Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Hồ Chí Minh dâng Hoàng Sa cho Mao Trạch Đông

FB Trần Trung Đạo

14-9-2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Quốc hội Trung Cộng ra tuyên bố bốn điểm về chủ quyền của các đảo trên biển, điểm thứ nhất và thứ tư có liên hệ trực tiếp đến lãnh thổ Việt Nam gồm Tây Sa tức Hoàng Sa và Nam Sa tức Trường Sa.

Tuyên bố của Trung Cộng ghi rõ: “Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ (Penghu), quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”

Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Phạm Văn Đồng, Thủ tướng CSVN, gởi cho Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai một công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.”

Ngày 22 tháng 9 năm 1958, công hàm đã được đăng trên báo Nhân dân để toàn đảng, toàn dân và toàn thế giới biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng.

Công hàm Phạm Văn Đồng. Ảnh: internet

Phạm Văn Đồng đặt bút ký vì y được giao chức vụ Thủ tướng nhưng không phải là người quyết định dâng đảo. Đây không phải là chuyện đối nội mà là đối ngoại và có ảnh hưởng đến suốt dòng lịch sử mai sau.

Sau đại hội đảng lần II và hàng loạt thay đổi nhân sự vào năm 1956, Bộ Chính Trị đảng Lao Động Việt Nam (CSVN) vào ngày 14 tháng 9, 1958 gồm: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Phạm Hùng.

Năm 1958, Lê Duẩn mới từ Nam ra Bắc, Trường Chinh vừa bị khiển trách sau vụ Cải Cách Ruộng Đất và bị hạ bệ, Hồ Chí Minh là người trực tiếp điều hành Bộ Chính Trị CSVN và đương nhiên chịu trách nhiệm lãnh đạo cả nhà nước CSVN. Văn bản dâng đảo do Phạm Văn Đồng ký phải được Hồ Chí Minh thông qua và chấp thuận.

Thời điểm năm 1958 là thời điểm căng thẳng giữa Trung Cộng và Mỹ về vấn đề Đài Loan. Hồ Chí Minh vẫn có thể làm vừa lòng Mao mà không phải dâng đảo nếu công hàm của Phạm Văn Đồng chỉ nhằm ủng hộ quan điểm Mao về vấn đề Đài Loan thôi.

Nhưng không. Thay vì gạch đít, đóng khung, tô màu hai chữ Đài Loan trong văn bản, Hồ Chí Minh dâng cả Biển Đông cho Mao trong chỉ một câu: “Ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.”

Phân tích “công hàm Phạm Văn Đồng” không phải để thừa nhận nó nhưng để thế hệ trẻ Việt Nam thấy được âm mưu CS hóa Việt Nam được che giấu trong chiêu bài “giải phóng dân tộc”. “Công hàm Phạm Văn Đồng” về lý luận và tư tưởng còn phản ảnh ý thức vong bản của những kẻ phản quốc đang được thần tượng hóa tại Việt Nam.

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang giúp soi sáng những vùng lịch sử trước đây bị che đậy, bưng bít, và qua đó, các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội học, đọc và hiểu rõ những ai thật sự đã “rước voi giày mả tổ” Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Dâng đảo cho Trung Quốc nghe rất cực đoan, tôi đề nghị nói theo cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “đổi chủ quyền để lấy tình hữu nghị thật sự”. Thời đó Trung Quốc thật sự giúp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Giáo sư Tương Lai không những bằng tiền của, còn bằng cố vấn & quân lính nữa . Ta không thể gọi sự giúp đỡ tận tình như vậy từ phía Trung Quốc là “hữu nghị viển vông”, nên có thể đổi chủ quyền được . Và 2 thần tượng của Giáo sư Tương Lai là Bác Hồ & Thủ tướng Phạm Văn Đồng -quý hóa quá- đã thực hiện việc đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị thật sự, hổng phải viển vông .

    “Phân tích “công hàm Phạm Văn Đồng” không phải để thừa nhận nó”

    Tôi nghĩ chúng ta nên thừa nhận “công hàm Phạm Văn Đồng” vì đây là 1 trong những di sản quý báu của “Đảng của Bác Hồ”, và là 1 phần không thể thiếu được của “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vả lại, như Giáo sư Tương Lai đã nói “bắn súng lục vào quá khứ thì hiện tại sẽ đem công an ra đập chết”, chúng ta không thể phủ định được, mà cần phải kế thừa, học tập & nhân rộng . “Đảng của Nguyễn Phú Trọng” nếu muốn thật sự học tập tư tưởng Hồ Chí Minh mà mình đang rêu rao, cần xử sự cho đúng tinh thần của bản công hàm mang tên vị Thủ tướng kính mến của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa .

    Và cuối cùng, tôi thay mặt tác giả Trần Trung Đạo só-dzi các trí thức đang kêu gào “khép lại quá khứ”. Vấn đề là các trí thức kêu gào nhưng lại không chỉ rõ quá khứ nào cần khép lại, trong khi đọc các lời kêu gọi thì rõ ràng những quá khứ cần khép lại phải qua 1 số chọn lọc khá nghiệt ngã . Vì vậy, có thể tác giả Trần Trung Đạo đã khép lộn quá khứ . Tôi thì vốn tài hèn đức mọn, chắc chắn chuyên môn khép lộn quá khứ .

    Để tránh những bài khép “lộn” quá khứ như thế này, các trí thức cần nghiêm túc đưa ra 1 danh sách gồm những quá khứ nào cần khép lại, & những quá khứ nào cần nhớ, thậm chí nhớ ơn . Với bề dày kinh nghiệm phục vụ Đảng -ông nào cũng vài chục năm tuổi Đảng- các bác có dư dữ liệu để làm 1 danh sách khá đầy đủ, nếu không nói là đầy đủ 1 cách gần như hoàn hảo . Chỉ như vậy mới giúp cho những người như tôi & Trần Trung Đạo khép đúng loại quá khứ cần khép . Chứ cứ khuyên những câu generic như bất cứ cái gì không có lợi cho Đảng Cộng Sản là quá khứ cần được khép lại thì có người -như tôi- sẽ hiểu là những gì Đảng Cộng Sản còn tự hào là “thắng lợi cơ bản” tức là có lợi cho Đảng, vì thế cần tuyên dương & nhớ ráng chịu . Thêm nữa là các bác trí thức nên cử ra 1 người chuyên cập nhật những quá khứ cần được khép lại . Với xu hướng nối tiếp truyền thống, Đảng của các bác đang tạo ra quá khứ từng ngày, heck, từng giờ luôn . Ô trí thức chuyên cập nhật đó sẽ phải nhanh lẹ để cập nhật danh sách những quá khứ cần được khép lại ngay sau khi quá khứ đó xảy ra .

Comments are closed.