“Đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam: Họ là ai?

Nghiên cứu Việt-Mỹ

Ái Châu

23-3-2022

Việt Nam cho đến nay chỉ chọn ba nước làm “đối tác chiến lược toàn diện” là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ đã đề nghị ba lần nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên “đối tác chiến lược” (thấp hơn “đối tác chiến lược toàn diện” một bậc) nhưng Việt Nam chưa trả lời.

Hôm 21/3/2022, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Marc Knapper đề nghị nâng tầm quan hệ Việt Mỹ lên “đối tác chiến lược”. Mỹ ít nhất đã đề nghị nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược” với Việt Nam từ thời Ngoại trưởng Hillary Clinton. Gần đây nhất, trong chuyến thăm tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhắc lại đề xuất nâng cấp quan hệ thành “đối tác chiến lược”. Cả ba lần nêu trên, Mỹ đều là phía chủ động, nhưng Việt Nam vẫn im lặng.

Bài viết này đánh giá lựa chọn nói trên của Việt Nam thông qua số liệu và tình hình thực tế.

1) “Đối tác chiến lược toàn diện” Nga: Yêu nhưng không hôn

Tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam năm 2021 là gần 670 tỷ USD (Số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam). Trong đó, năm 2021, Việt Nam giao thương:

– Với Nga là là 5,5 tỷ USD,

– Với Ấn Độ là hơn 12,8 tỷ USD

– Với Trung Quốc là 165,8 tỷ USD (còn theo thống kê của Trung Quốc thì đã vượt 200 tỷ USD, có thể do họ tính cả các giao thương phi chính thức), trong đó Việt Nam nhập khẩu hơn 100 tỷ USD, tức nhập siêu 53,9 tỷ USD.

– Với Mỹ là 111 tỷ USD (trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 96,3 tỷ USD)

– Với EU là 41,3 tỷ USD,

– Với Nhật Bản là 42,7 tỷ USD.

Việt Nam cần nhìn vào số liệu để biết nồi cơm của mình nằm ở đâu, và lựa chọn của mình hợp lý hay không.

Nga chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam.

Điều đó có nghĩa là nếu nước Nga biến mất thì Việt Nam vẫn có thể dễ dàng bù đắp chỗ khác, mức độ ảnh hưởng không lớn.

Ấn Độ chỉ chiếm hơn 1,8% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là tầm quan trọng của Ấn Độ đối với sự sinh tồn của Việt Nam không hơn Nga là mấy.

Trung Quốc chiếm hơn 24% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam. Một con số khá lớn.

Hoa Kỳ chiếm hơn 17% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam, nhưng là nước mà Việt Nam xuất siêu nhiều nhất, 96,3 tỷ USD (xem Tổng cục Thống kê) tức là nơi Việt Nam kiếm được tiền nhiều nhất.

Như vậy, trong ba nước Việt Nam chọn là “đối tác chiến lược toàn diện” thì có đến hai nước nếu “đột nhiên biến mất” thì không ảnh hưởng lắm đến nồi cơm thực tế của mình.

Chỉ có Trung Quốc thực sự có ý nghĩa, chiếm hơn 24% tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam (nhưng lại là nơi Việt Nam chi hơn trăm tỷ USD để nhập khẩu, trong khi chỉ bán được cho Trung Quốc một nửa số đó).

Còn Hoa Kỳ? Đây là nơi Việt Nam kiếm tiền nhiều nhất, nhận được viện trợ nhiều nhất ở tất cả các lĩnh vực, nhưng Hoa Kỳ nhiều năm nay không được Việt Nam coi là “đối tác chiến lược”, chứ chưa nói đến cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện” như với Nga và Ấn Độ.

Phần tiếp theo đi sâu vào trường hợp Nga ở hai khía cạnh kinh tế và quân sự, như một sự lựa chọn điển hình của Việt Nam.

2) Mối tình Việt Nga: Đôi uyên ương không cần đến nhau

2.1. Kinh tế Nga:

Kể cả trước cuộc xâm lược đại bại của Nga vào Ukraine, nước này đã không còn quan trọng với Việt Nam.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thu về gần 337 tỷ USD, trong đó, xuất sang Hoa Kỳ thu về 96,3 tỷ USD (chiếm gần 30% số tiền Việt Nam xuất khẩu được), xuất khẩu sang Trung Quốc thu về gần 56 tỷ USD (chiếm hơn 16%), xuất sang EU thu về gần 46 tỷ USD (chiếm gần 14%), xuất sang Nhật thu về hơn 20 tỷ USD (gần 6%), xuất sang Hàn Quốc thu về gần 22 tỷ USD (hơn 6%).

Trong khi Việt Nam xuất khẩu sang “đối tác chiến lược toàn diện” Nga thu về bao nhiêu? 3,2 tỷ USD, tức là chỉ chiếm 0,9%.

Giao thương giữa Nga và Trung Quốc là 140 tỷ năm 2019. (Global times), cũng chỉ nhỉnh hơn giao thương Việt Nam – Trung Quốc không nhiều. Năm 2021, giao thương của Nga với Trung Quốc đạt 146 tỷ USD, còn thua xa giao thương của Việt Nam với Trung Quốc (165,8 tỷ USD).

Nga cũng không còn quan trọng cho Trung Quốc khi mà tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của nước này năm 2021 đã là hơn 5.000 tỷ USD, trong đó Nga chỉ chiếm khoảng 2,5%.

Xem lại những năm trước đó, ví dụ 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga chỉ 3,5 tỷ USD vào 2019, trong khi đó, kim ngạch ngoại thương Việt Nam với Mỹ thì là 92 tỷ USD. Tức là năm 2019, Việt Nam giao thương với “đối tác chiến lược toàn diện” Nga chỉ bằng khoảng 3.8% giao thương với Hoa Kỳ.

Về tổng thực lực của kinh tế Nga, tổng kim ngạch giao thương của Nga năm 2021 là 785 tỷ USD, so sánh với năng lực của Việt Nam, 670 tỷ USD, rõ ràng không lớn hơn quá nhiều. Trong đó Nga chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng của một nước chậm tiến, không có dấu hiệu của một quốc gia công nghiệp phát triển: dầu thô, khoáng sản, hoá chất, nông sản, lâm sản, và một ít máy móc thiết bị.

2.2. Vũ khí Nga:

Khi quyết định xâm lược Ukraine, Putin đã không ngờ Châu Âu chấp nhận đau thương, đóng cửa với Nga về tài chính và chuỗi cung ứng.

Đây chính là điều Việt Nam nên sợ, vì nó có thể vô hiệu hoá hệ thống vũ khí chủ lực của quân đội.

Những phương tiện chiến tranh như máy bay, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa đều cần được duy tu, bảo dưỡng, thay thế linh kiện thường xuyên. Nếu không được bảo dưỡng thường xuyên, không có thiết bị thay thế thì không chiến đấu được.

Ngoài ra, các phương tiện chiến tranh nói trên đều cần có vũ khí đi kèm, quan trọng nhất là tên lửa dành riêng cho mỗi loại máy bay, tàu ngầm.

Nga đào tạo đội ngũ chuyên viên kỹ thuật và sỹ quan chiến đấu, nhưng không chuyển giao công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng và các loại vũ khí đi kèm. Việt Nam cũng không tự copy được chúng.

Mỗi chiếc máy bay, tàu ngầm, xe tăng có hàng ngàn linh kiện, phụ tùng. Không có nước nào tự sản xuất được tất cả những linh kiện đó mà phải có hợp tác quốc tế để làm được. Ngay cả để sản xuất một linh kiện cụ thể cũng cần hợp tác. Đây là một đặc điểm của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa mà chỉ các nhà lãnh đạo kỹ trị, và dựa trên tư vấn của chuyên gia, mới nắm hết được. Các nhà lãnh đạo độc tài, độc đoán như Putin tưởng rằng chỉ cần chuẩn bị dự trữ ngoại hối tương đương 640 tỷ USD là có thể vượt qua những “phiền phức” nhất thời do Âu Mỹ tạo ra khi mình gây chiến.

Âu Mỹ Nhật không cấm Nga bán, cho nên về lý thuyết thì Việt Nam vẫn mua được thiết bị, linh kiện cho máy bay chiến đấu do Nga sản xuất, nhưng thực tế thì Việt Nam sẽ không mua được, vì Nga bị cấm mua mọi thứ phục vụ cho quy trình sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng, nên Nga cũng không sản xuất để bán được.

Nga phải xin mua linh kiện máy bay dân dụng từ Trung Quốc. Trung Quốc đã từ chối. Rõ ràng, Trung Quốc không muốn rơi vào tình cảnh ngành hàng không bị đắp chiếu như Nga. Đây là một đòn đánh chí mạng, vì kinh tế – xã hội và cả quốc phòng Nga không thể vận hành được nếu ngành hàng không bị vô hiệu hoá.

Những đội quân đã mua vũ khí Liên Xô sẽ tiếp tục quán tính mua vũ khí Nga. Bởi lẽ đổi từ hệ thống vũ khí Liên Xô – Nga sang hệ vũ khí Mỹ hoàn toàn không đơn giản, vì phải chuyển đổi đồng bộ từ phương tiện chiến tranh, vũ khí, thiết bị phụ tùng, và đặc biệt là đào tạo lại, đào tạo mới sỹ quan, binh sỹ, không chỉ vì kỹ thuật sử dụng khác nhau mà còn vì chiến lược, chiến thuật chiến tranh cũng phải được đổi khác, đúng hơn là nâng cấp, để thích ứng với vũ khí mới.

Thực tế, Nga chỉ bán được vũ khí cho một số khách hàng truyền thống từ thời Liên Xô cũ. Cho nên giả sử Việt Nam có làm Nga mất lòng thì Nga vẫn sẽ bán linh kiện, vũ khí (nếu còn sản xuất được) vì Việt Nam không mua thì không có thêm khách hàng mới.

Lựa chọn đúng của Việt Nam với Nga

Những số liệu và thực tế nói trên cho thấy:

– Nga không còn quan trọng gì với Việt Nam, cả về quan hệ kinh tế lẫn quân sự.

– Bỏ phiếu trắng trước cuộc xâm lược phi nghĩa Nga đối với Ukraine ở Liên Hiệp quốc không phải là bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Những gì Việt Nam cần:

– Cần sống với thực tại, không sống với cảm xúc thời chiến đã kết thúc hơn 30 năm trước, khi còn biết ơn Liên Xô vì được viện trợ bo bo (thức ăn gia súc) để sống.

– Cần sống với tinh thần mới, nhìn vào số liệu để biết nồi cơm của mình ở đâu mà đầu tư đúng chỗ.

3) Hun Sen: Chàng tuổi trẻ

Hôm 21/3, khi Đại sứ Mỹ ở Hà Nội kêu gọi nâng tầm quan hệ Việt Mỹ lên “đối tác chiến lược”, Thủ tướng Nhật đến Nam Vang, cùng Thủ tướng Hun Sen của Campuchia ra thông cáo chung, phản đối Putin xâm lược Ukraine.

Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo một nước dân số chỉ bằng vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam, phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng Nga thì không liên quan đến mối quan hệ này của họ. Campuchia ký vào nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc lên án và yêu cầu Putin rút quân khỏi Ukraine, trong khi Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Việt Nam chỉ còn một tuần cuối trong tháng 3 này để ra quyết sách cho rõ ràng.

Mùa xuân ở Ukraine đã đến, tuyết đã bắt đầu tan, cả Ukraine là một cánh đồng vô tận, biến thành một bãi sình lầy khổng lồ. Putin không thể đánh lớn được nữa.

Ngay cả trong mùa đông, hơn ba tuần trước, Putin đã đại bại trước kế sách “dĩ dật đãi lao”, “thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh, dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều” của đội quân “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” Zelensky.

Mùa xuân sang, tuyết tan, Putin sẽ phải đổi chiến lược, bằng lòng với việc cướp mấy thành phố ở biên giới, dồn quân đánh thành phố Mariupol, thành lập “nước cộng hòa tự trị” ở đó, thông lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea. (Một lần nữa, bán đảo này bị khóa trong Biển Đen, một vùng biển kín).

Zelensky sẽ không thể bất chấp xương máu của bao chiến sỹ đã đổ xuống mà chấp nhận cắt đất. Ông đã nói mọi quyết định về lãnh thổ sẽ phải quyết định qua trưng cầu dân ý. Ai cũng rõ dân Ukraine sẽ quyết định như thế nào sau khi chiến đấu ngoan cường và đau thương như thế. Hai bên sẽ tiếp tục đánh nhau lai rai ở biên giới cho đến khi Nga rút quân. Ukraine sẽ được phương Tây tái thiết vùng trung tâm là Kyiv.

Còn Nga, trước chiến tranh GDP đã không bằng một tỉnh của Trung Quốc (Quảng Đông, Giang Tô), một bang của Mỹ (New York, Texas, California), không bằng Vùng Tokyo của Nhật Bản.

Nếu Putin tiếp tục cầm quyền thêm 10 năm nữa, từ nay Nga sẽ suy thoái thành một nước còn bé hơn Indonesia, GDP chỉ còn dưới ngàn tỷ USD, thậm chí GDP của nó có thể suy thoái thành một Singapore chỉ hơn năm triệu dân.

Hun Sen, người trở thành Tư lệnh Trung đoàn Vùng Đông của Khmer Đỏ khi mới 25 tuổi, luôn hiểu nước mình cần gì.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ở đây, tác giả ví chuyện này như Việt Nam chọn người phối ngẫu, OK thì tớ cũng dùng analogy đó luôn .

    Jon Elster có nghiên cứu về vấn đề này, trong cuốn sách về rationality & irrationality. Ổng khuyên các nường trước khi fall in love nên cân nhắc về khả năng & đồng chia sẻ các hệ thống giá trị . Tính về khả năng, VN hổng nên chọn người mình có thể lợi dụng nhứt . Đơn giản vì nếu mình có thể lợi dụng được hắn, có nghĩa hắn đần hơn mình . Lấy thằng đụt về làm gì ?

    Tiêu chuẩn của Jon Elster là nếu đặt nặng rationality, thì ý trung nhân của 1 nường phải đạt được 2 điều . 1 là phải giỏi hơn, 2 là phải chia sẻ cùng hệ giá trị . Tất nhiên, đây là tiếng nói của lý trí . Tình cảm thì … nói thế nào được bây giờ!

    Chỉ xét riêng về lý trí, Mỹ hổng phải là 1 chọn lựa tốt “nhất” cho Việt Nam .

    Thêm vài điều về anh Yankee Sở Khanh . Có cuộc chiến nào mà Mỹ hổng nhúng tay vào ? Và người được Mỹ “thương” luôn là kẻ thất bại . Ngụy miền Nam, Ngụy Afgha … Đảng có muốn đi vào vết xe đổ của Ngụy như Đào Văn Tùng đã cảnh báo ? Bất cứ 1 cuộc chiến tranh nào, ngay cả cuộc chiến đang xảy ra, nhìn kỹ luôn có anh cao bồi Yankee đứng xớ rớ . Và 9 outta 10, phe được Mỹ ủng hộ đều chạy có cờ .

    Mỹ là kẻ thù vừa tiềm tàng, vừa ý thức hệ, vừa là kẻ xâm lược của Việt Nam . Như analogy của Đào Văn Tùng, nếu cuộc chiến Nga-Ukraine áp dụng vô cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Ta -aka các bác- thì Mỹ chính là kẻ xâm lược .

    Tình hữu nghị Việt-Mỹ là di sản của Ngụy, tình cảm Việt-Trung là di sản của tư tưởng Hồ Chí Minh .

    Nếu đi theo Mỹ, Đảng Cộng Sản có sợ sẽ phải risk losin own ID vì Mỹ chắc chắn hổng chấp nhận bản chất chánh quyền của Đảng, có nghĩa chắc chắn thoái hóa . Càng thoái hóa thì bị phía kia cô lập, càng bị cô lập càng lệ thuộc vào Mỹ, càng mất tính Đảng … Cho tới khi hổng còn gì để mất, đành phải Mỹ nói gì cứ theo răm rắp . Lịch sử xóa bài làm lại, Đảng xụp đổ . Mỹ “Oh, cry me a Phúc Kđinh river & see if i care. Next”.

  2. Chúng ta còn nhớ vào năm 2014 Tàu cộng đặt giàn khoan Hải Dương tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và không ngày nào không có những vụ tàu Tàu cộng gây hấn, tấn công vào các tàu Việt Nam bằng nhiều hình thức. Cuối năm đó, Nguyễn Phú Trọng quyết định bay sang Nga để gặp Putin xin giúp đỡ. Thế nhưng Putin lại đưa Nguyễn Phú Trọng đến khu nghỉ dưỡng Sochi để uống trà và bàn chuyện thời tiết. Ra về, Nguyễn Phú Trọng đâm ra hậm hực và quyết định bay qua Mỹ để gặp Obama. Kể từ đó, Mỹ đã giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam nhiều phương tiện quân sự cần thiết để bảo về biển đảo. Cái lạ là cho dù bị hất hủi, đảng ta vẫn một lòng chung thủy với đất nước Nga. Mấy hôm nay nhìn cách Nga đánh nhau ở Ukraine, chúng ta phải hỏi việc Việt Nam chọn Nga làm đối tác chiến lược toàn diện thì khi đụng chuyện, liệu rằng Nga sẽ giúp ích được gì cho Việt Nam.

  3. Nồi cơm của cộng sản Ba đình là bòn từ khố rách của dân, tài nguyên của nước. Cái mà chúng cần ở các “đối tác chiến lược toàn diện” Nga Tàu là các loại chủ nghĩa, các loại mánh lới mẹo mực trị dân để chúng có thể bám chặt lấy cái ghế quyền lực tiếp tục phè phỡn.
    Với Mỹ, Nhật và phương Tây chúng chỉ ra sức lợi dụng càng nhiều càng ít. Không mong chờ gì ở lũ giòi bọ ấy có thể tiến hóa lên một đẳng cấp cao hơn.

Comments are closed.