21-12-2022
Thầy thì vật lộn với những chương trình cải cách được cập nhật liên tục, trò thì khốn khổ với cả núi bài tập. Cả thầy và trò đều phải tranh đấu với những danh hiệu nhưng chất lượng giáo dục thì cứ đi xuống.
Tôi nói đi xuống bởi những đứa trẻ thời nay đa phần là những rô-bốt sinh học, rập khuôn một loại kiến thức học thuộc lòng, có tính nhồi sọ mà không có tư duy riêng, quan điểm riêng về mỗi một vấn đề, một chủ đề nào đấy trong xã hội.
Nếu việc học chỉ là việc nhớ thì cả nghìn học sinh cũng không cạnh tranh được với một con AI sơ đẳng. Rồi đây, một con AI trong vài tháng có thể nhớ được cả kho kiến thức của nhân loại đủ mọi lĩnh vực từ thuở sơ khai đến giờ. Nếu cho một triệu giáo sư tiến sỹ cùng hợp lực lại cũng thua nó.
Một nền giáo dục tốt là giáo viên phải là những hình mẫu cho học sinh, có khả năng khai mở cảm hứng sống, khao khát tìm hiểu trong bể kiến thức của nhân loại.
Khi một nền giáo dục chỉ tập trung vào những bài văn mẫu, đầy kĩ năng tính toán nhưng hời hợt trong tư duy, thiếu hẳn tư duy phản biện và tính sáng tạo thì nền giáo dục ấy là đang làm hại những bộ óc trẻ thơ.
Vấn đề mấu chốt không phải nhớ cái gì từ việc học mà biết suy luận lô-gic, biết tìm kiếm kiến thức để kết nối, đưa ra câu trả lời cho một vấn đề.
Đến giáo viên nói chung còn không được mở miệng lên nói bất cứ vấn đề gì của xã hội, không biết tư duy phản biện là gì trong khi nó là vấn đề cốt tử của giáo dục thì làm sao đào tạo được những trò giỏi và gây cảm hứng cho học sinh?
Đừng lôi vài cá nhân xuất sắc ra để bảo nền giáo dục Việt Nam là tốt. Những cá nhân ấy có bố mẹ giỏi, chính họ đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công của họ.
Để đánh giá một nền giáo dục là phải dựa vào số đông.
Giáo viên chỉ có thể là những hình mẫu cho học sinh, là nguồn cảm hứng cho học sinh khi chính họ là những công dân tiên tiến của một xã hội, một công dân tiên tiến nhất định phải là một công dân quan tâm tới những vấn đề xã hội, lên tiếng, bảo vệ lẽ phải, biết đưa ra ý kiến phản biện trước những việc không hay.
Đằng này, chính họ là những con cừu ngoan ngoãn, nhất nhất nghe lời thì còn hy vọng gì?
Người đứng đầu trong ngành giáo dục phải là những nhà văn hoá lớn, có tâm, có tầm, có tình yêu tha thiết với thế hệ trẻ, hết sức tâm huyết với giáo dục thì mới có thể nhìn ra vấn đề và đưa ra những cải cách quan trọng và đúng đắn.
Bằng không, giáo dục ở Việt Nam sẽ chỉ là một ngành kinh doanh của những kẻ cơ hội, chỉ biết vun vén cho chính bản thân mình.