Việt – Miên – Lào: Thần thiêng nhờ bộ hạ

Blog VOA

Hoàng Trường

1-10-2021

“Mini cấp cao” Việt – Miên – Lào diễn ra hôm Chủ nhật 26/9, theo yêu cầu của Hà Nội. Sự kiện này rất đáng được phân tích, tuy nó bị nhấn chìm bởi cao trào “chọc ngoáy mũi dân” đang lan rộng và do sự ra đời của liên minh AUKUS gần đây.

Như thường lệ, bạn đọc sẽ không tìm thấy bất cứ một “bít” thông tin nào từ truyền thông nhà nước. Giữa mùa Virus Covid bung nở, đọc tin trên các báo Việt Nam, người ngây thơ có thể trộm nghĩ, mấy ông lãnh đạo không có việc gì làm, rủ nhau sang Hà Nội thưởng lãm trà Việt chắc? Dẫu cả ba nhà lãnh đạo: Chủ tịch Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều biết trà Việt không thể sánh được với trà Trung Quốc (Nguyên văn lời ông Trọng nói với ông Tập hồi nào). Báo chí và các trang mạng quốc doanh nhất loạt đưa tin cùng một nội dung y chang, tất nhiên không đề cập đến vụ “trà đạo”. Điều lạ lẫm là ngay cả trong những report từ các bỉnh bút cũng hiếm những nhát cắt “sát ván”.

“Thần thiêng nhờ bộ hạ” trong văn cảnh này có hai nghĩa. Thứ nhất, ông Nguyễn Phú Trọng quyền lực ngút trời – ba nhiệm kỳ Tổng bí thư và củi khô củi tươi ông đều đốt thành than hết…, lại vừa được bảo lãnh trực tiếp bởi “Sếp Nhớn” là Tập Chủ tịch – mà không gọi được “hai ông em” sang nhà để truyền lệnh, thì cũng chưa thể gọi là “lên đỉnh”. Nhưng nghĩa thứ hai còn quan trọng hơn nhiều. “Sếp Nhớn” Tập được Hiến pháp Trung Quốc bảo lãnh làm Chủ tịch suốt đời thì “oách hơn xà-lách”, mà lại không được “ba ông em” dưới Miệt vườn tiền hô hậu ủng thì Tập Hoàng đế cũng chưa phỉ chí tang bồng. Phản ứng dây chuyền ở đây rất dễ nhận ra. Sáng ngày 24/9, từ Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình có lẽ là bên chủ động, đã gọi điện cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì lập tức chỉ sau đó một ngày, sáng 26/9 “Mini cấp cao” gấp rút được/bị triệu tập. Căn cứ tình trạng sức khoẻ ông Trọng, độc giả khó tính nhất chắc cũng đồng ý, ông Trọng cho gọi “hai ông em”. Cuộc “truyền chỉ” thật cấp bách và bất thường.

Tại sao lại cấp bách? Bởi vì tình hình Đông Dương gấp gáp lắm rồi! Cuộc họp của các “nguyên thủ đảng” vào ngày Chủ nhật trước hết phản ánh nỗ lực của Việt Nam nhằm thay đổi tư duy và củng cố các mối quan hệ lâu đời của Việt Nam với Lào và Campuchia vào thời điểm đế chế Trung Hoa đang trỗi dậy. Việc trỗi dậy không mấy hoà bình của Trung Quốc cộng với việc bao năm nay họ gậm nhấm và lấn sâu vào hai sân sau của Việt Nam là căn nguyên của những va đập ngày càng tăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Cuộc họp bất thường của những người đứng đầu mỗi đảng nói lên mối quan ngại đang gia tăng ở Hà Nội rằng, “hai ông em” của họ đang bị thu hút từ từ vào quỹ đạo ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Lào và Campuchia đã trở thành những thỏi nam châm cực mạnh hút vốn và doanh nhân Trung Quốc ở các mức độ khác nhau. Chính giới doanh nhân này đã thiết lập mối quan hệ gắn bó với giới tinh hoa cầm quyền tương ứng của hai nước. Điều này đã được thể hiện rõ ràng bởi mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, vốn đã dành cho Campuchia và Lào những khoản tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng “không ràng buộc”.

Bên cạnh lý do cấp bách, ĐCSVN còn nhận ra một thực tế bất thường khác. Lào và Campuchia đang áp dụng rất tốt bài học “đu dây” của ban lãnh đạo Việt Nam. Chỉ khác nhau ở chỗ trong khi Việt Nam “đu” giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Lào/Campuchia lại “đu” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây có sự khác nhau cơ bản giữa Lào và Campuchia đối với Hà Nội. Nước Lào của Kaysone Phomvihane thuở nào, những năm 90 thế kỷ trước, từng là bên “dẫn lối đưa đường” cho Lê Đức Anh đến với “Mật ước Thành Đô” (3 – 4/ 9/1990). Nước Lào của Thongloun ngày nay thực lòng muốn bang giao Việt – Trung được cải thiện, đơn giản là để khỏi phải giữ thăng bằng giữa “hai ông anh lớn”. Nhưng Campuchia của Hun Sen thì không đơn giản như vậy! Hun Sen không muốn cạnh tranh với bất cứ ai và e ngại mình sẽ mất giá trong con mắt Bắc Kinh một khi quan hệ Việt – Trung được cải thiện. Vì thế, Hun Sen hành động rất mau lẹ để cho hoàn tất các căn cứ quân sự Trung Quốc, cả bí mật lẫn công khai, trên đất Chùa Tháp.

Một thực tế đau đầu khác đang đến từ từ là sang năm 2022, Campuchia sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên hàng năm của ASEAN. Rất nhiều quan ngại được dấy lên, Phnom Penh có thể sử dụng vị trí này để phục vụ lợi ích của Bắc Kinh. Việt Nam và một số nước tích cực trong ASEAN đặc biệt lo lắng trước viễn cảnh này, nhất là khi có tin đa số thành viên Hiệp hội dường như đã đồng ý với Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với Bắc Kinh, liên quan đến Biển Đông. Nếu Phnom Penh đặt lợi ích của Bắc Kinh lên trên lợi ích của các nước láng giềng ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, thì điều đó có thể làm thay đổi đáng kể động lực của các tranh chấp trên biển. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp với Vương Nghị ngày 12/9, Hun Sen đã cam kết Phnom Penh sẽ cùng với Bắc Kinh “ngăn chặn, không cho các thế lực bên ngoài làm gián đoạn công việc nội bộ của khu vực” và Campuchia sẽ tiếp tục “kiên định ủng hộ lập trường chính đáng của Trung Quốc” trên những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Chính điều này dẫn tới khả năng các nước ASEAN tại khu vực biển Đông sẽ bị thiệt hại nặng nề, nếu nhượng bộ trước Trung Quốc và Campuchia.

Để giữ chân “hai ông em”, Việt Nam cũng đã cố gắng chi tiền bạc. Từ năm 2016 đến năm 2020, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Lào và vốn đầu tư của Hà Nội đã tăng lên 130% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu chính thức. Thương mại song phương giữa hai nước láng giềng này đạt giá trị 570 triệu Mỹ kim trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam cũng là nhà đầu tư quan trọng ở Campuchia, với kim ngạch thương mại song phương đạt 6 tỷ đô trong 7 tháng đầu năm 2021, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết: “Vì ba nước đều quan trọng đối với nhau, nên sự phối hợp chặt chẽ của họ trong các vấn đề khác nhau, đặc biệt là hợp tác kinh tế, là điều cần thiết cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của mỗi nước”. Tuy nhiên, “con voi ở trong phòng” (elephant in the room) thì không phải lúc nào cũng được nói tới, đó chính là Trung Quốc.

Trên thực tế, từ giữa thập niên 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất ở cả Campuchia và Lào, đồng thời là một đồng minh chính trị ngày càng quan trọng của hai nước này. Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng khoảng 16 tỷ đô la vào Lào kể từ năm 1989, theo một tuyên bố gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào. Các dự án “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) của Trung Quốc tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng chỉ ở mức độ có thể kiểm soát được. Các dự án BRI trọng điểm ở Campuchia, đặc biệt là đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, các sân bay quốc tế mới ở Siem Reap, Phnom Penh và Lào, đặc biệt là đường cao tốc dự án đường sắt tiếp tục giữ được tiến độ. Dòng đầu tư tiếp tục của Trung Quốc và mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc với Lào và Campuchia sẽ mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, định hình một trật tự kinh tế với Trung Quốc là trung tâm.

Ngoài ra, các nhà chức trách Việt Nam ngày càng lo ngại về những diễn biến trên các đoạn sông Mekong chung của Trung Quốc và Lào, đặc biệt là khi việc xây đập quy mô lớn ở thượng nguồn, gây ra những rủi ro tiềm tàng đối với các ngành công nghiệp ven sông của Việt Nam. Hạn hán đang trở nên phổ biến hơn và người ta lo ngại rằng, việc Lào và Trung Quốc xây dựng hàng trăm đập thủy điện có thể hủy hoại ngành đánh cá của Việt Nam, cũng như tàn phá ngành nông nghiệp của nước này. Nhưng Việt Nam và Thái Lan, một đồng minh lịch sử khác của Lào, cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được chính quyền Viêng Chăn xem xét lại tác động của Lào đối với sông Mekong. Các nhà phân tích cho rằng, Hà Nội có thể sớm mất toàn bộ ảnh hưởng ở Viêng Chăn, vì Bắc Kinh không chỉ trở thành đối tác tin cậy nhất của Lào, mà các công ty Trung Quốc còn chính thức phụ trách các tài sản chiến lược của đất nước này.

TS. Lê Hồng Hiệp được trích dẫn tiếp: “Đối với Việt Nam, các cuộc gặp ba bên là một cơ chế quan trọng để gắn kết hai nước láng giềng và duy trì ảnh hưởng truyền thống của Việt Nam đối với họ”. Nhưng TS. Hiệp băn khoăn: “Liệu Việt Nam có thể thành công trong nỗ lực này hay không, vẫn còn phải xem xét. Bởi vì, các nhà lãnh đạo Campuchia và Lào rất thực dụng”. Theo các phân tích trên Tạp chí “Asia Times”, Việt Nam hiểu rõ những hạn chế của mình, nên không tìm cách gây áp lực, buộc Campuchia và Lào phải lựa chọn bên nào. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam ngày này vẫn loay hoay tìm lời giải cho nan đề, nếu không còn bộ hạ thì “thần” Miệt vườn Nguyễn Phú Trọng làm thế nào có được chất thiêng như thuở “đoàn kết Đông Dương là quy luật thép” của cách mạng mỗi nước?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.