Bộ trưởng Y tế

Nguyễn Hồng Vũ

16-7-2022

Hôm nay, mình thấy bà con ở VN rần rần việc đề cử Bộ trưởng Y tế mới là chị Đào Hồng Lan, người đang có bằng thạc sĩ về kinh tế và bằng lý luận chính trị cao cấp. Có nhiều người vui nhưng cũng có không ít người lo.

Đối với mình chuyện kiến thức nền của chị Lan là kinh tế không thực sự là một điều chúng ta nên lo vì vai trò của chị là “lãnh đạo” và trên thế giới cũng có không ít những trường hợp bộ trưởng Y tế có bằng cấp không liên quan đến ngành Y. Nếu không tin các bạn thử search trên Google bằng từ khóa “minister of health USA history”, hoặc thay USA bằng Canada, Germany, Japan, v.v… các bạn cũng sẽ thấy như vậy.

Do vậy, mình nghĩ rằng:

– Chúng ta không nên lo khi chị Lan không có kiến thức ngành Y, mà chúng ta nên lo rằng chị Lan có đặt những người có kiến thức ngành Y có tâm và có tầm vào vị trí cố vấn hay không.

– Chúng ta không nên lo chị Lan sẽ có những quyết đoán đúng hay không, mà chúng ta nên lo rằng chị Lan có chịu lắng nghe những ý kiến chói tai nhưng đúng đắn và thẳng thắn của người có chuyên môn hay không.

– Chúng ta không nên lo chị Lan có đảm đương được những khối lượng công việc khổng lồ hay không, mà chúng ta nên lo chị Lan có chạy theo chỉ tiêu mà bỏ quên những điều kiện thực tế hay không.

Nói chung, theo mình nghĩ mấu chốt của làn sóng “lo lắng” hướng đến Bộ Y Tế hiện nay đó là “niềm tin” chứ không thực sự là do trái ngành nghề của người được đề cử. Trãi qua đợt dịch COVID-19 khủng khiếp vừa qua thì có lẽ “niềm tin” đã bị bào mòn khá nhiều khi mà lãnh đạo chống dịch bằng nghị quyết, bằng chỉ tiêu và những lời hứa “bung”, “toang”,… bỏ ngoài tai những lời góp ý của những người có chuyên môn, thậm chí kiên trì đi lên những vết xe đỗ của các chiến dịch test toàn dân để tốn tiền, tốn sức và bùng dịch,…

Cơn bão Việt Á&CDC ở giai đoạn hậu COVID có lẽ giúp giải thích nhiều điều bất cập, khó hiểu ở phía trên nhưng có vẻ như nó chưa giúp bồi đắp lại niềm tin bao nhiêu nhưng đang gây nên hệ lụy khá lớn cho toàn hệ thống ngành Y khi mà mọi người trong ngành đều đang nằm trong một mạng lưới có tên gọi “cơ chế… có lỗi”.

Nói tóm lại, chúng ta không nên quá lo việc kiến thức nền của chị Lan mà nếu có lo thì chúng ta nên định hướng nỗi lo của chúng ta vào những điều thực tế hơn. Trong cơn bão Việt Á&CDC này thì việc chị Lan ngồi vào cái ghế nóng ấy thực sự mình nghĩ cũng chẳng thoải mái đâu. Chúng ta hãy hy vọng chị Lan sẽ “làm gì đó” để “sửa lỗi cơ chế” và tạo dựng lại “niềm tin” cho người dân vào Bộ Y Tế.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Có người cho rằng, quan chức cao cấp nước nhà không hiếm người tài, điều đó đúng hay sai? Nói đúng cũng không sai, nói sai cũng đúng.

    Các cụ từ thuở xa xưa từng đúc kết “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để nói giỏi một nghề thì ấm thân. Thế nhưng, nhiều quan chức trong vòng hơn chục năm thay đổi tới chục cương vị ở những ngành nghề khác nhau nhưng đều được đánh giá là hoàn thành suất sắc nhiệm vụ và được thăng chức đều đều, ai dám nói họ không tài. Cứ nhìn sơ yếu lý lịch được liệt kê của những vị được bổ nhiệm vào ghế mới sẽ thấy những người này quả là tài. Thế nhưng, khi ai đó ngã ngựa vì vướng vào vòng lao lý, qua báo chí và các phương tiện truyền thông chính thống mới thấy rằng những người này chẳng tài giỏi gì. Những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Phương Minh Hoà, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và rất nhiều quan chức đã ngã ngựa khác đã chỉ ra cho ta thấy họ không có tài, bởi thể chế nhìn người sai khi dùng họ nên họ đã gây họa không nhỏ cho dân cho nước. Cũng có người nói nhiều quan chức nước nhà quá liều nhưng khi đã ngã ngựa những người này lại quá hèn.

    Nhiều người tự thấy năng lực mình có hạn, khi được thể chế giao cho trọng trách không hợp với năng lực và chuyên môn của mình nhưng họ vẫn nhận thì những người này phải nói là quá liều. Không hiểu quyền bộ trưởng bộ y tế có phải là người quá liều khi dám đảm nhận chức vị này hay không? Ở các nước phương Tây, bộ trưởng một bộ có thể không được đào tạo bài bản về ngành mà người đó nắm giữ, chẳng hạn bộ trưởng y tế và phúc lợi hiện tại của Mĩ không phải là bác sĩ. Thế nhưng, các vị bộ trưởng ở trời Tây chỉ quản lý về mặt nhà nước theo hiến pháp quy định. Họ không nắm quyền điều hành các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện công như ở ta. Còn ở ta, nếu bộ trưởng không vững chuyên môn sẽ dễ bị cấp dưới qua mặt, nhất là ngành y, bộ trưởng nên là người có kiến thức rộng về y học. Còn nói rằng nhiều quan chức ngã ngựa quá hèn và thiếu nhân cách quả không sai. Nhìn cảnh Trịnh Xuân Thanh khóc trước toà, xin lỗi người này người kia, thấy Nguyễn Đức Chung trưng hơn 80 bằng, giấy khen, trưng giấy chứng nhận ủng thư bước sang giai đoạn di căn hay nhiều vị khác kể lể công lao, nêu mẹ già cần người chăm sóc để xin giảm án thì là người tử tế, ai chả cho rằng họ hèn và thiếu nhân cách.

    Người đứng đầu Hà Nội không phải là người do công dân Hà Nội bầu, họ là những người được đảng cử thông qua hội đồng nhân dân thành phố bầu một cách hình thức. Nhưng hai chủ tịch Hà Nội gần đây là Nguyễn Đức Chung và Chu Ngọc Anh đang phải hầu toà hoặc sắp phải hầu toà. Còn chủ tịch Nguyễn Thế Thảo có thể cũng theo gót hai vị chủ tịch đàn em. Liệu vị được đảng cử sắp được hội đồng nhân dân bầu làm chủ tịch của Hà Nội có làm cho Hà Nội thay đổi xứng đáng là thủ đô của đất nước hay không? Mong tân chủ tịch trong tương lai đừng nối gót những người tiền nhiệm Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh hay Nguyễn Thế Thảo.

    FB Vinh Le

  2. Qua nhiều đời Bộ trưởng Y tế là những nhân vật có tay nghề và đều thấy rằng khi có tay nghề là dính đến kiếm ăn, ít tập trung chuyên môn. Nay Bộ Chính Trị, Ban Bí thư lựa chọn Quyền Bộ Trưởng không có tay nghề. Có lẽ ý rằng không có tay nghề nên đầu óc ít lăn tăn suy nghĩ lại quả trong lúc điều hành, chỉ đạo như các vị có tay nghề. Từ đó cũng cấm cấp dưới kiếm ăn vượt quyền. Mặt khác, đối với lãnh đạo không có tay nghề cấp dưới cũng chưa có kinh nghiệm cho lãnh đạo ăn cách ra sao, thế nào để lãnh đạo hiểu, thông cảm và nhận. Vậy ra, lựa chọn Quyền Bộ Trưởng không có tay nghề trong lúc nhiễu nhương này trước mắt tạm xem là ổn.

  3. “chúng ta không nên quá lo việc kiến thức nền của chị Lan mà nếu có lo thì chúng ta nên định hướng nỗi lo của chúng ta vào những điều thực tế hơn”

    Rất tán thành . Thêm 1 nghịch lý nữa ở VN, nếu không lo những chuyện ruồi bu như thế này, mọi người sẽ no . Trong khi nếu chỉ lo những chuyện ruồi bu như thế này, có no ấm lắm cũng chỉ tới cỡ ông tiến sĩ “toán” Nguyễn Ngọc Chu . Đúng, nhiều người mơ ước tới mức của ổng, nhưng không dễ . Cái bằng tiến sĩ “toán” của ổng là 1 sự kết hợp giữa tiên thiên, aka lý lịch tốt, & cố gắng . Bổ túc văn hóa hoàn toàn không dễ dàng đv loại người như ông í, còn khó hơn lấy bằng tiến sĩ luôn . Không dễ đâu

    “Dân không lo cho vận mệnh nước nhà , ắt nước ấy diệt vong”

    Ậy, lại lo cho Đảng rùi . Người dân hiện giờ đang lo cho vấn đề nhân sự của Đảng . Đúng, ngay cả sự thoái hóa của Đảng cũng làm cho (rất) nhiều -cỡ 300 xoay tua- trí thức nước Đảng cũng là nước nhà lo lắng, nói gì tới diệt vong . Chúng nó chỉ lo giữ niềm vui của chúng as long as possible thui . Đây là cái lo của triệu người vui

  4. Dân còn Lo là nước nhà còn phúc . Dân không lo cho vận mệnh nước nhà , ắt nước ấy diệt vong . Người dân đang lo cả những điều tác giả khuyên không lo .

  5. Phải chăng vì có kiến thức và hiểu biết về y học mà ông ông Nguyễn Thanh Long đã cản trở, không cấp giấy phép lưu hành vaccine made in Vietnam mặc dù Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh miệng chỉ đạo Bộ Y Tế “sớm cấp phép cho vaccine Nanocovax”. Nếu bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế mấy năm vừa qua thì Việt Nam ta đã có vaccine ngừa COVID như các nước tiên tiến khác. Không biết bao nhiêu triệu liều vaccine Nanocovax đã được sản xuất nhưng sau đó phải đổ xuống cống chỉ vì người đứng đầu Bộ Y tế là một người có lương tâm nghề nghiệp. Cái tội của ông Nguyễn Thành Long là ông ta không đi theo làn sóng người chung quanh, chỉ đạo của đảng, mà lại muốn làm đóa sen mọc trong đống bùn tanh hôi ở Việt Nam.

Comments are closed.