21-1-2022
Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4 − Phần 5 − Phần 6 − Phần 7 − Phần 8 − Phần 9 − Phần 10 và Phần 11
Ngày 30.7
Trang thông tin điện tử của Trường chính trị tỉnh Bến Tre có bài rút tít cỡ chữ rõ to ở mục tiêu điểm: “Vận dụng sáng tạo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin trong phòng chống dịch”. Lại nhớ trước đó, ngày 19.5, nhân kỷ niệm ngày sinh cụ Hồ vĩ đại, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cũng đăng bài phông “Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19”. Nghe rất khiếp. Ông em tôi cười bảo, thế giới người ta chống dịch bằng khoa học, chuyên môn y tế, vắc xin, và lòng nhân từ, còn xứ ta có tiềm năng, thế mạnh, có thứ không đâu có, là lý luận, tư tưởng, học thuyết, và các biện pháp cưỡng bức. Cứ một mình một kiểu, chả giống ai, được tôn thành bản sắc, riêng biệt, sáng tạo, độc đáo. Nhưng lại tích cực đi xin vắc xin. Chống bằng mấy thứ kia, chết như ngả rạ là phải.
Ngày 15.8
Sau một tháng rưỡi chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa, ai ở đâu thì ở đấy, ở nhà là yêu nước, mỗi gia đình là một pháo đài…, con người ta đôi tuần đầu còn ráng chịu đựng, rồi sóng gió sẽ qua mau, ai dè dịch càng ngày càng nặng. Ở trong nhà mãi, không được đi làm, không có thu nhập, đói, không tiền trả thuê nhà, điện nước, nên người ta bị dồn vào chân tường. Công nhân lũ lượt kéo nhau về quê. Hàng vạn người. Cả gia đình chất lên chiếc xe máy, mang theo tất tật tài sản nghèo nàn, thậm chí cả chiếc ghế nhựa cũ. Cả con chó con gà. Phó mặc cho trời. Kệ nắng nôi, mưa gió, đói khát. Chỉ mong sao trốn được dịch, trốn cái đói, thoát sự phong tỏa. Thương vô cùng.
Chính phủ vẫn không lên tiếng, cứ để mặc dân chạy, còn chính quyền nhiều tỉnh thành thì cấm cửa không cho dân về. Ở Sài Gòn người ta giăng dây thép gai, cử công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, cán bộ mặt trận ra… chặn dân. Trên mạng xã hội, trên cả báo mậu dịch nữa, đăng những tấm ảnh người dân quỳ lạy công an xin được mở rào cho họ về.
Một ông làm thuê người tỉnh Vĩnh Long than thở, được báo VNN lấy câu than rút thành tít “Hãy cho tôi về quê, không thì tôi chết bởi stress chứ không phải do dịch do đói”.
Bác Phạm Chuyên điện vào, giọng buồn bã, em ạ, chúng nó chống dịch kiểu này chỉ chết dân, trút cả mọi đau khổ lên đầu dân, dân còn khổ hơn cả thời chiến tranh.
Ngày 1.9
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà khoa học y tế, các thầy thuốc, bác sĩ tiêu biểu. Chả biết đứa quân sư trợ lý nào tham mưu, xúi dại xui khôn, mà ông Chính tặng cho mỗi vị khách mời một cái hũ. Thanh than giời ạ, tặng gì chả tặng, giống như cái hũ cốt đang được dùng mỗi ngày mấy trăm chiếc ở Sài Gòn.
Tới hôm nay đầu tháng 9 rồi nhưng vẫn chưa có thông báo về khai trường, có cho bọn trẻ tới trường để học hay không. Dịch ngày càng nặng thế này, có khi nghỉ tới tết. Cái Hảo cháu mình ở ngoài Phòng năm nay có đứa con gái vào lớp 1. Hảo kể, con bé thích đi học lắm, nghe bố mẹ kể học ở trường vui nên nó ngóng từng ngày, từ hồi đầu tháng 8 cơ. Mấy hôm rồi nó cứ đi ra đi vào sốt ruột, luôn mồm hỏi sao mãi không được đi học. Trẻ con cũng khổ bởi dịch.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh tân bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, mới ngồi ghế trọng nên rất hăng. Ổng tuyên bố trước các quan chức tỉnh “nếu để bất kỳ người dân nào đói trong lúc dịch, tôi sẽ từ chức”. Khí phách phết. Tay Vinh bảo ai cho từ mà từ, có dở tồi kém mấy mà đảng bắt làm cũng cứ phải làm, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Cán bộ xứ này chỉ có quyền vì đảng chứ không được vì dân.
Ngày 4.9
Bạn cũ Vũ Đức Nghiệu từ Hà thành gọi điện vào hỏi thăm, đùa mày còn sống không. Mình kể lúc đầu cũng hoảng, chịu không được, nhưng nay dịch đã căng hơn 2 tháng ròng, chịu riết cũng quen. Nghiệu cười, có khi mày lại mắc bệnh nghiện dịch không chừng.
Trên phây búc kể chuyện một nhà giàu ở khu biệt thự cao cấp quận 2, họ sẵn tiền nên chống dịch nghiêm lắm. Kín cổng cao tường, không cho bất cứ ai vào, đồ vật gì đem tới cũng xịt khử rất kỹ. Đùng một cái, cả nhà dính, dương tính hết. Hóa ra họ có mấy con chó cảnh, tối thả ra ngoài cho đi ỉa, rồi sau đó chủ nhà lại ôm ấp vuốt ve hôn hít chúng, bị luôn.
(Còn tiếp)