Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc (phần 4)

Hồ Bạch Thảo

22-9-2017

Tiếp theo phần 1 ; phần 2phần 3

VII. Nước Kim

Nước Kim do dân tộc Nữ Chân tại phía đông bắc Trung Quốc kiến lập, dân tộc này buổi đầu chuyên sống về săn bắn, đánh cá; thời Ngũ đại có các bộ lạc Hoàng Nhan thần thuộc nước Bột Hải (1). Sau khi nước Liêu đánh dẹp Bột Hải, thu phục Nữ Chân phương nam thành Thục Nữ Chân, phương bắc thành Sinh Nữ Chân; những dân tộc này đều là tổ tiên của Mãn Châu sau này.

A. Kim diệt Liêu

Thời cuối triều Liêu chính sự hủ bại, vua Thiên Tộ hôn ám thiếu khả năng; đối với Nữ Chân nước Liêu không ngừng bóc lột, đòi hỏi nhiều cống phẩm. Năm 1112, vua Thiên Tộ đến Xuân Châu [thuộc Nội Mông], triệu tập các Tù trưởng Nữ Chân đến, sau khi yến tiệc say, lệnh các vị Tù trưởng cùng vua khiêu vũ; trong đám dự tiệc chỉ có Hoàn Nhan Ha Cốt Đả cho là thiếu kính trọng, không tuân rồi đem lòng chống đối. Sau đó dùng binh lực thống nhất các bộ lạc Nữ Chân; năm 1114 Hoàn Nhan Ha Cốt Đả tuyên chiến với Liêu. Vua Liêu sai tướng mang 7. 000 quân đi đánh Nữ Chân, tập kết tại bờ phía bắc sông Áp Tử [tức sông Nộn Giang, vị trí giữa hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang]; riêng Ha Cốt Đả dàn 3. 700 quân đối bờ. Lợi dụng ban đêm Ha Cốt Đả mang quân vượt sông; bấy giờ gió lớn nỗi lên, trời tối mù mịt, xua quân tiến đánh; quân Liêu không phân biệt được lực lượng ít nhiều, tan vỡ đại bại. Tháng giêng năm sau Hoàn Nhan Ha Cốt Đả xưng Đế tức Kim Thái tổ, lập nước Đại Kim. Từ đó vua Thiên Tộ nước Liêu mới cho là sự việc trầm trọng, đích thân chinh phạt, nhưng quân Liêu bị quân Kim đánh bại, đồng thời nội bộ triều Liêu cũng xãy ra những vụ phản nghịch.

Sau khi lập quốc, Kim Thái Tổ nhắm diệt 5 kinh đô của Liêu làm mục tiêu chính, bèn chia quân làm 2 đạo quyết chiến. Phía Liêu vua Thiên Tộ dẫn dụ bằng cách sách phong Kim Thái Tổ là Đông Hoài Quốc Hoàng đế, nhưng phía Kim không chấp thuận vì cho rằng không tôn xưng Kim Thái Tổ là anh trưởng, không gọi tên nước là Đại Kim, nên vẫn tiếp tục diệt Liêu. Năm 1116 đạo quân phía đông đánh chiếm Đông kinh [tại Liêu Ninh], năm 1120 đạo quân phía tây chiếm Thượng kinh [tại Nội Mông Cổ]; Liêu mất đến một nữa đất đai. Trong thời gian chiến tranh nhà Tống cử các Sứ giả như Mã Chính từ Sơn Đông vượt biển đến đất Kim để bàn việc hợp tác diệt nước Liêu, cuối cùng lập điều ước, sử gọi là “Hải thượng chi minh” (2). Năm 1122, đạo quân phía đông đánh Trung kinh [tại Liêu Ninh], vua Thiên Tộ phải chạy trốn lên sa mạc. Đồng thời đạo quân phía tây cũng đánh Tây kinh [tại Sơn Tây]; tướng Liêu Gia Luật Đại Thạch lập Gia Luật Thuần lên làm vua tại Nam kinh [ thuộc Hà Bắc] tức nước Bắc Liêu. Nhà Tống sai bọn Đồng Quán nhiều lần mang quân lên phía bắc đánh Liêu tại Nam kinh và 16 châu Yên Vân, nhưng đều bị Liêu đánh thua. Bắc Tống cuối cùng phải nhờ Kim đánh Nam kinh, nước Bắc Liêu mất, tất cả 5 kinh đều bị Kim đánh chiếm.

Chiếu theo thoả ước “Hải thượng chi minh” nội dung: Tống, Kim hai phía đánh Liêu; phía Kim đánh chiếm Thượng kinh [tại Nội Mông], Trung Kinh [Liêu Ninh]; phía Tống đánh chiếm Tây kinh [Sơn Tây], Nam kinh [Hà Bắc]. Sau Khi diệt Liêu, Tống sẽ đem số tiền và vải quyên trước đó nạp cống cho Liêu được ghi trong “Thiền Uyên chi minh”, nạp hàng năm cho Kim; đổi lại Kim sẽ giao cho Tống Yên Vân thập lục châu (3) Vì nhà Tống không thực hiện được lời hứa đánh chiếm 2 kinh, nên Kim cự tuyệt giao Yên Vân. Cuối cùng qua lại giao thiệp, Tống bằng lòng nạp cho Kim 20 vạn lạng bạc, 30 vạn tấm quyên, cùng tiền mướn Yên kinh [Bắc Kinh] là 100 vạn quan, Kim mới chịu giao cho Yên Vân thập lục châu. Nhưng khi bàn giao, nhà Tống chỉ lấy được đất không, còn tài sản đồ vật Kim vơ vét mang đi hết.

Năm 1123 Kim Thái Tổ mất, người em là Hoàng Nhan Ngộ Khất Mãi lên ngôi, tức Kim Thái Tông. Kim Thái Tông tiếp tục đánh dẹp Liêu tại Đại Đồng [Sơn Tây]. Năm 1124 Kim Thái Tông cùng Tây Hạ đánh dẹp Liêu; rồi chia cho Tây Hạ vùng đất Liêu gồm phía bắc Hạ Trại và phía nam Sơn Âm; Tây Hạ trở thành phiên thuộc Kim. Năm 1125 Liêu Thiên Tộ bị bắt, triều Liêu mất; nhưng Gia Luật Đại Thạch mang quân sang phía tây, lập nên nước Tây Liêu tại Tây Vức.

B. Kim đánh Tống cùng hoà đàm:

Kim sau khi diệt Liêu, lại muốn xua quân xuống phương nam diệt Tống. Bấy giờ Kim Thái Tông dựa vào biến cố tại Bình Châu để gây hấn. Bình Châu nằm trong Yên Vân Thập Lục Châu, do viên tướng Liêu, Trương Giác trấn thủ. Giác từng đầu hàng Kim, sau đó lại đầu hàng Tống; khiến quân Kim phải đòi bắt mấy lần phía Tống mới giao lại. Lấy lý do này, nước Kim huỷ điều ước ký với Tống, năm 1125 phát động cuộc chiến tranh. Kim Thái Tông phái các tướng như Hoàng Nhan Tông Vọng, Hoàng Nhan Tông Hàn, chia quân hai cánh từ Hà Bắc, Sơn Tây hướng vào mục tiêu kinh đô Tống tại Khai Phong [Hà Nam]. Nhờ tướng Lý Cương tử thủ Khai Phong, nên Kim không hạ được, khiến hai bên ký hiệp ước “Tuyên Hoà hoà nghị”. Hoà ước mang tên Tuyên Hoà vì ký vào năm Tống Nhân Tông Tuyên Hoà thứ 7 [1125] nội dung đòi Khang vương Triệu Cấu và quan Thái tể Trương Bang Xương phải đi làm con tin; nhường các đất Thái Nguyên [Sơn Tây], Sơn Trung [Hà Bắc], Hà Gian [Hà Bắc] cho Kim. Phía Tống thấy điều ước quá khắc nghiệt, lại nhân quân Kim đã rút, nên tự ý huỷ ước.

Năm 1126 Kim Thái Tông lấy lý do Tống huỷ ước, lại sai Hoàn Nhan Tông Vọng, Hoàn Nhan Tông Hàn chia quân làm 2 lộ đến đánh Khai Phong, chiếm thành, bắt sống các vua Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông và các Tôn thất nhà Tống mang về bắc; sự việc xãy ra vào năm Tĩnh Khang thứ nhất [1126], nên sử xưng là “Tĩnh Khang chi hoạ”, nhà Bắc Tống diệt vong.

Tuy nhiên Hoàng thân Khang vương Triệu Cấu may mắn thoát nạn, bèn lập nhà Nam Tống tại phủ Qui Đức [Thương Khâu, Hà Nam], lên ngôi xưng là Tống Cao Tông; đối đầu với nước Kim. Vua Kim nhiều lần sai Hoàn Nhan Tông Bật mang quân đánh dẹp Tống Cao Tông; nhưng nhờ các tướng Tống như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung nỗ lực cần vương, nên tình thế chuyển nguy thành yên. Cuối cùng Kim triều chỉ làm được việc bắt nhà Tống xưng là bề tôi, cùng bắt các nước Tây Hạ, Cao Ly thần phục, xưng Bá vùng Đông Á.

Năm 1135 Kim Thái Tông mất, cháu nội Kim Thái Tổ là Hoàn Nhan Đản lên ngôi, tức Kim Hi Tông. Lúc bấy giờ phụ tá có hai phe chủ hoà và chủ chiến; năm 1137 Kim Hi Tông nghe theo phe chủ hoà Hoàn Nhan Thát Lại hoà đàm với Tần Cối, phái chủ hoà Nam Tống. Kết quả cắt nhượng cho Nam Tống phần đất Hà Nam, Thiểm Tây; khiến phe chủ chiến Hoàn Nhan Tông Bật bất mãn. Năm 1140, vua Kim cho Hoàn Nhan Tông Bật đánh Hà Nam, Thiểm Tây; năm sau lại một lần nữa xua quân xuống phương nam, bị Nhạc Phi cùng Lưu Kỳ đánh bại. Sau chiến thắng tại Yển Thành [Hà Nam], quân Nhạc Phi có lúc tiến gần đến kinh đô cũ Bắc Tống tại Khai Phong. Sau cùng Hoàn Nhan Bật cùng phái chủ hoà của Nam Tống hội đàm, cùng lúc Nhạc Phi bị nhà Tống giết, Tống Kim hoàn thành “Thiệu Hưng hoà nghị” (4). Nội dung hoà nghị xác định biên giới Kim Tống; vị trí Kim bắc, Tống nam; giới tuyến đại thể phía đông lấy sông Hoài làm mốc, phía tây tại Đại Tán Quan [nam Tây An, Thiểm Tây]. Tống phụng biểu xưng thần với Kim; vào ngày sinh nhật vua Kim và tết Nguyên Đán, Tống phải sai sứ đến mừng; hàng năm nạp cống Kim 25 vạn lượng bạc, 25 vạn tấm quyên.

Kim Hi Tông từ nhỏ học văn hoá Hán, lúc lên ngôi trọng dụng người Hán; triều đình Kim lúc này bị Hán hoá, theo chế độ Thượng Thư tỉnh, tức 3 tỉnh 6 bộ [tam tỉnh lục bộ] để cai trị quốc gia; sau đó lại giết những người vô tội, bị Hữu Thừa tướng Hoàng Nhan Lượng giết; Nhan Lượng lên làm vua, sử gọi là Hải Lăng vương.

Vua Kim Hải Lăng vương dời kinh đô xuống Yên Kinh [Bắc Kinh], chủ trương trung ương tập quyền, chia nước thành 14 lộ trực thuộc trung ương; đối với tôn thất nghi kỵ rất nặng, con cháu Kim Thái Tông bị giết sạch. Về việc bang giao với nhà Tống, không chịu nghe những lời khuyên ngăn của các quan Đại thần, quyết ý nam chinh. Tháng 5 năm 1161, vua Kim sai Sứ đến Tống đòi hoạch định lại biên giới, ý muốn gây hấn, khiến Nam Tống tích cực chuẩn bị chiến tranh. Năm sau vua Kim Hoàng Nhan Lượng xuất quân từ Khai Phong, chia làm 4 đạo tiến đánh. Đông lộ chia làm 2 đạo thuỷ và bộ; đường bộ do Hoàng Nhan Lượng đích thân chỉ huy, từ Túc Châu [Túc Châu thị, An Huy] vượt sông Hoài đánh vào Hoà Châu [huyện Hoà, An Huy]; đường biển thuỷ quân trực tiếp đánh Lâm An [Hàng Châu, Chiết Giang]. Tây lộ cũng chia làm 2 đạo; từ Quan Trung đánh Tứ Xuyên, từ Hà Nam đánh Hồ Bắc. Đạo quân bộ phía đông sau khi vượt sông Hoài, đánh chiếm Hoà Châu, chuẩn bị vượt sông Dương Tử thì tình thế khó khăn xãy ra. Thuỷ quân lộ phía đông bị tướng Tống là Lý Bảo tiêu diệt tại Giao Tây [Giao Châu thị, Sơn Đông]. Đồng thời Khiết Đan phản biến tại miền tây bắc, Trấn thủ Đông kinh [Liêu Ninh] Hoàn Nhan Bảo tự lập làm vua, rồi kéo về Yên Kinh [Bắc Kinh], tức Kim Thế Tông. Vua Kim Hoàng Nhan Lượng gặp tình hình như vậy, vẫn cố chấp vượt sông, bị quân Tống đánh bại tại Thái Thạch, thuyền hạm bị thiêu huỷ. Hoàn Nhan Lượng mưu vượt sông Dương Tử tại Dương Châu [Giang Tô], bị bộ hạ cực lực phải đối, cuối cùng xãy ra cuộc binh biến giết Hoàn Nhan Lượng. Quân Tống chớp thời cơ, chiếm vùng phía nam sông Hoài.

Năm 1161, Kim Thế Tông mang quân thống nhất Hoa Bắc; rồi nhân việc Nam Tống không chịu xưng thần, bèn sai tướng Hột Thạch Liệt Sĩ Ninh chuẩn bị đánh chiếm phía nam sông Hoài. Lúc bấy giờ Tống Hiếu Tông cũng muốn thu phục đất bị mất, sai chủ tướng Trương Tuấn bắc phạt. Quân Tống lần lượt thu phục vùng đất phía bắc sông Hoài, nhưng rồi bị thua tại trận Phù Ly nên đành dừng lại; rồi hai bên ký hiệp ước, phía Nam Tống phải nạp tiền hàng năm. Năm 1189 sau khi Kim Thế Tông mất, do Thái Tử Hoàn Nhan Duẫn Cung mất sớm, bèn lập con Duẫn Cung là Hoàn Nhan Cảnh lên ngôi, tức vua Kim Chương Tông.

Kim Chương Tông chính trị Hán hoá tương đối sâu, bản thân vua cũng viết chữ Hán rất đẹp. Vua sủng ái Lý Sư Nhi, sau phong làm Nguyên phi, tin dùng ngoại thích họ Lý nên việc chính trị không được suôn sẽ. Lúc này về mặt quân sự vua Chương Tông để suy thoái, các bộ lạc Mông Cổ phương bắc hưng khởi; triều đình Kim cố gắng chia rẽ các bộ lạc này, nhưng thu hiệu quả không lớn, cuối cùng Thành Cát Tư Hãn thống nhất được. Về phía Nam Tống, quyền thần Hàn Sá Trụ thấy Kim triều ở thế suy thoái, năm 1206 phát động bắc phạt. Quân Tống có lúc thu phục được phía bắc sông Hoài, nhưng Ngô Hy trấn thủ đất Thục đầu hàng quân Kim. Tháng 8 quân Kim chia làm 9 đạo tiến xuống phương nam, đến cuối năm làm áp lực tại sông Dương Tử, vây thành Tương Dương [Hồ Bắc]. Nhưng đến năm sau Ngô Hy bị giết, đất Tứ Xuyên lại trở về Nam Tống; lúc này hai bên muốn bàn hoà. Hàn Sá Trụ sau đó bị giết do yêu cầu phía Kim, hai bên Kim Tống nghị hoà, sử gọi là “Gia Định hoà nghị”. Hoà ước này ký vào thời Tống Ninh Tông năm Gia Định thứ nhất [1208]; nội dung Kim Tống được coi như hai nước bác cháu, Kim xưng bác, Tống xưng cháu; mỗi năm Tống nạp cho Kim từ 20 vạn lượng bạc tăng lên 30 vạn lượng; quyên từ 20 vạn tấm tăng lên 30 vạn tấm; Tống phải cấp riêng tiền khao quân 300 vạn lượng; riêng về biên giới vẫn như hoà ước cũ đời Thiệu Hưng. Năm 1208 Kim Chương Tông mất, nhân 6 đứa con 3 tuổi đều chết yểu, nên người chú là Vệ Thiệu vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế lên thay.

C. Nước Kim trên đường suy thoái

Sau khi Hoàn Nhan Vĩnh Tế nối ngôi, bèn thanh trừ Lý Nguyên phi và thế lực ngoại thích; tuy nhiên bản thân nhà vua hôn nhược, lại đối diện với xâm lăng của Mông Cổ không có sức phản kháng, nên triều đình suy thoái hỗn loạn. Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất vùng nam bắc đại sa mạc, thành lập nước Đại Mông Cổ. Trước tiên Thành Cát Tư Hãn đánh Tây Hạ để cắt đứt đồng minh của Kim; Tây Hạ bèn hướng triều đình Kim cầu viện, nhưng vua Kim để mặc lân bang Tây Hạ gặp nguy không cứu, cuối cùng Tây Hạ quay sang thần phục Mông, lại còn phụ giúp Mông Cổ đánh Kim. Năm 1210, Thành Cát Tư Hãn tuyệt giao với Kim, năm sau phát động chiến tranh Mông Kim, đại phá 40 vạn quân Kim tại Giả Hồ Lãnh [huyện Vạn Toàn, tỉnh Hà Bắc]. Sau đó quân Mông Cổ càn quét vùng Hoa Bắc, vây Trung Đô [Bắc Kinh], nhân vì Trung Đô kiên cố nên rút lui. Năm 1212, Thành Cát Tư Hãn nam chinh lần thứ hai, bao vây quân Kim tại Tây kinh [Đại Đồng, Sơn Tây]; đồng thời Khiết Đan tại miền đông bắc phản Kim theo Mông, khiến quân Mông Cổ tiến gần đến Trung đô [Bắc Kinh]. Năm 1213, tướng Hồ Sa Hổ giết vua Kim Hoàn Nhan Vĩnh Tế, lập anh của Kim Chương Tông lên ngôi, tức Kim Tuyên Tông.

Năm 1213, khi Kim Tuyên Tông mới lên ngôi, quyền lực vào trong tay Hồ Sa Hổ; Sa Hổ đàn hạch Trấn thủ Trung đô Truật Hổ Cao Kỳ kém khả năng chiến đấu, nên sau đó bị Cao Kỳ giết. Vào mùa thu cùng năm, quân Mông Cổ chia làm 3 đạo đánh Kim, triều đình Kim chỉ còn giữ được 11 thành, như Trung Đô, Chân Định [Hà Bắc]. Năm sau Kim Tuyên Tông xin hoà, hiến vàng cùng Công chúa Kỳ Quốc cho Thành Cát Tư Hãn. Sau khi quân Mông Cổ triệt thoái, Kim Tuyên Tông không nghe lời khuyên của các công thần, bèn dời đô về Khai Phong [Hà Nam]; chỉ sai Thái tử ở lại giữ Trung Đô, khiến quân dân vùng Hà Bắc không yên tâm. Năm 1215, Mông Cổ thấy vua Kim dời đô về phương nam, lại mang quân đánh chiếm Trung Đô và chiếm luôn cả vùng Hà Bắc. Lúc bấy giờ tại vùng Liêu Đông, một tướng lãnh của Kim là Bồ Tiên Vạn Nô tách riêng tự lập nước Đông Chân; nên triều đình Kim chỉ thực sự khống chế vùng Hà Nam, Hoài Bắc, và Quan Trung mà thôi.

KimTuyên Tông sau khi dời đô, thế lực càng yếu; nhưng gặp lúc Thành Cát Tư Hãn mang đại quân tây chinh, nên còn tạm tồn tại được. Thành Cát Tư Hãn giao cho Mộc Hoa Lê ở lại đương đầu với quân Kim, năm 1219 quân Mông Cổ chiếm Thái Nguyên [tỉnh Sơn Tây]. Năm 1224 vua Kim Tuyên Tông mất, người con trưởng mất sớm, nên con thứ lên làm vua tức Kim Ai Tông.

D. Kim diệt vong

Kim Ai Tông lên ngôi, chủ trương hoà hoãn với Nam Tống và Tây Hạ; lập đạo quân Trung Hiếu trực thuộc trung ương, năm 1228 đánh bại quân Mông Cổ tại Đại Xương Nguyên [huyện Ninh, Cam Túc]. Sau đó thu phục được một số đất đai, khiến Kim triều cải tử hồi sinh. Tuy nhiên nước đồng minh Tây Hạ trải qua mấy lần chiến tranh quốc lực tiêu hao; rồi gặp quân Thành Cát Tư Hãn từ phương tây trở về, bị tiêu diệt. Cùng năm Thành Cát Tư Hãn mất, năm 1229 con thứ 3 là Oa Khoát Đài lên ngôi, tức vua Nguyên Thái Tông. Từ đó Mông Cổ lại gây hấn với Kim; năm 1230 Nguyên Thái Tông phát động 3 đạo quân đánh Kim, Thái Tông trực tiếp mang đại quân vượt sông Hoàng Hà đánh vào kinh đô Khai Phong, một đạo phía đông đánh Tế Nam [Sơn Đông]; một đạo do người em thứ 4 là Đà Lôi mượn đường Nam Tống từ Hán Trung [Hồ Bắc] theo dòng Hán Thuỷ đánh ngược lên Khai Phong. Năm 1232 Đà Lôi thành công trong chiến thuật đi vòng đến Khai Phong, Kim Ai Tông bèn sai bọn Hoàn Nhan Hợp Đạt mang quân đánh chặn tại Đăng Châu. Lúc bấy giờ Nguyên Thái Tông đã vượt sông Hoàng Hà, sai bộ tướng đến đánh Khai Phong, Hoàng Nhan Hợp Đạt bèn mang quân về cứu, gặp quân Đà Lôi tao ngộ chiến tại Tam Phong Sơn; quân tinh nhuệ của Kim bị thua bại, các tướng lãnh nỗi tiếng lần lượt chết. Quân Mông Cổ vây thành Khai Phong, khiến Kim triều phải cầu hoà. Sau đó Kim giết Sứ giả Mông Cổ; khiến Mông một lần nữa vây đánh kinh đô Khai Phong. Kim Ai Tông giữ được đến cuối năm rồi rút lui về Qui Đức [Thương Khâu thị, Hà Nam], tướng trấn thủ Khai Phong đầu hàng. Quân Mông Cổ đánh đuổi không tha, vua Kim Ai Tông phải chạy đến Thái Châu. Quân Mông liên kết quân Tống cùng đánh; vua Ai Tông không muốn làm vua mất nước, bèn trao chức cho Thống soái Nguyên Nhan Thừa Lân, tức Kim Mạt đế. Lúc thành Thái Châu mất, Kim Ai Tông tự sát, Kim Mạt đế cũng chết trong đám loạn quân, nước Kim mất.

Chú thích:

  1. Nước Bột Hải: lập quốc từ năm 698 đến năm 926, buổi thịnh trị lãnh thổ tại phía nam Hắc Long Giang, phần lớn các tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm và phía bắc bán đảo Triều Tiên.
  2. Hải thượng chi minh: Ý nói minh ước do hai bên qua lại ngoại giao trên biển, rồi hoàn thành.
  3. 16 châu Yên Vân tức Yên Vân Thập Lục Châu: vùng đất bao quát toàn bộ Bắc Kinh, Thiên Tân và miền bắc Sơn Tây, Hà Bắc hiện nay.
  4. Thiệu Hưng hoà nghị: hoà nghị Kim Tống ký vào năm Tống Cao Tông Thiệu Hưng 11 [1141]

______

VIII. Nguyên Mông

A. Thiết Mộc Chân thống nhất Mông Cổ:

Thời nước Liêu cai trị phía bắc Trung Quốc, các bộ lạc thảo nguyên Mông Cổ đều nằm dưới quyền thống trị. Sau khi Kim diệt Liêu, thừa lúc đại quân Kim xua xuống phương nam xâm lăng nhà Tống, không rảnh kiểm soát phương bắc; Hợp Bất Lặc Hãn thiết lập quốc gia Mông Cổ sơ kỳ, tức nước Mông Ngột; sau đó không ngừng cướp phá vùng biên giới nước Kim. Hiệp Bất Lặc mất, Yêm Ba Hài nối tiếp làm Đại Hãn mới. Yêm Ba Hài bị một bộ lạc của Mông Cổ là Tháp Tháp Nhi mưu bán cho triều đình Kim, khiến bị giết bằng cách đóng đinh vào ngựa gỗ; sự kiện này là một nguyên nhân khiến Mông Cổ trả thù Kim sau này. Vào đầu thế kỷ 13, sau khi vua Kim Chương Tông mất, Kim Hoàng Nhan Vĩnh Tế kế vị, tình hình chính trị bắt đầu suy vi; Thiết Mộc Chân, Thủ lãnh bộ lạc Khất Nhan Mông Cổ tiến hành chinh phạt thống nhất thảo nguyên Mông Cổ. Khởi đầu được các Thủ Lãnh như Trát Mộc Nhi viện trợ Thiết Mộc Chân đánh bại bộ lạc Miệt Nhi Khất, chiếm đoạt được đông đảo bộ chúng, lực lượng trở nên mạnh, được tôn lên làm Khả Hãn. Tuy nhiên sau đó, Trát Mộc Hợp, người từng chi viện cho Thiết Mộc Chân cảm thấy địa vị của y bị uy hiếp, bèn liên kết với bộ lạc Xích Ô, mang quân tấn công Thiết Mộc Chân. Đối phó với thế lực hùng mạnh của Trát Mộc Hợp, Thiết Mộc Chân chia 3 vạn quân dưới quyền thành 13 cánh chống lại; khởi đầu không địch nỗi đối phương Thiết Mộc Chân bèn cho tạm rút về hẻm núi Triết Liệt Niết để giữ hiểm và bảo toàn lực lượng, sử gọi là “Thập tam dực chi chiến”. Trát Mộc Hợp tuy chiến thắng, nhưng bạo ngược với các bộ tộc dưới quyền; riêng Thiết Mộc Chân tìm cách lung lạc nên các bộ lạc lục tục đến theo, nhờ đó lực lượng phe Thiết Mộc Chân lớn mạnh. Vào năm Tống Khánh Nguyên thứ 2 [1196] bộ tộc Tháp Tháp Nhi từng theo Kim nay trở lại làm phản, vua Kim, Hoàn Nhan Vĩnh Tế, phái Thừa tướng mang quân chinh thảo; Thiết Mộc Chân lấy danh nghĩa phục thù cho Thủ Lãnh Yêm Ba Hài, giúp Kim đánh gục Tháp Tháp Nhi; triều đình Kim phong Thiết Mộc Chân chức Thống lãnh, giúp y có thể lấy danh nghĩa triều Kim hiệu triệu dân Mông Cổ. Năm Tống Gia Thái thứ nhất [1201] tại vùng bình nguyên sông Thiếp Ni [Nội Mông] Thiết Mộc Chân đánh bại liên minh 11 bộ tộc do Trát Mộc Hợp đứng đầu, sử gọi là “Thiếp Ni Hà chi chiến”. Cuối cùng vào mùa xuân năm 1206 thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, các quí tộc họp tại sông Ngạc Nộn (1) suy tôn Thiết Mộc Chân danh hiệu Thành Cát Tư Hãn, lập nước Mông Cổ.

B. Đánh nước Kim và mở mang lãnh thổ

Triều Kim vốn có mối thù xưa với Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn muốn đánh Kim báo thù, nhưng phía tây nam có nước Tây Hạ cùng Kim liên minh; bởi vậy muốn chặt bớt cánh tay của Kim bèn mang quân tấn công Tây Hạ 3 lần [1205, 1207, 1209- 1210]; do vua Kim nhu nhược không dám can thiệp, buộc Tây Hạ phải xưng thần với Mông Cổ. Năm 1210, Thành Cát Tư Hãn tuyệt giao với Kim, năm sau phát động chiến tranh Mông Kim, đại phá 40 vạn quân Kim tại Giả Hồ Lãnh [huyện Vạn Toàn, tỉnh Hà Bắc]. Năm 1214 quân Mông Cổ bao vây Trung Đô [Bắc Kinh] kinh đô nước Kim; vua Kim Tuyên Tông bị ép phải xưng là bề tôi, sau khi Mông Cổ rút quân bèn dời đô xuống Khai Phong [Hà Nam]. Vào ngày 31/5/2115, quân Mông Cổ chiếm Trung Đô, cùng bắt được danh tướng Gia Luật Sở Tài; chiến thắng này giúp Mông Cổ rất lớn trong việc củng cố miền Hoa Bắc.

Năm 1217 Thành Cát Tư Hãn mang quân chinh phạt vùng Tây Á, giao cho Mộc Hoa Lê ở lại tiếp tục mở mang bờ cõi. Mộc Hoa Lê ngoài việc đánh Kim, khiến lãnh thổ nước này co rụt lại trong vùng Hà Nam và Quan Trung [Thiểm Tây]; năm 1231 lại xâm lăng Cao Ly, nên quân dân Cao Ly phải rút xuống vùng đảo Giang Hoa.

Lúc triều đình Kim dời đô xuống Khai Phong, sắp sửa diệt vong, thì tại vùng Tây Vức nước Hoa Thứ Tử Mô quật khởi, Đại thần nước này trước sau hai lần giết thương nhân và làm nhục Sứ giả Mông Cổ; khiến Thành Cát Tư Hãn quyết định tây chinh . Khởi đầu năm 1218, tướng Mông Cổ Triết Biệt đánh chiếm vùng đất Tháp Lý Mật của Tây Liêu; giết Khuất Xuất Luật tự xưng là vua Liêu. Tháng 6 năm sau [1219] Thành Cát Tư Hãn đích thân đốc suất 10 vạn quân đánh nước Hoa Thứ Tử Mô; quân nước này chống cự không nỗi, sợ hãi rút lui, quân Mông tiếp tục chém giết, chiếm lãnh 40 thành trì, vào năm 1221 diệt nước này. Thành Cát Tư Hãn mệnh Tốc Bất Đài và Triết Biệt tiếp tục truy kích Ma Ha Mạt, vua nước này; cuối cùng Ma Ha Mạt chết tại Lý Hải [Caspian Sea]. Vào năm 1222 Tốc Bất Đài và Triết Biệt vượt qua phía bắc cao nguyên Y Lang, sau khi tiêu diệt 3 nước tại Cao Gia Sách bèn băng qua Thái Hoà Lãnh đến Khâm Sát [phía nam Nga]; thời gian này đánh chiếm một số quốc gia. Thành Cát Tư Hãn mở mang cương vực, phân phong cho các con: người con đầu là Truật Xích, con thứ 2 Sát Hợp Thai, con thứ 3 Oa Hoạt Thai, con thứ 4 Đà Lôi. Năm 1227 bị bệnh chết, do người con út là Đà Lôi tạm coi nước.

C. Mông Cổ mấy lần thay đổi lãnh tụ

Đà Lôi làm Giám quốc được 2 năm, đến năm 1229 tổ chức đại hội Khố Lý Nhĩ Thai (2); Oa Khoát Thai, người con thứ 3 của Thành Cát Tư Hãn, được suy cử làm Mông Cổ Đại Hãn, sau được tôn xưng là Nguyên Thái Tông. Năm 1231 Oa Khoát Thai suất quân đánh Kim; sai em là Đà Lôi từ Hán Trung [Hồ Bắc], mượn đường Nam Tống theo dòng Hán Thuỷ đánh vào Khai Phong; năm sau tại núi Tam Phong [Hà Nam] Đà Lôi đánh tan đại quân Kim. Năm 1234 liên quân Mông và Tống đánh Thái Châu [Hà Nam], vua Kim Ai Tông tự sát, nước Kim mất. Nam Tống tuy thu phục được đất Hà Nam, nhưng vùng Hoa Bắc đều bị Mông Cổ chiếm.

Về mặt trận phía tây, Oa Khoát Thai mệnh Bạt Đô, con trưởng của Truật Xích, chỉ huy; sử gọi là “Bạt Đô tây chinh”. Từ năm 1236 đến năm 1242 chiếm vùng thảo nguyên Khâm Sát [phía nam Nga], và các nước Đông Âu như Hung Gia Lợi, Ba Lan, Bảo Gia Lợi, v. v.

Tháng 11 năm 1241 Oa Khoát Thai mất, Hoàng hậu tạm giám quốc; cho đến tháng 3 năm 1236, đại hội Khố Lý Nhĩ Thai cử người con là Quí Do lên ngôi Đại Hãn. Năm 1247, các bộ lạc Thổ Phồn [Tây Tạng] qui phụ Mông Cổ. Tháng 8 năm 1248 Đại Hãn Quí Do mất, Hoàng hậu giám quốc và lập người cháu Thất Liệt Môn lên ngôi. Nhưng trong cuộc đại hội Khố Lý Nhĩ vào tháng 7 năm 1251, do Bạt Đô và Ngột Lương Hợp Thai chi trì con Đà Lôi là Mông Kha; khiến dòng Oa Khoát Thai mất địa vị, Mông Kha kế thừa Đại Hãn.

Sau khi Mông Kha lên ngôi, thi hành trung ương tập quyền; giao cho các Vương thuộc dòng Đà Lôi chịu trách nhiệm tại các đất Hán, Trung Á và Y Lê. Thuộc dòng này em Mông Kha là Hốt Tất Liệt được giao phụ trách vùng đất Hán; Hốt Tất Liệt bèn dùng một số người Hán làm tay chân, củng cố miền Hoa Bắc; lại sai Ngột Lương Hợp Thai đánh vòng phía nam diệt nước Đại Lý [Vân Nam], xâm lăng Việt Nam rồi rút, sau đó mở rộng phòng tuyến nhắm đánh phía sau lưng Nam Tống. Năm 1258 chính quyền Cao Ly sụp đổ, Cao Ly trở thành phiên thuộc của Mông Cổ. Cùng năm Đại Hãn Mông Kha chia quân thành 3 lộ xâm lăng Nam Tống. Mông Kha đích thân suất quân đánh Hợp Châu [Trùng Khánh, Tứ Xuyên ]; Hốt Tất Liệt đánh Ngạc Châu [Vũ Xương, Hồ Bắc], Ngột Lương Hợp Thai từ Vân Nam tiến đánh quân Tống tại Quảng Nam Tây Lộ [Quảng Tây], rồi hướng đến phía nam Kinh Hồ [Hồ Nam], quân tiên phong chiếm Đàm Châu [Trường Sa, Hồ Nam]; 3 đạo quân dự định hợp lại, rồi xuôi theo dòng sông Dương Tử vây đánh kinh đô Lâm An [ Hàng Châu, Chiết Giang]. Năm sau [1259] Đại Hãn Mông Kha tử trận tại thành Điếu Ngư, Hợp Châu; Hốt Tất Liệt bèn đình việc nam chinh, trở về phương bắc đoạt ngôi.

Về cánh quân phía tây, Đại Hãn Mông Kha sai em là Húc Liệt Ngột làm cuộc chinh phạt Tây Á lần thứ 3. Đoàn viễn chinh xuất phát năm 1256, noi theo phía tây, đến năm 1260 chiếm lĩnh các quốc gia phía đông Địa Trung Hải thuộc Syria hiện nay, như Đại Mã Sĩ Cách [Damascus], Ha Lắc Pha [Halab]. Sau khi được tin Đại Hãn Mông Kha mất, Húc Liệt Ngột bèn mang đại quân trở về tranh ngôi, chấm dứt việc tây chinh.

D. Thành lập triều Nguyên, thống nhất Trung Quốc

Sau khi Đại Hãn Mông Kha mất, Hốt Tất Liệt tại chiến trường lập tức cùng Nam Tống hoà đàm, quay trở về Hoa Bắc cùng với người em thứ 7, Ha Lý Bất Kha, tranh đoạt chức Đại Hãn. Tháng 5/1260 tại Khai Bình [huyện Luân, Nội Mông Cổ], Hốt Tât Liệt được các tông vương cùng Đại thần ủng lập, bèn tự xưng là Hoàng đế Mông Cổ, niên hiệu Trung Thống. Chẳng bao lâu Ha Lý Bất Kha tại thủ đô Mông Cổ, Cáp Lập Hoà Lâm [tỉnh Tiền Hàng Ái, Mông Cổ] mở đại hội, cũng được suy cử làm Đại Hãn. Cuộc chiến tranh dành quyền xãy ra, cuối cùng vào ngày 21/8/1254 Ha Lý Bất Kha bại trận đầu hàng, Hốt Tất Liệt ỗn định địa vị.

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Hốt Tất Liệt theo phép tắc cai trị truyền thống Trung Quốc: xưng là Nguyên Thế Tổ, niên hiệu Trung Thống, dùng Bắc Kinh làm kinh đô; năm 1260 lập Trung thư tỉnh, năm 1263 đặt Khu mật viện, năm 1268 lập Ngự sử đài. Trong cuộc chiến tranh dành ngôi tuy đạt được chức Đại Hãn nhưng 3 Hãn quốc không phục tùng mệnh lệnh; cuối cùng Hải Đô thuộc dòng Đại Hãn Oa Khoát Thai khởi binh tranh đoạt địa vị, khiến vùng phía bắc sa mạc biến động bất an, sử gọi là “Hải Đô chi loạn”.

Năm 1268 Nguyên Thế Tổ phát động cuộc chiến tranh tiêu diệt Nam Tống; trước hết sai Lưu Chỉnh, A Truật mang quân đánh Tương Dương [Hồ Bắc], sử gọi là “Tương Phan chi chiến”. Năm 1274 quân Nguyên đánh chiếm thành Tương Dương, tướng Tống Lữ Văn Hoán đầu hàng; sau đó Trung khu thừa tướng Sử Thiên Trạch, cùng Khu mật viện sứ Bá Nhan xua quân theo sông Hán Thuỷ, rồi xuôi dòng Dương Tử, nhắm mục tiêu Kiện Khang [Nam Kinh] tiến tới. Năm 1275 hàng tướng Lữ Văn Hoán mang quân Nguyên thuỷ lục đánh bại thuỷ quân của Giả Tự Đạo tại Vu Hồ [An Huy]. Năm sau quân Nguyên đánh chiếm kinh đô Nam Tống tại Lâm An [Hàng Châu, Chiết Giang], Tạ Thái hậu và vua Tống Cung đế đầu hàng Nguyên. Tuy nhiên bọn Thừa tướng Lục Tú Phu ủng lập Tống Đoan Tông mới 7 tuổi lên ngôi tại Phúc Châu [Phúc Kiến]; các Đại thần Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Trần Nghi Trung tiếp tục chống Nguyên tại Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông. Quân Nguyên tiếp tục đánh chiếm các đất tại Hoa Nam, năm 1278 triều đình Nam Tống rút lui đến Nhai Sơn, Quảng Đông. Tháng 3 năm sau, Trương Hoằng Phạm làm cuộc hải chiến tại Nhai Sơn, tiêu diệt hải quân Nam Tống, Lục Tú Phu cõng Hoàng đế 8 tuổi nhảy xuống biển tự tử, nhà Nam Tống diệt vong.

E. Viễn chinh hải ngoại

Sau khi diệt nhà Nam Tống, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt phát động cuộc xâm lăng các nước lân bang Nhật Bản, Chiêm Thành, An Nam, Miến Điện, Trảo Oa. Năm Chí Nguyên thứ 11[1274] đánh Nhật Bản, gặp gió bão lớn, thất bại trở về. Vào năm Chí Nguyên thứ 18 [1281] chia quân làm hai đạo tiến công Nhật Bản. Một đạo quân do Toa Đô đốc suất quân Mông Cổ, Hán, Cao Ly từ phía đông Cao Ly vượt qua eo biển Đối Mã; một đạo dưới quyền Phạm Văn Hổ mang quân Tống mới qui phụ, từ Khánh Nguyên [Ninh Ba, Chiết Giang] vượt biển theo phía bắc tiến lên. Quân Nguyên gặp gió bão tại đảo Ưng, Nhật Bản; nhiều chiến thuyền bị huỷ, lại bị quân Nhật đánh, toàn quân cơ hồ bị tiêu diệt.

Năm Chí Nguyên thứ 19 [1282] sai Toa Đô từ Quảng Đông vượt biển đánh Chiêm Thành, liên tục đánh mấy năm nhưng cũng không bình định được. Từ năm Chí Nguyên thứ 21 [1284] đến năm 22 [1285] Trấn nam vương Thoát Hoan [con Hốt Tất Liệt] mang quân đánh An Nam; mệnh Toa Đô từ Chiêm Thành mang quân trợ chiến, nam bắc giáp công. Vương An Nam rút quân ra khỏi đô thành [Hà Nội], quân chủ lực lui vào rừng rậm tránh những trận quyết chiến của kỵ binh địch; chờ quân Nguyên mệt mõi thì xông ra đánh phá. Vào tháng 5 , quân Thoát Hoan nhân mưa nắng liên miên, ôn dịch phát tác nên phải rút, trên đường về bị đánh chặn nhiều chỗ; riêng đạo quân Toa Đô bị tiêu diệt, Toa Đô tử trận. Năm Chí Nguyên thứ 20 [1283] đến 22 [1285], quân Nguyên hai lần từ Vân Nam đánh Miến Điện; năm Chí Nguyên thứ 24 [1287] tiến tới Bồ Cam [Pagan], bắt Miến Điện hàng năm triều cống, rồi trở về. Cùng năm Trấn nam vương Thoát Hoan sang xâm lăng An Nam một lần nữa, đoàn thuyền chở lương do Trương Văn Hổ chỉ huy bị đánh chìm, lúc rút quân về lại bị tiêu diệt tại sông Bạch Đằng. Tháng 12 năm thứ 29 [1292] bọn Sử Bật mang quân từ châu Tuyền [Phúc Kiến] vượt biển đánh Trảo Oa [Java]; vua Trảo Oa hàng và xin quân Nguyên giúp đánh nước Cát Lang (3); sau khi đánh được Cát Lang, quân Trảo Oa bèn đánh lại quân Nguyên, khiến Nguyên kiệt sức phải rút lui.

G. Các triều đại kế tiếp

Năm 1294 Nguyên Thế Tổ mất, Thái tử Chân Kim chết yểu, nên đại hội Khố Lý Nhĩ Thai cử người cháu là Thiết Mục Nhĩ lên làm vua, tức Nguyên Thành Tông. Vua Thành Tông duy trì chính sách của vua Thế Tổ; dùng cháu là Hải Sơn trấn thủ kinh đô cũ Hoà Lâm [tỉnh Tiền Hàng Ái, Mông Cổ] để bình định loạn Hải Đô tại vùng tây bắc; lại đình chỉ việc chinh phạt Nhật Bản, An Nam. Trong nước ra sức chỉnh đốn việc chính trị, giảm tô thuế cho dân Giang Nam. Tuy nhiên do ban thưởng quá độ, thu nhập không đủ để chi cấp, nên kho tàng quốc gia bị thiếu hụt. Năm 1307 vua Thành Tông mất, Thái tử Đức Thọ chết yểu, Hoàng hậu cho An Tây vương Ha Nan Đáp làm Giám quốc và có ý đưa lên làm vua. Em của Hải Sơn cùng Hữu Thừa tướng làm cuộc chính biến tại Đại Đô [Bắc Kinh], rồi Hải Sơn từ Hoà Lâm xuống Đại Đô lên ngôi vua, tức Nguyên Vũ Tông.

Vua Vũ Tông đặt kho Thường bình để ỗn định giá cả, lại cho lưu hành tiền giấy; nhưng không cứu vãn được nền kinh tế xuống dốc, tiền phá giá. Vào cuối đời đam mê tửu sắc, mất vào năm 1331. Người em yêu lúc sinh thời Vũ Tông từng hứa cho nối ngôi là Ái Dục Lê Bạt Lực Bát Đạt lên ngôi vua, tức Nguyên Nhân Tông.

Vua Nhân Tông thay đổi nền kinh tế kiệt quệ và chính trị hỗn loạn thời Vũ Tông, bằng biện pháp chế tài tham nhủng, tăng cường trung ương tập quyền. Năm 1312, dùng Vương Ước làm Đại học sĩ tập hiền, chấp nhận kiến nghị “Hưng khoa cử” của Ước, ban lệnh khôi phục chế độ khoa cử. Nhắm ngăn con Vũ Tông mưu dành ngôi, bèn đày người con trưởng Chu Vương Hoà Thế Lai trấn thủ Vân Nam, đám cựu thần của Vũ Tông tức giận làm cuộc phản biến ủng lập Hoà Thế Lai, cuối cùng việc thất bại phải chạy lên sa mạc phía bắc. Năm 1320 vua Nhân Tông mất, Thái tử Thạc Đức Bát Thứ lên ngôi tức Nguyên Anh Tông.

Vua Anh Tông tiếp tục chính sách dùng Nho học trị nước của Nhân Tông và chủ trương trung ương tập quyền; loại trừ thế lực của quyền thần Thiết Mộc Điệt Nhi. Năm 1323, nhân Anh Tông đi nghĩ hè tại Thượng Đô [Khai Bình, Nội Mông], bị con nuôi của Điệt Nhi là Thiết Thất giết tại Nam Pha, cách Thượng Đô 15 km về phía nam; sử gọi là “Nam Pha chi biến”. Con trưởng của Tấn vương Cam Ma Thứ mang binh giết phản thần, rồi lên làm vua tức Thái Định Đế.

Vua Thái Định trị vì đến tháng 7/1328 thì mất tại Thượng Đô; trong triều xãy ra mấy cuộc sách lập các vua Thiên Thuận, Minh Tông; cuối cùng đến năm 1329, Hoài vương Đồ Thiếp Mục Nhĩ đầu độc vua Minh Tông lên ngôi vua, tức Nguyên Văn Tông.

Vua Văn Tông đề cao văn trị, cho biên soạn Kinh Thế Đại Điển là bộ điển chương lớn đời Nguyên. Năm 1333, Nguyên Văn Tông mất, nhắm gột bỏ tiếng xấu giết vua Minh Tông trước kia, bèn lập Ý Lân Chất Ban con thứ của Minh Tông lên làm vua, tức Nguyên Ninh Tông. Ninh Tông lên ngôi được 2 tháng thì mất, bèn lập con trưởng của Minh Tông là Thoả Hoàn Thiếp Mục Nhĩ lên làm vua, tức Nguyên Huệ Tông.

H. Thời Huệ Tông mất nước

Vua Huệ Tông lúc mới lên ngôi bị phái bảo thủ do Bá Nhan cầm đầu khống chế, bắt cấm chỉ người Hán tham chính và bỏ khoa cử; gây xung đột giữa hai bên. Năm 1340, vua được cháu Bá Nhan là Thoát Thoát giúp đỡ, cuối cùng phế truất Bá Nhan. Thoát Thoát làm Thừa tướng, giúp thực hiện một số cải cách như ban hành qui pháp, mở lại thi cử như cũ. Năm 1343, vua Huệ Tông hạ lệnh biên soạn 3 bộ sử: Liêu sử, Kim Sử, Tống Sử. Tuy nhiên Huệ Tông lười việc chính trị, trong nước xãy ra nhiều thiên tai, nên loạn lạc xãy ra.

Từ năm 1340 đến 1350 thiên tai trầm trọng, hạn hán, ôn dịch, lụt lội thường xãy ra; nghiêm trọng nhất là lưu vực sông Hoàng Hà. Ngoài ra triều đình tăng thu thuế má sưu dịch, dân chúng càng khổ sở, khiến Bạch Liên Giáo hoạt động, trở thành thế lực kháng Nguyên. Năm 1338, bọn Bành Hoà thượng lãnh đạo Bạch Liên Giáo khởi nghĩa tại Viên Châu [Nghi Xuân, Giang Tây] thất bại, Bành Hoà thượng bèn chạy sang Hoài Tây. Năm 1350 triều đình xuống lệnh đổi tiền, khiến vật giá gia tăng, lòng người ly tán. Năm sau [1351], vua Huệ Tông ra lệnh sửa trị sông Hoàng Hà, đưa về dòng cũ; sử dụng 15 vạn dân phu, 2 vạn binh lính; quan lại thừa dịp hạch sách khiến lòng người bất mãn. Lãnh đạo Bạch Liên Giáo như Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông định vào tháng 5 khởi sự; nhưng tin tức tiết lậu nên Hàn Sơn Đồng bị bắt giết. Lưu Phúc Thông bèn đem Hàn Lâm Nhi con của Hàn Sơn Đồng vượt trùng vây, rồi tự xưng Hàn Sơn Đồng là hậu duệ đời thứ 8 của Tống Huy Tông, dựng cờ “Phục Tống”, đeo khăn màu hồng tức “Hồng Cân”. Sau đó Quách Tử Hưng khởi nghĩa tại An Huy, chiếm lãnh Từ Châu, tức Hồng Cân hệ phía đông. Tây hệ Hồng Cân có bọn Từ Thọ Huy khởi nghĩa tại Hồ Bắc. Thế lực của Hồng Cân toả ra khắp miền bắc, miền nam sông Dương Tử, Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ xuyên; báo hiệu ngày diệt vong của nhà Nguyên.

Triều đình nhà Nguyên mang quân trấn áp Hồng Cân khắp nơi, Thừa tướng Thoát Thoát đích thân đến Từ Châu đàn áp, nhưng cũng không hiệu quả. Lực lượng Từ Thọ Huy sau đó chia làm hai; phe Trần Hữu Lượng tại Lưỡng Hồ [Hồ Nam, Hồ Bắc]; Minh Ngọc Trân tại Tứ Xuyên. Tại Lưỡng Hoài có Chu Nguyên Chương bộ hạ của Quách Tử Hưng; sau khi Hưng mất vào năm sau [1356] chiếm được Nam Kinh, dùng làm căn cứ địa khuyếch trương thế lực. Năm 1363 giao chiến với Trần Hữu Lượng tại vùng Lưỡng Hồ, cuối cùng thu được thắng lợi. Năm 1365 tấn công lực lượng Trương Sĩ Thành tại vùng duyên hải Giang Tô; năm 1367 bình định xong, lại mang quân xuống đánh Phương Quốc Trân tại Chiết Giang. Lúc này Chu Nguyên Chương hoàn toàn thống nhất Giang Nam, bèn ra lệnh bắc phạt; mệnh Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân chinh phạt Sơn Đông và Hà Nam, cùng phong toả Chung Quan [ranh giới Hà Nam, Thiểm Tây] để ngăn quân Nguyên từ Quan Trung tăng viện cho Trung Nguyên. Tháng 8/1368 quân Minh công hãm Đại Đô [Bắc Kinh], vua Huệ Tông chạy lên phương bắc; sử sách ghi năm này là năm kết thúc của triều Nguyên. Tuy nhiên tàn dư của nhà Nguyên còn chiếm cứ vùng Thượng Đô [Khai Bình, Nội Mông Cổ] và Vân Nam; mãi cho đến năm 1402 mới hoàn toàn diệt vong.

Chú thích:

  1. sông Ngạc Nộn: nay gọi là Onon River, tại lãnh thổ Nga, giáp nước Mông Cổ.
  2. Khố Lý Nhĩ Thai: đại hội nghị của Mông Cổ, Đột Quyết bầu cử Khả Hãn, Trưởng quan.
  3. Cát Lang: tên nước xưa, nay thuộc Keridi, Java.
Bình Luận từ Facebook