Thật hết đất sống, giả khắp mọi nơi!

Đỗ Ngà

22-9-2022

Vào tháng Bảy 2005, lô hàng nước tương Chinsu của Vitecfood, một công ty con của Tập đoàn Masan tại Bỉ bị Ủy ban An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu – EFSA phát hiện chất 3-MCPD.

Vào Tháng Tám 2005, Cục vệ sinh An toàn Thực Phẩm Việt Nam vào cuộc và phát hiện từ đó hàm lượng 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép đến 5,27 lần và Vitecfood đã phải nộp phạt 12,15 triệu đồng.

Từ chỗ bản thân Vitecfood bị, họ nảy ra ý định dùng lỗi mà chính họ phạm phải làm đòn độc dìm chết toàn bộ đối thủ. Vì thế Masan bơm tiền cho báo chí thổi phồng mức độ nguy hiểm của chất 3-MCPD để làm cho người dân hoang mang. Sau đó là thanh tra Sở Y tế vào cuộc đại trà, họ lấy mẫu nước tương của 30 cở sở sản xuất đem đi kiểm nghiệm hàm lượng chất 3-MCPD tại Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM. Kết quả: nước tương của 20 công ty bị dính chất 3-MCPD. Tuy nhiên, Thanh Tra sở Y tế không công bố tên công ty.

Sau đợt kiểm tra đại trà này, hàng loạt công ty sản xuất nước tương bị dính chất 3-MCPD bị ép giải thể. Người ta không biết trong 20 công ty bị dính phốt ấy có Vitecfood hay không? Tuy nhiên, sau đó người ta thấy Masan tung quảng cáo “thách” khách hàng ai phát hiện ra 3-MCPD trong Chinsu thì sẽ được thưởng 1 tỷ đồng, vì thế khách hàng đổ dồn về mua nước tương Chinsu “để được an toàn”. Thậm chí 10 doanh nghiệp nước tương không dính phốt cũng lu mờ.

Người ta nghi ngờ rằng, trong 20 mẫu nước tương bị vượt ngưỡng có Chinsu nên mới bị ém kết quả. Không biết thật hư thế nào, tuy nhiên dù Chinsu có không nằm trong danh sách ấy thì việc họ chỉ bị nộp phạt rồi tiếp tục sản xuất là sự ưu ái rất lớn so với những cơ sở bị cấm sản xuất sau này. Ai cũng biết, những lô hàng sau đó, Chinsu đã hiệu chỉnh hàm lượng 3-MCPD mới dám thách đố như vậy.

Năm 2016 là vụ nước mắm Arsen. Báo Thanh Niên bất ngờ cho đăng loạt bài về mối nguy hiểm của Arsen. Tiếp theo là hàng loạt KOLs viết bài về mối nguy của thạch tín (tức là Arsen) và lo ngại về nước mắm truyền thống để gây hoang mang dư luận.

Sau đó là Hội khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam – Vinastas vào cuộc, lấy hầu hết các mẫu nước mắm kiểm tra và công bố có đến 67% mẫu bị nhiễm Arsen vượt ngưỡng. Và song song với sự khủng hoảng niềm tin xã hội vào nước mắm truyền thống, Masan tung nước mắm công nghiệp không có thạch tín. Lúc này các doanh nghiệp nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ giải thể.

May thay, các nhà khoa học chân chính đã vào cuộc vạch trần trò đánh lận con đen của bọn truyền thông bẩn và Masan. Họ chỉ ra thạch tín hữu cơ có trong nước mắm là vô hại. Vì thế, nước mắm truyền thống được cứu. Báo Thanh niên, Vinastas thừa nhận việc họ làm là sai. Riêng Vinastas thừa nhận có nhà tài trợ họ làm điều trái lương tấm ấy nhưng nhất quyết không khai ra đó là ai.

Thực tế nghiên cứu các nước tiên tiến chỉ ra rằng, 3-MCPD là chất gây ung thư ở giống loài gặm nhấm khi tiếp xúc với lượng cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, ảnh hưởng của 3-MCPD ở người vẫn không có công bố nào. FDA của Mỹ chỉ chú ý đến 3-MCPD trong sữa dành cho trẻ sơ sinh và cũng chỉ ở mức cảnh báo chứ không cấm. Tuy nhiên, Masan đã dùng những khuyến cáo để thổi bùng lên thành mối nguy hiểm chắc chắn để đánh chết doanh nghiệp nước tương truyền thống. Và ở vụ Arsen là Masan không phải thổi bùng một mối nguy mơ hồ mà họ đã dùng truyền thông ngụy tạo sự nguy hiểm không có thật để đánh chết hàng loạt doanh nghiệp đối thủ.

Nguy cơ bệnh ung thư do thực phẩm bẩn là thật. Người dân cần nông sản sạch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho gia đình nên thị trường thực phẩm rau sạch đang rất lớn. Nhu cầu lớn và giá rất cao là một mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp nào đi theo con đường sản xuất thực phẩm sạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành chứng chỉ VietGAP là để đáp ứng nhu cầu phân biệt sạch bẩn cho người dân. Tuy nhiên, giờ thì VietGAP cũng được dán cho cả rau quả từ Trung Quốc thì xem như thị trường hàng sạch chỉ còn là một thứ niềm tin.

Nguy cơ ảo họ đẩy lên thành nguy cơ thật để vật chết doanh nghiệp chân chính, không có nguy cơ họ bịa ra nguy cơ để vật chết doanh nghiệp chân chính, và có nguy cơ thật họ dán nhãn vào hàng bẩn để danh nghiệp bẩn chiếm thị trường hàng sạch. Thị trường hàng sạch ở Việt Nam được tạo ra cho doanh nghiệp bẩn, mà kẻ tạo ra đấy là ai nếu không phải là Chính quyền? Vậy ở Việt Nam còn cái gì là thật? Có người bảo “ở Việt Nam chỉ có giả tạo là thật”.

_________

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trong vụ việc về thực phẩm bẩn không thể không nói đến chứng chỉ chứng nhận Vietgap của Bộ PTNT, cũng như các chứng chỉ nghiệp vụ, ngoại ngữ do Bộ GD đưa ra dễ thấy chỉ là cách kiếm tiền vô tội vạ, không có người chịu trách nhiệm, khi nổ ra vụ việc thì những phân nhánh, những kẻ trực tiếp mua bán chứng chỉ chịu trách nhiệm là chính còn những người “đẻ” ra để kiếm tiền thì vô can!!!
    Coop-mart tự hào không dính rau củ giả Vietgap nhưng thịt Vietgap mà siêu thị này bán có dòi nhưng người mua không thông báo mà giải quyết với nhân viên là có!

  2. Masan là “con buôn” chính hiệu, quỷ quyệt tiêu diệt mọi đối thủ chỉ để kiếm thật nhiều tiền bất chấp sinh mạng đồng bào! Bất cứ vụ việc thực phẩm bẩn đều có dính đến Masan từ nước tương, nước mắm, mì gói, rau bẩn…mà khốn nạn nhất là vụ Masan âm mưu tiêu diệt nước mắm truyền thống, vụ này cũng làm tờ báo nổi tiếng Thanh Niên được mọi người biết đến là ăn tiền để toa rập diệt nước mắm truyền thống!!! Thật là nén bạc đâm toạc tờ giấy!!! Chỉ tội cho người nghèo vừa ít tiền lại ít kiến thức nên phải dùng loại nước mắm hóa chất và nước lã chỉ vì nó rẻ, chính vì thế Masan vẫn còn đất sống!

  3. Xin tác giả đừng vơ đũa cả nắm, Hồ Chí Minh chẳng phải thật thì là gì ?

Comments are closed.