Biển Đông sẽ an ninh hơn, nếu Mỹ có mặt thường trực ở khu vực này

Trương Nhân Tuấn

7-9-2022

Trong lúc công an truy lùng để bắt tác giả nói câu đại khái “chủ tịch nước sói đầu do coi phim X nhiều quá” thì ở biển Đông tàu TQ đang “trục vớt các tàu cổ ở Biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền“. Nghe báo chí loan tin thì vụ trục vớt tàu cổ xảy ra trong khu vực biển Hoàng Sa.

Nguyên tắc “đất thống trị biển” và “thềm lục địa là phần kéo dài của lục địa” cho phép quốc gia có chủ quyền khẳng định mọi quyền thụ đắc tài sản trên mặt thềm lục địa (pháp lý 200 hải lý tính từ đường cơ bản). Tức là các thứ như xác tàu bè cổ xưa chìm dưới đáy biển, trong khu vực biển Hoàng Sa, sẽ thuộc sự độc quyền khai thác của quốc gia có chủ quyền Hoàng Sa.

Công an lo bắt người nói xàm (nhưng chưa chắc đã nói sai), trong khi Bộ Ngoại giao ngậm tăm và Bộ Chính trị lo hoạch định chiến lược phân phát “ghế” cho đảng viên. Toàn bộ đại biểu QH hình như đang ngủ gục. Rõ ràng TQ, nói là đang trục xác các tàu cổ xưa chìm dưới đáy biển, mà thực tế là họ đang “khẳng định chủ quyền” của họ ở Hoàng Sa.

Theo tôi thấy thì nhà nước CSVN đã từ nhiệm ở vấn đề Biển Đông từ tháng tư năm 2020. VN không thể trả lời các luận cứ của TQ về việc “không được nói ngược”, khi đã nhìn nhận HS và TS thuộc TQ (công hàm 1958), theo công hàm của TQ gởi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ.

Tập quán quốc tế nhìn nhận rằng sự im lặng của quốc gia trước các vấn đề buộc quốc gia phải lên tiếng là sự đồng thuận của quốc gia ở vấn đề đó.

Để sự việc không thêm trầm trọng, tôi đề nghị VN nên ra tuyên cáo giao toàn bộ vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa lại cho Mỹ.

Các học giả về Biển Đông thường hay nói là tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa gồm có các quốc gia TQ, VN, Philippines, Mã lai, Đài loan v.v… Học giả Mack Valencia của Mỹ còn nói là TQ có quyền yêu sách việc “chia sẻ tài nguyên với các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông”.

Theo tôi các học giả nói vậy là thiếu sót. Quốc gia đầu tiên có quyền lên tiếng về các vấn đề liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là Mỹ.

Thật vậy, tương tự như đảo Đài loan, Hòa ước San Francisco 1951 khẳng định sự việc Nhật phải từ bỏ các lãnh thổ mà họ chiếm của các quốc gia khác vào thời kỳ trước chiến tranh. Trong đó có Đài loan và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung Hòa ước San Francisco 1951 không xác định là giao các lãnh thổ Đài Loan, Hoàng Sa và Trường sa cho quốc gia nào ?

Thái độ của Mỹ, qua các văn kiện trả lời TQ vào thập niên 50 về vấn đề “tư cách pháp lý” của đảo Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ có tuyên bố rằng người Mỹ bỏ máu xương đánh đuổi quân Nhật giành lại Đài Loan không phải là để đơn thuần trả đảo này lại cho TQ.

Ngay cả các tuyên bố đối với chính quyền Quốc dân đảng, BNG Mỹ cũng khéo léo tránh không nhìn nhận Đài Loan trả lại cho chính phủ này.

Sự “mù mờ chiến lược” của Mỹ về “tư cách pháp lý” của Đài Loan nhằm để dành một “không gian chiến lược” lúc cần thiết. Ngay cả vào thời điểm này, nếu thấy cần thiết, Mỹ có “quyền” can dự vào mọi vấn đề Đài Loan, kể cả vấn đề chủ quyền của đảo này.

Lập luận tương tự cho Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị San Francisco 1951 không xác định chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về quốc gia nào.

Tức là không phải Mỹ đổ máu xương đánh đuổi Nhật, buộc họ trả lại Hoàng Sa và Trường Sa, không phải là để giao chúng lại cho TQ (hay cho VN).

Vì vậy Mỹ cũng có một chính sách “mù mờ chiến lược” ở Biển Đông, ngay cả về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng thế giới chỉ thấy khía cạnh can thiệp vì “tự do hàng hải” của Mỹ.

Rõ ràng Biển Đông sẽ an ninh hơn, nếu Mỹ có mặt thường trực ở khu vực này, trên một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ.

Điều khó để thuyết phục nhân dân Mỹ là chính sách nào giờ của Mỹ là không có tham vọng về lãnh thổ.

Bình Luận từ Facebook