Những điều cần biết về vị thủ lĩnh quân đội, lãnh đạo tiếp theo của Campuchia

Time

Tác giả: Armani Syed

Cù Tuấn, biên dịch

27-7-2023

Hun Sen và con trai Hun Manet chụp tại trường West Point, ngày 29.5.1999. Ảnh: Reuters

Sau gần bốn thập kỷ là vị lãnh đạo cứng rắn của Campuchia, hôm thứ Tư 26.7, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố rằng, ông sẽ từ chức trong vài tuần nữa để nhường chỗ cho người kế nhiệm – con trai ông, Hun Manet, chỉ huy quân đội của đất nước này.

Hun Sen, 70 tuổi, tuyên bố từ chức trong một cuộc họp báo ở Phnom Penh, đánh dấu sự kết thúc của nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài gần 38 năm, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất châu Á.

Dù từ chức, Hun Sen tuyên bố sẽ vẫn là người đứng đầu Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Ông đã từng là một chỉ huy cấp trung trong chế độ Khmer Đỏ toàn trị, nhưng đã đột ngột bỏ ngang, đào tẩu sang Việt Nam trong bốn năm cầm quyền của chế độ này. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao sau cuộc xâm lược Campuchia của quân đội Việt Nam vào tháng 12 năm 1978, và trở thành thủ tướng vào năm 1985.

Vào tháng 12 năm 2021, Hun Sen thông báo, rằng Hun Manet sẽ kế nhiệm ông và đảng CPP đã ủng hộ ý định này của ông. Thông tin chính thức về việc này được đưa ra vài ngày sau khi CPP tuyên bố có chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử giả tạo, vốn bị Mỹ chỉ trích là “không tự do cũng như không công bằng”, sau khi các đảng đối lập chính bị ngăn cản tham gia.

Một số nhà quan sát gợi ý rằng, sự lãnh đạo của Hun Manet, người được đào tạo ở phương Tây, có thể mở ra một sự thay đổi dần dần hướng tới tự do hóa và dân chủ hóa ở Campuchia. Nhưng các chuyên gia nói với tạp chí TIME rằng, họ vẫn hoài nghi bất kỳ cải cách lớn nào sẽ diễn ra, vì tính kế thừa chính trị trong lần chuyển giao quyền lực này.

Lee Morgenbesser, một chuyên gia chính trị Đông Nam Á tại Đại học Griffith của Úc, nói với TIME: “Việc Hun Sen đã chuẩn bị cho [con trai mình] trong suốt vài thập kỷ để sẵn sàng nắm quyền, cho thấy mức độ tin tưởng và tín nhiệm cao.“Điều này có thể được nhìn thấy không chỉ ở những vị trí quyền lực mà Hun Sen đã trao cho con trai, mà còn ở tốc độ mà Hun Sen đã giao cho con trai thêm nhiều trách nhiệm hơn”.

Sau đây là những điều cần biết về Hun Manet, thủ tướng sắp tới của Campuchia.

1. Hun Manet là ai?

Hun Manet là con cả trong số 5 người con của Hun Sen. Ông lớn lên ở Phnom Penh và gia nhập quân đội Campuchia năm 1995. Hun Manet tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point năm 1999, lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York năm 2002 và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Vương quốc Anh—Đại học Bristol năm 2008.

Hun Manet kết hôn với Pich Chanmony, con gái của Pich Sophoan—cựu quốc vụ khanh Bộ Lao động—và cặp đôi này có ba người con, một trong số đó là công dân Hoa Kỳ, sinh ra khi Hun Manet còn là sinh viên ở nước này.

Có thể nói rằng, sự thăng tiến của Hun Manet trong giới tinh hoa cầm quyền của Campuchia diễn ra nhanh chóng. Rõ ràng, Hun Sen đóng một vai trò lớn trong đó, nhưng quá trình huấn luyện quân sự của Hun Manet tại West Point và bằng tiến sĩ từ Bristol đã củng cố thêm uy tín của ông ta”, Morgenbesser nói.

Lãnh đạo quân sự này cũng là Người đứng đầu Lực lượng Đặc biệt Chống Khủng bố Quốc gia và Chỉ huy Đơn vị Vệ sĩ của Thủ tướng. Morgenbesser cho rằng, việc này khiến Hun Manet đồng lõa với “sự đàn áp đối lập nghiêm trọng” được ghi nhận trong lịch sử gần đây của Campuchia.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, quốc gia này đã gia tăng giám sát và kiểm duyệt internet, cũng như đàn áp ngày càng tăng đối với các nhà hoạt động nhân quyền, phe đối lập chính trị và truyền thông tự do. Báo cáo thường niên về Tự do trên Thế giới của Freedom House phân loại Campuchia là “Không Tự do” với số điểm 24 trên 100 trong ấn bản gần đây nhất.

2. Khả năng lãnh đạo của Hun Manet sẽ khác Hun Sen?

Có thể là vậy, nhưng các chuyên gia tỏ ra không lạc quan. “Bất cứ khi nào sự kế thừa cha truyền con nối xảy ra trong một chế độ độc tài, xu hướng chung là sự nghi ngờ nhà lãnh đạo mới. Giả định sai lầm là anh ta sẽ không kinh khủng như cha mình; thay vào đó anh ta sẽ hòa thuận hơn, ôn hòa, tiến bộ, khoan dung hơn”, Morgenbesser nói.

Ông nói thêm rằng, các nhà ngoại giao phương Tây có thể muốn đánh giá tầm quan trọng của việc Hun Manet mới được bổ nhiệm, nhưng “không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy con trai của các nhà độc tài là tốt hơn cha của họ”.

3. Tiếp theo cho Hun Sen là gì?

Vào tháng 6, Hun Sen nói về việc từ chức Thủ tướng nhưng nói rằng ông sẽ không rút lui khỏi chính trường. “Ngay cả khi tôi không còn là Thủ tướng”, Hun Sen nói hôm thứ Tư 26.7, “Tôi vẫn sẽ kiểm soát chính trị Campuchia với tư cách là người đứng đầu đảng cầm quyền”.

Morgenbesser nói rằng, quyết định tiếp tục làm người đứng đầu CPP của Hun Sen sẽ cho phép con trai ông củng cố cơ sở quyền lực của mình trong khi duy trì ảnh hưởng của bản thân. Ông nói thêm: “Cho đến khi Hun Manet củng cố quyền lực của mình theo cách mà Hun Manet không thể bị đe dọa mất chức nữa, Hun Sen sẽ còn có tiếng nói quan trọng trong các quyết định chính sách lớn, việc phân bổ phần thưởng và lựa chọn nhân sự”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bàn bạc dài dòng với bọn độc đảng cầm quyền làm gì cho tốn công?
    Chúng cùng một duộc, dù đó là Stalin, Hitler, Mao, Kim hay Hunsen…

  2. trích: “Việc Hun Sen đã chuẩn bị cho [con trai mình] trong suốt vài thập kỷ để sẵn sàng nắm quyền cho thấy mức độ tin tưởng và tín nhiệm cao. “, hết trích.
    Xin dịch giả giải thích tại sao lại bỏ nhóm chữ “con trai mình” vô trong ngoặc vậy?

    ______

    Editor: Không phải dịch giả bỏ cụm từ đó ra, mà là thêm vào. Lời phát biểu của Lee Morgenbesser trong bản tiếng Anh không có mấy chữ đó (văn nói, đôi khi họ nói không rõ), nhưng khi dịch, để làm rõ nghĩa, người dịch thêm vào mấy chữ đó. Về nguyên tắc, khi thêm chữ vào mà bản gốc không có, thì phải để trong ngoặc, để người đọc nhận ra.

Comments are closed.