Ngày rằm nói chuyện tín ngưỡng của người Việt

Chu Mộng Long

5-2-2023

Thay vì đi chùa hay tụng kinh, trước đức Phật và vong linh tổ tiên, tôi viết bài này. Nội dung cơ bản thì tôi đã từng viết nhiều lần.

Có lẽ bắt đầu từ chuyện nhà tôi thực hiện phong tục cúng ông Táo. Hăm hai, tôi vâng lời vợ dặn ra chợ sắm đồ cúng đưa ông Táo. Thấy có chị bán sẵn chè xôi, tôi hỏi mua để vợ khỏi mất công nấu. Tôi chỉ hỏi mua mỗi thứ một ít, không cần tính toán. Chị bán chè xôi chỉ dẫn: “Chú phải mua làm sao chia đều làm ba. Bởi vì có đến ba ông, mỗi ông một phần bằng nhau. Nếu không thì ba ông sẽ đánh nhau và gia đình lục đục!” Tôi phải bật cười: “Thần thánh mà tranh ăn đánh nhau thì tôn thờ làm gì?” Nói đoạn, tôi chợt nhớ chuyện dân gian đã kể, rằng không phải ba ông mà hai ông một bà, họ ghen tuông, đánh nhau và nhảy vào lửa tự thiêu. Ấy đấy, không chỉ tranh ăn mà còn tranh cả gái hay tình dục.

Khổ thân người Việt. Tín ngưỡng là đức tin trong sáng, vào điều lành. Đức tin ở trái tim. Trái tim lành mạnh, trong sáng thì tinh thần an nhiên, hướng thiện. Trong khi dân Việt ta chứa trong tim toàn chuyện tranh chấp, ghen tị, tham lam, đa số không sống ác mới lạ.

Không phải chỉ các tôn giáo chính tông chủ trương bài trừ mê tín dị đoan (như Phật giáo, Thiên Chúa giáo) để hướng con người vào đức tin lành mạnh thuần khiết, triết gia Plato trong Cộng hòa, khi ghi lại lời của bậc hiền minh Socrates, từng dạy, rằng thánh thần chỉ làm điều tốt, mọi ý nghĩ xấu về thánh thần, như tham ăn tục uống, gây chiến tranh, xung đột đều là sự báng bổ. Homer được xem là kẻ báng bổ, xuyên tạc, khi viết Iliad và Odyssey đã miêu tả thánh thần mang dục vọng như con người. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách con người. Đa phần cái xấu, cái ác là do thiếu hiểu biết, bắt đầu từ tín ngưỡng. Tín ngưỡng bệnh hoạn tạo nên nhân cách bệnh hoạn. Các tổ sư của tôn giáo chính tông cũng dạy vậy!

Chuyện Táo quân chỉ là một trong vô số ý nghĩ bệnh hoạn hay tà niệm trong tín ngưỡng của người Việt. Hình như trong mọi tín ngưỡng, từ thờ cúng ông bà cha mẹ đến danh nhân, từ tôn thờ các nhân vật anh hùng đến thánh thần, thậm chí thờ Phật, người Việt luôn có ý nghĩ phải cúng nhiều đồ ăn, nhiều lễ vật, nhiều tiền thì mới được thần thánh độ trì, ban phát lại cho nhiều lợi lộc. Đến mức cúng vua Hùng thì cúng bánh chưng hàng tấn, cúng Phật thì cúng trăm triệu đồng để được giàu lên ngàn tỉ đồng. Tệ nhất là cứ tham lam, gieo cái ác xong thì đi cúng Phật để trục vong, giải nghiệp. Tệ hơn nữa là cứ chà đạp lên nhau để tranh ghế tranh quyền rồi nhân danh Thánh Trần buôn bán ấn để được thăng quan tiến chức tiếp. Trời Phật, Thánh Thần đất Việt đều tham lam vô độ, ăn hối lộ, tranh quyền đoạt vị, mua quan bán chức có đủ.

Phật mà bảo kê cho kẻ gian tham, Thánh Trần sinh thời mà có làm cái việc buôn quan bán chức, thì có đáng tôn thờ không? Không phải cố tình báng bổ Phật, Thánh thì chỉ có thể là một thứ tín ngưỡng bệnh hoạn, tà ác.

Trời Phật, Thánh Thần mà tham lam, bảo kê cho tội lỗi thì chỉ có thể là ma quỷ đội lốt. Tín ngưỡng như vậy thì tâm chỉ có bất an và con người trở thành vô đạo. Đó là thứ tín ngưỡng sinh ra từ tội ác của cuộc sống phàm tục – sự nhu nhược và sợ hãi trước quyền lực độc tài, tàn bạo đã dịch chuyển thành niềm tin, tín ngưỡng, học tập và làm theo gương cái xấu. Các triết gia duy vật gọi đó là thứ quyền lực ma quỷ của trần thế tự tôn vinh hoặc được tôn vinh thành thánh thần. Những người có trách nhiệm, bao gồm chính quyền và giới thầy tu để đất nước phô bày thứ tín ngưỡng như vậy thì biết bao giờ quốc thái dân an?

Chỉ có thể nói, dân Việt đang bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” (Nguyễn Du), đông đến mức không ai đủ mạnh để cứu vãn.

Tôn thờ “thần thánh” theo cách đó, chẳng khác tôn thờ tướng cướp, quan tham, làm cho tướng cướp, quan tham nhầm tưởng mình là thần thánh thật, ắt chúng tự do lộng hành và sinh con đàn cháu đống. Xem ra có mở cái lò to bằng cái hố đen của vũ trụ cũng không thiêu hủy nổi con đàn cháu đống của loại “thánh thần” ấy.

Tín ngưỡng hay sự tôn thờ thần tượng mang ý nghĩa đơn giản là để noi gương hay học tập và làm theo thần tượng. Tức tín ngưỡng hình thành nên đạo đức, nhân cách, lối sống cho con người. Xét đến cùng, tín ngưỡng có sức mạnh hơn mọi thứ tuyên truyền giáo dục khác. Khi quyền lực buông thả hoặc định hướng vào một thứ tín ngưỡng ma quỷ như vậy, ắt thứ tín ngưỡng ấy hình thành nên một hệ tư tưởng thống trị toàn dân. Những tuyên truyền, giáo dục về một hệ tư tưởng nào khác, dù tốt đẹp mấy cũng thành sáo rỗng, giả tạo, nếu không nói là bị méo mó một cách thảm hại. Kể cả khoa học được giáo dục trong nhà trường cũng trở nên vô nghĩa. Khi một hệ tư tưởng tồi tệ hình thành sâu rộng như vậy, thần Phật, kể cả tấm gương vĩ đại của các anh hùng, lãnh tụ cũng phải chết để cho ma quỷ, yêu tinh được sống và hoành hành.

Xin nói thẳng: sự thả cửa hay định hướng người dân vào thứ tín ngưỡng như hiện nay là mắc tội lớn với đất nước, dân tộc. Tội báng bổ hồn thiêng sông núi. Tội hủy hoại đạo đức, văn hoá, lối sống của con người hiện tại. Tội gieo rắc nọc độc đầu độc cả thế hệ tương lai. Tội biến đất nước ngàn năm văn hiến thành địa ngục của ma quỷ…

Trong bộ Luật hình sự có quy định Tội lợi dụng tự do tín ngưỡng để tuyên truyền và hoạt động mê tín dị đoan, tại sao điều luật này chưa bao giờ được thực thi? Hay là điều luật này đang mắc phải cái “vùng cấm” khi bảo kê, thậm chí trực tiếp tổ chức, là các quan chức to vật hơn cả thánh?

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Đề tài này rộng lắm giáo sư ơi! Nó liên quan đến lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử, chính trị, kinh tế, giáo dục,…
    Nhìn ra cái xấu để khắc phục và sửa đổi là mơ ước tốt, nhưng đó chỉ là góc nhìn của giáo sư, mọi người trong cộng đồng có đồng tình như thế hay không thì cần những nỗ lực lớn.
    Mọi sự vật, hiện tượng điều có giá trị của nó. Muốn điều khiển theo mong muốn thì phải nắm bắt được quy luật vận hành. Biết đâu với những đặc tính và đặc điểm như thế dân tộc Việt mới trường tồn theo dòng lịch sử? Biết đâu chúng ta chưa thật sự nhận ra ý nghĩa sâu xa ẩn sâu trong những phong tục, tập quán đó? Biết đâu thay đổi thì tốt nhưng lại dẫn đến tai hại khác còn nghiêm trọng hơn?
    Phải bắt đầu từ cái căn bản, phải thực sự trở thành triết gia thì mới mong thay đổi vận mệnh dân tộc. Mà để được như thế thì rất cần sự hy sinh vô bờ bến và vận may!
    Nếu giáo sư thực sự tin theo góc nhìn của mình và cố gắng lan tỏa nó, thì có thể một ngày nào đó nó sẽ là quan niệm chủ đạo và xã hội sẽ thay đổi theo hướng đó. Còn ai đó muốn duy trì nguyên trạng thì đó cũng là quyền của họ. Chúng ta là một dân tộc nên có sự tương liên, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ biết đâu đến lúc nào đó tính dân tộc sẽ nhạt nhòa?
    Chúng ta luôn không bằng lòng với cái hiện có, nhưng cái khác có phải là tốt hơn không, có giúp chúng ta hài lòng không thì là do sự lựa chọn.
    Thật sự trong sáng, nỗ lực hết mình vì chủ kiến, thì những mong muốn tưởng chừng là vô lý cũng vẫn có thể thành sự thật!
    Ngưỡng mộ anh muỗi với kiến thức thâm sâu, chích nhiều lúc ngay chỗ ngứa làm ai nấy tức anh ách.
    Cộng sản thì đã sao, không cộng sản thì thế nào? Nhưng không được a dua và ba phải nhé!
    Phong kiến hay tư bản, cộng sản hay cộng hòa chỉ là những mô hình tổ chức nhà nước, là sự thể hiện các thể chế chính trị. Cái nào cũng tốt nếu phù hợp với thời thế, với môi trường xã hội và giai đoạn lịch sử.
    Chuyện ai đúng, ai sai, ai thắng ai thua, nên thế này hay thế nọ điều có nguyên nhân. Nếu muốn kết quả nào thì là do sự lựa chọn.
    Tôi không thể không sợ tù tội vì tôi đang ở trong nước. Tôi cũng không thể chống phá khi tôi không biết phản biện hay phản đối sẽ dẫn đến kết quả như thế nào? Nhưng dù tôi không làm gì, thì nếu những kẻ nắm trong tay quyền lực độc tôn, nếu muốn, vẫn có thể áp đặt một thứ tội vu vơ nào đấy với tôi!
    Sống và cư xử như thế nào là lựa chọn của cá nhân, muốn đám đông hành xử theo ý của mình thì phải thao túng được tâm lý của họ và đó là một nghệ thuật, ai làm được sẽ lãnh đạo được đám đông đó, còn muốn thành lãnh tụ thì phải làm cho đám đông đồng thuận với viễn kiến của mình.

  2. Một nhận xét khôi hài rằng ở chế độ xhcn người ta hô hào làm công bằng xã hội hay hơn nữa là lý tưởng đại đồng cs ai như ai đều hạnh phúc giàu có như nhau? Nhưng thực tế thì ở xã hội này con người càng lún sâu vào mê tín để mong được giàu có sau khi đấu đá tàn bạo với nhau mà chưa thỏa mãn lòng hơn thua. Vì sao vậy? Đơn giản là cái lý tưởng cs là cái giẻ rách một chiêu thức bịp bợm của bọn độc tài, chính nó đã gây nên một xã hội vô đạo đức đói nghèo và người dân trở nên tuyệt vọng chỉ còn biết tin vào mê tín mong được đổi đời. Còn bọn cầm quyền thì thừa thắng làm xã hội đảo điên chúng càng lợi dụng sự mất phương hướng của người dân và càng khai thác sự mê tín của họ để ru ngủ ý thức phản kháng và đồng thời kiếm chác thêm lợi ích qua việc khuyến khích và nổ lực lập càng nhiều chùa chiền hội hè cho người dân bu vào. Quả là thâm độc, chỉ tội nghiệp người dân vì u mê mà trúng kế thâm của cs! Hãy nhớ từ đầu lúc miền Nam mất vào tay cs, chúng đâu có ưa người dân tụ tập ở chùa chiền nhà thờ đâu?!

  3. Xã hội bị bịt tự do dân chủ thì “phùng” ra nơi khác, như trái bóng. Qoái gỡ, phù phiếm cúng, chùa, lễ, hội, “yêu quá…ơi”, rởm cách uống trà rườm rà với 100 thứ đồ nghề, cổ tay đeo hạt “thiền”…Tàu Nga cũng vậy, trỗi dậy vh dạ vũ, phim ảnh quái dị ngây ngô tuyên truyền. Tất cả vì đó là cái NN cho làm vì vô hại và ru ngủ để khỏi lo rằng mình có thực sự tự do, giàu mạnh so với các nước khác chưa. Dân không dám mở miệng bàn tán chê NN thì ngậm miệng làm mấy cái có vẻ vh mà thực ra vh xuống dốc.

  4. Rất đồng ý với Tiến sĩ Chu Mộng Long, “Tín ngưỡng hay sự tôn thờ thần tượng mang ý nghĩa đơn giản là để noi gương hay học tập và làm theo thần tượng”. Chỉ muốn toàn Đảng toàn dân, khi học tập thì thật sự có tinh thần cầu thị, đừng có duy ý chí trích dẫn out of context, rùi bẻ cong ý nguyên bản cho những mục tiu hổng lấy gì làm đẹp đẽ của riêng mình . Tóm lại, là phải hiểu nguyên bản như nó là, thay vì như nó “đáng lẽ” phải là .

    Chu Mộng Long đúng, đừng có định hướng cho tư tưởng . Định hướng cho tư tưởng biểu thị thái độ báng bổ, khinh thường thần tượng, chớ chả có tôn kính 1 tẹo nào cả

    Dân Ta đã quyết chí loại cho bằng hết những trò hề làm ô uế hình ảnh của thần tượng, chỉ mong Đảng & nhất là đám “trí thức” thoái hóa đừng có dựng những trò hề đáng phỉ nhổ đó lên . Việc đầu tiên toàn Đảng toàn dân, kể cả đám thoái hóa, làm là phải ngồi xuống mà học . Có tiên thiên thì cũng phải ráng, được chút nào hay chút đó . Chớ hổng nên dùng cái cớ mình có “tiên thiên” nên tha hồ muốn nói bậy cũng chả sao . Trẻ thiểu não đâu có viện cớ Trời sanh mình như vậy để làm bậy đâu . Thiệt tình!

  5. Giá trị đạo Phật nằm ở chỗ đã đem lại sự bình an và thanh thoát cho nhiều người từ hơn hai ngàn năm nay. Sự bình an đó vượt xa hẳn những thứ hạnh phúc bịp bợm của các loại chủ nghĩa, cách mạng, hay lời hứa của bọn chính trị gia, bất kể ở thời đại nào từ khi có loài người. Ở VN, đạo Phật không may bị trộn lẫn với các tín ngưỡng dân gian khác. Không thích thì thôi, mượn lời một chị bán chè xôi để ngấm ngầm công kích Đức Thế Tôn và các Thánh Đệ Tử của Ngài là chuyện hết sức nhảm nhí.

  6. Bạn CML có dám về nhà nói với Bà nhà rằng sang năm ko đưa Táo nữa. Khi đó thì bàn tiếp về chuyện thiện nam TÍN nữ ở VN.

    • thanh@
      Ấy, chỉ như vậy thời không “triệt để cách mạng”, cứ dây dưa mãi, khó để người khác tin và làm theo.
      Cứ ném hết bát hương trong nhà đi, không thờ cúng gì sất, trong nhà đứa nào nói đến chuyện hương khói thì “kỷ luật” ngay. Như thế thiên hạ mới có thể “noi gương”, chứ nói suông thì ích sự gì.

Comments are closed.