15-4-2022
Tôi chắc như đinh rằng, nhiều giáo sư Việt Nam, dù già đến 70, 80 tuổi vẫn ngây ngô như đứa trẻ con. Nếu không ngây ngô thì là láu cá. Khi giảng văn bài ca dao về con cò đi ăn đêm, các giáo sư nhất mực con cò là biểu trưng cho giai cấp nông dân lam lũ, cực nhọc, dù thử thách trong nước sôi lửa bỏng vẫn giữ tâm hồn trong sạch, lương thiện. Nguyên bài được truyền khẩu:
“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con…”
Để đảm bảo cho sự quyết đoán trên, các giáo sư khẳng định “ông” trong bài chính là tên địa chủ độc ác. Và không ít giáo trình, giáo khoa sửa đại từ “mày” trong câu đầu thành “mà”: “Con cò mà đi ăn đêm”, để con cò được trân trọng thành hình tượng người nông dân. Nếu chọn từ “mày” thì xúc phạm, báng bổ thành phần cách mạng? Trong khi rành rành ở bài ca dao, “mày” đối lập với “ông” trong xưng hô giữa “ông” với “mày”. Cái ngữ điệu khinh bỉ trong đại từ xưng hô “mày”, dễ hình dung bài ca dao là một cuộc đối đáp giữa hai nhân vật “ông” và “mày”.
Diễn xuôi như sau. Ông đi thăm bẫy bắt quả tang cò dính bẫy: “Mày tham lam đi ăn trộm thì có ngày bị bắt quả tang. Đáng chết chưa?” Cò giãy giụa kêu cứu: “Ông ơi, hãy cứu vớt tôi. Tôi thật đáng chết, nhưng mong ông đừng để thiên hạ biết tôi ăn trộm, ảnh hưởng đến thể diện con cháu nhà tôi”.
Với đối thoại như vậy, “ông” có nhất thiết phải là tên địa chủ độc ác, và “mày”, với tư cách cò, có nhất thiết phải là người nông dân lương thiện? Tôi thì chỉ thấy ở bài ca dao này, hoàn toàn phi giai cấp, chỉ có kẻ trộm và người bắt trộm.
Trong cách ăn nói của dân gian, có thành ngữ: “Đi đêm có ngày gặp ma”. “Đi ăn đêm” chỉ có thể là hành vi bất chính, đi ăn trộm. Trộm đêm thì trước sau sẽ bị bắt. Trong lời đối đáp trên, rõ ràng khi bị bắt, cò không phủ nhận mà thú nhận có tội, thậm chí nhận tội chết. Tất nhiên, vẫn khôn lỏi, đòi “xáo nước trong”, đừng “xáo nước đục”, tức xin chết trong danh dự. Chẳng hạn, mong ông chuyển tội trộm cắp thành tội “thiếu trách nhiệm” hay “cố tình làm trái” để con cháu kẻ trộm không bị mang tiếng xấu. Nôm na là đối tượng ăn trộm thấy bị lộ thì giở chiêu “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Chẳng có logic nào trong cuộc thoại đó mang nghĩa ngợi ca tâm hồn cò lương thiện, trong sạch như quan điểm giai cấp của các giáo sư cả!
Tôi tra cứu ca dao, trừ hình ảnh cánh cò ngợi ca non nước hữu tình, những bài ẩn dụ về con người đều chỉ thấy duy nhất một bài cảm thương thân phận phụ nữ: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Chính bài này tạo cảm hứng cho Tú Xương chia sẻ với thân phận của bà Tú: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước lúc đò đông”. Còn lại toàn cò lưu manh, cò trộm cắp, cò vong ân bội nghĩa: “Cái cò cái vạc cái nông/ Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò/ Không không tôi đứng trên bờ/ Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi”, “Cái cò là cái cò kì/ Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô”, “Công anh bắt tép nuôi cò/ Cò ăn cò lớn cò vò lên cây”…
Không ngẫu nhiên mà tiếng Việt, cò toàn mang nghĩa xấu với tư cách là “cò mồi”. Bây giờ đủ loại cò: “cò xe”, “cò đất”, “cò gái”… Gán thành phần bần cố nông cho “cò”, chẳng phải là tự thú cái gốc gác giáo sư ta mang phẩm chất xấu xa cố hữu hay sao?
Nếu cò thuộc thành phần bần cố nông thì sao cứ nhất thiết bần cố nông phải là trong sạch, lương thiện? Ai gốc quê ra đều biết, trộm gà, bẻ bí là dân quê ở nông thôn, đến đấu tố hại nhau cũng dân quê ở nông thôn. Khi gặp thời thăng quan, ắt nông dân từ tham như mõ sẽ phát triển thành tham nhũng lớn. Tất nhiên, cũng có nông dân trong sạch, lương thiện, nhưng loại này khó gặp thời thăng quan.
Sự ngộ nhận, đúng hơn là mượn ca dao tự ngợi ca phẩm chất trong sạch, lương thiện của thành phần bần cố nông, chính các giáo sư đã dọn đường cho cò thăng quan tiến chức và tham nhũng. Giáo dục Việt Nam toàn ngộ nhận tri thức, và hậu quả là đẻ ra Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và nhiều nhân vật cốt cán khác.
Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh chắc chắn thuộc thành phần bần cố nông gộc. Trước toà, dù đã được “ông” chiều ý “xáo nước trong” bằng cách chuyển sang tội “cố ý làm trái” (chứ không phải “tham nhũng”), nhưng “mày” vẫn leo lẻo đổ tội cho người khác. Trong nhiều sự vụ tương tự, cái đứa đáng bị gọi bằng “mày” đó còn kì kèo xin không “tịch biên gia sản” để bảo vệ tài sản cho con. Bài học trong ca dao vẫn nguyên giá trị ứng dụng cho thành phần cốt cán?
Khi nghe Đinh La Thăng chấp nhận bồi thường 200 tỉ/ 830 tỉ đồng cho một trong các vụ “cố tình làm trái”, tôi thật ngỡ ngàng khi các cốt cán này không tham nhũng mà trong nhà có nhiều tiền như nước sông Đà vậy? Nói nhờ nuôi gà, buôn lá chít, nuôi heo đến thối móng tay mới có tiền trăm ngàn tỉ thì tôi tin tất cả các quan đã từ quan hết để về quê nuôi gà, nuôi heo cho sướng.
Giáo dục Việt Nam, khi một giáo sư tạo ra bài mẫu giảng văn sai, kéo theo sai đồng loạt vì không biết phản biện là gì. Nhà nước tin, ưu tiên dùng đúng thành phần giai cấp làm cốt cán. Đến lượt học trò tin, đến mức khi được thăng quan, cứ “đi ăn đêm”, nếu lỡ bị tóm thì cũng tự tin noi theo gương cò mà đòi “xáo nước trong” cho đỡ ô nhục, dùng ý trong bài giảng của các giáo sư, xin rửa nhục cho con cháu để được mãi tự hào từ gốc gác đến ngọn nguồn nòi giống nhà mình trong sạch, lương thiện…
Có vài ý kiến cùng tác giả Chu Mộng Long:
Xin nêu lý do đã bác bỏ chữ MẦY thời xhcn, và tái lập chữ MÀ nguyên bản gốc từ xưa trong QV Giáo khoa Thư, thời Quốc gia VN và kế tiếp là VNCH
* Tại sao “mà”?
Có tới 2 động từ phải được chia (conjugated), nghĩa là phải cần có 2 chủ từ, trong câu :
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Đó là đt “đi ăn” cần có một chủ từ (mà thoạt nhìn có vẻ như) là “con cò”, và đt “đậu” hầu như không thấy có chủ từ nào.
Đó chính là lý do phải dùng chữ “mà”, thay cho tiền vị tự (antecedent) “con cò”, để làm chủ từ cho “đi ăn”,
ngõ hầu “con cò“ rảnh rỗi sẽ làm chủ từ cho đt “đậu” trong phần còn lại của mệnh đề chính ở phía sau,
(hiểu theo English, “mà” tức là “who”;
và theo français, “mà” là “qui”),
Lối viết ngày xa xưa thường có thể là thế khi muốn nhấn mạnh nội dung sau liên quan đại danh từ “mà”, theo lối văn rườm rà câu nệ văn phạm của đầu thế kỷ 20.
Nếu dịch sang English, câu ca dao trên buộc phải làm rõ 2 subjects cho 2 finite verbs riêng rẽ:
The stork, who went earning her nocturnal living, fell into the pond due to her having unluckily perched on a soft/weak branch.
* Trở lại với tiếng Việt, người am hiểu ngữ pháp sẽ không dị ứng với chữ “mà” ở đây, vì người ta vẫn thường nghe những câu có “mà” để làm chủ từ cho một đt trong những câu có 2 mệnh đề,
thí dụ:
– người ta đã đánh rớt những thí sinh mà có lý lịch dính líu chế độ cũ.
– những người mà hội đủ điều kiện sẽ được tuyển dụng ngay.
Tuy ngày nay ngữ pháp cho phép bỏ “mà” để câu văn gẫy gọn hơn, vẫn phải hiểu rằng bài ca dao trên đã ra đời cách đây hàng thế kỷ rồi!
* Tại sao không thể chấp nhận “mầy”:
Chữ “mầy” ngồi xổm ngay sau “con cò”, nó tất yếu phải làm chủ từ cho “đi ăn”, vậy “con cò” là thừa ư?
Không có loại ngữ pháp quái đản nào nguỵ biện rằng “con cò” sẽ “được xài” làm ct cho đt ở mđ sau!
Là nói càn.
Thầy dạy văn mà nói thế sẽ sản xuất ra một đàn bò cho thế hệ sau!
Trong trường hợp già mồm, chày cối rằng “con cò” bận làm hô từ (vocative), thì phải đặt dấu chấm than (!) ngay sau nó.
Thí dụ,
– Hỡi thanh niên! Các anh chị phải cầm vũ khí đứng lên!
– Thằng vô lại! Mầy phải trả giá!
Vả lại nội dung sau “con cò” không hàm ý một cảm xúc nào cả!
Ts giảng viên môn Văn đhQuinhon hẳn không hậm hực nữa, và đồng ý với tôi chứ?
Xin chào xây dựng.
Tôi thiết nghĩ chính tác giả ngây ngô, chứ không phải các giáo sư nhưng tội của mấy
ngài giáo sư này là “sửa chân cho vừa giày” do “bệnh” suy diễn cực đoan !
Thử xét bài thơ thì câu đầu là giới thiệu con cò theo lối trực khởi, nên nếu dùng chữ
“mày” như CML.là không đúng với mạch thơ tiếp theo, trong đó có “ông” và “tôi” để
người ta biết rõ hơn “thân phận” con cò vốn bi xui rủi gặp nạn khi đi kiếm ăn.
Bài thơ trong sáng giản dị nhưng được CML.”phù phép” thành ra con cò…tham nhũng ?
CML muốn đánh đấm, xăm xỉa tố cáo ai thì cứ việc, nhưng không nên lạm dụng miệng lưỡi quá mức, đến độ vo tròn bóp méo những giá trị vốn có từ thuở bản thân anh chưa sinh ra,
báng bổ tục ngữ ca dao, xúc phạm những tình cảm trong sáng trong tâm hồn giới trẻ đã từng có về bài ca dao nầy từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường cách đây gần 90 năm tại miền Nam – lúc chưa có CS tại đây cùng với những oan nghiệt họ mang lại cho đất nước,
và CML cũng không được quyền xúc phạm những con người chân lấm tay bùn, kiểu vơ đũa cả nắm!
Tôi không biết con ngươi nông thôn miền Bắc ra sao, đặc biệt từ sau 1954,
nhưng ở miền Nam, người nhà quê chân lấm tau bùn, tuyệt đại đa số là chất phát thiệt thà, thảo ăn tốt bụng, cho nhau giúp nhau…thiệt tình là rất tội nghiệp!
Bởi thế CS mới dễ lợi dụng, lạm dụng, sai khiến…khi đã nắm được trái tim khối óc của họ bằng tuyên truyền phinh phờ dối trá!
Thật quá quắt khi CML vu vạ cho đám dân quê, con người nông thôn nói chung…đều là lũ lưu manh, qua câu viết
“Ai gốc quê ra đều biết, trộm gà, bẻ bí là dân quê ở nông thôn, đến đấu tố hại nhau cũng dân quê ở nông thôn.”
Tôi, người miền Nam thời vua Bảo Đại, lúc VN chưa bị chia cắt tại vt17, gần 90 năm trước tại một thành phố mang tên Tây, đang học tiểu học và tất nhiên thuộc lòng bài ca dao nầy từ cuốn Quốc văn Giáo khoa Thư,
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
MÀ, không có MẦY nào cả, ngay từ thời cha mẹ còn treo lá cờ tam tài nơi cổng nhà vào ngày quốc lễ “Quatorze Juillet” của thực dân;
thì làm gì có Giáo sư CS nào thời đó để đổi chữ “mầy” sang “mà” cơ chứ!
Hãy dẹp cái thói bạ gì vơ chộp nấy, phang, ném…khi nổi cơn thù hận đấm đá mất lương tri; bất kể làm tổn thương người chung quanh, hỡi những “trí thức” sản phẩm của CS sau 30/4/75!
Hôm nay mới biết, Cò Mẹ nuôi Con vất vả, lặn lội đêm ngày, lại chẳng may gặp nạn … đã trở thành Kẻ Trộm … với mớ lý luận của Châu Minh Hùng.
Thấy Châu Minh Hùng bảo “theo vụ Cánh Diều đến cùng”, không biết tình hình ra nàm thao rồi.
Tán rộng quá!
Rành rành: Con cò đi ăn đêm, đậu phải cành mềm, ngã xuống ao (nó thừa sức tự thoát) nhưng cầu cứu “ông vớt tôi với”…
Tán tỉnh thế ào lại thành cò bị mắc bẫy?