Từ ‘cuộc đảo chính ngoại giao’ của Hun Sen đến việc hoãn họp ASEAN: Các thất bại đã được báo trước

Blog VOA

Trần Đông A

15-1-2022

Hun Sen bắt tay tướng Min Aung Hlaing (trái) tại Naypyidaw. (Photo by An Khoun SamAun / National Television of Cambodia (TVK) / AFP)

“Ngoại giao cao bồi” của Hun Sen trên thực tế đã không mang lại sự đồng thuận trong ASEAN về hướng giải quyết cuộc đảo chính phi pháp của tập đoàn quân phiệt Myanmar. Dù trực tiếp gây sức ép hay thông qua “con rối chính trị” của mình, Trung Quốc vẫn chưa thành công trong nỗ lực dùng Campuchia như “con ngựa thành Troy” trong ASEAN.

“Cuộc đảo chính ngoại giao” bất thành

Ngày 12/01/2022 Campuchia buộc phải tuyên bố hoãn cuộc họp ASEAN đầu tiên trong bối cảnh khác biệt giữa các quốc gia thành viên quá lớn. Một phát ngôn viên của chính phủ CPC cho biết, có “khó khăn” đối với các nhà ngoại giao hàng đầu trong khối để tham gia “khóa họp hẹp” dự kiến trước đây vào 18 – 19/01/2022.

Thất bại này đã được giới phân tích dự đoán. Sự chia rẽ trong ASEAN về chuyến đi của Hun Sen tới Naypyidaw và lời mời (do Hun Sen đưa ra) đối với ngoại trưởng Myanmar tham dự họp hẹp là lý do chính yếu, tại sao những người đứng đầu ngoại giao của một số nước trong khối đã chọn không tham dự cuộc hội luận tuần tới.

Theo Giáo sư Sophal Ear, một chuyên gia về CPC tại Đại học Arizona (Mỹ), các quốc gia ASEAN đã nêu ra những khó khăn trong việc đi lại, thay vì nói thẳng rằng họ không muốn đến Siem Reap. “Đây chưa hẳn chính thức là một cuộc tẩy chay, nhưng vài ba ngoại trưởng của một số thành viên ASEAN không ngần ngại nêu ra một số lý do khiến họ không thể tham gia cuộc họp. Đây là quả báo đối với ‘chính sách ngoại giao cao bồi’ của CPC” (It’s karma for Cambodia’s ‘Cowboy Diplomacy’).

Các tướng quân phiệt tiếm quyền Myanmar cho đến nay đã cản trở các nỗ lực của ASEAN và trên thực tế, dư luận thế giới coi chuyến công du tới Naypyidaw của Hun Sen như một “cuộc đảo chính về ngoại giao”. Tức là Thủ tướng CPC muốn đảo ngược cái công thức “10-X” mà ASEAN đã hai lần áp dụng trong năm ngoái.

Những người trung dung có thể cho chuyến thăm là nỗ lực của Hun Sen nhằm gỡ rối các vấn đề phức tạp với cánh đảo chính ở Myanmar. Hun Sen không chỉ đưa ra những bình luận mang tính hòa giải nhằm vào Thống tướng Min Aung Hlaing, mà lợi dụng vị trí chủ tịch của mình, còn bổ nhiệm ngoại trưởng Prak Sokhonn làm “đặc phái viên mới” về Myanmar. Khỏi cần nói, tất cả điều này đã làm dấy lên sự giận dữ từ những người chống đối cuộc đảo chính, những người coi chuyến đi là sự mang lại tính hợp pháp cho chế độ quân phiệt và củng cố vị thế thương lượng của phe đảo chính.

Hun Sen có thể thanh minh rằng, ông chỉ cố gắng thúc đẩy kế hoạch hòa bình của ASEAN với các tướng lĩnh. Bản chất của kế hoạch là sự nhất trí 5 điểm mà chính quyền đã đồng ý vào tháng Tư năm ngoái. Nhưng đồng thuận phải được bắt đầu bằng việc ngừng ngay lập tức bạo lực. Đối thoại phải mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, được thực hiện với sự hòa giải có sự tham gia của đặc phái viên do ASEAN đề cử.

Đáng ra các nhà cầm quân của Myanmar cần nắm bắt cơ hội và thực hiện cam kết của mình để cải thiện các vấn đề cho đất nước. Há dễ mấy ai quên làn sóng truyền thông quốc tế hồi đầu năm ngoái: “Ai đứng đằng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar?” Còn giờ đây, dư luận và giới chuyên gia đang chú mục vào vai trò của Trung Quốc trong các động thái “ngoại giao lobby”, thậm chí gây sức ép để ASEAN chấp thuận cho Thống tướng cầm đầu cuộc chính biến bất hợp pháp Min Aung Hlaing được ngồi vào chiếc ghế của bà Aung San Suu Kyi tại ASEAN.

Hoãn họp ASEAN không chỉ vì Myanmar

Sau khi từ Myanmar về nước, Hun Sen nói rằng các thành viên ASEAN nên tạo ra một nhóm các nhà ngoại giao bao gồm Campuchia, Brunei và Indonesia để tiếp tục thực hiện lệnh ngừng bắn ở Myanmar. Hun Sen nói thêm, Nhật Bản cũng nên tham gia sáng kiến “Những người bạn của Myanmar” do Chủ tịch ASEAN tiền nhiệm Brunei tổ chức, trên cơ sở ủng hộ chuyến đi làm việc của ông với các nhà lãnh đạo quân đội.

Một tờ báo từ Phnom Penh dẫn lời Hun Sen: “Nhật Bản dự định sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho CPC để nước này thành công trong vai trò chủ tịch ASEAN”. Nhưng khác với Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn giữ quan điểm trước đây. Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cho biết, CPC cần thúc đẩy sự đồng thuận 5 điểm đã được nhất trí giữa Myanmar và ASEAN vào năm ngoái, cũng như chuyến thăm chưa được thực hiện giữa “đặc phái viên” do Brunei cử để gặp gỡ tất cả các bên liên quan ở Myanmar.

Kiểu “ngoại giao cao bồi” của Hun Sen là màn khoe mẽ, còn thực chất đó chỉ là trò tung hứng của “con rối trong tay Trung Quốc”, không lừa phỉnh được dư luận CPC, dư luận của chính người dân Myanmar, đặc biệt là của giới quan sát quốc tế.

Trong một tuyên bố của các Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền, một nhóm vận động trong khu vực, khẳng định rằng, Hun Sen đã thể hiện sự coi thường của ông ta đối với “Đồng thuận 5 điểm”. Ông ta sang Naypyidaw mà không cần biết bà Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi và các thành viên nội các hợp pháp bị giam giữ ở đâu, chứ chưa nói tới việc được tiếp xúc như thỏa thuận.

Nhóm này còn mô tả chuyến thăm của Thủ tướng CPC tới Myanmar là “một nỗ lực trơ trẽn và nguy hiểm để giành lấy sáng kiến”. Từ khối Đông Nam Á, nhóm Nghị sĩ viết: “Hai kẻ đảo chính này – Min Aung Hlaing bằng quân sự, còn Hun Sen bằng con đường ngoại giao – đang tiến hành một cuộc đảo chính thứ ba trong ASEAN, có nguy cơ dẫn đến chia rẽ của tổ chức”.

Còn chuyên gia Charles Dunst, thành viên chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, ông Hun Sen tỏ ra “quá tự tin, vì nghĩ ông là một tác nhân vì hòa bình; rất nhiều lần ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm CPC sau chiến tranh liên quan đến lực lượng Khmer đỏ vào cuối thập niên 1990. Liệu ông Hun Sen có sử dụng kinh nghiệm trấn áp xã hội dân sự, giải tán các đảng đối lập ở CPC để ‘thuyết phục và đồng cảm’ với Thống tướng Min Aung Hlang, người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện?”

Không phải lần đầu tiên CPC đơn phương hành động trong khối ASEAN. Khi nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên năm 2012, lần đầu tiên ASEAN đã không ra được Tuyên bố chung tại thượng đỉnh, vì Phnom Penh đứng hẳn về phía Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nhiều nước Đông Nam Á. Một thập niên sau, giờ đây vẫn ông Hun Sen ấy còn hàm ý tố cáo Việt Nam mất dân chủ và không có nhân quyền, nay đang làm suy yếu uy tín của ASEAN sau khi CPC chính thức nhậm chức Chủ tịch.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Trích:
    “Đây là quả báo đối với ‘chính sách ngoại giao cao bồi’ của CPC”

    *Câu trên dịch hay và đúng trăm phần trăm với nguyên văn tiếng Anh;
    tuy nhiên tính hài hước khiến tôi thấy dùng chữ cao bồi là xúc phạm cho những anh Western cowboys hào hùng ở Mỹ. Cowboys Mỹ tôn trọng luật giang hồ: không bắn sau lưng đối thủ; không bắn người không cầm vũ khí (unarmed); không ăn cắp ngựa…

    Hunsen is by no means a Western cowboy!

    *Nên gọi cho chính danh, “Đây là quả báo đối với ‘chính sách ngoại giao làm bồi Tàu cộng’ của Campuchia!”

    Trích:
    “Hun Sen không chỉ đưa ra những bình luận mang tính hòa giải nhằm vào Thống tướng Min Aung Hlaing, mà lợi dụng vị trí chủ tịch của mình, còn bổ nhiệm ngoại trưởng Prak Sokhonn làm “đặc phái viên mới” về Myanmar. Khỏi cần nói, tất cả điều này đã làm dấy lên sự giận dữ từ những người chống đối cuộc đảo chính, những người coi chuyến đi là sự mang lại tính hợp pháp cho chế độ quân phiệt và củng cố vị thế thương lượng của phe đảo chính.”

    *1/ “…đưa ra những bình luận mang tính hòa giải nhằm vào Thống tướng Min Aung Hlaing” là những từ ngữ vô tình tạo ấn tượng tốt cho Hun Sen; nghe tựa như là “Hun Sen đang có thiện chí hàn gắn rạn nứt nội khối, mang lại đoàn kết cho ASEAN ” (!), một hình ảnh rất là xuyên tạc sự thật!
    Nên chăng, câu viết cần lột tả bản chất xảo quyệt hơn…

    “…đưa ra những bình luận xuê xoa nhằm biện hộ cho…”

    2/ “…làm dấy lên sự giận dữ từ những người chống đối cuộc đảo chính…”

    cộng hưởng với hiểu lầm nói trên, câu nầy lại không lột tả được chính nghĩa của sự “chống đối”, khiến gây ngộ nhận dường như có vài quốc gia trong Hiệp hội “vì định kiến với Hun Sen, muốn phá phách”.
    Nên chăng cần củng cố thêm sự thật cho động thái kia:

    “…làm dấy lên sự giận dữ từ đại đa số các thành viên ASEAN vốn chống đối cuộc đảo chính…”

    ***

    Nguyên tắc không can thiệp vào chính trị nội bộ của nhau trong Hiến chương bất cập của ASEAN đã là nhân tố làm suy yếu và tê liệt Hiệp hội (Hh) nầy, làm mất uy tín, vai trò và giá trị thực tiển của Hh.
    Nên chăng cần có một nguyên tắc nhằm mục đích ngăn ngừa sự phóng túng, lạm dụng tính “bất khả can thiệp” là đặc điểm của Hiến chương hiện hành, khiến Hh lâm vào hội chứng kinh niên “thiếu đoàn kết, không thể nhất trí”, khi nó bất lực không thể chế tài được một thành viên nào đó đang chơi trò tay sai, ngựa thành Troie cho những thế lực muốn lũng đoạn Hh.

    Nên có tu chính án cho cương lĩnh Hh, định ra một nguyên tắc biểu quyết theo đa số phù hợp nào đó để nhất trí thông qua những quyết định tối quan trọng, và tuyên bố huỷ bỏ quyền phủ quyết của bất cứ thành viên nào nhằm tê liệt hoá các quyết định đúng đắn của Hh (kiểu bắt chước theo HĐBA LHQ).

    Và cũng nên có luật biểu quyết thông qua bởi đa số nhất định trong thành viên Hh nhằm trục xuất ra khỏi Hh những thành viên tiêu cực không xứng đáng trong sự nghiệp chung của Hh, chẳng hạn thành viên có nội trị vi phạm tội ác chống nhân loại – đảo chánh của giới quân sự tại Myanmar vừa rồi là một thí dụ; phá hoại sự đoàn kết nhất trí của Hh, có vẻ như Campuchia là một đối tượng; hoặc vi phạm trầm trọng Hiến chương Hh gây hệ luỵ tai hại cho uy tín Hh, vv…

    Nếu không có gì đổi mới căn bản vai trò Hh cho tích cực và có ý nghĩa hơn so với lâu nay, hình ảnh của ASEAN có lẽ chỉ là những cuộc họp để cãi cọ nhau không tới đâu;
    hết họp bắt chéo tay nhau…chụp ảnh.

  2. Đừng quên Hun Sen từng là một đồng chí cán bộ Cộng sản Khmer của Polpot.

  3. Phạm Bình Minh có thấy nhục không khi Hun Sen dạy cho Việt Nam 1 bài học về ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh ?

Comments are closed.