ba Tiến là lính Quân cụ, sống trong khu gia binh. Tiến có người cậu Út đi lính Hải quân, đóng ở Cần Thơ. Chiều ngày 18/11/1974 (Mùng 5 tháng 10 Âm lịch), cậu Út điện về báo hung tin, chiếc trực thăng của Tiến bay bị bắn rớt lúc 14 giờ cùng ngày.
Rạng sáng hôm sau, chòm xóm dựng rạp lễ tang, trong lúc ba má Tiến đón xe đò xuống Cần Thơ. Nhiều đoạn trên Quốc lộ 4 bị Việt cộng đắp mô, xe đò dừng lại chờ Công binh gỡ mìn. Nóng lòng, ba má Tiến xin quá giang một xe nhà binh. Biết ông bà đi nhận xác con, trưởng xa mời ba má Tiến níu chặt thành xe để vượt nhanh qua hiểm lộ.
Phi đoàn trưởng Phi đoàn 225 thành thật chia buồn cùng ba má Tiến và xin lỗi do hỏa lực của đối phương quá mạnh, Phi đoàn chỉ bốc được hai cơ phi và xạ thủ (văng ra hai bên trực thăng) bay về Quân y viện Phan Thanh Giản, không bốc được 2 phi công (Trung úy Nguyễn Anh Tuấn và Thiếu úy Quách Dũng Tiến).
“Thủ tục báo tử” của quân đội VNCH là phải lấy được xác tử sĩ, nếu không lấy được xác, phải lấy một thẻ bài (thẻ bài còn lại bỏ vô họng tử sĩ, vì để thẻ bài đeo cổ, xương sống rã mục bị nước mưa cuốn đi, hoặc thú rừng tha sẽ không tìm được thẻ bài). Vì vậy, Phi đoàn 225 làm giấy báo hai phi công mất tích! Ba má Tiến về nhà, tháo dỡ rạp, không lập bàn thờ, hy vọng mong manh, giấy báo mất tích là còn ngày về!
Rồi chiến cuộc ngày càng ác liệt. Hơn 5 tháng sau miền Nam thất thủ! Mãi đến năm 1980, khi chính quyền cho phép thăm nuôi sĩ quan học tập ở miền Bắc, chị Quách Kim Liên quyết định về Cà Mau tìm em. Lúc đó, chị Liên là công nhân Công ty Trang thiết bị Y tế, xin giấy giới thiệu chị đi tìm em mất tích (7 ngày phép + 2 ngày đường).
Chị đến UBND huyện Phú Tân trình giấy giới thiệu và giấy báo mất tích của Tiến (lúc đó đi Cà Mau dễ bị nghi vượt biên) xin huyện xem có tên Quách Dũng Tiến đang cải tạo không? Rất may, huyện xác nhận không có tên, và gửi các xã giúp chị tìm chỗ rơi máy bay! Suốt 4 ngày đầu, chị đi qua 4 xã đều không có máy bay rơi. Ngày thứ 5, chị đến xã Cái Đôi Vàm, một cụ già cho biết, có trực thăng rơi gần Đồn Quảng Phú, ấp Vàm Đình, kế nhà ông Ba Vũ.
Chị Liên đến nhà Ba Vũ, mới biết ông là Xã đội trưởng Cái Đôi Vàm.
Ba Vũ hỏi “Em chị tên gì?”
– “Dạ, Quách Dũng Tiến”
– “Có cái răng vàng phải không?”
– “Mô Phật! Sao ông nói linh vậy, em tôi có răng vàng”.
Ông Ba Vũ xưng là người bắn rơi trực thăng, nhưng đến 30/4/1975, Ba Vũ mới về đây (cách chỗ trực thăng rơi 100 mét) cất nhà. Lúc đó, xác hai phi công chỉ còn xương và sọ, ông lấy bóp hai người xem nên biết tên, và ông lấy một xương cẳng chân của Tiến để trên đống củi.
Vài năm sau, ông chiêm bao thấy Tiến nói: chào anh Ba, em đi, em không sống ở đây nữa! Ba Vũ lấy khúc xương của Tiến quăng xuống rạch.
Ba Vũ lấy bó nhang đi đến chỗ máy bay rơi. Chị Liên thấy đất chỗ máy bay rơi cỏ và lúa không mọc nổi (do xăng JP4 và dầu thủy điều tràn ra). Nên Ba Vũ vét bùn chỗ máy bay rơi đắp bờ. Chị Liên biết bờ này có xương cốt phi công, xin ông cho xây cái bia tưởng nhớ hai người! Ba Vũ đồng ý và sau khi đốt nhang khấn, Ba Vũ xuống rạch mò lấy được xương ống quyển của Tiến giao cho chị Liên!
Chị Liên về Sài gòn lập bàn thờ Quách Dũng Tiến, lấy ngày máy bay rơi làm ngày giỗ. Ba Tiến mất, má Tiến và 8 người em định cư ở Úc, chị Liên ở Việt Nam thờ em! Chị tôi chưa lấy chồng!
P/S: Qua các nhân chứng thuật lại, có thể tóm tắt như sau: Anh Đồng – phó đồn Quảng Phú cho biết, Đồn do đại đội 3, tiểu đoàn 536 địa phương quân trấn thủ, bị Việt cộng vây nhiều ngày, chuẩn úy Sơn, trung đội trưởng và nhiều lính bị thương nên xin tiếp tế lương thực, đạn dược và tải thương. Phi Đoàn 225 điều 1 phi đội: 1 rescue (tải thương), 1 slick (tiếp tế, đổ bộ) và 2 gunship (võ trang). Anh Đồng kể: “Trực thăng cứu thương bay rất cao trong khi 2 gunship bay thật thấp bắn dọn bãi cho trục thăng cứu thương đáp, rồi một gunship bị bắn rớt cắm mũi xuống ruộng nước”.
Đại úy Thưởng, lái slick, kể: “Lính tôi báo cơ phi và xạ thủ văng ra ngoài (hoặc tự phóng ra), thấy 2 helmet (nón bay) nổi trên mặt nước, tôi biết họ còn sống nên đáp bốc họ bay về quân y viện”. Anh Đồng kể: “Sau khi trực thăng rớt đến tối, các phi tuần A.37 thay nhau oanh tạc để mở đường cho bộ binh Sư đoàn 21 tiến vào giải vây tiền đồn!”
Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu
Ðã chiếm chiến công ngang trời
Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quуết chiến đấu
Ði không ai tìm xác rơi…
(Hành Khúc Không Quân Việt Nam- Văn Cao)