28-8-2021
BIẾN THẤT BẠI TẬP THỂ THÀNH LỖI LẦM ĐỊA PHƯƠNG
Nhiều “mũi dùi” hiện nay nhắm trực diện vào chính quyền địa phương với hàng loạt các chức danh lãnh đạo thành phố bị thay thế, trong khi chức danh phường xã thì bị chấn chỉnh bởi cấp trên và bị chửi bới bởi người dân. Điều này được phản ánh thêm phần nào trong các chiến dịch tuyên truyền về quân đội, lẫn quá trình vi hành của Thủ tướng vào trung tâm dịch.
Mình xin chỉ ra vài góc nhìn để bạn đọc có thể suy nghĩ thêm về vai trò và trách nhiệm giữa bài toán Trung ương và Địa phương hiện nay:
1) “MỤC TIÊU KÉP”
Yêu cầu bắt buộc thành phố Hồ Chí Minh phải đạt chỉ tiêu kép (vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế) là của Trung ương, không phải của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Cho đến tận giữa tháng 7 năm nay, trong thời điểm các nhà nghiên cứu đều biết dịch đã mất kiểm soát tại trung tâm kinh tế của cả nước, phía Chính phủ và các cơ quan trung ương vẫn nhất quyết không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, hay chấp nhận cho các đầu tài kinh tế Đông Nam Bộ giảm thu ngân sách hay giảm chỉ tiêu…
Điều này chắc chắn có những tác động tiêu cực đến tâm lý và chính sách chống dịch của chính quyền địa phương.
Nguồn: [https://dangcongsan.vn/thoi-su/kien-quyet-kien-tri-thuc-hien-thanh-cong-muc-tieu-kep-585445.html]
2) TÍNH TRÌNH DIỄN CỦA VIỆC ĐƯA QUÂN ĐỘI VÀO “CAN THIỆP”
Các phường xã và ban ngành tại thành phố Hồ Chí Minh ai cũng biết là việc đưa quân đội vào thành phố Hồ Chí Minh để lo cho việc phân phối thực phẩm sẽ không thành công, hay chí ít, không tạo nên giá trị đột phá nào cho chuỗi cung ứng ngành hàng bán lẻ của thành phố.
Thất bại ra sao thì có lẽ không phải do mình tự nhận định, mà thể hiện trên báo chí chính thống lẫn nỗ lực lập thêm một đội “shipper tình nguyện” khác của thành phố.
Theo nhiều ghi nhận từ các cán bộ địa phương, mỗi phường chỉ được tăng cường thêm chừng… 10 quân nhân. Điều này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ các tác vụ quan trọng nhất như tiếp nhận đơn từ phía dân cư, mua hàng hóa, sắp xếp kế hoạch phân bổ hàng hóa… đều do hệ thống cán bộ địa phương tiếp tục tự lo liệu.
Phần việc “lộ thiên”, dễ nhìn thấy, dễ chụp ảnh, dễ lấy cảm tình quần chúng, bao gồm vận chuyển tới nhà dân và phân phát, thì lại do quân nhân đảm nhiệm (thậm chí cả việc này cũng cần đến các cán bộ thổ địa dẫn đường, hướng dẫn giao cho hộ nào).
Cùng với rất nhiều các trách nhiệm khác của hệ thống địa phương, từ tiếp tục rà soát và quản lý các điểm có ghi nhận dịch bệnh, COVID-testing, Oxi ATM … sự xuất hiện của quân đội tại thành phố Hồ Chí Minh không tạo nên giá trị nào đáng kể cho quá trình chống dịch ngoài giá trị tuyên truyền (mà mình thừa nhận là cực kỳ thành công với các chị em xiêm áo sẵn sàng lấy chồng / cùng với các câu chuyện “dễ thương” như quân nhân chụp ảnh trước các sản phẩm băng vệ sinh).
Ngoài ra, việc phân bổ quân nhân cũng ít có tính toán đến tính chất dân cư và phổ dân cư của thành phố. Phường Nguyễn Thái Bình hay phường Bến Thành, vốn ít người ở và nhiều trụ sở làm việc, lại nhận số lượng quân nhân không quá khác biệt với những phường thuộc các quận rất đông dân cư khó khăn như Bình Tân hay Quận 8…
Sau chỉ ba ngày, hiệu quả và bản chất thật sự của quá trình can thiệp có thể đã rõ ràng, mà cả bộ máy chính quyền lẫn người dân thành phố Hồ Chí Minh đều có thể cảm nhận được.
Quá trình tuyên truyền có lẽ tạo thêm tính chính danh và lòng tin cho chính quyền trung ương, nhưng rõ ràng nó không giảm tải được công việc cho hệ thống chính trị cơ sở.
Đấy là chưa xét đến thực tế rất nhiều cán bộ địa phương bị huy động vào hàng loạt các chiến dịch chống dịch từ A đến Z mà không hề biết rằng chế độ hỗ trợ cho họ là ra sao.
3) “VI HÀNH”
Hình ảnh vi hành của Thủ tướng Chính phủ đến một số nhà dân kiểm tra, rồi “phát hiện” sự chậm trễ của hệ thống đường dây nóng, rồi tổng đài 1022 đều quá tải… khiến ông nhanh chóng chỉ điểm trách nhiệm của… chủ tịch phường rằng tại sao không thông tin sâu sát đến người dân (?!).
[Nguồn: https://vnexpress.net/thu-tuong-kiem-tra-duong-day-nong-o-khu-dan-cu-4347054.html]
Hình ảnh này mình thừa nhận là cần thiết về mặt an dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhưng chỉ điểm lỗi của hệ thống đường dây nóng là lỗi địa phương có hợp lý hay không?
Thử tìm kiếm trên hệ thống văn bản pháp luật lẫn văn bản quản lý hành chính trên các hệ thống hiện nay với từ khóa “Đường dây nóng” + “COVID”, toàn bộ các văn bản mà mình có thể tiếp cận đều là văn bản do UBND các địa phương tự ban hành. Không hề có một nỗ lực lập pháp nào từ Trung ương về đường dây nóng của COVID.
Nói cách khác, các đường dây nóng cấp phường, cấp huyện, cấp tỉnh… đều là các nỗ lực hành chính địa phương mà không có một khung pháp lý tiêu chuẩn, cũng như chế độ chi phí, ngân sách nào cụ thể để họ hoạt động, và quan trọng hơn là mở rộng hoạt động ra sao.
P.S: Mình đồng tình với luận điểm là thời gian chống dịch thì cần phải tập trung, phải thống nhất. Nhưng khi các chính sách thống nhất không nhắm đến giải quyết vấn đề, mà lại có tính đổ lỗi, tính phân biệt ranh giới, và không thừa nhận thất bại chung, vài tiếng nói cần được cất lên.
Tội này, tội cả triều đình
Cớ sao đổ tội một mình thằng dân ?
Đơn giản là vì csvn chỉ là một lủ lưu manh, vô học, làm tay sai cho ngoại bang nên nó vậy.