Trân Văn
16-2-2022
Dự luật sửa luật giao thông đường bộ hiện hành lại tiếp tục gây tranh cãi và nguyên nhân vẫn là điều đã từng gây tranh cãi: Tách Luật giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành thành… hai bộ luật…
Dự luật sửa luật giao thông đường bộ hiện hành lại tiếp tục gây tranh cãi và nguyên nhân vẫn là điều đã từng gây tranh cãi: Tách Luật giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành thành… hai bộ luật: Luật GTĐB mới (bao gồm các quy tắc về GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB (bao gồm các qui định liên quan đến quản lý xe cộ, tài xế).
Giống như trước, những người phản đối việc tách Luật GTĐB hiện hành làm đôi đã phân tích rất cặn kẽ tại sao không nên làm như thế (1). Một chuyên gia làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vận tải Việt Đức thuộc Đại học Việt Đức còn nhấn mạnh: Chẳng có quốc gia nào nghĩ tới việc tách Luật GTĐB như Việt Nam (2).
***
Hồi tháng 11 năm 2020, trong Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Khóa 14, đa số đại biểu đã bác bỏ việc xem xét ba dự luật do chính phủ đề nghị và đã được các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội thẩm tra. Cả hai cùng liên quan tới việc tăng thẩm quyền cho công an và một trong hai là Dự luật sửa luật giao thông đường bộ hiện hành.
Việc sửa Luật GTĐB hiện hành vốn nằm trong chương trình làm luật của Quốc hội khóa 14 nhưng… “sáng kiến” tách Luật GTĐB thành hai bộ luật riêng biệt, một về GTĐB và một về Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB chỉ nhằm để thỏa mãn yêu cầu của Bộ Công an: Bộ Công an muốn giành việc quản lý đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe (GPLX) tử tay Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) với lý do… tai nạn giao thông cao và cần… xử lý vấn nạn GPLX giả!
Vào thời điểm đó, không ai rõ Bộ Công an… dọa chính phủ thế nào để ông Phúc và nội các gật đầu với… “sáng kiến” tách Luật GTĐB làm đôi và giao cho công an quản lý đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe như từ giữa thập niên 1990 trở về trước, cho dù sáng kiến này vừa trái thông lệ chung trên thế giới, vừa gây ra những xáo trộn không cần thiết.
Người ta chỉ biết ông Nguyễn Thanh Hồng – một viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội để làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UB QPAN) của Quốc hội – công khai… dọa các đại biểu Quốc hội rằng nếu… “sáng kiến” không được chuẩn thuận, công an không quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX thì điều đó sẽ đe dọa trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Quản lý người điều khiển phương tiện chính là… quản lý công cụ phương tiện gây án, thậm chí có thể là hoạt động khủng bố (3)…
Không may cho công an là phần lớn đại biểu Quốc hội lắc đầu. Có vị bảo rằng: Công an không nên nhận thêm nhiệm vụ khác, chỉ cần giải quyết tốt những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để quốc thái, dân an là nhân dân cảm kích lắm rồi (4)… Có 302 đại biểu (62,7%) không tán thành tách Luật GTĐB mới làm đôi. 321 đại biểu (66,7%) bác bỏ việc giao cho công an quản lý đào tạo – sát hạch – cấp GPLX (5). Có đại biểu đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật do đã “tham mưu tách luật” (6).
***
Không ai ngờ khi Quốc hội khóa 14 mãn nhiệm, Dự luật sửa luật giao thông đường bộ hiện hành với… “sáng kiến” tách nó ra làm đôi lại được đưa ra… thu thập ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội khóa hiện tại. Có thể vì trí nhớ của nội các (chính phủ) hiện nay đã… hạn chế lại còn rất… rảnh!
“Vụ” tổ chức đóng góp ý kiến cho Dự luật sửa luật giao thông đường bộ hiện hành lại tiếp tục bị phản đối dữ dội. Có người như ông Nguyễn Văn Thanh, cựu Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, mạnh mẽ kêu gọi: Rất mong mọi người am hiểu ngành giao thông vận tải lên tiếng phản biện mạnh mẽ để cơ quan soạn thảo phải nghiêm túc thực hiện. Chúng tôi là cử tri và các ý kiến này phải được tập hợp báo cáo đại biểu Quốc hội.
Cũng có thể chuyện… khai quật… “sáng kiến” chế tạo hai bộ luật từ Luật GTĐB hiện hành vốn đã bị Quốc hội khóa trước chôn cất để… tái sử dụng đã khiến niềm tin của ông Thanh suy giảm nên ông đảnh phải nói thêm: Tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hãy dũng cảm đảm nhận những chức năng, nhiệm vụ đã được xã hội và nhà nước giao phó. Tôi tha thiết đề nghị đại biểu Quốc hội khóa 15 hãy cẩn trọng khi biểu quyết thông qua Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) để không phụ lòng cử tri.
***
Hồi tháng 11 năm 2020, ngoài việc bác bỏ sáng kiến chẻ Luật GTĐB hiện hành làm đôi, đa số đại biểu Quốc hội Khóa 14 đã bác bỏ hai dự luật khác cũng nhằm tăng quyền lực cho công an: Dự luật xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Dự luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (7).
Tuy nhiên với nỗ lực… khai quật để tái sử dụng những… “sáng kiến” vốn đã được tống táng như tách đôi Luật GTĐB hiện hành, chuyện chính phủ mới nghe Bộ Công an… thủ thỉ, thỏ thẻ đề nghị Quốc hội mới xem xét – thông qua hai dự luật liên quan đến lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở!
Năm 2012, một chuyên gia tính toán, chi phí cho mỗi phút trong kỳ họp Quốc hội của Việt Nam khoảng hai triệu đồng, chi phí trung bình cho mỗi ngày Quốc hội nhóm họp khoảng một tỉ đồng (8). Đó là ước đoán cách nay mười năm, giờ, chi phí cho chuyện họp hành của Quốc hội chắc chắn cao hơn nhiều.
Với thực tế như đã biết và với tinh thần… “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, muốn nghiêm chỉnh thực thi… Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tốt nhất là nên tập hợp trí lực, tập trung tài lực soạn thảo – xem xét – ban hành sớm… Luật bảo đảm quyền lực và quyền lợi của ngành công an để Quốc hội khóa này cũng như những khóa tới dựa vào đó ban hành các luật khác mà sau đó không cần sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với lợi ích của ngành công an nữa. Thiếu luật này rõ ràng là tốn kém quá!
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/khong-nuoc-nao-tach-luat-giao-thong-duong-bo-thanh-2-luat-20220214154154517.htm
(8) https://zingnews.vn/moi-ngay-hop-quoc-hoi-chi-phi-1-ty-dong-post366011.html