Cơ chế là cơ chế gì?

Nguyễn Tiến Tường

19-4-2023

Lỗi của cơ chế là không nên đặt bàn tay của người giỏi như ông “Tuấn tim” lên bàn giấy ký hợp đồng. Bác sĩ giỏi của một lĩnh vực khan hiếm người tài thì nên tạo điều kiện để ông ấy cầm dao mổ.

Tất nhiên, lương thưởng phải xứng đáng với tâm lực mà ông ấy bỏ ra. Làm sao đó để thu nhập khi cầm dao mổ đủ đối trọng với sự cám dỗ lợi lộc khi ký hợp đồng.

Một bác sĩ giỏi chưa chắc là một nhà quản lý giỏi, trong nhiều trường hợp bác sĩ làm giám đốc, cơ chế làm mất đi một bác sĩ giỏi và sinh thêm một lãnh đạo tồi.

Tuy nhiên, trong cơ chế đó ông Tuấn tim có một quyền từ chối. Ông đã lựa chọn làm một lãnh đạo thay vì làm một bác sĩ tài danh trọn đời thì không thể đổ cho cơ chế.

Khi làm lãnh đạo, nói rằng ông không nắm bắt quy trình đấu thầu đến mức để cho các đơn vị cung ứng đưa vật tư sang dùng trước rồi mới làm thủ tục thầu hợp thức hoá sau là ngây thơ.

Càng ngây thơ hơn khi nói rằng ông “xé rào” vì bệnh nhân. Bởi vì thiết bị y tế không có đơn vị này thì có đơn vị kia cung ứng. Nếu là một nhà quản lý giỏi, ông đã tìm ra cách để có nguồn vật tư dự phòng cho bệnh viện. “Xé rào” thì vì sao lại chọn hai nhà thầu duy nhất để dùng trước trả sau trong thời gian dài, độc quyền và không có cạnh tranh?

Chỉ có thể hiểu rằng ông đã thoả hiệp với lợi ích. Và việc này gây thiệt hại trực tiếp khi người dân phải dùng thiết bị y tế giá cao (do chi phí mềm) và thiệt hại gián tiếp khi ngân sách từ thuế do họ đóng góp.

Bác sĩ Tuấn tài ba cầm dao mổ cứu sống nhiều người không thể đánh đồng với giám đốc Tuấn cầm bút ký hợp đồng trục lợi. Một hoặc nhiều người hàm ơn vì được bác sĩ Tuấn cứu sống, không có nghĩa là có thể khoả lấp đi hậu quả của vạn vạn con người bị thiệt hại do giám đốc Tuấn gây ra.

Cơ chế có lỗi khi không để người tài đúng chỗ. Cơ chế cũng có lỗi khi giấu mỡ trong miệng mèo và chờ mong con mèo có đức độ.

Nhưng trách kỷ hậu trách nhân, tay tự thọc xuống bùn thì không thể trách bùn bẩn.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. nt: NĐK

    Hãy khóc cho chúng ta, cho con cháu chúng ta với những cơ hội đã, đang và sẽ bị tước đoạt mất.

    Chính chúng ta, chính con cháu chúng ta, những thường dân, mới là những nạn nhân khốn khổ nhất của “cơ chế này”, chứ không phải những “bác sĩ Tuấn” hay “Trần Quí Thanh” đâu.

    Đừng lầm.

    Bác sĩ giỏi ư? Quý hiếm thật đấy, nhưng mất một “bác sĩ Tuấn” có phải là mất hết đâu, còn bao nhiêu người khác nữa ngoài kia. Kẻ nào tham ô, tham nhũng của công dù chỉ một đồng cũng đáng bị b.ắn bỏ.

    Doanh nhân giỏi ư? Quý hiếm thật đấy, nhưng còn bao nhiêu người khác ngoài kia. Chưa kể, rất nhiều khả năng, trong số họ, có những người thực tài thực lực mà không thể nào ngóc đầu lên được bởi những chính sách (thậm chí cả luật pháp) bị bóp méo, bị lũng đoạn bởi những kẻ gọi là “doanh nhân giỏi” tiền bạc, quan hệ đầy mình kia.

    Vậy nên, nếu có khóc, đừng khóc cho họ, hãy khóc cho chính chúng ta.

    Nhưng có lẽ cũng không nên khóc nữa, mà hãy suy tư đi. “Hãy can đảm sử dụng lý trí của mình”* đi. Một xã hội vẫn để cho cảm xúc dẫn dắt là một xã hội chưa trưởng thành vậy.
    ——–
    (*) Câu này mượn của I.Kant và thành ngữ la tinh “Sapere aude”/”Có can đảm dám biết, dám tri thức”.

    Nguồn Mạng

  2. – Trích nguyên văn: “Bác sĩ Tuấn tài ba cầm dao mổ cứu sống nhiều người không thể đánh đồng với giám đốc Tuấn cầm bút ký hợp đồng trục lợi. Một hoặc nhiều người hàm ơn vì được bác sĩ Tuấn cứu sống, không có nghĩa là có thể khoả lấp đi hậu quả của vạn vạn con người bị thiệt hại do giám đốc Tuấn gây ra”…
    Câu trên chẳng có gì mới. Đó là cần rạch ròi Công – Tội.
    – Đáng bàn là xưa nay rất ít các nhà chuyên môn phạm tội tham nhũng… mà hầu hết là quan chức có quyền.

  3. Chuyện có gì lạ, nhưng dư luận viên tuyên giáo Chiều Nay giở trò.
    Nguyễn Trường Sơn cũng được ca tụng là giỏi, thì đã đành, đảng cộng sản Chiều Nay toàn “đỉnh cao trí tuệ” mà. Khi CDC Thượng Hải thông báo nghiên cứu Covid lây qua không khí theo cơ chế aerosol, tức là virus bám vào các hạt lơ lửng trong không khí dẫn đến phát tát ra xung quanh, Nguyễn Trường Sơn lúc ấy là thứ trưởng, trực tiếp tham gia chống dịch, đã giải thích aerosol là máy khí dung, tức là lây qua máy khí dung. Nguyễn Trường Sơn dốt nên nói vậy, không phải, Nguyễn Trường Sơn nói lươn lẹo trong trò tuyên truyền dối trá. Sau, Nguyễn Trường Sơn bị đồng đảng cho vào lò vì tội ký giấy phép cho bộ xét nghiêm covid Việt Á. Nguyễn Trường Sơn thoát được và xin nghỉ hưu. Nguyễn Trường Sơn thoát không phải do sự “nhân văn” của Nguyễn Phú Trọng, mà do Nguyễn Trường Sơn đã phòng trước. Nguyễn Trường Sơn quá hiểu đồng đảng, đủ trò ma quái, nên đã ghi âm việc Vũ Đức Đam ép ký, nên tạm vượt qua cái vạ ấy.

Comments are closed.