Yêu nước hay thương dân?

Nguyễn Trường Sơn

22-11-2022

Trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá Anh và Iran hôm qua gây chú ý không bởi tỉ số chênh lệch như một set tennis, mà bởi sự bất khuất của các cầu thủ Iran.

Trong khi các cầu thủ Anh đồng thanh hát vang bài quốc ca của họ, dẫu có cầu thủ còn chưa quen với việc đổi từ, giữa ‘god save the queen’ với ‘god save the king’. Thì các cầu thủ Iran đồng loạt im bặt trong lúc quốc ca của họ vang lên trên khán đài.

Một sự im lặng có hiệu ứng chói tai đối với bất cứ ai theo dõi tình hình chính trị Iran gần đây.

Nếu áp dụng tiêu chuẩn văn hoá của người Việt chúng ta, thì rõ ràng các cầu thủ Iran đã có hành động không yêu nước, thiếu sự tự hào dân tộc trầm trọng. Chắc không người Việt nào có thể tưởng tượng ra viễn cảnh đội tuyển bóng đá nam của chúng ta rủ nhau không hát quốc ca ở các trận đấu quốc tế.

Nhưng hãy thử xem các nhân vật chính nói sao về hành động của mình. Trả lời phỏng vấn sau trận đấu, đội trưởng Alireza Jahanbakhsh của tuyển Iran nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng tình hình ở quê nhà là không thể chấp nhận được, người dân đang rất không hài lòng. Chúng tôi muốn người dân biết rằng chúng tôi đứng về phía họ, và ủng hộ họ. Và chúng tôi đồng cảm với nhân dân bất chấp hậu quả.”

Iran đang diễn ra làn sóng biểu tình trên quy mô toàn quốc kể từ khi một cô gái 22 tuổi bị lực lượng cảnh sát đạo đức tra tấn đến chết, chỉ vì cô này không đeo khăn trùm đầu của Đạo Hồi một cách “đúng đắn”. Người dân Iran đòi hỏi chấm dứt chế độ cai trị hà khắc, và phải dân chủ hoá đất nước.

Nói đến đây có lẽ sẽ có nhiều người Việt Nam cảm thấy khựng lại, vì hai từ dân chủ và chính trị. Một thì vốn bị coi là giá trị của Phương tây và mang mầm mống hỗn loạn. Cái còn lại thì vẫn được cho là nên được đặt ra ngoài khuôn khổ của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

Vậy tại sao các cầu thủ Iran không làm theo điều mà chúng ta cho là lẽ thường? Sao họ không hát quốc ca để thể hiện lòng yêu nước, và sao họ không tập trung vào chuyên môn và tránh xa chính trị?

Có lẽ bởi vì họ thương dân hơn là yêu nước.

Nước ở đây là nhà nước, tức là chế độ cai trị. Điều vốn dĩ không đồng nhất với đất nước, tổ quốc.

Các cầu thủ Iran đã nói rõ, họ đứng về phía người dân. Bởi người dân Iran chính là cha mẹ, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của các cầu thủ này.

Bài quốc ca là đại diện của chế độ chính trị, và một khi niềm tin và sự tôn trọng dành cho chế độ đã hết thì bài quốc ca cũng không còn giá trị nữa. Thậm chí, việc hát vang lên bài quốc ca đó, còn được coi là hành vi đồng loã với kẻ cầm quyền. Đó là vì sao các cầu thủ Iran không hát. Họ muốn gửi đi một thông điệp đanh thép rằng họ không ủng hộ nhà nước Iran.

Nhiều người Việt có thể sẽ nghĩ rằng, tại sao không về nước mà biểu tình, thể hiện thái độ ở một trận bóng đá làm gì?

Thực ra đây không phải là một trận bóng đá thông thường. Đây là một trận bóng đá ở World Cup. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, có hàng tỉ người theo dõi. Đây là cơ hội có một không hai để bày tỏ thái độ. Có lẽ các cầu thủ này muốn cả thế giới chú ý đến tình cảnh ở quê hương họ, khi mà nhà nước Iran với quân đội và công an, vẫn hàng ngày đàn áp dân thường. Hơn 400 người đã bị giết hại. Họ cũng hiểu rằng người dân Iran sẽ theo dõi họ, và đây cũng là cơ hội trời cho để gửi thông điệp đến người dân rằng đội tuyển quốc gia đứng về phía nhân dân.

Đúng là về mặt tinh thần thì chính trị và thể thao nên được tách bạch, nhưng một khi đất nước ở vào tình cảnh đau thương, thì ranh giới giữa thể thao và chính trị cần phải bị loại bỏ. Bởi im lặng còn có nghĩa là đồng loã với cái ác. Và rõ ràng là các cầu thủ Iran đã vì lợi ích của nhân dân mà hy sinh lợi ích của cá nhân. Họ hiểu rõ sau kỳ World Cup này, giây phút họ đặt chân xuống sân bay ở Tehran, có thể họ sẽ bị bắt đi tù.

Sẽ rất dễ dàng để chúng ta dè bỉu người nước ngoài khi họ lôi chuyện chính trị nước họ vào trong bóng đá. Đơn cử như việc nhiều người Việt bày tỏ sự diễu cợt đối với các cầu thủ bóng đá Ukraine khi họ lên tiếng phản đối Nga xâm lược nước họ. Bởi vì chúng ta không ở vào vị thế của họ, và cũng không có năng lực đặt bản thân vào vị trí của người khác. Hy vọng qua hành động của các cầu thủ Iran, nhiều người sẽ thay đổi cách tiếp cận với vấn đề này.

Quan trọng hơn nữa, bài học quý giá mà theo tôi các cầu thủ Iran đã trao cho người Việt Nam, đó là biết cách phân biệt giữa chế độ chính trị (nhà nước) với tổ quốc và nhân dân. Nhà nước là cỗ máy của tầng lớp cai trị, còn nhân dân mới làm nên tổ quốc. Và cần phải đứng về phía người dân, tức là chính mình, bất cứ khi nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi nhà nước sử dụng bạo lực.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Một bài trên Văn Việt đã khẳng định một cách tự hào rằng dân Việt xã hội chủ nghĩa tụi bay, lộn, các bác không cần học ai cái gì cả . Tất cả những gì tụi bay, lại lộn, các bác biết đều dó tự học với nhau . Có lẽ ở đây cũng không là ngoại lệ, mặc xác tụi cầu thủ Iran, các bác chả thèm/cần/thích học bất cứ ai, nhất là tụi 1 răng kém hơn các bác về độ lưu manh lẫn kinh tế hàng ngàn lần . Các bác chỉ học các trí thức mình cho là đáng kính, đáng tự hào thui, ví dụ như Nguyên Ngọc, Tương Lai, Nguyễn Trung hay Lê Học Lãnh Vân … những người đã & đang giương cao ngọn cờ của văn hóa cách mạng, cái thứ làm Tưởng Năng Tiến ngưỡng mộ

    Cứu Đảng là cứu nước, bất kỳ ai có lương tri đều phải tâm niệm như vậy . Lê Học Lãnh Văn mong mỏi đến tha thiết những người vẫn còn xem mình là người Việt -Count me the Phúc out-, những người còn mang 2 quốc tịch, theo Thục Quyên là vẫn chịu sự quản lý của Đảng, nên line up tình yêu quê hương với tình yêu Tổ quốc . Tớ cũng mong mỏi đến đau đớn là Lê Học Lãnh Vân cũng như những người như hắn, lộn, ông í nên làm gương, line up tình yêu quê hương với tình yêu Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa

    Nói chung, cứ mặc mịa thế giới thôi các bác ạ . Không phải cái gì của thế giới cũng tốt đẹp cả . Dân chủ tư bửn của Ngụy đấy, ông cha các bác chả đã đứng lên để lật đổ nó, để đưa nền dân chủ không tào lao của mình có thể ngự trị từ Tây Tạng tới mũi Cà Mau ? Gs Tương Lai chẳng đã trích lời Đặng Văn Ngữ, 1 trí thức chân chính, thể hiện tình yêu dân chủ khát khao của dân các bác sao ?

    Hãy tiếp nối truyền thống chống Mỹ hào hùng & khát vọng dân chủ cháy bỏng của mình bằng cách bảo vệ chế độ dân chủ, để nó trường tồn cùng đất nước & dân tộc nhé mọi người

  2. 1. ĐẤT NƯỚC chỉ có một, nhưng TỔ QUỐC lại có quá nhiều. Ở những nước có bọn Giáo phiệt, Tài phiệt, Quân phiệt… nắm quyền cai trị, thì, chúng ra sức làm u mê dân chúng, để họ lầm tưởng rằng ĐẤT NƯỚC và TỔ QUỐC là một
    2. Rất vui mừng khi thấy các cầu thủ Iran đã không hát quốc ca (biểu trưng cho TỔ QUỐC CỦA BỌN THỐNG TRỊ chứ không phải là TỔ QUỐC CỦA NHÂN DÂN), và vì vậy cái tiêu đề và nội dung của bài viết trên còn thiếu một việc: các cầu thủ Iran VỪA YÊU NƯỚC VỪA THƯƠNG DÂN đấy!

    • Bổ sung:
      1. Có những nhà nước bóc lột dân bằng những thủ đoạn “nhổ lông vịt sao cho vịt không kêu”, như là, kêu gọi nhân dân ở những vùng chưa bị thiên tai móc túi ủng hộ “nhiễu điều phủ lấy giá gương… ccm gì đó!” nhân dân ở các vùng đang bị thiên tai (trong khi nhà nước không xuất quỹ cứu trợ của mình), như là, ăn của dân không thiếu một thứ gì. Hoặc, có những nhà nước ĂN CỦA DÂN MỘT NỬA THỨ GÌ: thu thuế thừa kế đến 50%. Hoặc, có những nhà nước sẵn sàng đồng ý cho bọn tài phiệt bán rẻ tài nguyên, bí mật quốc gia cho nước ngoài để kiếm lời. Và hoặc, có những nhà nước lấy quyền thống trị bền vững của mình làm trọng coi đất nước, tài nguyên và dân chúng chỉ là tài sản của riêng mình. Tất cả những nước như thế sẽ tồn tại nhiều Tổ Quốc trong lòng một Đất Nước.
      2. Chỉ khi nào nhà nước đóng vai trò bà đỡ (hộ sinh, hộ dưỡng) cho mọi sinh linh, cho mọi doanh nghiệp sản xuất ở mọi miền của đất nước với mục đích là giúp dân làm giầu, thì, lúc ấy “TỪ MỌI THỨ, CHÚNG TA LÀ MỘT”, tức là, ĐẤT NƯỚC và TỔ QUỐC mới đồng nghĩa với nhau!

  3. Người ta tởm lợm việc các cổ động viên Việt Nam mang cờ máu, ảnh Hồ khi vào xem các trận bóng đá, dù đội Việt Nam không thi đấu.

Comments are closed.